TTCT - Buổi sáng, đẩy chiếc xe xuống thềm nghe nặng trịch, bánh sau đã xẹp lép tự lúc nào. Nghĩ ngay đến vợ chồng ông lão gầy nhom ở góc ngã ba đường với mớ đồ nghề lỉnh kỉnh, chiếc thau nhôm móp méo, chiếc bơm hơi bằng chân cổ lỗ sĩ cũ mèm. Ấy vậy mà giúp được cho cả khu phố 6 này mỗi khi xe ai gặp sự cố giống như mình sáng nay. “Anh ơi, xem giùm em cái bánh xe...”. “Dạ”. “Ông cụ vá xe đâu rồi ạ?”. Mình vừa hỏi vừa ngờ ngợ một câu trả lời trong đầu. “Ông bà già yếu quá, không làm nổi nữa tui đưa về quê rồi cô, tui là con ổng nè”. Mình nghe nhẹ nhõm hẳn, cứ tưởng như.... Bao nhiêu năm rồi mình cũng không biết. Chỉ biết hình ảnh quen thuộc của vợ chồng cụ nơi góc ngã ba đường đã thân quen lắm với khu phố này. Ban ngày vợ chồng cụ trú nắng dưới gốc cây bàng với công việc vá xe, bơm xe cho khách sống qua ngày. Buổi tối lại về trên chiếc ghe nhỏ dưới bến sông bên kia đường ngủ qua đêm giữa mưa, giữa gió... Có bao nhiêu người ở cái phố này để ý việc vợ chồng ông cụ không còn nơi góc ngã ba nữa nhỉ, hay cũng là đến khi xe bị xẹp bánh giống như mình sáng nay... Đầu hẻm Đó là con hẻm rộng ở một vùng ven thành phố. Đầu hẻm có đặt một tủ bán thuốc lá, bánh kẹo và một thùng mút xốp ướp đá các thức uống lạnh. Đi làm ngang con hẻm mỗi ngày, cái nón lá thấp thoáng sau tủ thuốc trở thành quen mắt, dù ít khi nào thấy rõ gương mặt dưới chiếc nón lá. Con hẻm khang trang hơn sau khi tách quận. Ở mé hẻm đối diện với tủ thuốc người ta mở một quán cà phê sân vườn. Quán khá sang trọng, phía trong có phòng máy lạnh, bên ngoài là sân vườn với những cây cao bóng mát được chủ mới giữ nguyên từ khu vườn cũ. Dọc hẻm, người chủ quán cà phê hào phóng đặt thêm nhiều cây kiểng, cho tráng nhựa con đường. Một bên hẻm trở thành nơi giữ xe của khách, với các bảo vệ chỉnh tề đồng phục đón trả xe. Quán mới hút khách sáng chủ nhật. Chuyện trò rôm rả một hồi, thấy quán cũng ”đẳng cấp” không kém các quán cà phê khác trong thành phố. Cũng hòn non bộ nước róc rách bên bụi thủy trúc xanh um và cỏ dọc lối đi, cũng các nhân viên phục vụ áo hoa niềm nở, cũng thực đơn thức uống, điểm tâm đủ các món... Cả chị lao công áo xanh gom xác hoa vàng rơi cũng na ná những áo xanh cần mẫn từng gặp ở rất nhiều quán cà phê tôi lang thang qua những buổi trưa... Đô thị hóa đã về tới vùng ven trong chớp mắt. Nói với nhau, mai mốt có khách mời ra đây ngồi cũng lịch sự chán, chẳng cần vào trung tâm. Cà phê xong, ra lấy xe bỗng đập trở lại mắt thùng mút xốp và tủ thuốc của chiếc nón lá ấy. Mới có dịp nhìn kỹ người bán. Đó là một phụ nữ trung niên, ngồi hắt hiu dưới tán dù bạc thếch, tay hững hờ giữ một đứa bé... Trên đôi gò má sạm đen là đôi mắt tối thẫm. Đôi mắt trông sao vô vọng, thật buồn... Cái tủ thuốc và thùng đá cũ bên này hẻm. Hoa vàng rơi nhẹ bên kia hẻm. Nhật ký ơi, lần đầu tiên mới nhìn kỹ gương mặt ấy, tôi tự hỏi phải chăng mắt chị trước giờ vẫn buồn như thế?... Người tốt ngoài đường Nhật ký thân, chuyện cách đây gần một năm nhưng khi đọc “nhật ký thành phố”, tôi thấy mình phải kể lại. Chiều hôm đó, nhỏ bạn ở cùng nhà gọi điện thông báo xe bị hư, nhờ tôi đi đón. Trời chuyển mưa đen kịt. Mọi người ai cũng vội vàng để kịp về nhà. Từ khu 586 ra trung tâm thành phố rất xa, nhiều khu đất trống rộng lớn, gió thổi lồng lộng, tôi không chạy nhanh được vì lạnh. Từ xa tôi nhìn thấy bên vệ đường một thanh niên ngồi ủ rũ, ôm trong lòng một người nữa. Lúc chạy ngang qua hai người, tôi nhìn sang thấy người ngồi trong lòng anh là một bà cụ ngoài 80 mắt nhắm nghiền và người đang run lên vì lạnh. Tôi chạy thêm một đoạn nữa và rồi... quay xe lại, chạy qua khỏi họ một chút xíu và dừng lại bên kia đường, bối rối. Nếu họ cần tiền, mình có sẵn sàng cho họ số tiền có trong túi không? Nếu họ cần đi bệnh viện thì mình có đủ can đảm chở một người già yếu và một thanh niên trông lam lũ và hoàn toàn xa lạ? Tôi nhìn vào gương chiếu hậu xem có ai dừng xe lại bên họ không, nhưng trời sắp mưa và hình như ai cũng vội. Tôi lại quay xe lần nữa. “Anh ơi, có chuyện gì vậy anh, bà bị gì vậy?”. “Mẹ bị bệnh, bệnh viện trả về nhưng tui không có tiền về xe...”. Nói đến đây giọng anh nghẹn lại. Tôi mít ướt, chực khóc, chưa biết làm gì. Một chiếc Attila trắng thấy lạ ghé vào. Chuyện gì thế em? Giải thích. “Tui gửi anh năm trăm, anh cầm lấy đưa mẹ về quê”, Attila trắng vừa nói vừa móc bóp. Attila trắng chưa kịp đi thì một Dream II chặn trước đầu xe tôi. Chuyện gì thế em? Giải thích. “Lên đây tui chở ra bến xe mua vé cho về”, Dream II lên tiếng. Anh thanh niên ẵm bà cụ lên xe. Một người bạn của Dream II cũng ghé vào, lại hỏi và gửi cho bà cụ ít tiền. Tôi xách giỏ và lẽo đẽo chạy xe theo chiếc Dream II, chiếc giỏ nhẹ tênh của hai mẹ con làm tôi ngộp thở. Tới bến xe, Dream II chạy đi mua vé. Tôi sang quán mua mấy cái bánh bao gửi theo. “Anh và bà về quê nhé”. “Dạ”. Lúc lên xe tôi thấy bà cụ quệt nước mắt nhật ký ạ. Ra khỏi cổng bến xe, tôi rẽ qua Nguyễn Trãi, Dream II chạy hướng Hùng Vương. Nhỏ bạn gọi điện hối í ới. Tối về kể cho bạn nghe, bạn chép miệng, ngoài đường cũng còn nhiều người tốt. Ừ, còn nhiều người tốt thiệt. Mai mốt có gặp Attila và Dream II ngoài đường chắc cũng không nhận ra, nhưng thấy ấm lòng mỗi khi nhớ đến họ, những người tốt ngoài đường. TTCT cảm ơn các bạn: Tạ Cự Đường, Lê Thị Quỳnh Trâm, Nguyễn Thế Hải; Yên Mã Sơn, Hồng Nhật, Tiến Vinh; Hải Oanh, sada adadasd... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.
Ông Trump muốn lấy lại tiền đã viện trợ cho Ukraine THANH HIỀN 11/02/2025 Ông Trump ngày 10-2 để ngỏ khả năng Ukraine có thể 'trở thành của Nga' và đề xuất đổi viện trợ của Mỹ lấy tài nguyên Ukraine.
Nhân chứng kể lại vụ tài xế Lexus liên tục đấm đá vào mặt nam shipper ở Hà Nội HỒNG QUANG 11/02/2025 Nhân chứng cho biết nam shipper bị khiếm khuyết ở bàn tay, nên gặp khó khăn trong việc lùi xe máy đang chở hàng nặng.
Bộ GD-ĐT nói gì trước phản hồi trái chiều về quy định dạy thêm? VĨNH HÀ GHI 11/02/2025 Còn vài ngày nữa thông tư 29 quy định dạy thêm, học thêm có hiệu lực trong khi nhiều thầy, cô và phụ huynh vẫn ngổn ngang tâm tư.
Ngoại trưởng Rubio: Không thể để Trung Quốc mạnh hơn Mỹ THANH HIỀN 11/02/2025 "Chúng ta sẽ phải cạnh tranh với họ trong suốt thế kỷ 21 và hơn thế nữa. Lịch sử thế kỷ này sẽ xoay quanh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc".