Việt Nam được ưu tiên chuyển giao công nghệ

KIM SƠN THỰC HIỆN 18/09/2015 02:09 GMT+7

TTCT- Ngày 4-9 tại Viện Tim TP.HCM, giáo sư Alain Carpentier, chuyên gia tim mạch hàng đầu thế giới, đã giới thiệu về hành trình nghiên cứu hơn 25 năm để chế tạo quả tim nhân tạo đáp ứng các yêu cầu hoạt động như tim người. Ông cho biết sẽ ưu tiên chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Giáo sư Alain Carpentier giới thiệu tim nhân tạo tại Viện Tim TP.HCM-Bình Minh
Giáo sư Alain Carpentier. Ảnh: Bình Minh

Ông là “cha đẻ” của kỹ thuật sửa chữa van tim, van tim nhân tạo sinh học, rồi chế tạo tim nhân tạo. Ông luôn nhấn mạnh mục đích nghiên cứu: “Nếu có sự chọn lựa, tôi phải chọn sao cho bệnh nhân có cuộc sống chất lượng tốt nhất…”.

- Van tim nhân tạo sinh học được cấu tạo với đặc tính gần giống tim người, đang được dùng nhiều nhất trên thế giới vì tương thích với người, không cần sử dụng thuốc kháng đông suốt đời và không bị hình thành huyết khối như van tim cơ học. Dựa trên lợi ích của van tim sinh học, chúng tôi đã phát triển, chế tạo ra quả tim nhân tạo có kích cỡ như tim người, làm bằng nguyên liệu sinh học và có các chức năng sinh lý giống quả tim bình thường để thay cho việc ghép tim.

Ca ghép tim nhân tạo đầu tiên trên người vào ngày 18-12-2013 tại bệnh viện châu Âu Georges Pompidou (Paris, Pháp) cho bệnh nhân 76 tuổi, sống được 74 ngày. Ca thứ hai ghép ngày 5-8-2014 cho bệnh nhân 69 tuổi, sống được 270 ngày. Ca thứ ba ghép ngày 8-4-2015 vừa xuất viện ngày 3-9 và rất khỏe mạnh.

Cả ba ca đều là bệnh nhân lớn tuổi, suy tim rất nặng ở giai đoạn cuối. Kết quả rất khả quan: không có trường hợp nào tử vong trong phẫu thuật ghép. Theo dõi đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng ở ba bệnh nhân sau ghép khoảng ba tuần cho thấy không có tán huyết, không có thuyên tắc huyết khối, không có trường hợp nào nhiễm trùng do bộ máy nhân tạo gây ra.

Tim nhân tạo Carmat có nguồn gốc sinh học nên có ưu điểm rất lớn là bệnh nhân không phải dùng thuốc chống thải ghép suốt đời và hạn chế tối đa các biến chứng. Nhưng chúng tôi vẫn chưa hài lòng về kết quả. Đây là một kỹ thuật mới, một phương tiện mới để điều trị. Tuy nhiên chúng ta chỉ mới áp dụng được trên số lượng bệnh nhân rất ít. Để biết quả tim nhân tạo này giúp ích được trong điều trị như thế nào cần có số lượng bệnh nhân đông hơn và sự theo dõi lâu dài. Sau bốn ca thử nghiệm chúng tôi sẽ đánh giá hiệu quả, triển khai tiếp trên 30 ca và sau đó mở rộng ở các nước khác. Tôi sẽ ưu tiên hàng đầu trong chuyển giao công nghệ cho nơi mà tôi đã xây dựng và yêu thích, đó là Viện Tim TP.HCM.

Thưa giáo sư, độ tuổi nào ghép tim nhân tạo tốt nhất?

- Tất nhiên chúng tôi mong muốn thay tim nhân tạo cho những người trẻ tuổi hơn. Nhưng thời gian đầu chúng ta chưa biết sự việc sẽ diễn ra như thế nào nên phải thay cho người lớn tuổi, họ có thời gian sống ngắn hạn hơn, lý do thứ hai là ở người lớn tuổi có chống chỉ định cho ghép tim giữa người qua người.

Độ tuổi 18-75 đều có thể sử dụng tim nhân tạo. Chỉ định ghép là ở bệnh nhân bị suy tim nặng giai đoạn cuối. Tôi xin đặt câu hỏi với các bạn: nếu đứng trước người bệnh có thời gian sống còn rất ngắn, buộc phải chọn lựa hoặc chết hoặc sống với tim nhân tạo thì chọn cái nào? Đó là câu hỏi mang rất nhiều yếu tố, trong đó có người bệnh, liệu họ có chấp nhận sống với một vật thể lạ hay không. Nếu như họ vẫn tha thiết sống, không từ chối tim nhân tạo, không lý do gì mà không thay cho họ cả.

Sau ghép có bị chống chỉ định như không được lao động nặng hoặc tránh các cảm xúc như giận dữ, stress...?

- Không. Tôi nghĩ khi trái tim nhân tạo đã được đặt và đảm bảo các chức năng hoạt động tốt nhất, không có chống chỉ định nào cả, bệnh nhân có thể lái xe. Nhịp tim bình thường 45-50 lần/phút. Về mặt sinh học, cơ học tim vẫn vận hành tốt bình thường. Chỉ có vấn đề về điện học. Ví dụ như máy bay được chế tạo rất tốt nhưng vừa rồi bị tai nạn mất máy bay, hoặc máy vi tính đang hoạt động bị “treo”.

Tim nhân tạo có thời gian vận hành bao lâu? Ông có dự phòng đến lúc nào đó phải thay quả tim mới?

- Tôi hi vọng kéo dài càng lâu càng tốt, 5 năm, 10 năm... Quan trọng là bệnh nhân có chất lượng sống tốt, dùng thuốc ít nhất có thể.

Nếu được chính thức triển khai, chi phí ghép tim nhân tạo Carmat cũng rất cao (dự kiến 140.000-180.000 euro). Làm thế nào để người nghèo có cơ may được ghép?

- Đối với tôi, giàu nghèo không phải là giới hạn cho việc sử dụng tim nhân tạo. Quan trọng là việc thay tim phải mang lại hiệu quả, chất lượng sống cho bệnh nhân. Tim nhân tạo có thể ghép cho người bệnh Việt Nam tại Viện Tim TP.HCM và sẽ miễn phí vì ta đã có những hiệp hội giúp bệnh nhân nghèo.

Làm sao đăng ký có được quả tim ấy?

- Hãy viết cho tôi một email rất dễ thương và viết cho ban giám đốc Viện Tim.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận