“Việt Nam có đủ khỏe để chạy marathon không?”

QUỲNH TRUNG 22/10/2018 20:10 GMT+7

TTCT - Nghị viện châu Âu vừa mở phiên điều trần về Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), đại sứ, trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet đã dành cho TTCT cuộc trò chuyện về hiệp định này.

Đại sứ Bruno Angelet. Ảnh: Quỳnh Trung
Đại sứ Bruno Angelet. (Ảnh: Quỳnh Trung)

Khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) ở Việt Nam cho thấy các doanh nghiệp châu Âu rất lạc quan về EVFTA. Là người theo dõi sát các vòng đàm phán, ông đánh giá như thế nào về khảo sát này?

- Tôi không hề ngạc nhiên về kết quả khảo sát này. Nó phản ánh đúng sự thật là các doanh nghiệp (DN) châu Âu có cái nhìn rất lạc quan về Việt Nam và họ ngày càng quan tâm đến thương mại và đầu tư ở Việt Nam hơn. Việt Nam là một nền kinh tế rất mở, ở ASEAN chỉ đứng thứ hai sau Singapore và cũng chỉ có Việt Nam và Singapore là có FTA với EU. Một yếu tố nữa là chính trị ổn định ở Việt Nam. 

Ba yếu tố này là rất quan trọng khi thế giới đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, các DN châu Âu ở Trung Quốc phải tính đến việc dời đi đâu để tiếp tục phát triển. Họ sẽ xem xét rất nhiều khía cạnh và với việc Việt Nam có FTA với EU, rõ ràng lợi thế cho Việt Nam rất nhiều.

Có những dự báo rằng DN châu Âu sẽ gia tăng đầu tư vào Việt Nam. Như vậy có quá lạc quan?

- Hiện tại châu Âu đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính kéo dài suốt hơn 10 năm. Về cơ bản, từ năm 2017, lĩnh vực ngân hàng và kinh tế của châu Âu đã vượt qua được khoảng thời gian khó khăn nhất. Tôi nghĩ giờ chúng tôi đang rất sẵn sàng để tái khởi động đầu tư ra nước ngoài. 

Năm 2017 có sự gia tăng đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam, tuy chưa đáng kể lắm. Nhưng tôi tin rằng đầu tư từ châu Âu sẽ tăng vọt trong vòng 5 năm tới, nhất là sau khi FTA được ký kết và thông qua.

Hiện tại các công ty lớn châu Âu vào Việt Nam chưa nhiều, chủ yếu ở Singapore và một số nước ASEAN khác. Việt Nam có ưu thế là lao động giá rẻ nhưng thế vẫn là chưa đủ đối với các công ty này. Điều quan trọng nhất là sự chắc chắn về mặt luật pháp, quyền sở hữu trí tuệ, lao động có kỹ năng và nền kinh tế tri thức.

Tôi nghĩ đối với các nhà đầu tư châu Âu, một hệ thống thượng tôn pháp luật, minh bạch và đoán định trước được là rất quan trọng để họ có thể hiểu và chuẩn bị trước để làm theo luật định. Ông Tomaso Andretta, phó chủ tịch EuroCham, có nhắc đến vấn đề thuế, nhưng theo tôi, còn có rất nhiều vấn đề khác liên quan đến cách ứng xử của chính quyền. Các nguyên tắc có thể thay đổi từ hôm nay sang ngày mai và việc chính quyền đột ngột thông qua một luật lệ mới nào đó khiến mọi việc trở nên rất khó lường. Ví dụ như những quyết định vừa rồi trong ngành sản xuất ôtô hay dược đã làm cho môi trường đầu tư thay đổi. Đó là điều rất đáng lo ngại.

Hiện nay vấn đề của Việt Nam chủ yếu xoay quanh nợ công, tài chính công và thu thuế. Chính phủ và Bộ Tài chính muốn giảm nợ công và thâm hụt ngân sách bằng cách thu thêm nhiều thuế để bù lại, tuy nhiên các chính sách tài khóa thì không chỉ phải đảm bảo nguồn thu cho Nhà nước mà còn phải đảm bảo một môi trường đầu tư tốt nhất. Việc tăng thu thuế để tăng ngân sách rất không tốt vì làm ảnh hưởng đến DN. Tôi nghĩ chúng ta cần một chính sách thuế có tầm nhìn dài hạn hơn.

Ngày 10-10 vừa qua, Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) thuộc Nghị viện châu Âu (EP) đã tổ chức một buổi điều trần mở về Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định bảo vệ đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam. Theo ông, đâu là những kết quả điểm nhấn của phiên điều trần này?

- Tôi nghĩ việc buổi điều trần diễn ra trước ngày thông qua FTA là rất tốt. Điều quan trọng ở đây là tất cả các bên, lãnh đạo các nước EU, Hội đồng châu Âu và cả Việt Nam, biết được Nghị viện châu Âu đang nghĩ gì. Có thể có nhiều người sẽ không thích những gì nghị viện muốn nói nhưng tốt nhất là nên lắng nghe và có thể là cố gắng giải quyết các quan ngại của nghị viện. Buổi điều trần cũng cho thấy thực ra tất cả mọi người đều muốn kết nối với Việt Nam. Chỉ là một số người cho rằng nên có được vài thành tích tốt trước đã rồi hãy làm việc với Việt Nam, trong khi nhiều người khác thì nói phải làm việc với Việt Nam trước để đảm bảo chúng ta sẽ đạt được những kết quả tốt sau này.

Tôi tin rằng để có một quan hệ đối tác vững mạnh, bình đẳng giữa các bên, chúng ta phải kết nối, lắng nghe, thấu hiểu và giúp đỡ lẫn nhau để đạt được những thành tựu đáng kể về sau.

Đâu là các trở ngại chính?

Tôi nghĩ là các rào cản đã được đề cập rất rõ tại buổi điều trần vừa rồi. Các thành viên nghị viện hỏi rất nhiều vấn đề liên quan đến khả năng của Việt Nam để thực hiện các cam kết trong hiệp định về phát triển bền vững. Các cam kết này nằm trong chương 13 của EVFTA về những lĩnh vực như đánh bắt cá trái phép, buôn bán động vật hoang dã, các hiệp ước về lao động, trách nhiệm xã hội của DN.

Có nhiều tiếng nói cho rằng Việt Nam không thể và sẽ không thực hiện các cam kết đó. Bản thân tôi cho rằng Việt Nam sẽ thực hiện các cam kết nhưng phải mất nhiều thời gian. Nếu anh nói sẽ tham gia một cuộc thi chạy marathon thì anh phải đảm bảo mình đã luyện tập đầy đủ và đủ sức khỏe. Giờ câu hỏi chính ở Brussel là liệu Việt Nam có đủ khỏe để chạy marathon hay không.

Việt Nam cần nhanh chóng chứng tỏ, dù không phải là chạy ngay ngày mai đi chăng nữa thì ít nhất cũng phải thể hiện được quyết tâm tham gia cuộc đua này vào ngày kia hoặc ba tuần sau chẳng hạn.

Lợi ích của cả hai bên trong trường hợp EVFTA được thông qua và có hiệu lực như dự kiến vào năm tới?

- 70% hàng hóa giữa EU và Việt Nam sẽ được miễn thuế và 30% còn lại sẽ dần dần được giảm thuế trong vòng 10 năm. Lý do chủ yếu là vì Việt Nam muốn bảo hộ nền kinh tế trong nước và lo ngại về sức cạnh tranh với các DN châu Âu nên lộ trình giảm thuế này sẽ nhanh hơn ở một số mặt hàng và chậm hơn ở những ngành khác. Ví dụ, rượu bia và ôtô thì sẽ chậm hơn trong khi nhiều sản phẩm khác sẽ được miễn thuế ngay từ khi FTA có hiệu lực. Lợi ích lớn nhất là sẽ thúc đẩy giao thương giữa hai bên.

Cho dù Việt Nam có thể xuất khẩu với thuế suất 0%, không có nghĩa là sản phẩm của Việt Nam đương nhiên được vào EU. Sản phẩm của Việt Nam chỉ có thể vào thị trường EU nếu như chúng đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng được đánh giá là cao nhất và phức tạp nhất trên thế giới. Nhưng một khi đã kiểm soát được chất lượng sản phẩm và được phép nhập khẩu vào EU, sản phẩm đó có thể đến được bất cứ nơi nào trên thế giới. Điều này giúp Việt Nam nâng cao được chất lượng sản phẩm và chất lượng nền kinh tế của mình. 

Chúng tôi đang có chương trình sử dụng vốn vay ODA để giúp Chính phủ và DN Việt Nam cải thiện chất lượng sản phẩm của mình. Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước láng giềng của mình, nhất là khi IPA được thông qua sau EVFTA, đầu tư từ EU vào Việt Nam sẽ gia tăng, tôi hi vọng đầu tư từ Việt Nam vào châu Âu cũng vậy.

Đối với EU, việc miễn thuế sẽ giúp chúng tôi có được lợi thế so với các nước châu Á khác trong việc xuất khẩu máy móc sang Việt Nam. EVFTA cũng giúp các DN châu Âu có sự đảm bảo tốt hơn trong bảo hộ tài sản trí tuệ. Các DN châu Âu cũng có thể tham gia đấu thầu cung ứng cho Việt Nam ở cấp quốc gia cũng như cấp địa phương. Việt Nam và EU cũng sẽ có cam kết về thực hiện chỉ dẫn địa lý để bảo hộ các sản phẩm địa phương, ví dụ, nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột hay bơ Đắk Lắk để không ai có thể làm nhái được.

Và cuối cùng, EU đang muốn mở rộng giao thương với ASEAN - một thị trường lớn mới nổi với 650 triệu người. EU muốn có một FTA chung với toàn bộ khu vực nhưng trước đó, chúng tôi muốn ký kết FTA với riêng từng nước.

Đâu là các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam sang thị trường khó tính như EU, thưa ông?

- Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều loại hoa quả như xoài, vải, dứa, chuối, chanh và nhiều loại khác nữa. Việt Nam cũng có thể xuất khẩu rau củ, thủy hải sản. Tuy nhiên, đối với hải sản cần phải đảm bảo việc đánh bắt bền vững và các hoạt động đánh bắt là hợp pháp. Nói chung tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang EU là rất lớn.

Đối với các sản phẩm gia cầm và thịt, có lẽ trong thời gian tới sẽ chủ yếu theo chiều từ EU vào Việt Nam vì lý do chất lượng của châu Âu tốt hơn, trong khi Việt Nam cần cải thiện rất nhiều về chất lượng các sản phẩm trên.

Vấn đề của Việt Nam bây giờ là vẫn chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm có giá trị thấp. Tôi nhận ra rằng Việt Nam chưa có thương hiệu nào lớn vì khả năng chế biến còn rất thấp. Việc miễn thuế có được từ EVFTA cũng sẽ giúp Việt Nam được phần nào trong việc công nghiệp hóa ngành sản xuất nông sản vì máy móc thiết bị chế biến từ châu Âu về đến Việt Nam sẽ có giá rẻ hơn nhiều.

* Rất cảm ơn ông.

Ngày 8-10, EuroCham công bố báo cáo “Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam: Góc nhìn từ Việt Nam”. Báo cáo tổng hợp đánh giá của cộng đồng thành viên EuroCham về tác động của EVFTA đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Ông Nicolas Audier, chủ tịch EuroCham, cho biết 80% thành viên EuroCham tin rằng EVFTA sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Và hơn 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận thấy Việt Nam trở thành cánh cổng giao thương cho các doanh nghiệp châu Âu trong khu vực ASEAN.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận