Vòng đời mới của thiết bị y tế

HỒNG VÂN 20/02/2022 19:00 GMT+7

TTCT - Khi đồ dùng, thiết bị y tế đến được tay những người cần, vòng xoay của những món đồ ấy chính là vòng xoay của tình thương yêu.

Tin nhắn tặng xe lăn được đăng trên nhóm Facebook Freecycle TP.HCM - cho tặng đồ hoàn toàn miễn phí. Ảnh: HỒNG VÂN

 

Cho đi là còn mãi

“Sức khỏe bé B., con tôi, đã tiến triển nhiều sau một tai nạn nghiêm trọng. Do con không cần nữa nên tôi tặng cho các bệnh nhi khác với hy vọng các bé mau đỡ” - chị H, nhà ở TP Thủ Đức (TP.HCM), nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần. 

Gia đình chị đã mua một số vật dụng gồm giường có đệm chống loét lưng, máy hút đàm, xe lăn cho con trong thời gian trị bệnh, nay họ cho đi tất cả.

Chiếc giường có nhiều chức năng  hỗ trợ người bệnh như nâng, nghiêng người, gội đầu… có giá 9 triệu đồng. “Lúc đầu tôi định bán lại nửa giá, lấy tiền đó tặng lại cho quỹ bệnh nhi nghèo của Bệnh viện Nhi đồng 2, nhưng tôi thấy một bệnh nhi 12 tuổi nằm cùng khoa hồi sức với con tôi, cháu to gần bằng người lớn, gia đình đỡ lên xuống khá vất vả. 

Nhà anh chị ấy cũng chạy chữa cho con tốn tiền nhiều rồi. Tôi không đắn đo, suy nghĩ gì cả, tặng cho họ với hy vọng bé mau đỡ, không cần dùng giường thì càng tốt”, chị H. chia sẻ. 

Khi con có thể tự ngồi ghế, chị H. tặng ghế xe lăn cho một bé khác. Rồi chị cũng tặng máy hút đàm vì hiểu gánh nặng tài chính của các bố mẹ có con bệnh hiểm nghèo. 

Chị N., ở Biên Hòa (Đồng Nai), người nhận chiếc giường bệnh nói trên, cho biết hai vợ chồng chị làm công nhân, lương tháng mỗi người khoảng 6-7 triệu. Từ lúc con đầu bị bệnh, rồi tổn thương não, sau hơn 1 năm chạy chữa, những khoản chi trả cho bệnh viện lên đến hơn 400 triệu, chị phải nghỉ làm để ở nhà chăm con. 

Họ đang có một khoản nợ phát sinh, có thể phải bán nhà để giải quyết nợ và tiếp tục tìm cách điều trị cho con. Chiếc giường là thứ duy nhất chị được tặng, do tình cờ biết “quý nhân” là mẹ của bệnh nhi cùng điều trị chung bệnh viện. “Con trai tôi bây giờ đã về nhà, cháu vẫn liệt tứ chi, nhận thức mơ hồ.

 Chiếc giường giúp chúng tôi nâng cháu lên tư thế nửa nằm nửa ngồi để cháu thoải mái hơn. Ở tư thế này đờm, nhớt cũng không lên nhiều. Món quà này là sự động viên vô cùng lớn với gia đình chúng tôi”, chị N. nói.

Tin nhắn tặng giường bệnh được đăng trên nhóm Facebook Freecycle TP.HCM - cho tặng đồ hoàn toàn miễn phí. Ảnh: HỒNG VÂN

 

“Sàn” cho tặng đồ y tế, sao không?

Bác sĩ Phan Xuân Trung, Trung tâm Y khoa MEDIC TP.HCM, cho biết nhiều bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân thường thông qua bác sĩ để tặng hoặc xin các thiết bị y tế vì không biết đầu mối khác. 

Có bệnh nhân khỏi bệnh, không còn nhu cầu nên tặng lại. Cũng có nhiều bệnh nhân qua đời, để lại giường, xe lăn, máy đo oxy… Nhu cầu cho tặng cũng như được cho, nhận các đồ dùng, thiết bị chăm sóc người bệnh khá nhiều và hợp lẽ.

Không như các đồ dùng khác, các loại thuốc và thiết bị y tế rất khó được dùng thường xuyên, để không sẽ lãng phí. Với nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, phải điều trị lâu dài tốn kém, các thiết bị rất cần thiết này nhiều khi nằm ngoài khả năng của họ. 

Bởi gánh nặng tài chính cho việc điều trị đã rất lớn, nếu đỡ được chi phí mua thiết bị thì họ có thể kéo dài hy vọng, sử dụng nguồn lực tài chính cho việc điều trị, chăm sóc, phục hồi. 

Một tháng qua, bác sĩ Trung đã kết nối tặng 2 giường bệnh, một chiếc trong đó thậm chí đã xoay vòng qua 2 bệnh nhân mới.

Theo bác sĩ Trung, những người thực sự cần các thiết bị y tế thường có khó khăn riêng và luôn sẵn sàng nhận các thiết bị được cho dù người sở hữu nó trước đây không còn nữa. Cũng có nhiều người liên hệ bác sĩ Trung để tặng nạng, thuốc… 

Những trường hợp có thể kết nối ngay, bác sĩ Trung giúp hai bên trực tiếp trao đổi. Cách đây hơn một năm, biết có người có dư thuốc (do bệnh nhân đã mất) hoặc có thuốc chưa hết hạn sử dụng và thiết bị y tế, trong khi có nhiều người cần mà không thể mua, ông đã lập ra một nhóm Facebook có tên là "Cận Date, Dư dùng" để người có tặng cho người cần. 

Nhóm nay có hơn 300 thành viên. “Nhóm “Cận Date, Dư dùng” được lập ra để mọi người chia sẻ cho nhau các thuốc men cận date và đồ dùng dư thừa nhưng vẫn còn sử dụng tốt. Đây không phải là nơi kinh doanh, đổi chác mà là nơi để nuôi dưỡng lòng nhân ái của chính mình”, bác sĩ Trung nói.

Bác sĩ Trung cho rằng việc lập ra một nhóm trực tuyến để cho tặng là không khó. Nhưng để nhóm hoạt động hiệu quả, cần một đội ngũ quản lý tận tình, nhiệt tâm để nhóm không biến thành diễn đàn đăng quảng cáo bán hàng tràn lan, không đúng mục tiêu của nhóm đặt ra.

Hiện nay, tuy chưa có nhóm chuyên cho tặng thuốc và thiết bị y tế riêng nhưng trên Facebook có các nhóm chia sẻ với tên gọi Freecycle + (tên địa phương) - cho tặng đồ hoàn toàn miễn phí hoạt động ở nhiều tỉnh thành. Hoạt động ở địa phương nào, tên địa phương sẽ được đặt trong tên nhóm.

 Trên nhóm Freecycle TP.HCM - cho tặng đồ hoàn toàn miễn phí, chị Dương Thạch Thủy Tiên (ở quận Bình Thạnh) cho biết chị đã cho và cũng được tặng lại nhiều món đồ. 

Chị Tiên thường cho đồ chơi, quần áo trẻ em. Ngược lại, mới đây khi mẹ và chồng nhiễm COVID-19, chị đăng tin xin máy đo huyết áp, xe lăn…đều có người nhắn tin riêng đến chị cho đồ.

“Tôi muốn cho đi thật nhiều để mọi người có niềm vui và cũng thích cách trao đổi qua lại trong nhóm. Điều này làm tôi rất hạnh phúc. Tôi tin khi mình biết cho đi thì đến lúc mình cần, ai đó sẽ cho lại mình”, Tiên nói.

Chị cho biết vừa qua một mình chị chăm mẹ và chồng trong bệnh viện, chi phí rất nhiều nên việc được cho máy xay cầm tay, nồi nấu cháo chậm, nồi hâm đồ ăn… thực sự giúp chị tiết kiệm được nhiều khoản chi.

Theo quản lý nhóm “Freecycle TP.HCM - cho tặng đồ hoàn toàn miễn phí”, có một số quy định chung để nhóm hoạt động tốt như bài đăng quảng cáo, tin rác sẽ bị xóa. 

Người muốn tặng đồ phải thông tin về khu vực nhận đồ, ảnh chụp mô tả sản phẩm, cho xong thì cần thông báo hoặc tắt bình luận để người khác biết là món đồ đã có chủ nhân mới. 

Với người nhận, cần cân nhắc kỹ, chỉ xin món đồ mình thực sự cần, đúng nhu cầu và đúng hẹn, đúng giờ, tránh trường hợp đã hẹn rồi không đến lấy, liên hệ không được làm mất cơ hội của những người khác...

Những vòng sống mới của các món đồ, thiết bị đó cũng là những vòng sóng thiện tâm tốt lành lan tỏa trong xã hội. 

Việc cho tặng đồ dùng y tế cá nhân, thuốc cận date, dư dùng qua sử dụng phần lớn được thực hiện do các cá nhân ít nhiều quen biết nhau hoặc thông qua sự giới thiệu của người có uy tín. Tuy nhiên, khi cho thuốc dư dùng, người tặng khá băn khoăn về tính pháp lý. 

Chị Hoài T., nhà ở TP Thủ Đức, cho biết cách đây vài năm mẹ chị mất vì ung thư. Sau khi bà qua đời, nhà chị vẫn còn vài liều morphine mà mẹ chưa kịp sử dụng. Sau này, biết một bệnh nhân ung thư rất cần thuốc giảm đau, mua mà không có, chị tặng lại. Chị L., nhà ở Đà Lạt, cũng cho biết chị từng tặng vài liều thuốc giảm đau như vậy cho một người cùng chữa bệnh ung thư với bố mà gia đình chị biết rất rõ và họ đang cần.

Dù việc cho tặng này hoàn toàn là muốn giúp đỡ, san sẻ một thứ mình có mà người khác cần đến tuyệt vọng, nhưng hai chị vẫn băn khoăn: việc tặng morphine sẽ được pháp luật nhìn nhận thế nào để người tặng thật sự yên tâm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận