TTCT - “Xem bóng đá, hay viết bóng đá, có hai cách tiếp cận mà tôi, ngoài 30 tuổi, đã nhìn nhận rất rõ khoảng cách thế hệ: Những người trẻ lý trí hơn nhấn mạnh đến thống kê và khoa học, còn thế hệ 7X-8X tiếp cận dựa trên cảm xúc nhiều hơn”. Khán giả sẽ phải làm quen với việc công nghệ là một phần cơ hữu của cuộc chơi. Ảnh: Sporst Illustrated Đó là chia sẻ trên Facebook của một đồng nghiệp, một cây bút thể thao từng rất nhiều người đọc, mà vì lẽ gì đó tôi không biết, gần đây không viết nữa. Có thể anh chuyển hẳn sang công tác tổ chức nội dung nên chẳng còn thời gian cho ngòi bút nữa? Cũng có khi anh đã bắt đầu vô cảm, ở ngay kỳ World Cup đang bị coi là thiếu cảm xúc nhất này, khi bóng đá bắt đầu khô khan như trí tuệ nhân tạo? Khi dòng trạng thái ấy được đăng tải cũng là lúc Argentina vừa thua sấp mặt 0-3 trước Croatia và phải đợi tin mừng từ Nigeria, ngõ hầu mong lượt đấu cuối chính họ phải vượt qua ân nhân ấy mới có vé vào vòng trong. Đính kèm dòng trạng thái là đường dẫn một bài viết về Lionel Messi, thiên tài được kỳ vọng số 1 ở nhiều kỳ World Cup gần đây. Ồ, nếu không phải là xúc cảm, liệu có dòng trạng thái ấy không nhỉ? Tôi tự hỏi thế. Ít ra, kỳ vọng Messi vô địch thế giới lần đầu tiên (và cũng có thể là duy nhất) trong sự nghiệp chẳng phải là nguồn cảm hứng với những người yêu Argentina hay sao? Và khi kỳ vọng ấy sụp đổ, nỗi buồn của một kẻ thất bại vĩ đại như Messi chẳng phải cũng là cảm hứng sao? Tôi từng mang cảm hứng ấy về World Cup với Michel Platini. Có những người anh lớn hơn tôi từng mang cảm hứng tương tự với Johan Cruyff xa xưa. Cảm hứng, nhiều khi đến từ chính một thất bại như một đại tự sự. “World Cup năm nay nhạt nhẽo quá. Hay tại anh em mình già mất rồi” - một đồng nghiệp khác cũng nhắn tin cho tôi như thế, đúng vào buổi tối mà phải đến 6 phút bù giờ Brazil mới vượt qua được Costa Rica với tỉ số 2-0. Trận cầu nghẹt thở và trớ trêu, bàn thắng phút giây sau chót của Neymar đã khiến siêu sao 222 triệu euro rơi nước mắt. Nhưng nó chỉ là xúc cảm của riêng Neymar chứ khó lòng tạo nên xúc cảm cho khách quan. Nó không phải nước mắt của một cầu thủ CHDCND Triều Tiên khi chào cờ ở World Cup 2010. Cầu thủ ấy là Jong Tae Se, một người Nhật gốc Triều Tiên, cha mẹ mang quốc tịch Hàn Quốc. Anh sinh ra lớn lên ở Nhật, chơi bóng đá ở Nhật nhưng vì mẹ anh luôn coi mình là người Triều Tiên nên gửi anh vào trường nội trú cho công dân Triều Tiên ở Nhật. Từ đó, anh chọn lựa màu áo đội tuyển quốc gia là Triều Tiên, được người Triều Tiên gọi là “Rooney quốc dân”. Nước mắt một vận động viên đại diện cho bi kịch chia cắt của một dân tộc như thế tạo nên cảm hứng rất nhiều vì lẩn khuất trong nó là những hoàn cảnh tương đồng đã và đang xảy ra từ giữa thế kỷ bạo tàn trước. Câu chuyện nhập cư là câu chuyện thời đại, rất chung với những gì diễn ra hôm qua, hôm nay, và ngày mai. Và khi bóng đá, với bối cảnh phía sau là những câu chuyện chung như thế, chắc chắn nó rung được sợi dây xúc cảm trong mỗi người. Sẽ nhiều người tiếc thời cũ, với những câu chuyện được tô vẽ thêm nhuốm màu sử thi và thấy mình xa lạ khi quay lại nhìn World Cup hôm nay, khi tất cả đều được gắn với những con số vô cảm như chạy bao nhiêu kilômet/trận, dứt điểm bao nhiêu cú, tỉ lệ trúng đích bao nhiêu phần trăm... Nhưng tôi lại nghĩ khác. Với tôi, khi Brazil lẽ ra được hưởng quả penalty trước Costa Rica nhưng lại bị tước mất cơ hội ấy chỉ vì công nghệ trợ lý trọng tài video (VAR), tôi lại cảm thấy đó chính là nguồn cảm xúc mới, một dạng cảm xúc rất hợp thời. Đã có những quả phạt penalty được trao cho một đội bóng sau khi trọng tài dừng trận đấu và tham khảo VAR. Ban đầu, người ta kêu than, cho rằng nó lý tính quá và làm mất đi cảm tính rất con người của bóng đá. Nhưng có ai nghĩ đến những bi kịch từng xảy ra với những đội bóng chơi hay hơn, đẹp hơn, hiệu quả hơn rồi thua cuộc chỉ vì cái cảm tính rất “vô cảm” của trọng tài? Thực ra, sai lầm mang cảm tính con người của trọng tài mới là thứ lý tính giả lập cho ra vẻ máy móc nhất nhưng thờ ơ và lãnh cảm nhất. Có ai chịu hiểu rằng nhiều khi chỉ một bàn thắng bị tước đoạt, hay một bàn thua oan ức thôi, sẽ bắt một đội bóng trả giá bằng cả thành tích cuối cùng mà họ kỳ vọng. Đặc biệt bi kịch hơn nếu đội bóng ấy là điểm tới hạn của một thế hệ vàng được kỳ vọng lâu năm, như thế hệ của Messi. Vậy thì VAR, với thứ lý tính máy móc của nó, đã trả lại cho bóng đá một thứ, dù tương đối thôi, là sự công bằng. Mà trong thời đại công nghệ đang làm thay đổi các mối quan hệ xã hội và thách thức những rào cản xưa cũ một cách mạnh mẽ như thời đại này thì nhu cầu được đối xử tiệm cận với công bằng nhất, hợp với lý lẽ nhất, chẳng phải là một khát vọng đầy cảm hứng hay sao? Tiếng Latin có câu “Fiat justitia ruat caelum” (“Công lý phải được thực thi, dù thiên đường có sụp đổ”). Vâng, thiên đường về một thứ bóng đá đẹp như mơ của ngày xưa phải sụp đổ đi nữa thì công lý phải được thực thi bởi không thể vì một sai lầm có thể sửa chữa của người cầm cân nảy mực mà cả một thế hệ bóng đá phải oan ức trắng tay. Tôi cũng rất thích một tuyên ngôn của Lord Mansfield, chánh án tối cao pháp viện Vương quốc Anh hồi thế kỷ 18: “Luật pháp là để diễn giải thấu đáo, chứ không chỉ để thực thi đơn thuần”. VAR đã giúp cho luật bóng đá được diễn giải thấu đáo với trọng tài và bởi trọng tài, chứ không chỉ là một công cụ phán xử thuần túy như nó đã từng. Trên hết, với VAR, bóng đá vẫn chẳng mất đi tính người. VAR không máy móc đơn thuần như những mắt thần chỉ vô tư soi chiếu. Nó còn nằm dưới quyền của trọng tài và một khi trọng tài từ chối sự tham vấn, bóng đá vẫn nằm dưới bàn tay quyết định rất người.■ Tags: World CupVARCông nghệ VAR
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Nhiều ngân hàng thu đậm trở lại từ bán chéo bảo hiểm BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trở lại ở mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Đây là tín hiệu tích cực trở lại đối với kênh bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sau thời gian gặp nhiều khó khăn.
Vụ 2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali: Luật sư nói về khả năng vi phạm pháp luật HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng. Việc này có vi phạm pháp luật?
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.