TTCT - Đường Hồ Chí Minh đoạn ngang qua hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam là cung đường cực kỳ hiểm trở và cũng rất ngoạn mục với hàng trăm cây số xuyên núi cao dốc dựng liền nhau. Nhiều địa danh nổi tiếng ở đây đều bắt đầu với chữ A. Phóng to Một trong vô số đoạn quanh ấn tượng trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua các xã A Vương, Bhalêê, huyện Tây Giang, Quảng Nam - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ A Lưới, A Sầu, A Bia, A Co... là những vùng “đất lửa” từng tốn nhiều giấy mực của báo chí trong và ngoài nước những năm chiến tranh. Nhưng ngày nay vùng đất này gợi lên sự bình yên, tươi tắn của một cõi đại ngàn thoáng đạt được kết nối với nhiều nơi. Ngỡ ngàng A Lưới “A là một tiếng đệm để ghép chung với một từ khác, tự nó không có nghĩa gì. Người Cơ Tu, Pa Kô và Tà Ôi dùng chữ này để chỉ người như a ma là cha, a mế là mẹ, a bhươt là ông, a dếch là bà... cũng như để chỉ con vật như a óoc là con heo, a tông là chồn bay...” - ông Arắt Hơn, biên dịch viên tiếng Cơ Tu của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, giải thích.Từ TP Huế, theo quốc lộ 49 chỉ hơn hai giờ đi xe máy là đã đến A Lưới. Trên chặng đường dài 63km, quốc lộ 49 có ba con đèo Kim Quy, Tà Lương và A Co, trong đó đáng nói vẫn là A Co. Dài 15km, A Co hiểm trở và ấn tượng chẳng kém đèo Hải Vân bởi vô số đoạn cong “cùi chỏ”, từ đầu đèo (xã Hồng Hạ) đến cuối đèo (Hồng Thượng) chỉ có lên dốc chứ không xuống. Qua hết đèo A Co, thung lũng A Lưới khiến người mới đến ngỡ ngàng bởi cái mênh mông, bằng phẳng giữa bốn bề núi cao. Đi hết đèo A Co cũng là chấm dứt những con dốc cao của cung đường Hồ Chí Minh từ A Tép (Quảng Nam) đến A Roàng (Thừa Thiên - Huế). “Trước đây A Lưới là tên gọi của vùng đất nay là thị trấn A Lưới. Chỗ lính Mỹ đóng đồn A Lưới nay là nền Trường tiểu học số 1. Đây là một đồn lớn, có sân bay cho máy bay có cánh đậu. Năm 1976, A Lưới được lấy đặt tên huyện” - ông Lê Phúc Tài, 70 tuổi, một người Kinh từ miền xuôi Quảng Điền đến công tác và sống ở A Lưới gần 50 năm, giải thích. Như một bình nguyên hẹp với những quả đồi hình bát úp chạy dài giữa hai bên núi cao - hướng đông dẫn về đồng bằng, hướng tây dẫn về phía biên giới Lào, A Lưới có vị trí chiến lược trong chiến tranh. Ông Hồ Thanh Xoa, 74 tuổi, cán bộ hưu trí người Tà Ôi, hiện ở xã A Ngo, nhớ lại: “Năm 1959 lính ở đồn A Lưới đã bắt dân vùng này làm đường 12 xuống Huế, rồi sau đó làm đường lên đồn A Sho. Người bị bắt đi làm đông lắm, khoảng 200 người. Tui cũng nằm trong số đó”. Nhìn thung lũng bao la với con đường nhựa tít tắp, hai bên là làng mạc thanh bình và phố thị tươi vui, không ai nghĩ đây từng là vùng đất máu lửa. “Hồi đó đồn Mỹ đóng dày ở đất A Lưới. Ngoài đồn A Lưới còn có các đồn A Sho, A Co, A Char và nhiều đồn nhỏ. Đồn A Sho bị đánh bật hồi năm 1966, còn đồn A Bia với mấy đồn khác thì dằng dai đến năm 1969, 1970 Mỹ mới chịu rút” - ông Xoa kể. Những lời vắn tắt này gợi nhớ những tên gọi “đồi Thịt Băm”, “suối Máu”, “đèo Mẹ Ơi” mà lính Mỹ và báo chí thời đó đã đặt để chỉ những trận đánh kinh hoàng ở A Lưới, đã tác động mạnh đến cả nghị trường lẫn dư luận Mỹ, góp phần vào việc sớm ký kết hiệp định hòa bình Paris. Phóng to Xà lách xoong hái ở khe suối là rau đặc sản của vùng A Lưới, thường được người dân mang bán bên đường thị trấn A Lưới - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ Xanh một vùng biên Cũng như ở các vùng biên ải phía tây khác, sớm mai A Lưới luôn dày sương và se lạnh. Đó chính là nét duyên của rừng xanh A Lưới và “cũng nhờ rứa mà cái rừng cái núi ở đây được xanh được tốt khi ông trời đổ nắng xuống, cái rau cái trái mình có được cũng nhờ cái sương mù, cái lạnh ni đó”, theo giải thích của những người Tà Ôi, Pa Kô, Cơ Tu ở các xã quanh thị trấn lúc mờ sương đã gùi, gánh rau quả đến chợ bán. A Lưới nay dày “đường xương cá” nối các xã với thị trấn huyện lỵ trên đường Hồ Chí Minh dẫn đến quốc lộ 9 để lên cửa khẩu Lao Bảo hoặc xuống TP Đông Hà của Quảng Trị. Những con đường phẳng phiu dưới bóng núi ngút xanh là niềm vui của cư dân, góp phần xóa lấp dần nỗi kham khổ của cuộc sống giữa rừng núi biên khu. Đứng trước những đồng lúa trải dọc bên đường khiến thung lũng A Lưới thêm mượt mà, lão làng Lê Phúc Tài đưa tay khoát một đường vòng theo hướng tây nói về việc khai mở vùng đất năm xưa: “Thấy đất ở đây rộng, sau hòa bình người Kinh ở các huyện Quảng Điền, Hương Thủy, Phú Vang... rủ nhau lên đây lập nghiệp. Gian khổ lắm nhưng vì ở quê cũ đất thiếu người thừa nên ai cũng cố trụ lại”. Và chính lớp di dân kinh tế mới này đã góp phần làm xuất hiện những cánh đồng lúa nước với cả ngàn hecta dưới bóng Trường Sơn. Khai vỡ đất đai A Lưới còn là kỳ tích vì nó không chỉ là chinh phục thiên nhiên. “Thời vỡ hoang ruộng đất ở đây, cứ một toán thanh niên xung phong thì có một toán bộ đội rà gỡ bom mìn đi trước. Nói thật, khắp Thừa Thiên - Huế không đâu hứng bom đạn nhiều như ở vùng A Lưới ni” - ông Xoa nhắc lại. Chính vì A Lưới đậm dấu lửa binh như thế nên ai đến đây cũng ngỡ ngàng trước đổi thay. Ở các xã Hồng Quảng, Nhâm kề bên đồn biên phòng, tôi đã căng mắt nhìn những vườn cà phê xanh ngát. Đến A Roàng, Hương Nguyên, Hồng Hạ, tôi lại bị níu chân trước những vùng cao su đang mùa thay lá. Những cư dân Cơ Tu, Pa Kô, Tà Ôi vốn chỉ quen với cái a vinh - chiếc rựa, công cụ duy nhất của “nền kinh tế” phát - đốt - chọc - tỉa giữa Trường Sơn - giờ có người đã thành chủ vườn, chủ trại. Phóng to Một góc làng Voòng ở xã biên giới Tr’Hy, huyện Tây Giang. Ngôi nhà tranh phía trước là gươl - đình làng của người Cơ Tu - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ Những chuyện lạ của rừng Qua đoạn đường Hồ Chí Minh bằng phẳng chừng 20km từ A Lưới về hướng nam là đến hầm chui A Roàng, từ đây bắt đầu tiến đến những “cổng trời” trên cung đường dài hơn 60km dẫn tới “cửa khẩu” A Tép, nơi tiếp giáp giữa Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam trên dãy Trường Sơn. Thật thích thú khi giữa buổi sớm mai bắt gặp ánh mặt trời chiếu qua những quãng đường ngắn không bị núi cao che chắn. Nhưng phấn chấn hơn cả là khi vượt hết A Tép, đến A Zich bắt gặp những nóc làng đầu tiên của cư dân xã Bhalêê, huyện Tây Giang (Quảng Nam). Những dãy núi ở đây có độ cao trên 1.500m luôn rợp mây mù. Sông A Vương bắt nguồn từ vùng núi cao giáp Lào của xã Tr’Hy rồi chảy xuống các xã Lăng, A Tiêng, A Vương của Tây Giang, từ đó lại ngang qua thị trấn P’Rao cùng các xã của huyện Đông Giang. Từ cầu A Vương, tôi theo đường nhựa mới mở tìm đến phía thượng nguồn - nơi “có nhiều chuyện lạ của rừng”, theo lời nhiều người. Chuyện lạ đầu tiên tôi nghe được là việc mở đường của ông Cơlâu Bhlao. Là vùng núi cao vô cùng hiểm trở, nỗi khổ truyền đời của cư dân Cơ Tu là con đường đi mua hàng nhu yếu, họ phải ngủ lại rừng 4-5 đêm trên hành trình đến P’Rao mua hàng về. Năm 1982, Bhlao đã một mình bốn tháng ròng tìm kiếm và mở ra con đường ngắn nhất để đến thị trấn này. Không bản đồ, la bàn, chỉ bằng trí thông minh của một chàng trai vùng cao cùng với chiếc rựa và cuốc chim, Bhlao đã làm được việc hệt như một chuyên gia mở đường với sự hỗ trợ của thiết bị kỹ thuật. Và Bhlao đã thành công trong nỗi vui tràn ngập của dân làng: con đường từ A Tiêng lên khu 7 (gồm các xã Tr’Hy, A Xan, Ga Ry, Ch’Ơm) nay được xây dựng ngay trên nền đường do Bhlao khai mở! Vùng biên cương khu 7 của Tây Giang mát hơn vùng biên A Lưới. Cây sâm Ngọc Linh ở vùng rừng có độ cao trung bình trên 1.500m và nhiệt độ giữa mùa hè khoảng 200C được di thực đến trồng dưới tán rừng nguyên sinh ở một số nơi đã đạt những kết quả bước đầu. Đây cũng là một chuyện lạ nơi chót vót núi cao bên cạnh việc cây sâm ba kích - sâm bản địa của khu 7 - được khai thác và bán giá khá đắt. Nhưng ấn tượng với tôi hơn vẫn là những bản làng mới bên con đường mới. Bên những khu đất lớn được san ủi, những ngôi nhà mái tôn đứng bên nhau trông thật tươm tất. “Hồi xưa sống giữa rừng rậm núi vắng nên mình phải làm nhà sàn để tránh con thú làm hại. Chừ ở chỗ đất trống bên con đường lớn, làm cái nhà như của người miền xuôi thấy nó tiện hơn” - một dân làng nói. Tiếc ngôi nhà sàn của vùng cao thưa vắng, nhưng nhìn bản làng với những mái nhà tươi tắn quây bên con đường, dưới bóng núi ngút ngàn, tôi thấy rừng sâu như bớt thẳm. Tags: Đường Hồ Chí MinhVùng AĐịa danh nổi tiếngA Lưới
Pháp luật tạo hành lang phát triển công nghệ Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 02/01/2025 1491 từ
Hợp long cầu Đại Ngãi 2, rút ngắn 80 km đi từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TP.HCM KHẮC TÂM 05/01/2025 Ngày 5-1, Ban Quản lý dự án 85 tổ chức lễ hợp long cầu Đại Ngãi 2 nối liền huyện Cù Lao Dung với huyện Long Phú (Sóc Trăng).
TP.HCM và Nam Bộ sắp mát mẻ, se lạnh LÊ PHAN 05/01/2025 Thời tiết Nam Bộ sắp có một đợt nhiệt độ giảm mạnh, không khí sẽ mát mẻ, se lạnh như đợt trước Giáng sinh.
Người thân các tuyển thủ có mặt tại Thái Lan tiếp sức đội tuyển Việt Nam NGUYỄN KHÁNH 05/01/2025 Mẹ và nhiều người thân các tuyển thủ Việt Nam đã có mặt tại Thái Lan để tiếp sức thầy trò HLV Kim Sang Sik.
Trung vệ nhập tịch tuyển Thái Lan: Chúng tôi sẽ đánh bại Việt Nam và lên ngôi vô địch THANH ĐỊNH 05/01/2025 Trung vệ gốc Đan Mạch Jonathan Khemdee phát biểu rằng sẽ chú ý cả tuyển Việt Nam, thay vì chỉ tập trung vào cá nhân cụ thể nào. Anh tin Thái Lan sẽ đánh bại Việt Nam để lên ngôi vô địch ASEAN Cup 2024.