"Vía bịnh"

NGUYỄN HIỆP 30/10/2013 10:10 GMT+7

TTCT - 1. Quê tôi có xe buýt mấy năm nay. Tuyến đường tỉnh có xe buýt xanh, huyện có xe buýt đỏ, xã có xe buýt vàng.

Phóng to
Minh họa: Hữu Khoa

Gã “nhà quê một cục” là tôi quen kiểu nhìn nắng nhìn gió lâu lâu lên xe buýt chui tọt ngay ghế cuối cho thỏa mãn cái tật ngó nghía ngẫm ngợi.

Đầu tiên, hai anh chị thanh niên ào lên xe như cơn lốc, bà già nửa bàn chân chạm bệ cửa giật mình thụt lại nhường bước. “Cơn lốc” ào ngay tới hai ghế trống thản nhiên nhìn bà già lụi hụi lên sau, tay chống gậy tay ráng rướn người chụp cái vòng tròn inox treo toòng teng.

“Cơn lốc” bắt đầu chương trình chém gió ồn ào oang oang, họ nói to như người bị nặng tai sợ người khác không nghe. Câu chuyện khoe mẽ của “cơn lốc” đột ngột dừng, cô gái rút cái điện thoại to bằng bàn tay, vẩy vẩy mấy cái lại bắt đầu phát, giọng chuyển sang õng ẹo “chồng ơi chồng à”, cường độ âm thanh vẫn giữ nguyên như được phát ra bởi người nặng tai. Hành khách trên xe buýt trán người nào cũng nhíu lại, trông rất khó chịu nhưng chẳng ai nói gì.

Sự chịu đựng của hành khách bị thử thách thêm bước nữa khi chàng trai nãy giờ bị bỏ rơi chợt rút ra chiếc điện thoại to hơn, tiếng nhạc nhí nhố nổi lên như trận cãi lộn đang hồi gay cấn. Mấy cái đầu cúi xuống, bịt tai. Mấy cái ngoái nhìn từ hàng ghế trước, bịt tai. Mấy cái lắc đầu, thở dài, bịt tai.

Ngưỡng chịu đựng đã chạm, một tiếng thét “Thôi đi!” của ai đó làm bà già giật mình rơi tay khỏi cái vòng toòng teng, cùng lúc bác tài thắng xe đột ngột, bà già bay thẳng vào lưng ông sồn sồn, ông sồn sồn mất thăng bằng choàng tay lên đôi vai trần của cô mặc áo dây, tiếng hét eo éo chói tai của “áo dây” kết thúc chuỗi ngã đôminô...

2. Hình ảnh nháo nhào hỗn loạn trên xe làm tôi chợt nhớ tới những bông mắc cỡ gặp nhau thì tự khép mình lại, tuy chỉ là hình ảnh đơn thể nhỏ bé trong tự nhiên nhưng đó là bài học khiêm nhường lớn cho con người. Cái tôi của chúng ta chỉ thật sự là cái Tôi viết hoa khi nó được giáo dục kỹ lưỡng về văn hóa ứng xử, nhất là ở những nơi công cộng.

Ở quê tôi, trái thanh long không chỉ là loại trái xóa đói giảm nghèo mà còn là loại trái làm giàu. Tiền bạc rủng roẻng, đời sống vật chất nhanh chóng trở nên dư thừa, xênh xang nhưng văn hóa vẫn đặc sệt văn hóa lùn, nên trong đời sống cắt lát nào ra cũng là “lát hài kịch” cười ra nước mắt.

Một thanh niên ở xã bên, sau khi trúng giá vụ thanh long chong điện bèn chơi nổi bằng cuộc tắm bia Heineken. Hắn kêu hết trai trẻ trong xóm lại, gọi đại lý chở tới một xe tải đầy bia rồi mời mọi người “Tha hồ uống, tha hồ tắm, nhiêu đây chẳng nhằm nhò gì!”.

Tay đại lý vật liệu xây dựng gần nhà tôi tổ chức đám cưới con bỏ ra mười ngàn đôla mướn một ca sĩ nổi tiếng về hát chỉ vì lý do duy nhất “chơi cho biết mặt”. Chẳng hiểu có ai “biết mặt” kẻ mới giàu kia không, chỉ thấy xung quanh dải đất miền Trung này đang bị lũ lụt lớn, đau khổ ngất trời, bát cơm chẳng có mà ăn...

3. Ngoại tôi sinh thời có kiểu nói lạ, mấy đứa nhỏ lấc cấc, dợt nổi một cách kệch cỡm, lố bịch, ngoại nói: Vía bịnh. “Con nhà ai để vía bịnh nặng vậy cà?”, có thể hiểu con nhà ai mà vô giáo dục vậy.

“Thằng nhỏ nhìn sáng láng mà vía bịnh” nghĩa là thằng nhỏ nhìn hình thức cũng đẹp mà lố bịch, hạnh kiểm chẳng ra gì. Vía bịnh nghĩa là phần đạo đức, phần thuộc về tinh thần, hồn vía, cái không nhìn được bằng mắt của con người đó có vấn đề. Quả thật ông bà mình xưa có lối nói, lối quan tâm truy tận gốc khác với kiểu giáo dục “chặt ngọn” như bây giờ.

Nhà trường con tôi học phổ biến bằng nhiều cách bảng nội quy gồm 40 điều học sinh không được vi phạm, lấy mức độ vi phạm làm thang đánh giá đạo đức học sinh. Dù người viết ra cái bảng nội quy đó có là thần đi nữa cũng không làm sao cấm hết được những thứ cần cấm. Câu hỏi đặt ra: Ngoài 40 điều ấy, học sinh có thể làm những điều bậy bạ, vô văn hóa khác hay sao?

Lẽ ra lấy cái hướng tới đời sống đạo đức tốt đẹp, văn hóa ứng xử khiêm nhường, văn minh làm mục tiêu thì đây lại đặt trọng một số điều tủn mủn ngược lại để đóng khuôn, để mài dũa, đúc ra một thế hệ người máy văn hóa lùn. Ngoại tôi còn sống thế nào cũng nói: Người chủ trương viết bảng nội quy ấy coi vậy mà vía bịnh.

Quả thật lỗi không phải do bọn trẻ, chúng tin mình không làm gì vi phạm những điều mà hằng ngày chúng được răn đe, ngăn cấm, vậy sao trách chúng được.

Mà biết đâu gã “nhà quê một cục” thích ngắm bông mắc cỡ là tôi đã sai, lối ứng xử chơi nổi, chơi trội mới chính là “văn hóa thời thượng” được tôn vinh!?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận