Vụ nổ tang tóc và "phiền toái" ở Minsk

HỮU NGHỊ 16/04/2011 23:04 GMT+7

TTCT - Ngay sau vụ nổ chiều thứ hai 11-4 tại trạm xe điện ngầm Oktyabrskaya, các chuyên gia an ninh Nga FSB đã nhanh chóng có mặt tại thủ đô Minsk (Belarus) để tham gia điều tra vụ nổ mà Tổng thống Alexander Lukashenko gọi là “món quà từ bên ngoài” (1).

Belarus: đánh bom tàu điện ngầm, 11 người chết, 126 bị thương

Phóng to
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (thứ hai từ phải sang) có mặt tại hiện trường vụ đánh bom trạm xe điện ngầm Oktyabrskaya ngày 11-4 - Ảnh: Reuters

Nếu đó là “món quà từ bên ngoài” thì “bên ngoài” đó thật ác độc! Quả bom tự tạo là một bình bằng sắt nén khoảng 5kg chất nổ với đinh dài 8cm và bi sắt đường kính 1,5cm, khi được kích nổ không chỉ gây sát thương bằng sức ép của vụ nổ mà còn gây thương vong hàng loạt bằng số đinh và bi sắt đó.

Càng ác độc khi chọn trạm Oktyabrskaya (Tháng Mười) vốn là một trạm giao cắt giữa hai tuyến xe điện ngầm của TP Minsk, lượng hành khách luôn đông đúc. Càng ác độc hơn nữa khi cho bom nổ vào 17g55, có đến 300 người tan sở đang chen chúc lên xe điện về nhà. Hậu quả là cứ hai người xui rủi có mặt ở đó thì một người hoặc chết hoặc bị thương. Theo Cơ quan An ninh Belarus (KGB), tính đến sáng thứ tư 13-4, số người chết đã lên đến 12 người, hơn 200 người bị thương phải điều trị!

Suốt 15 năm qua, Tổng thống Lukashenko luôn tự hào về tính ổn định và an ninh tuyệt đối của Belarus...

Sáng thứ ba 12-4, an ninh Belarus cho biết đã câu lưu một số người và có thể phác thảo chân dung thủ phạm: đó là một người đàn ông Bắc Caucasus (2), mặt tròn, tuổi từ 25-35, cao khoảng 1,75m, không thuộc mẫu người các sát thủ đánh bom liều chết (Hồi giáo). Đến tối, bức họa này chi tiết hơn: đó là một thanh niên 27 tuổi, không phải người Slave, tức không phải người Nga hay Belarus, Ukraine...

Nếu theo dõi tình hình quan hệ đối ngoại của Belarus sẽ thấy ngay những ngụ ý của Tổng thống Lukashenko khi ông gọi “đây là một món quà từ bên ngoài” và tại sao ông mời ngay cơ quan an ninh Nga sang cùng điều tra, cũng như tại sao an ninh Nga cho người sang ngay. Chẳng qua do quan hệ Belarus - Nga mấy năm nay xấu hẳn đi, nên để tránh mọi nghi vấn phiền toái, chi bằng hai bên cùng điều tra vụ nổ.

“Cơm không lành, canh không ngọt"

Trước kia, khi Ukraine có quan hệ chưa tốt với Nga dưới trào Tổng thống Viktor Yushchenko thì Belarus, dưới quyền Tổng thống Alexander Lukashenko, được xem là đồng minh thân cận bậc nhất của Nga, thậm chí còn trong Liên hiệp Nga - Belarus. Nay Belarus, cũng dưới trào Tổng thống Lukashenko, lại “cơm không lành, canh không ngọt” với người Nga.

Trong một thông điệp video gửi đến dân chúng Belarus hôm 6-10-2010, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã nhắc: “Giờ đây Nga và Belarus là đối tác trong nhà nước liên hiệp. Từ khi Liên Xô sụp đổ cách đây non 20 năm, chúng tôi từng giúp đỡ nhân dân Belarus, khối lượng chi viện này, ai nói gì thì nói, đã luôn là khổng lồ. Chỉ riêng năm nay thôi chi viện của chúng tôi cho Belarus dưới dạng dầu hỏa cung cấp “nâng đỡ” đã lên đến gần 2 tỉ USD. Lượng khí đốt Nga cung cấp với giá bao cấp cho Belarus cũng chừng đó... Chỉ vì hai đất nước chúng ta gắn liền nhau”.

Rồi ông Medvedev đề cập nguyên nhân bất hòa: “Ấy vậy mà trong các bình luận của mình, Tổng thống Lukashenko không chỉ bỏ mặc các nguyên tắc ngoại giao, mà cả những phép lịch sự thông thường. Trong toàn bộ chiến dịch tranh cử, ông Lukashenko cứ tuôn ra hàng loạt vu cáo nước Nga và ban lãnh đạo nước Nga... Tất nhiên, chúng tôi sẽ ghi nhớ điều này trong quan hệ với đương kim tổng thống Belarus” (3).

Paul Duvernet, một tác giả Pháp chuyên phân tích tình hình Nga, thuật lại chiến dịch tranh cử năm ngoái của ông Lukashenko như sau: “Thắng lợi hầu như nắm chắc một nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp của ông Lukashenko, mà các quan hệ với điện Kremlin đã trở nên cực xấu, làm Matxcơva nản lòng.

Ông Lukashenko, cầm quyền từ năm 1994, nay chủ trương chia để trị cho phe đối lập ra ứng cử càng đông càng tốt, thay vì hạn chế như ở cuộc bầu cử năm 2006. Ông Lukashenko nay đối diện với một phe đối lập chia rẽ với mười ứng cử viên vừa ít được xuất hiện trên báo chí, vừa chỉ có 0,4% tổng số nhân viên đại diện kiểm phiếu.

Lần đầu tiên kể từ 15 năm qua, ông Lukashenko đã đổi vai với phe đối lập. Nay ông không nề hà sử dụng mọi lý luận chống Nga! Ông còn tìm cách bôi nhọ đối thủ đáng gờm nhất - nhà thơ Vladimir Neklyaev, rằng ông này sẽ nộp cho Nga các đường ống dẫn khí và các nhà máy lọc dầu của Belarus một khi đắc cử!” (4).

Thật ra cũng có lý do để ông Lukashenko bực dọc Nga. Từ năm 2007, khi Tập đoàn Gazprom của Nga quyết định tăng giá khí đốt gấp đôi, từ 46,68 USD/1.000m3 lên 100 USD/1.000m3, quan hệ hai nước xấu đi. Để trả đũa, Chính phủ Belarus đánh thuế 45 USD/tấn dầu thô của Nga bơm trong các đường ống dẫn dầu trên lãnh thổ Belarus đến châu Âu.

Trong bối cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Nga và Belarus, việc hai bên cùng điều tra vụ nổ quả là cần thiết.

“Bên ngoài” và "bên trong" nào?

Với những chi tiết ban đầu về kẻ tình nghi không phải người Slave, mà là người khu vực Bắc Caucasus, có thể nghĩ đến người Chechen ly khai đang “đánh đấm” với người Nga. Thế nhưng, nếu thế, họ sẽ là đồng minh với người Belarus để chống Nga thay vì đi đặt bom giết người Belarus, trừ phi họ muốn “ném đá giấu tay” kích cho Belarus “trả đũa” Nga. Còn có “bên ngoài” nào khác (Mỹ, EU...) muốn chen vào giữa hai bên Nga và Belarus, kích động biến cuộc đôi co cho đến nay giữa hai bên vẫn là ôn hòa thành một chuỗi phản ứng bằng sức mạnh?

Đến 5g23 chiều thứ ba (tức 21g23 giờ VN), Hãng tin BelTA của Belarus loan tin “Ủy ban An ninh nhà nước Belarus đang xem xét ba lý do khả dĩ của vụ khủng bố ở Minsk: nhằm tạo ra tình hình bất ổn, một tổ chức thanh niên cực đoan nào đó muốn trả đũa khi vụ xét xử những kẻ này đang hoàn tất, hành động của kẻ bệnh hoạn nào đó”.

Về lý do thứ nhất, Vadim Zaitsev, chủ tịch ủy ban này, nhắc lại vụ bắt giữ 700 người chống đối hôm 17-12 năm ngoái sau cuộc bầu cử tổng thống. Ông giải thích: “Hiện có những ai đó không thích cách thức và mô hình sinh sống của xã hội Belarus, cơ cấu an ninh của Belarus. Không phải tất cả ai bị tuyên là phạm tội hay đã bị điều tra đều chịu công nhận các phán quyết đó. Những kẻ đó đang muốn gieo rắc sự sợ hãi, kinh hoàng, mất tin tưởng vào các cơ quan công lực”.

Có một chút hữu lý trong giải thích này: suốt 15 năm qua, Tổng thống Lukashenko luôn tự hào về tính ổn định và an ninh tuyệt đối như là một lý do chính đáng cho sự đánh đổi lấy quyền tụ họp, biểu tình... Và đa số dân chúng cũng cảm thấy sự đổi chác này hữu lý. Nay chính quyền Lukashenko sẽ phải “ăn nói” như thế nào về trách nhiệm đối với sự kiện mới xảy ra?

Theo phân tích của Yevgenia Voika, chuyên gia hàng đầu của Viện Nghiên cứu tình hình chính trị Nga, vụ tấn công này dù vì lý do gì cũng “là một đòn cực kỳ nghiêm trọng vào hình ảnh và vị thế của Alexander Lukashenko, người trước bầu cử từng tuyên bố an ninh là then chốt, là một trong những thành tựu quan trọng dưới trào tổng thống của ông. Nay thành quả này đã bị bóp méo nên không loại trừ là chế độ sẽ trở nên hà khắc hơn và sự tự do sẽ khó có chỗ đứng, nhất là tự do chính trị” (5).

__________

(1) http://www.news24.com/World/News/Belarus-seeks-answers-over-metro-bombing-20110412
(2) Gồm các nước CH Adygea, Karachay-Cherkessia, Kabardino-Balkaria, North Ossetia-Alania, Ingushetia, Chechnya và CH Dagestan.
(3) Medvedev Addresses the People of Belarus via Video Blog, Posted on October 06, 2010 by Official Russia
(4) Les présidentielles biélorusses achèvent de gâter les relations avec Moscou, 1 décembre, 2010- La Russie d’Aujourd’hui
(5)
http://actualcomment.ru/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận