Về ông Mạnh Thường Quân và phép ví von tào lao của xứ ta

HỒ VIÊN 07/03/2019 00:03 GMT+7

TTCT - Đọc Tư Mã Thiên, thấy suốt đời Mạnh Thường Quân chưa từng làm việc thiện nguyện, chưa từng bỏ tiền ra bồi dục nhân tài.

 

Mạnh Thường Quân (Nguồn hình: kknews.cc/history)

Cuối phần viết về nhân vật Mạnh Thường Quân, Tư Mã Thiên  nói: (tạm dịch) “Tôi thường qua đất Tiết, thấy phong tục thôn xóm phần đông con em theo thói hung bạo, khác hẳn đất Trâu đất Lỗ. Hỏi thì nghe nói rằng: ‘Mạnh Thường Quân  kéo bọn hiệp khách, bọn gian manh khắp thiên hạ về ở đây hơn sáu vạn nhà, nên nó vậy’. Thế gian truyền tụng Mạnh Thường Quân hiếu khách, thiệt là không ngoa” (Sử Ký, quyển 75, Mạnh Thường Quân liệt truyện).

Đất Tiết thuộc nước Tề, là nơi vua Tề phong cho Tĩnh Quách Quân Điền Anh - cha của Mạnh Thường Quân Điền Văn, đất Trâu và Lỗ cũng thuộc Tề, cả ba nơi thuộc địa bàn tỉnh Sơn Đông ngày nay. Vùng đất Tề thời nhà Chu là đất phong của Khương Thái Công (Tử Nha), Trâu là quê hương Lão Tử, Lỗ là quê hương Khổng Tử.

Nói đến Tề Lỗ, từ hồi thời Chiến Quốc đến sau này người ta đều nghĩ ngay đây là nơi phong tục thuần hậu, cái nôi của lễ giáo. Đùng một cái, tay Mạnh Thường Quân phá hư be bét một phần, nuôi chứa đám lưu manh, dưỡng cho nó sinh sôi nảy nở đến chóng mặt, đất Tiết từ thời Mạnh Thường Quân cai quản đến lúc Tư Mã Thiên đi thực địa cách nhau chỉ hơn 300 năm, mà từ ba ngàn thực khách tăng lên sáu chục ngàn hộ, mỗi hộ không biết mấy khẩu nữa. Xem ra nền phong hoá Tề Lỗ bắt đầu hủ hoại từ trước công nguyên rồi !

Đến Việt Nam, tay Mạnh Thường Quân gặp vận đỏ, chắc là cái số của y được nổi tiếng. So trong Tứ công tử thời Chiến Quốc, gồm Mạnh Thường Quân, Bình Nguyên Quân, Tín Lăng Quân và Xuân Thân Quân- thì Tín Lăng Quân Nguỵ Vô Kỵ mới là người đúng mực hào hiệp, có biệt nhãn, đức độ và trung tín, ba tay còn lại cũng đều nuôi khách vài ngàn nhưng tính cách, tài năng thì xoàng thôi.

Không biết ông nhà nho tào lao nào đầu tiên đã quơ cái tên Mạnh Thường Quân này gắn vào cho mấy vị hảo tâm từ ái, hào hiệp trượng nghĩa ở xứ ta, đến nổi chết danh, điều oan trái này có khi còn hơn cả sự chịu đựng của dân Tề Lỗ nữa. 

Phép ví của người mình yếu, những kiểu như mặt đỏ tợ Quan Công, nóng như Trương Phi, khóc như Lưu Bị coi ra còn dễ chịu bởi chưa xúc xiểm gì đến người được ví, chỉ là nói cho vui miệng, nhã hơn một chút thì như cánh làm văn gọi là hình tượng văn học. Kém nữa là cái kiểu ví đại con bà nó, như đem Triệu Tử Long cơ bắp ví với một anh quan có thể có khả năng tả xông hữu đột bằng mưu mẹo, đem Tả Ao -  thầy phong thuỷ ví với một nhà nghiên cứu lịch sử địa lý. Gặp mấy vụ này, thoạt tiên nghĩ đến điên cả đầu mà không hiểu hình tượng và người được ví giống nhau ở chỗ nào, cuối cùng té ra do cái người đưa ra ví von kém cỏi bà cố luôn.

Ở xứ ta, Mạnh Thường Quân thuộc loại được ví đại bà nó, ba bản dịch Sử Ký ra tiếng Việt - của Nhượng Tống, Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, Nhữ Thành (Phan Ngọc) - đều chưa dịch Mạnh Thường Quân liệt truyện .Liên quan đến nhân vật này người ta chỉ biết qua vài trích đoạn trong bản dịch Chiến Quốc Sách (phần Tề sách, Nguỵ sách), Cổ văn hoặc Cổ học tinh hoa, mà mấy đoạn này không thể hiện đủ và đúng bản chất và hành trạng nhân vật.

Sách Thành ngữ-Điển tích-Danh nhân Từ điển của Trịnh Vân Thanh viết về Mạnh Thường Quân khá dài nhưng lại không nêu bật được bản chất cốt lõi của nhân vật.

 

Tư Mã Thiên viết tiểu sử Mạnh Thường Quân hoàn chỉnh, cuối truyện không khen một chữ nào, chỉ nhận xét là “hiếu khách”, còn khách thuộc loại gì thì đại sử gia này chơi trò oral history rất lợi hại, để cho bà con trong vùng phát biểu.

Đọc Tư Mã Thiên, thấy suốt đời Mạnh Thường Quân chưa từng làm việc thiện nguyện, chưa từng bỏ tiền ra bồi dục nhân tài. Liên quan đến việc nghĩa là cái vụ xoá nợ thuế cho dân đất Tiết, nhưng vụ này chẳng qua do Phùng Huyên làm liều rồi báo cáo sau, Mạnh Thường Quân đụng việc đã rồi đành bấm bụng mà chịu, nên điển cố Trung Hoa “thị nghĩa” (mua nghĩa) chỉ nói về sự sáng suốt lo xa cho chủ của Phùng Huyên mà thôi.

Trong 3000 thực khách của Mạnh Thường Quân không có nhân vật nào có tài năng đặc biệt

Thực khách ba ngàn là những ai? Vài ba mưu sĩ được nêu tên như Tô Đại, Công Tôn Hoằng, Phùng Huyên, Đàm Thập Tử, một tay trộm cao cường lẻn được vào chỗ  vua Tần nghỉ để chôm lại cái áo lông chồn trắng cực quý mà Mạnh Thường Quân mới vừa tặng mấy hôm trước, một tay giỏi nhái tiếng gà gáy đến độ khiến quan giữ cửa ải tưởng trời sáng phải mở cửa nên chủ tớ ù chạy thoát nạn. Số còn lại hẳn là con nhà võ tàng tàng không thấy nói đến nhân vật nào có tài năng đặc biệt, bọn này tài kém đến độ, lúc Mạnh Thường Quân bưng mớ sổ sách thuế khoá đất Tiết ra hỏi: “có vị nào biết tính toán đi giúp cho Văn vụ này”, cả đám im ru, cuối cùng chỉ có Phùng Huyên nói: “tôi đi được”.

Nhìn đội ngũ này có thể nhận định tổng quan tình hình nhân sự, Mạnh Thường Quân chỉ nuôi những người tư vấn cơ mưu, du thuyết, thám tử, võ sĩ, nói chung là lực lượng bảo vệ và củng cố quyền lực chính trị, gắn cho họ một cái tên chung “tân khách”, cho nó sang.

Tư Mã Thiên viết: “Cuối đời, Mạnh Thường Quân phản Tề, đến khi chết, đám con tranh ngôi vị làm nước loạn, Tề và Nguỵ liên công diệt Tiết, diệt cả đám con cháu, Mạnh Thường Quân tuyệt tự”. 

Thành thật chia sẻ cùng mấy vị “Mạnh Thường Quân” xứ ta. Ôi, ví ơi là ví.

 

        

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận