Vì sao mùa hè làm ta lười biếng

MARIA KONNIKOVA (THE NEW YORKER) 25/05/2023 04:27 GMT+7

TTCT - Thời tiết ấm cải thiện tâm trạng, nhưng nếu ấm thành nóng - nhất là khi nhiệt độ đạt đến mức cao nhất trong mùa hè - tác động của nó sẽ đảo ngược.

Minh họa: Margarida Mouta

Minh họa: Margarida Mouta

Trong cuốn nhật ký viết tỉ mỉ từ năm 1846 đến năm 1882, John Langdon Sibley, thủ thư của Đại học Harvard, thường phàn nàn về cái nóng héo mòn của mùa hè, khiến ông "héo úa, kiệt sức và phát ốm". 

Sibley sống trước thời đại của điều hòa không khí, nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy quan sát của ông vẫn chính xác: mùa hè thực sự là thời gian giảm năng suất. Bộ não của chúng ta đúng là có héo đi, theo nghĩa bóng.

Một trong những lý do then chốt là động lực: khi thời tiết ẩm ương, không ai muốn ra ngoài, nhưng khi mặt trời soi rọi, không khí ấm áp và bầu trời trong xanh, sự thư thái mời gọi. Một nghiên cứu năm 2008 cho thấy vào những ngày mưa, nam giới làm thêm trung bình 30 phút so với những ngày tương đối nắng. 

Năm 2012, nghiên cứu trên các nhân viên xử lý quy trình vay vốn ở ngân hàng Nhật Bản của Đại học Harvard và Đại học North Carolina đưa ra phát hiện tương tự: thời tiết xấu khiến người ta làm việc hiệu quả hơn (đo bằng thời gian họ hoàn thành nhiệm vụ được phân công).

Ngược lại, khi thời tiết tốt lên, năng suất lại giảm. Để tìm nguyên nhân, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm với một nhóm sinh viên Harvard: trước mỗi ngày, họ được cho xem 6 bức ảnh về các hoạt động ngoài trời khi thời tiết đẹp, chẳng hạn chèo thuyền hay ăn uống ngoài trời, hoặc được yêu cầu mô tả thói quen hằng ngày của họ. 

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những người này làm việc kém năng suất hơn khi họ xem ảnh; thay vì tập trung vào công việc, họ chỉ nghĩ đến chuyện lẽ ra mình phải được tận hưởng (dù thời tiết thật sự lúc đó là nắng hay mưa). Chỉ riêng việc nghĩ đến những lựa chọn vui vẻ hơn so với thực tế (phải làm việc) đã đủ khiến họ mất tập trung.

Mỗi mùa đều có những ngày hấp dẫn riêng với từng người - một người chơi trượt tuyết sẽ tha hồ để tâm trí lang thang vào những ngày đông. Nhưng cũng có bằng chứng rằng vào mùa hè, bản thân suy nghĩ của chúng ta cũng sẽ trở nên lười nhác.

Mùa hè lười biếng (Midjourney)

Mùa hè lười biếng (Midjourney)

Năm 1994, Gerald Clore, người tiên phong trong việc nghiên cứu ảnh hưởng của việc thay đổi tâm trạng theo môi trường tới nhận thức và phán đoán, đã phát hiện rằng thời tiết dễ chịu thường có thể dẫn đến sự suy nghĩ thiếu thận trọng. 

Nhóm của Clore khảo sát 122 sinh viên về tính cần thiết của kỳ thi toàn diện cuối kỳ. Họ phát hiện rằng thời tiết càng tốt, càng dễ thuyết phục sinh viên tin vào các lập luận kém vững chắc hơn, và ngược lại, thời tiết xấu sẽ tăng tính phản biện của sinh viên. 

Cụ thể, vào những ngày nắng, trời trong và ấm áp, sinh viên đồng ý với cả các lập luận mạnh và yếu, nhưng khi trời mưa, nhiều mây và lạnh, chỉ có lập luận chặt chẽ mới đủ sức thuyết phục họ. Clore và các đồng nghiệp kết luận rằng thời tiết dễ chịu khiến mọi người chấp nhận suy nghĩ dựa trên kinh nghiệm nhiều hơn và bỏ qua phân tích thực tế.

Một nghiên cứu khác cho thấy thời tiết xấu có thể kích thích tư duy phân tích chặt chẽ hơn: nhà tâm lý học Uri Simonsohn phát hiện ra rằng sinh viên có nhiều khả năng đăng ký vào một trường đại học nổi tiếng về sự nghiêm khắc trong học tập nếu họ đến tham quan trường vào những ngày nhiều mây.

Thời tiết mùa hè, đặc biệt là lúc oi bức, cũng có thể làm giảm cả sự chú ý và mức năng lượng của chúng ta. Một nghiên cứu cho thấy độ ẩm cao làm giảm sự tập trung và tăng cảm giác buồn ngủ ở những người tham gia. Thời tiết cũng ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ chín chắn của họ: trời càng nóng, họ càng có xu hướng ai nói gì thì nghe đó, ít thắc mắc hay hỏi lại.

Thời tiết ấm cải thiện tâm trạng, nhưng nếu ấm thành nóng - nhất là khi nhiệt độ đạt đến mức cao nhất trong mùa hè - tác động của nó sẽ đảo ngược. Trong một nghiên cứu năm 2013 về nhận thức hạnh phúc, nhà kinh tế học Marie Connolly phát hiện ra rằng tác động tiêu cực của những ngày nhiệt độ tăng trên 32 độ C đến mức độ hạnh phúc còn hơn hậu quả của việc trở nên góa bụa hoặc ly hôn.

Có lẽ điều tuyệt vời nhất là trời nóng như thiêu đốt cho chúng ta một lý do hoàn toàn chính đáng để ăn kem: các nghiên cứu đã nhiều lần chỉ ra rằng lượng đường trong máu có liên quan đến hiệu suất nhận thức và sức mạnh ý chí. Khi nhiệt độ tăng, có lẽ não không cần gì ngoài việc ta cắn một thứ gì đó lạnh và ngọt, làm tăng lượng glucose dự trữ đã cạn kiệt.

YÊN LAM (dịch)

Trời nóng đổ lười - có khoa học cả

Tiến sĩ Nancy Molitor, phó giáo sư về tâm thần và khoa học hành vi tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern, Mỹ, cho biết việc chúng ta thấy uể oải khi trời nắng nóng là có lý do, hơn thế, đó là khoa học. Sự uể oải này là do cơ thể đang phải điều chỉnh nhiệt độ bên trong, phản ứng với ánh sáng tự nhiên của mùa hè và nhiều yếu tố khác.

Có thể bạn thấy từ chính kinh nghiệm bản thân rằng mình hay buồn ngủ sớm và cứ muốn ngủ gà ngủ gật trong những tháng hè. Đó là phản ứng tự nhiên của cơ thể do chúng ta vừa phải sử dụng nhiều năng lượng hơn vừa phải phản ứng với sự thay đổi ánh sáng.

Con người có nhịp sinh học. Đồng hồ sinh học trong cơ thể đánh thức hoặc bảo chúng ta đi ngủ nhờ hoạt động của các hormone như melatonin. Melatonin bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố mà một trong những yếu tố chính là ánh sáng theo mùa. "Các nhà khoa học cho rằng ánh sáng mặt trời nhiều trong mùa hè làm gián đoạn quá trình sản xuất melatonin, góp phần gây ra sự mệt mỏi" - Molitor giải thích.

Nếu phòng ngủ của bạn đón ánh sáng tự nhiên, bạn có thể sẽ thức sớm hơn khi ánh nắng đầu ngày lọt vào khe cửa. Nhịp sinh học của chúng ta tự động điều chỉnh theo chu kỳ ngày dài đêm ngắn của mùa hè. Vì thức sớm và đốt cháy nhiều glucose hơn để chống nóng, nên đến đầu buổi tối, dù gà mới lên chuồng, bạn có thể sẽ cảm thấy mắt như muốn sụp xuống.

Mặc dù uể oải khi trời nóng là hoàn toàn bình thường. Trường hợp cảm thấy đặc biệt mệt mỏi trong mùa hè, đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác mà bạn cần đi khám để xác định nguyên nhân.

XUÂN MINH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận