Việt Nam qua “Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam”

NGUYỄN QUANG DIỆU 23/06/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Một cuốn sách đáng chú ý về quá trình du nhập nhiếp ảnh phương Tây vào Việt Nam, cung cấp cho độc giả khối tư liệu ảnh đồ sộ và quý hiếm liên quan đến Việt Nam giai đoạn 1845 - 1954, góp thêm những sử liệu có giá trị cho các sử gia và nhà nghiên cứu.

Theo chân quân viễn chinh Pháp, máy ảnh đi cùng các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và nghiệp dư (nhà khoa học, sĩ quan quân đội, nhà thám hiểm, khách du lịch...) đến Việt Nam. 

Fernand Nadal. Quán vỉa hè, Sài Gòn, những năm 1920, ảnh in trên giấy tráng bạc.

 

Theo nghiên cứu của Terry Bennett - tác giả cuốn sách (*), hai tấm ảnh đầu tiên về Việt Nam là quang cảnh Đồn Hai (hoặc Non-Nay) ở vịnh Tourane (Đà Nẵng bây giờ) và khoảnh khắc chiến thuyền Alcmène (Pháp) rời vịnh Tourane ngày 12-6-1845, do người Pháp tên là Jules Itier chụp bằng máy ảnh Daguerre.

Những tấm ảnh đầu tiên về Việt Nam

Itier ghi lại địa danh và ngày tháng ở mặt sau tiêu bản và trong nhật ký Journal d’un voyage en Chine en 1843, 1844, 1845, 1846 (Nhật ký du hành Trung Quốc 1843 - 1846). Tiếc là tiêu bản cảnh Đồn Hai chưa phơi sáng đủ nên hình ảnh không được rõ nét.

Trong chương I, ta bắt gặp chân dung ba người Việt Nam (trois Annamites) ở Singapore khoảng tháng 11 đến 12-1857 do nhà dân tộc học người Đức Fedor Jagor chụp. 

Khuyết danh. Tiêm phòng ở Chợ Lớn, Sài Gòn, khoảng năm 1890, ảnh in trên giấy bạch đản. Bộ sưu tập của tác giả

 

Thay mặt Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Berlin, Jagor đi khắp Đông Á, Đông Nam Á và Ấn Độ để sưu tầm tài liệu. Dù chưa bao giờ đặt chân đến Việt Nam nhưng ông vẫn được xem là người chụp những bức ảnh chân dung sớm nhất của người Việt.

Còn những bức ảnh sớm nhất liên quan đến Sài Gòn từng được công bố là do sĩ quan Hải quân Pháp Paul-Émile Berranger chụp - ảnh sông Sài Gòn nhìn từ tàu Catinat và chân dung một chức sắc địa phương người Việt ở Sài Gòn vào năm 1859.

Dẫu ít ỏi, những bức ảnh khác cho ta một hình dung khá sống động về một Sài Gòn cuối thế kỷ 19: quán cà phê Lyonnais - có lẽ là quán cà phê đầu tiên ở Sài Gòn; ngôi chùa An Nam và gian nhà trên đường Catinat ở Sài Gòn năm 1864 (do sĩ quan Hải quân Pháp Octave de Bermond de Vaulx chụp); ảnh chức sắc Gia Định, do lính Hải quân Pháp Jules Le Bas chụp; cảnh sông Sài Gòn năm 1866 - 1867, do điện tín viên người Đức August Sachtler chụp; ảnh thiếu nữ Sài Gòn, đường phố Sài Gòn, cảnh sông nước Nam Kỳ năm 1867 - 1868 (do nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp người Anh John Thomson chụp)...

F.H.Schneider. Yên Phụ, trường Pháp - Việt, khoảng năm 1890, ảnh in trên giấy bạch đản. Đại học Nice Sophia Antipolis - thư viện - kho ảnh ASEMI

 

Chuyến du lịch lịch sử qua hình ảnh

Sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862, ngày càng có nhiều kiều dân Pháp và phương Tây đến Sài Gòn làm ăn sinh sống, những hiệu ảnh thương mại bắt đầu xuất hiện. 

Lần theo thông tin quảng cáo trên tờ Le Courrier de Saïgon và cuốn Annuaire de la Cochinchine (Niên giám Nam Kỳ), Bennett kết luận rằng hiệu ảnh thương mại đầu tiên được mở ở Sài Gòn vào năm 1863 của nhiếp ảnh gia người Pháp Clémen Gillet. 

Ảnh chân dung vua Norodom của Cao Miên trong lần đầu đến Sài Gòn năm 1864 được chụp tại đây.

Quán cà phê Lyonnais, Sài Gòn 1864, ảnh in trên giấy bạch đản Bộ sưu tập của Serge Kakou

 

Một hiệu ảnh nổi tiếng khác là E. Gsell photographe của Émile Gsell. Gsell được xem là nhiếp ảnh gia thương mại người Pháp thành công và nổi tiếng nhất ở Việt Nam thời kỳ đầu với rất nhiều bức ảnh giá trị và quan trọng về con người, phong cảnh, kiến trúc Việt Nam, về hoàng gia Cao Miên và Angkor Wat... 

Ông xuất thân từ quân đội, nhiều lần được chọn tháp tùng lãnh đạo chính quyền thuộc địa đi công cán. Những bức ảnh quý giá ra đời từ những chuyến đi đó. 

Gsell để lại một di sản khổng lồ mà ngày nay giới nghiên cứu, các cơ sở xuất bản, báo chí trong và ngoài nước đang sử dụng, như hình vị chức sắc cao tuổi người An Nam làm bìa cuốn sách của Bennett, hình chợ Sài Gòn, hình cột cờ Thủ Ngữ, Sài Gòn và các vùng lân cận, quang cảnh nhượng địa Pháp ở Hà Nội, chân dung Trương Vĩnh Ký, hình gia thất Trương Vĩnh Ký ở Chợ Lớn...

Émile Gsell. ảnh tổng hợp chân dung, khoảng năm 1870, ảnh dạng danh thiếp in trên giấy bạch đản.

 

Hiệu ảnh Việt đầu tiên

Theo Bennett, hiệu ảnh thương mại đầu tiên của người Việt do danh nhân Nguyễn Huy Trứ (1825 - 1874) làm chủ, tên là Cảm Hiếu Đường, khai trương tháng 3-1869 tại Hà Nội.

Nhưng phải tới giai đoạn 1880 - 1900 mới bắt đầu có nhiều hơn các hiệu ảnh thương mại của người Việt. Năm 1892, hiệu ảnh Khánh Ký của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Khánh ra đời ở Hà Nội và hoạt động đến thập niên 1940 - ông Khánh được xem là tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam.

Bennett còn cung cấp thông tin thú vị về vai trò nhiếp ảnh gia của Trương Vĩnh Ký trong cuốn Annuaire de la Cochinchine năm 1883, rằng Hội Địa lý học Paris còn lưu giữ ba tấm ảnh của Trương Vĩnh Ký, tiếc là tác giả chưa tiếp cận được những tấm ảnh này.

Quán cà phê Lyonnais, Sài Gòn 1864, ảnh in trên giấy bạch đản Bộ sưu tập của Serge Kakou

 

Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam còn đề cập đến một số nhiếp ảnh gia người Việt khác như Hương Ký (Nguyễn Lan Hương), Võ An Ninh, Võ Chuẩn, Nghiêm Xuân Thức, Tăng Vinh... mà những hình ảnh do họ chụp lâu nay chúng ta có thể đã xem qua và trầm trồ thán phục nhưng ít để ý hay biết đến tác giả. 

Tuy nhiên, so với dung lượng thông tin và hình ảnh của các nhiếp ảnh gia phương Tây, phần nội dung dành cho nhiếp ảnh gia người Việt trong sách rất ít và thiếu sót. 

Ví dụ, trong thư mục về Võ An Ninh, Bennett viết: “Danh tiếng của ông [Võ An Ninh] càng được củng cố khi ông chụp ảnh nạn đói năm 1945 ở Việt Nam”. Nhưng khi chọn ảnh, Bennett chỉ dùng một tấm chụp sông Sài Gòn những năm 1950.

Ba người An Nam, tác giả ảnh Fedor Jagor, năm 1857, ảnh lập thể in trên giấy bạch đản.

 

Có hay không “cái nhìn đế quốc”?

Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam có thể coi là một lược sử về nhiếp ảnh thương mại của người Pháp nói riêng và phương Tây nói chung ở Việt Nam. Nói là lược sử vì đa phần thông tin Bennett tập trung giới thiệu tiểu sử của các nhiếp ảnh gia mà ông “ưu ái”.

Ông bỏ sót nhiều nhiếp ảnh gia nghiệp dư (thông tin hoặc ảnh) quan trọng. Ví dụ, Bennett chỉ nhắc qua Camille Paris với vài dòng ngắn ngủi. 

Cần biết Paris tham gia chiến dịch Bắc Kỳ 1884 - 1885, sống hơn 20 năm ở Trung Kỳ, chính là người tìm ra thánh địa Mỹ Sơn và đã chụp gần 100 bức ảnh về con người, phong cảnh Bắc và Trung Kỳ giai đoạn 1885 - 1900. 

Nhà Nho người Hoa và người An Nam bên cạnh binh lính An Nam đứng gác, 1884-1885, ảnh của Charles-Éduoard Hocquard, in dạng Woodbury.

 

Một nhiếp ảnh gia quân đội khác là Firmin André Salles - người đã chụp rất nhiều bức ảnh sinh động về Hà Nội những năm 1890 và nhiều ảnh khác về Sài Gòn, chỉ được nhắc tên.

Không thể không lưu ý một điều: những nhân vật như Gsell là nhiếp ảnh gia xuất thân/phục vụ quân đội và chính quyền thuộc địa, được hưởng những đặc quyền nhất định. 

Quan điểm thực dân đế quốc, bộc lộ sức mạnh quân sự là một phần đề tài trong ảnh của họ. Việc các nhiếp ảnh gia này được chụp ảnh chân dung vua Đồng Khánh trong cung điện của ngài chẳng hạn, chính là đặc quyền. 

Gsell còn chụp ảnh chân dung Phan Tôn và Phan Liêm - hai người con của cụ Phan Thanh Giản, khi họ bị bắt vào năm 1873 ở Sài Gòn.

Ảnh: Nguyễn Quang Diệu

 

Máy ảnh theo chân chủ nghĩa thực dân đến xứ thuộc địa, mối quan hệ giữa chủ nghĩa thực dân và máy ảnh/thị trường nhiếp ảnh là thứ không thể chối bỏ. 

Bennett mào đầu cuốn sách: “Một người chụp ảnh có thể là một tên đế quốc từ trong máu, nhưng cũng có thể không. Tuy nhiên, nếu một người viết trong giai đoạn hậu thuộc địa bắt đầu với cái nhìn quy chụp để phán xét những tấm ảnh thì sẽ rất dễ mắc sai lầm”. 

Ở góc nhìn đó, Bennett đã hoàn thành công việc của ông khi không đóng vai trò sử gia nghệ thuật hay phê phán sử liệu. Giải thực dân qua tranh ảnh, hay viết một cuốn sách ảnh đơn thuần về Đông Dương thời Pháp thuộc... đều cần lưu ý đến tính khách quan, dù là tương đối.■

(*) Dương Mạnh Hùng dịch, Phương Nam Book và NXB Thế Giới, tháng 6-2021.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận