TTCT - Buổi chiều cầm máy ảnh ra săm soi gặp cảnh ông nội ngồi đánh tranh. Thời nay đâu có ai lợp nhà bằng thứ cỏ này nữa. Ông tôi đánh tranh để làm cái chòi lá ngồi chơi, hoặc để lợp chòi vịt, hoặc thấy cỏ tranh tốt thì tiếc nên bứt về bện thế thôi. Tám mươi tuổi, ngày ngày ông vẫn lao động chân tay như thanh niên. Ông nói làm mới khỏe người, ngồi một chỗ mau chết lắm. Bà nội đi qua chì chiết: “Sướng không ưa, cứ thích cực khổ, lẽ ra giờ ông sướng như Mỹ rồi”. Chúng tôi, những đứa cháu nội, nghe quá quen câu này của bà nên chỉ cười. Ông nội không phản ứng lại, cặm cụi làm, như chấp nhận rằng bà đang đúng. Bốn mươi hai năm trước, đúng cái tháng 4 này là hết chiến tranh, ông là lính miền Nam phải đi cải tạo học tập sau giải phóng. Mình bà nội ở nhà làm lụng buôn bán nuôi năm người con. Quãng thời gian một mình thân cò đó thi thoảng bà nội có nhắc lại sơ sơ, đủ để chúng tôi biết cảnh nhà, cũng phần nào hiểu thêm thân phận lịch sử mà phần đó sách vở không nói tới. Những năm 1990, ông tôi thuộc diện chương trình định cư nhân đạo Hoa Kỳ (HO) nhưng ông không đi vì nghĩ hòa bình rồi, hết súng đạn rồi, ở quê sướng hơn. Bà nội vẫn quen nghiệp bán buôn chạy chợ, cứ hễ về đến nhà đặt triêng gióng xuống lại kêu buôn bán cực quá, sao ông không đi Mỹ cho tui sướng cái thân. Chiều ý bà, ông lại lục tục đi hỏi han tình hình bạn hữu từng vào sinh ra tử xem còn đợt định cư Hoa Kỳ nào không. Bấy giờ ông bà đã lo chuyện cưới vợ cho mấy người con xong xuôi, ông bà có đi Mỹ cũng coi như... đi du lịch. Mãi đến năm 2006, có thông tin đợt tái định cư cuối cùng (HR), bà nội gom hết tiền bạc cùng ông đi Sài Gòn nộp hồ sơ với sự tự tin rất cao rằng chuyến này chắc chắn được sang Mỹ. Hồ sơ của ông bị loại vì cuộc phỏng vấn độc lập giữa ông và bà không ăn khớp. Chính xác thì ông khai đúng mọi thứ. Riêng phần bà nội hỏi gì bà cũng nói không biết. Hỏi hồi đó ông làm cảnh sát miền Nam lương tháng bao nhiêu? Bà nói chịu, ông được mấy lương đi tiêu xài hết có đem về đâu mà tui biết. Hỏi ông được cấp mấy khẩu súng bà cũng lắc đầu vì lúc đó mắc lo việc nhà với bầy con, đâu có biết chi chuyện bắn nhau. Ông bà trở về quê, lại sinh sống bình thường. Ông vẫn lao động chân tay hằng ngày, bà lại lo buôn bán. Sau chuyến đi Sài Gòn đó chúng tôi không nghe bà căn vặn chì chiết ông nữa. Mấy đứa cháu bảo nhau chắc bà chán Mỹ rồi. Nhưng chưa hẳn, bằng chứng là thỉnh thoảng nghe có nhà nào đó được thân nhân bên Mỹ gửi tiền về cho, bà lại dằn ông ra trách: “Coi người ta cũng đi lính, cũng đi cải tạo mà giờ con cháu được hưởng. Còn con cháu ông có chi không?”. Chúng tôi định thưa lại với bà nội, rằng có ông nội ở đây vẫn sướng hơn chứ. Cháu con được hưởng tình thương trực tiếp, được ông dạy cho rằng lao động mới là điều quý giá nhất. Nhưng đem lời ra thưa có khi lại như muối xát vào vết cắt. Năm ngoái, có đạo diễn hãng phim tài liệu khoa học trung ương về Quảng Trị làm phóng sự chuyện canh giữ đôi bờ giới tuyến Hiền Lương - Bến Hải trước bảy lăm. Đạo diễn về tận nhà gặp ông nội vì ông là một trong số rất ít cảnh sát bờ Nam sông Bến Hải còn sống. Trong lúc ông nội đang kể chuyện sôi nổi để đạo diễn làm phim thì bà nội chạy vào nói: “Chú đạo diễn quay mần răng để họ biết, họ cho ông bà tui đi Mỹ thì tốt quá”. Chúng tôi cười một trận, rồi kéo bà ra bảo đây là phim cách mạng bà ơi. Đến khi xe đoàn làm phim chở ông ra cầu Hiền Lương, bà ở nhà vẫn còn ấp ủ hi vọng, biết đâu được ra ngoài đó gặp người Mỹ nào họ phục hồi hồ sơ tái định cư cho ông cũng nên. *** Mới hôm rồi coi phim tài liệu Một đất mẹ cho tất cả, tới đoạn ông nội và một cựu công an bờ Bắc sông Bến Hải cùng bước đi trên cầu Hiền Lương trò chuyện thân mật. Hai người lính hai bên chiến tuyến sau hơn bốn mươi năm gặp lại trong tình hòa hợp thân ái đầy xúc động. Ngần ấy năm chiến tranh đã đi qua, những người từng là thù địch nay đã cởi mở tấm lòng với nhau, thế mà bà với ông cứ “chiến tranh” hoài... Bà nội coi phim xong lặng lẽ nhìn ông, vẻ trìu mến hơn. Buổi chiều, bà ra coi ông đánh tranh rồi hỏi ông thích ăn chi tui mua. Tuyệt nhiên bà không căn vặn ông chuyện đi Mỹ nữa. Chúng tôi nói với nhau: “Chắc bữa nay hết chiến tranh thiệt rồi!”.■ Tags: Hoàng Công DanhVết tranh
'Nghe nói về phát hiện thuyền cổ, tôi 'đùng đùng' bay ra, về Bắc Ninh...' NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 16/04/2025 2774 từ
Rực rỡ pháo hoa mừng đại lễ 30-4 THANH HIỆP 19/04/2025 Tối 19-4, hàng ngàn người dân và du khách đã nô nức đổ về khu vực công viên bến Bạch Đằng (quận 1) để thưởng thức màn bắn pháo hoa rực rỡ.
Bữa tiệc nghệ thuật 3D mapping rực rỡ mở màn chuỗi hoạt động 'Sắc màu thành phố Bác' HOÀI PHƯƠNG 19/04/2025 Bốn đội nghệ thuật từ Bỉ, Pháp, Singapore và Việt Nam mang đến 'bữa tiệc' ánh sáng ấn tượng, mở màn chuỗi hoạt động 'Sắc màu thành phố Bác'.
SCTV thông báo chấm dứt toàn bộ hoạt động hợp tác với MC Bích Hồng HOÀNG LÊ 19/04/2025 Tối 19-4, SCTV chính thức thông báo chấm dứt toàn bộ hoạt động hợp tác, sử dụng hình ảnh và phát sóng các chương trình có liên quan đến bà Bích Hồng, kể từ ngày 19-4. MC Bích Hồng cũng đã thông qua mạng xã hội Thread gửi xin lỗi đến mọi người.
Cách đàm phán lạ thường giữa Mỹ - Iran: Đến Ý, nhờ Oman làm trung gian, vào 2 căn phòng THANH BÌNH 19/04/2025 Ngày 19-4, Mỹ và Iran đã kết thúc vòng đàm phán thứ hai về chương trình hạt nhân của Tehran, đồng thời nhất trí sẽ gặp lại vào tuần tới.