TTCT - Năm phát súng nã trực diện vào Thủ tướng Robert Fico ngày 15-5 đã gây chấn động không chỉ đất nước Slovakia, và Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Matush Shutai-Eshtok cho rằng "vụ mưu sát đã đưa đất nước đến bờ vực nội chiến". Ông Robert Fico. Ảnh: Reuters Cuộc tấn công xảy ra khi ông Fico đang tiến đến gặp công chúng sau một cuộc họp chính phủ ở Handlova, cách thủ đô Bratislava 190km. Kẻ tấn công được xác định là Juraj Chintula, 71 tuổi. Nguyên nhân được ông Shutai-Eshtok nêu sau các thẩm vấn đầu tiên: Do Bratislava "ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine, can thiệp vào công việc của đài truyền hình công cộng và khiến chủ tịch hội đồng tư pháp từ chức". Ông Fico bị thương nặng ở ngực, bụng, và đang được tích cực điều trị.Truyền thông Slovakia nói Chintula không chỉ là "nhà văn nổi loạn". Kênh truyền hình TAZ 16-5 đưa tin nghi phạm có quan hệ với tổ chức bán quân sự Slovenský Branci (ngừng hoạt động vào năm 2022 và không được đăng ký ở Slovakia). Vào năm 2016, Chintula đã tham gia các cuộc gặp của tổ chức này và đăng trên mạng xã hội những bài thơ và đoạn văn với nội dung bài xích người nhập cư.Truyền hình Slovakia gọi Chintula là "nhà tranh đấu thất bại" do kêu gọi thành lập phong trào chống bạo lực, nhưng đơn thỉnh cầu của ông chỉ có 8 người ký tên. Sau vụ mưu sát, truyền hình Bratislava phát đi hình ảnh Chintula tại một cuộc biểu tình chống chính phủ hồi tháng 4-2024, trong đó những khẩu hiệu ủng hộ Ukraine được hô vang dưới lá cờ EU. Một số nguồn tin nói Chintula là thành viên đảng "Slovakia tiến bộ" (ủng hộ LGBT và chủ nghĩa toàn cầu, nhưng không giành được ghế nào trong quốc hội hiện nay). Tuy nhiên, ngay sau vụ mưu sát, đảng này phủ nhận bất kỳ liên can nào tới Chintula.Chintula đã bị truy tố hôm 16-5 và đối mặt án tù từ 25 năm đến chung thân. Theo đài TV Markiza, Chintula, người sở hữu súng hợp pháp 30 năm qua, tuyên bố "tự hào về những gì mình đã làm".Cảnh sát Slovakia bắt giữ Chintula. Ảnh: Le Figaro"Con sói đơn độc"?Vụ mưu sát diễn ra trong bối cảnh xã hội Slovakia đang chia rẽ nghiêm trọng, thể hiện qua tỉ lệ thắng cử của đảng Định hướng - Dân chủ xã hội (Smer-SD) đưa ông Fico lên làm thủ tướng lần thứ ba vào tháng 10-2023. Smer-SD chỉ giành được 22,94% số phiếu bầu, tương đương 42/150 ghế quốc hội. Đất nước 5,4 triệu dân Slovakia đầy những vấn đề nội bộ gay gắt, mà bản thân Fico, theo nhận định của nhà khoa học chính trị Georgi Bovt trên cổng thông tin BFM.ru, là một "chính khách dân túy đầy mâu thuẫn".Đã hai lần làm thủ tướng (2006-2010 và 2012-2018), ông Fico và Smer-SD ban đầu tỏ ra có đường lối dân túy cánh tả. Nhưng từ sau năm 2018, khi ông buộc phải từ chức sau vụ sát hại Jan Kuciak, nhà báo điều tra tham nhũng chính trị, Fico bắt đầu ngả theo hướng dân túy cánh hữu, gần giống Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Đường lối thực dụng này đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, chống Mỹ và thân Slave, phản đối nhập cư và LGBT.Trở lại nắm quyền, ông Fico phản đối viện trợ nhà nước cho Ukraine, nhưng đồng thời vẫn cho phép các nhà sản xuất vũ khí tư nhân Slovakia tiếp tục làm ăn với Kiev. Ông từng nói nguyên nhân dẫn tới chiến tranh là "cuộc vui của những kẻ theo chủ nghĩa phát xít mới Ukraine", và chỉ trích "sự lừa dối Nga liên quan đến việc NATO mở rộng về phía đông". Quan điểm của ông là viện trợ quân sự cho Kiev chỉ kéo dài xung đột. Ông cũng nhiều lần phản đối trừng phạt chống Nga (dù Bratislava vẫn ủng hộ gói trừng phạt mới nhất).Trong nước, ông đóng cửa cơ quan chống tham nhũng, cáo buộc cơ quan này khởi xướng các vụ án chính trị chống lại đồng minh của ông. Gần đây, ông đề xuất đóng cửa đài truyền hình công RTV kể từ tháng 6 tới, do đài này "thiên vị chống chính phủ". Thay vào đó, một công ty truyền hình mới sẽ được thành lập, dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ. Quốc hội Slovakia bắt đầu thảo luận về luật này đúng vào ngày xảy ra vụ ám sát ông Fico, trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống đối nổ ra.Gần đây, một đạo luật khác cũng đã được Bratislava soạn thảo, yêu cầu các tổ chức phi chính phủ nhận được hơn 5.000 euro từ nước ngoài phải đăng ký là "tổ chức đối tác nước ngoài". (Dự luật tương tự cũng gây làn sóng biểu tình rầm rộ ở Tbilisi đã được Quốc hội Gruzia thông qua hôm 13-5).Biểu tình ủng hộ Ukraine ở Slovakia. Ảnh: ReutersTất cả những diễn biến này khiến xã hội Slovakia sôi sục, và ông Fico không phải là đối tượng duy nhất bị căm ghét. Tổng thống sắp mãn nhiệm Zuzana Caputova - người ủng hộ Brussels và viện trợ quân sự cho Ukraine - nói đã nhận được những đe dọa ám sát bà vào năm ngoái. Về phần mình, các đồng minh chính trị của Fico đổ lỗi vụ ám sát cho phe đối lập cấp tiến và giới truyền thông. Phó chủ tịch Quốc hội Slovakia Lubos Blaga nói đây là một "vụ săn mồi" mà trách nhiệm thuộc về những "thế lực tự do". Chính ông Fico đã đưa ra tuyên bố mang tính tiên tri cách đây một tháng khi nói về tình hình Slovakia: "Các chính trị gia bị xúc phạm trên đường phố, và tôi chỉ chờ sự thất vọng này biến thành một vụ giết người".Trong bầu không khí như vậy, một số "con sói đơn độc" có thể chọn bất kỳ ai làm nạn nhân. Tuy nhiên, cũng có những nhắc nhở rằng Thế chiến I đã bắt đầu bằng phát súng của một người Serbia bắn vào Thái tử Áo - Hung Ferdinand. Đồng minh của ông Fico, tân tổng thống Slovakia Peter Pellegrini nói sau vụ tấn công: "Nếu chúng ta bày tỏ quan điểm chính trị bằng vũ khí tại các quảng trường thay vì tại các điểm bỏ phiếu, chúng ta sẽ gây nguy hiểm cho mọi thứ... [mà chúng ta] đã cùng nhau xây dựng trong suốt 31 năm chủ quyền của Slovakia". Ông Pellegrini đã đánh bại ứng viên thân phương Tây Ivan Korczok trong cuộc bầu cử, và sau đó ông Fico cảnh báo Brussels sẽ "trả thù cho thất bại của Korczok".Trong vườn hoa châu ÂuPhản ứng về vụ ám sát ông Fico trên truyền thông ở các nước Tây Âu tỏ ra tương xứng với thái độ chính trị của họ với Chính phủ Slovakia hiện tại. Đài Anh Sky News giật tít: "Còn muốn gì nữa? Ông ta phản đối viện trợ quân sự cho Kiev". Trên các báo Pháp ngày 16-5, tin tức chính là tình trạng bất ổn ở New Caledonia. Thông tin về vụ ám sát ông Fico, nếu có lên trang nhất, cũng được đưa rất khiêm tốn. Báo Đức Spiegel đăng một bài báo về vụ việc với tiêu đề: "Fico đã đầu độc bầu không khí đất nước mình ra sao". Tít báo này sau đó được thay đổi, nhưng nội dung vẫn nhắm vào ông Fico. Báo Anh The Guardian thì viết việc ông Fico trở lại nắm quyền đã gây ra tình trạng bất ổn trong và ngoài Slovakia, và tình hình ngày càng hỗn loạn và phân cực dưới sự lãnh đạo của ông.Từ một góc nhìn khác, không phải tự nhiên mà cảnh sát Slovakia cảnh báo mạng xã hội có trách nhiệm trong vụ ám sát này. Chỉ bốn ngày trước vụ ám sát, tờ Politico phiên bản châu Âu 11-5 đã đăng bài về việc Brussels chỉ trích gay gắt luật các đối tác nước ngoài của Slovakia. Dưới nhan đề: "Fico âm mưu phá bỏ báo chí tự do", bài báo "kể tội" gay gắt đến mức có thể làm "nóng máu" những người tin ở tự do báo chí.Sau vụ mưu sát Fico, các biện pháp an ninh đang được tăng cường ở Phần Lan. Hôm 16-5, một người đàn ông bị bắt giữ ở Serbia vì đe dọa tổng thống nước này Aleksandar Vucic. Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tuck cũng tiết lộ đã nhận được đe dọa ám sát sau vụ Fico. Lãnh đạo Đảng Phục hưng Bulgaria, Kostadin Kostadinov nói vụ ám sát ông Fico xảy ra do làn sóng chống Nga quy mô lớn đang được thổi bùng ở châu Âu, và đặt câu hỏi ai có thể là mục tiêu tiếp theo.Biểu tình phản đối ông Fico ở Slovakia. Ảnh: GettyKhông khí chia rẽ và thù hận này đối nghịch với ví von EU như khu vườn nở hoa của Cao ủy ngoại giao EU, Josep Borrell, hồi tháng 10-2022. Khi đó, phát biểu trước các nhà ngoại giao trẻ EU tại lễ khai trương Học viện Ngoại giao châu Âu ở Bruges (Bỉ), Borrell nói người châu Âu "có đặc quyền" nhờ kết hợp ba yếu tố: "tự do chính trị, triển vọng kinh tế và sự gắn kết xã hội". Vì thế, châu Âu là "khu vườn nở hoa", trong khi thế giới xung quanh là "khu rừng rậm" có thể xâm chiếm cơ chế đang vận hành tốt của châu Âu. Những gì đang diễn ra ở Slovakia và nhiều nước châu Âu khác cho thấy cũng không thể nói trước nơi nào mới là rừng rậm, còn đâu mới là vườn hoa. ■ Ông Zelensky cũng từng bị mưu sát?Ngày 7-5, Cơ quan An ninh nhà nước Ukraine (SBU) cho biết đã phá được âm mưu ám sát tổng thống nước này Volodymyr Zelensky. Hai đại tá Ukraine cùng 3 bị cáo khác tham gia âm mưu đã bị bắt.Strana News dẫn nguồn SBU cho biết: "Cùng với tổng thống Ukraine còn có hai mục tiêu khác là người đứng đầu SBU Vasily Malyuk và Giám đốc Tổng cục Tình báo Kirill Budanov". Nguồn tin SBU mô tả chi tiết: "Những kẻ mưu sát muốn giết Budanov trước lễ Phục sinh 2024 bằng một cuộc tấn công tên lửa vào ngôi nhà ông đang ở. Sau đó, máy bay không người lái được sử dụng để kết liễu những người còn lại. Cuối cùng, một tên lửa khác sẽ được bắn để xóa hết dấu vết". Máy bay không người lái và mìn sát thương cho nhiệm vụ này được đích thân một đại tá từ một vùng khác của Ukraine mang đến.Cuộc trò chuyện giữa người bị cho là thủ phạm của vụ tấn công và "người phụ trách" của FSB [cơ quan tình báo Nga] đã được ghi lại". Tags: Châu ÂuThủ tướng Robert FicoMưu sát tổng thốngSlovakiaBiểu tình
Tổng Bí thư: Hải Phòng hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong hợp tác và phát triển kinh tế TIẾN NGUYỄN 14/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng TP Hải Phòng phát triển ngang tầm với các thành phố tiêu biểu châu Á.
Thủ tướng bổ nhiệm ông Lê Tiến Đạt làm phó tổng Thanh tra Chính phủ THÂN HOÀNG 14/11/2024 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định bổ nhiệm ông Lê Tiến Đạt giữ chức phó tổng Thanh tra Chính phủ. Trước đó ông giữ chức vụ cục trưởng ở cơ quan này.
Chuyên án ma túy đường hàng không từ Pháp về Việt Nam: Phá 500 đường dây, khởi tố 1.132 người ĐAN THUẦN 14/11/2024 Liên quan đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không từ Pháp về Việt Nam, đến nay Công an TP.HCM xác định các đối tượng đã giao dịch mua bán ma túy với số tiền hơn 28.000 tỉ đồng.
CLB Hoàng Anh Gia Lai tố cáo, Martin cầu cứu Đại sứ quán Ghana QUANG THỊNH 14/11/2024 Liên quan vụ tranh chấp giữa ngoại binh Martin Dzilah với CLB Hoàng Anh Gia Lai, sau khi hai cá nhân của đội bóng tố cáo cầu thủ quốc tịch Ghana ra tòa, bị đơn đã thông báo cho Đại sứ quán.