Việt Nam trong quan hệ kinh tế với EU: Mối nguy không phải từ Anh

HỒ QUỐC TUẤN 10/07/2016 21:07 GMT+7

TTCT - Người dân Anh đã lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) qua cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân làm thị trường tài chính toàn cầu rúng động.

Anh là thị trường xuất khẩu tôm lớn của Việt Nam -Chí Quốc
Anh là thị trường xuất khẩu tôm lớn của Việt Nam -Chí Quốc

Thị trường cổ phiếu giảm giá (ước tính là giá trị thị trường toàn cầu đã giảm đi 2.000 tỉ USD), giá vàng tăng, triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Anh bị hạ xuống mức tiêu cực và lãi suất trái phiếu Đức rơi xuống mức âm. Người ta bắt đầu đi tìm câu hỏi về tác động của Brexit tới Việt Nam.

Vượt ra ngoài mối quan hệ kinh tế Việt - Anh

Theo những trích dẫn của Bloomberg và Wall Street Journal, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế châu Á sẽ bị tác động tiêu cực nhiều nhất do tỉ trọng xuất khẩu sang Anh “tương đối cao” hơn so với các nước láng giềng (ngoài Việt Nam còn có Singapore, Trung Quốc và Hong Kong là những nền kinh tế bị “điểm danh” là sẽ có khả năng bị tác động xấu hơn so với các nước láng giềng).

Trước nhất, Brexit sẽ tác động tới Việt Nam một cách gián tiếp qua tác động của nó tới kinh tế khối EU. Khối liên minh này (tính luôn Anh) vốn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam (chỉ sau Mỹ).

Với sự rời khỏi liên minh của Anh, nguy cơ tan rã của khối EU tăng mạnh. Một số đảng phái ở Pháp, Hà Lan, Thụy Điển và Ý đang mượn vụ việc Brexit để đòi tổ chức trưng cầu ý dân về chuyện rời EU ở nước họ.

Mặc dù đây có thể chỉ là hành động mang tính cơ hội của một số đảng phái, nó vẫn làm gia tăng sự bất định về tương lai EU, vốn đang đứng trước sức ép cải tổ và chia rẽ rất lớn từ lâu trước Brexit. Điều đó sẽ khiến đầu tư và thương mại trong khu vực này sụt giảm, kéo theo suy giảm tăng trưởng kinh tế và sẽ làm người ta lo ngại về tái khủng hoảng nợ và suy thoái ở khu vực này.

Kinh tế EU vốn đã trục trặc vài tháng trước Brexit cho dù tăng trưởng khả quan hơn dự đoán (nhưng vẫn chỉ là 1,7%). Những bài thuốc nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tỏ ra không hiệu quả. 

Sụt giảm đầu tư, thương mại bất định, tất yếu tăng trưởng kinh tế sẽ kém trở lại. Với tư cách là thị trường xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam, sụt giảm tăng trưởng từ phía của EU có thể tác động xấu đến Việt Nam.

Thứ hai, đồng yen Nhật lên giá sau Brexit vì nhà đầu tư quốc tế thường xem yen Nhật là kênh trú ẩn an toàn trong vụ việc Brexit lần này. Đồng yen đã tăng mạnh ngay sau Brexit và Chính phủ Nhật đang phải xem xét can thiệp để hạn chế tốc độ tăng giá của đồng tiền này.

Việt Nam có không ít các khoản vay bằng đồng yen. Đồng yen lên giá nghĩa là các khoản nợ này khi quy ra VND sẽ tăng lên. Nếu các dự án vay nợ bằng đồng yen có nguồn thu bằng VND thì đây sẽ là một gánh nặng thua lỗ do biến động tỉ giá như đã thấy trong những năm gần đây.

Thứ ba, đáng sợ hơn, là một cuộc suy thoái do Brexit gây ra trên phạm vi toàn cầu. Sự bất định của EU và Anh không chỉ làm sụt giảm vốn đầu tư ở những nước này.

Bất kể những phân tích đó nói đúng hay đã nói quá sự thật chục lần, ai đọc những tin đó ít nhiều cũng sẽ có lo ngại. Lo ngại và sợ hãi là đối thủ lớn của tăng trưởng kinh tế và là bạn của suy thoái.

Nói chung, Brexit không trực tiếp tác động lớn đến kinh tế thực toàn cầu (tức là các hoạt động sản xuất và thương mại), nhưng nó có thể gây ra tác động gián tiếp lên nền kinh tế thực thông qua việc làm cho thị trường tài chính bất ổn, làm người ta ngại mở rộng đầu tư sản xuất, làm suy giảm niềm tin kinh doanh và sẽ khiến các ngân hàng siết chặt hầu bao, giảm cho vay.

Brexit có thể đẩy một vài nước vào suy thoái tạm thời, nhưng những đợt suy thoái này có thể lây lan ra phạm vi toàn cầu. Tờ New York Times còn nói tới vấn đề to lớn hơn nữa là Brexit đang đe dọa làm thay đổi trật tự thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 và đe dọa ổn định của những định chế quân sự như NATO.

Vì vậy đã có dự đoán rằng Mỹ có thể sẽ phải xem xét chuyển quan điểm chính sách tiền tệ từ thế thắt chặt sang thế nới lỏng, xem xét cắt giảm lãi suất thay vì tăng lãi suất như dự kiến từ đầu năm.

Cơ hội đổi mới

Brexit lần này và những nguy cơ sau đó đối với EU cho thấy kinh tế Việt Nam đang dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết bởi những cú sốc từ những nơi tưởng chừng chẳng mấy quan hệ gì với mình.

Mô hình kinh tế hiện tại của Việt Nam là sống nhờ vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực xuất khẩu nặng về gia công, cộng với bong bóng nhà đất và chi tiêu công để kéo nền kinh tế tăng trưởng đã không còn phù hợp.

Vốn ngoại có thể ngừng chảy vào bất kỳ lúc nào và bong bóng nhà đất không thể được thổi lên mãi, trong khi ngân sách chính phủ luôn căng thẳng và nhiều doanh nghiệp nhà nước đang là gánh nặng. 

Từ vài năm trở lại đây, sự phụ thuộc nặng nề vào vốn ngoại và sự lớn mạnh của các nhóm lợi ích đã khiến nền kinh tế Việt Nam mất đi tính linh hoạt để đối phó với những cú sốc từ bên ngoài.

Việt Nam đang dễ bị tổn thương nhất vì đối tác thương mại chính của mình đang gặp rắc rối. Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần phải cải cách môi trường kinh doanh và cách quản lý kinh tế, như bỏ bớt giấy phép con giúp doanh nghiệp có sức đề kháng trước những cú sốc từ bên ngoài. 

Đối với người dân Việt Nam, một nền kinh tế mất khả năng đề kháng với các cú sốc mới chính là điều làm họ sợ, chứ không phải Brexit hay cái gì khác.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận