TTCT - Theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đôi lúc chúng ta nghe nói về "Dự án 2025" (Project 2025) của phe Cộng hòa đang bị phe Dân chủ lên án dữ dội. Nó là gì? Và vì sao một trong những nội dung gây tò mò của nó là đòi xóa bỏ Bộ Giáo dục Mỹ? Ảnh: The 74 Dự án 2025 là cẩm nang dày 922 trang có mục đích vẽ ra lộ trình và những định hướng rất cụ thể để một khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ nhì, ông có thể dựa vào để điều hành mọi khía cạnh của bộ máy hành chính. Đây là con đẻ của Quỹ Di sản (Heritage Foundation), tổ chức nghiên cứu bảo thủ, vốn từng chuẩn bị tài liệu tương tự cho tổng thống Ronald Reagan và khoe ông Reagan áp dụng đến 60% những gì họ đề xuất. Quỹ Di sản tập hợp hơn 400 chuyên gia cánh hữu để biên soạn Dự án 2025 (Dự án).Bản thiết kế cho nhiệm kỳ Trump 2.0Ở đây phải nói ngay là ông Trump đã tuyên bố mình không dính dáng gì đến Dự án và nhiều lần khẳng định không biết gì về nó lẫn những người đứng đằng sau. Ngay cả Dự án cũng không nói là dành riêng cho ông Trump; họ chỉ nói "chuẩn bị sẵn sàng cho chính quyền bảo thủ nhiệm kỳ tới" thực thi chương trình nghị sự.Tuy nhiên, nhiều nội dung trong Dự án cũng chính là những điều ông Trump chủ xướng, như trục xuất người nhập cư quy mô lớn, giảm quy mô chính phủ, chống thương mại tự do với Trung Quốc… Phó tướng của ông, JD Vance, cũng trình bày các quan điểm rất gần với Dự án, như đánh thuế nhiều hơn lên hàng nhập từ Trung Quốc hay hoàn thành bức tường biên giới để chặn người nhập cư.Dự án dựa trên bốn trụ cột chính: bảo vệ trẻ em và gia đình như hạt nhân chính của đời sống Mỹ, giảm bớt bộ máy hành chính, bảo vệ biên giới và phục hồi quyền tự do cá nhân. Để bảo vệ trẻ em và gia đình, các tác giả bảo thủ đòi cấm sách báo phim ảnh khiêu dâm và họ định nghĩa khiêu dâm bao gồm cả nội dung ủng hộ chuyển giới hay cổ vũ cho đồng tính. Đặc biệt, Dự án kêu gọi xóa bỏ Bộ Giáo dục Mỹ, giao quyền quyết định các vấn đề giáo dục cho tiểu bang, hạn chế visa sinh viên quốc tế…Về kinh tế, Dự án kêu gọi chính quyền nhiệm kỳ tới phải cứng rắn hơn với Trung Quốc, mở rộng đánh thuế để bao quát mọi loại hàng hóa nhập từ nước này với mục đích sau cùng là ngăn hàng "made in China" vào Mỹ. Dự án khuyến nghị cấm công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu mua sắm của Chính phủ Mỹ, cấm mọi ứng dụng mạng xã hội từ Trung Quốc, kể cả TikTok. Các tác giả còn đề xuất cấm luôn quỹ hưu trí Mỹ mua chứng khoán Trung Quốc, kể cả trái phiếu chính phủ. Dự án cũng kêu gọi giảm bớt quy định về môi trường, gỡ bỏ lệnh cấm khoan dầu khí ở Bắc Cực và không áp đặt hạn chế về gây ô nhiễm lên doanh nghiệp.Một nội dung quan trọng của Dự án liên quan đến thuế. Hiện thuế thu nhập ở Mỹ có bảy bậc, với các mức thuế từ 12% đến 35%, tùy vào mức thu nhập. Tuy nhiên, Dự án cho rằng như thế là quá phức tạp và đề nghị nên giảm còn hai bậc, 15% và 30%, bỏ luôn chuyện khấu trừ, giảm trừ, tín dụng thuế. Thuế thu nhập doanh nghiệp, hiện ở mức 21%, thì được đề nghị giảm còn 18%.Ở trên có nói ông Trump tuyên bố không liên quan gì đến Dự án, nhưng trong hàng trăm tác giả của bản thiết kế công phu này có 140 cựu quan chức thời ông làm tổng thống 2016-2020. Có thể kể cựu bộ trưởng gia cư và phát triển đô thị Ben Carson. Ông này viết nguyên một chương về chuyện nhà ở, với ưu tiên không để "người không phải công dân Mỹ sống trong dự án nhà ở được liên bang hỗ trợ". Hay cựu cố vấn của ông Trump, Peter Navarro, đề xuất chính sách ngoại thương của Mỹ phải tập trung vào đưa việc làm trong ngành sản xuất về lại nước Mỹ và gây sức ép để các nước hạ rào cản thương mại, còn Mỹ cứ việc nâng lên.Phe Dân chủ đã dùng Dự án để vẽ lên viễn cảnh đáng sợ nếu ông Trump đắc cử và thực thi các đề xuất theo phe cực hữu. Trong các thông điệp tranh cử, phía Dân chủ đã đồng hóa Dự án với ông Trump. Ngược lại, phe ông Trump khẳng định chỉ có văn bản họ đưa ra tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa mới là chương trình nghị sự chính thức của ông.Ảnh: NewsweekNói riêng chuyện giáo dụcTrong rất nhiều vấn đề Dự án chủ xướng, có lẽ gây ngạc nhiên cho những người bên ngoài nước Mỹ nhất là đề xuất xóa bỏ Bộ Giáo dục.Đề xuất này gói gọn quan điểm của cánh bảo thủ về vai trò của chính quyền trong giáo dục. Thật ra phe bảo thủ đã từng nhiều lần đòi xóa bỏ Bộ Giáo dục từ khi bộ này tách ra thành một bộ độc lập vào năm 1980.Lý do là bởi chuyện quản lý giáo dục ở Mỹ tản quyền rất mạnh, Bộ Giáo dục ở cấp liên bang không có vai trò gì trong quyết định chương trình, tiêu chuẩn giáo dục hay thành lập trường - tất cả được quyết định ở cấp tiểu bang. Vai trò của Bộ Giáo dục, cơ quan nhỏ nhất trong nội các Mỹ, chỉ gói gọn trong một số chức năng hỗ trợ tài chính, thu thập thông tin, tập trung vào một số vấn đề giáo dục ở tầm mức quốc gia và cấm phân biệt, bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng trong giáo dục.Tuy nhiên những năm gần đây, Bộ Giáo dục Mỹ đã gắn việc tài trợ trong một số lãnh vực với những yêu cầu mà các trường phải tuân thủ để tiếp tục được nhận kinh phí liên bang. Phe Cộng hòa cho rằng Bộ Giáo dục tìm cách thúc đẩy các chương trình dạy "lý thuyết chủng tộc phê phán, hệ tư tưởng giới tính và các nội dung về chủng tộc, tình dục hay chính trị không phù hợp khác" ở nhà trường. Chẳng hạn, trong "lý thuyết chủng tộc phê phán", học sinh được học nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ nằm sâu trong kết cấu xã hội, mang tính hệ thống, ngấm trong luật pháp, nên ảnh hưởng đến thái độ của dân Mỹ, dù họ không cố tình phân biệt chủng tộc. Nhiều phụ huynh phản đối nói dạy như thế chẳng khác nào cho rằng mọi người, kể cả học sinh ngây thơ chưa biết gì, cũng phải đấm ngực nhận lỗi, ăn năn, hối cải về tội phân biệt chủng tộc.Thật ra tài trợ từ Bộ Giáo dục Mỹ chỉ chiếm 8% ngân sách các trường phổ thông, cho các dự án rất cụ thể, như hỗ trợ tài chính cho học sinh gia đình thu nhập thấp, nên tác động rất nhỏ. Trên thực tế, các bang như Florida đã thông qua luật cấm dạy "lý thuyết chủng tộc phê phán", bản dạng giới hay xu hướng tình dục cho học sinh.Cảm nhận của dân Mỹ với Bộ Giáo dục vẫn là tiêu cực; khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy 65% người theo Đảng Cộng hòa vẫn nghĩ xấu về bộ này, và hơn một nửa phụ huynh học sinh lớp 12 cho rằng chính quyền liên bang ảnh hưởng quá nhiều đến nội dung giảng dạy ở trường công. Nhiều nhân vật Cộng hòa tỏ ra bất mãn với chính sách của Bộ Giáo dục về sự đa dạng, cách ứng xử với cộng đồng đồng tính, hay cách họ ủng hộ học sinh chuyển giới... Từ đó mới có những lời kêu gọi đòi xóa sổ Bộ Giáo dục Mỹ.■ Eric Trump, con trai ông Trump, cho rằng hệ thống giáo dục Mỹ hiện chỉ "tẩy não" người học. "Giáo dục phải được trao về lại cho tiểu bang", ông Eric Trump nói. Thống đốc Cộng hòa của bang Florida Ron DeSantis thì tuyên bố: "Chúng tôi tin rằng nhà trường phải giáo dục, chứ không nhồi sọ". Ông chủ trương bố mẹ phải có thêm quyền quyết định những gì con họ được học ở trường. Tags: Bầu cử tổng thốngTổng thống mỹGiáo dục mỹQuản lý giáo dụcDự án 2025
Nhà yêu nước Phạm Hồng Thái (1894-1924): Tài liệu mới về sự kiện Tiếng bom Sa Diện VIỆT ANH 04/09/2024 2185 từ
Hà Nội: Sập nhà trên phố Khâm Thiên, cây đa cổ thụ gần hồ Hoàn Kiếm gãy đổ PHẠM TUẤN 07/09/2024 Chiều 7-9, trước khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo, kêu gọi người dân TP không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
4 người chết, 78 người bị thương do bão số 3 DANH TRỌNG 07/09/2024 Tính đến 17h chiều 7-9, bão số 3 đã làm người 4 người chết (Quảng Ninh 3 người và Hải Dương 1 người) và 78 người bị thương.
Bão số 3 đổ bộ Quảng Ninh gây cảnh tượng chưa từng thấy: Cột điện, cây xanh gãy đổ la liệt CHÍ TUỆ 07/09/2024 Dọc tuyến đường nối giữa thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), hàng loạt cột điện, cây xanh gãy đổ ngổn ngang.
Trực tiếp: Bão Yagi càn quét, gió rít liên hồi, xe lật, cây ngã, tàu chìm, cột điện gãy gục 07/09/2024 Bão Yagi càn quét, quật ngã cây cối, nhấn chìm tàu thuyền. Tâm bão đổ vào Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió 149 km/h, cấp 13.