TTCT - Chứng khoán tăng trưởng mạnh nhưng có thể không phản ánh các yếu tố cơ bản và đại diện cho nền kinh tế thực, mà chỉ là kết quả của các công cụ tài chính. Câu chuyện được nhiều người bàn tán nhiều nhất mấy ngày gần đây là sự kiện chỉ số VNIndex lần đầu tiên đạt 1.500 điểm vào hôm 25-11. Sự hưng phấn của thị trường thể hiện qua hơn 1 tỉ cổ phiếu khớp lệnh, với giá trị giao dịch hơn 30.000 tỉ đồng. Ảnh: ft.com Áp lực chốt lãi ngắn hạn các phiên giao dịch sau đó khiến chỉ số VNIndex lùi về vùng 1.480 - 1.490, nhưng theo nhận định của Công ty chứng khoán BSC, diễn biến thị trường đang cho thấy dòng tiền và tâm lý thị trường vẫn rất tích cực, khiến VNIndex có triển vọng tăng lên các điểm cao mới.Đã tăng trưởng gần 50% từ đầu năm đến nay, VNIndex cũng là chỉ số đạt suất sinh lợi tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á. Kết quả này có thể xem là nghịch lý trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục hoành hành và nền kinh tế vẫn còn rất khó khăn để phục hồi.Kinh tế học vĩ mô chia nền kinh tế thành hai khu vực: nền kinh tế sản xuất (thực tế) và nền kinh tế tài chính (tiền tệ). Nền kinh tế sản xuất kết hợp lao động, vốn, các yếu tố sản xuất khác (đất đai, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên...) và công nghệ để sản xuất các sản phẩm kinh tế và tạo thành tổng sản phẩm quốc nội (GDP).Nền kinh tế tài chính gồm các hoạt động liên quan đến phát hành tài sản tài chính và sự trao đổi các tài sản này, như cổ phiếu và trái phiếu. Chính phủ tác động lên nền kinh tế tài chính qua chính sách tiền tệ, như cung tiền và lãi suất, ảnh hưởng lên tổng cầu về tiền và các tài sản tài chính khác.Mối quan hệ giữa nền kinh tế thực tế và nền kinh tế tài chính, cũng như vai trò của chính phủ, là một chủ đề chính của tranh luận kinh tế học vĩ mô. Ví dụ, mức lãi suất ấn định trong khuôn khổ chính sách tiền tệ tác động tới quá trình sản xuất hàng hóa và việc làm trong nền kinh tế thực.Chính sách kinh tế vĩ mô nhìn chung hướng tới việc tạo ảnh hưởng, khiến hai khu vực kinh tế trên tác động qua lại với mục tiêu duy trì sự ổn định giữa các biến số, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện phúc lợi cá nhân.Nhưng sự tăng trưởng nóng của các tài sản tài chính (như chứng khoán và bất động sản) thời gian gần đây so với không khí tương đối ảm đạm của các hoạt động sản xuất cho thấy sợi dây liên kết giữa kinh tế thực và kinh tế tài chính hiện có nguy cơ đã đứt. Dường như một lượng lớn tiền chỉ chạy loanh quanh trong khu vực tài chính mà không hề chảy vào các hoạt động sản xuất thực.Có quan điểm cho rằng chứng khoán là phong vũ biểu của nền kinh tế và luôn đi trước diễn biến thực. Tuy vậy, ngày càng nhiều chuyên gia cho rằng chứng khoán đang biến tướng trở thành một sân chơi “đầu cơ” giữa các tay chơi tài chính hơn là phản ánh bộ mặt thật của nền kinh tế.Thật vậy, xu thế tăng trưởng mạnh mẽ của VNIndex có thể được giải thích là do giới đầu tư tài chính đang tin vào cam kết hỗ trợ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là gói kích thích tiền tệ và tài khóa được cho là rất lớn mà Bộ Kế hoạch và đầu tư đang xây dựng và đệ trình. Thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế thực. Ảnh: quanlabs.net Gói kích thích tên gọi “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế” này có quy mô ước tính 800.000 tỉ đồng. Quỹ Pyn Elite Fund mới đây nâng dự báo mục tiêu chỉ số VNIndex lên mốc 2.500 điểm vào thời điểm cuối năm 2024 chính là dựa trên lòng tin vào tác động của gói kích thích đó.Nhưng vấn đề mà Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang đối mặt là khoảng cách ngày càng lớn giữa GDP và quy mô khu vực tài chính. Một báo cáo của OECD cho thấy từ năm 2012, tài sản tài chính toàn cầu đã tăng trưởng 5,9% mỗi năm, lên tới 378,9 nghìn tỉ USD vào năm 2019. Giá trị tài sản tài chính hiện đã vượt GDP toàn cầu. Ở các nước giàu ngày nay, tài sản tài chính cao gấp 6 lần GDP và ở các nước thu nhập trung bình là gấp 3 lần.Tuy nhiên, sự tăng trưởng của thị trường tài chính không tự động dẫn đến tác động tích cực với nền kinh tế thực. Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thị trường tài chính phục hồi nhanh chóng sau một quãng suy giảm ngắn. Thị trường chứng khoán trở về mức trước khủng hoảng từ tháng 8-2020, phần lớn nhờ vào chi tiêu của chính phủ và hỗ trợ thanh khoản khác của các ngân hàng trung ương.Tại Mỹ, Cục Dự trữ liên bang đã thực hiện các biện pháp đặc biệt để hỗ trợ thị trường tài chính và trấn an giới đầu tư. Quốc hội thì thông qua những đạo luật cứu trợ bơm hàng nghìn tỉ USD vào nền kinh tế thông qua nhiều gói cứu trợ và kích thích kinh tế. Cổ phiếu công nghệ, chiếm một phần đáng kể trong chỉ số S&P 500, tăng vọt. Với lợi suất trái phiếu quá thấp, các nhà đầu tư thực sự không có nơi nào sinh lợi hơn chứng khoán.Vấn đề là, “dù bao nhiêu lần chúng tôi nói thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế, mọi người vẫn không tin. Thị trường chứng khoán chỉ đại diện cho một mảnh ghép của nền kinh tế: lợi nhuận doanh nghiệp. Thậm chí đó không phải là lợi nhuận doanh nghiệp hiện tại hoặc tương lai gần, mà là trong viễn cảnh dài hạn” - Paul Krugman, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel, cảnh báo.Một số chuyên gia kinh tế khác nghiên cứu hoạt động của thị trường chứng khoán trong dài hạn thấy rằng không có mấy bằng chứng ủng hộ quan điểm tăng trưởng kinh tế thực có liên hệ ý nghĩa với diễn biến trên thị trường chứng khoán. Jay Ritter, giáo sư tài chính tại Đại học Florida, chuyên nghiên cứu về quan hệ dài hạn giữa tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của các thị trường tài chính thế giới, kết luận: “Về lâu dài, mối quan hệ đó, theo kinh nghiệm thực tế, là không tồn tại”.Vì vậy, cả Chính phủ lẫn nhà đầu tư cần thận trọng. Nếu lượng tiền và tài sản tài chính gia tăng quá nhiều và quá nhanh, trong khi sản lượng hàng hóa và dịch vụ không tăng trưởng tương xứng, tình trạng lạm phát tăng vọt và bong bóng tài sản là khó tránh khỏi. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay, VNIndex tăng trưởng vượt trội là điều gây hứng thú và tạo cảm giác giàu lên cho một số nhà đầu tư, nhưng câu hỏi là nó sẽ tác động tích cực đến khu vực sản xuất như thế nào vẫn chưa có lời giải đáp rõ ràng.■ Tags: Chứng khoánVNIndexThị trường chứng khoánChứng khoán tăng nóng
Khoảng 10.000 khán giả đi nghe Sơn Tùng M-TP, Soobin, HIEUTHUHAI, trèo lên cây, đu cả hàng rào ĐẬU DUNG 24/11/2024 Khu vực bờ hồ và trước Nhà hát lớn Hà Nội ùn tắc kéo dài do lượng người đổ về đại nhạc hội có Soobin, HIEUTHUHAI, Sơn Tùng M-TP, Orange, Hòa Minzy, Issac…
Tiết lộ doanh thu khủng của 'đế chế chăn nuôi' C.P. Việt Nam BÌNH KHÁNH 24/11/2024 Báo cáo tài chính của Charoen Pokphand Foods, công ty mẹ của C.P. Việt Nam, cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay ở Việt Nam đạt gần 68.000 tỉ đồng.
Các bên vào cuộc xem xét việc Đàm Vĩnh Hưng hát ở hải ngoại khi đang bị cấm diễn HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Ông Tạ Quang Đông - thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết đang làm việc với các bên liên quan đến việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị cấm biểu diễn trong nước nhưng đi diễn ở nước ngoài.
Hezbollah tấn công Israel bằng hàng chục tên lửa và drone MINH KHÔI 24/11/2024 Hezbollah tuyên bố đã phóng hàng chục tên lửa và máy bay không người lái (drone) vào Israel, tập trung vào Tel Aviv và các mục tiêu quân sự ở miền nam.