Vụ va chạm Iran - Pakistan: Trong cánh gà

HỮU NGHỊ 27/01/2024 07:55 GMT+7

TTCT - Vụ không kích qua lại mới đây giữa Iran và Pakistan có vẻ là hình mẫu về quan hệ giữa hai nước láng giềng sát rạt khi có xung đột bất chợt.

Tuy nhiên, cũng có những nguồn tin cho rằng quân đội hai bên đã phối hợp trong vụ này!

Ảnh: The Daily Beast

Ảnh: The Daily Beast

Tất cả thông tin về vụ va chạm bắt đầu vào lúc 18h37 hôm thứ ba tuần rồi 16-1, khi Bộ Ngoại giao Cộng hòa Hồi giáo Iran phát đi thông báo đầu tiên: "Iran: Tấn công tên lửa vào Idlib và Erbil nhằm bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia". Ngay rạng sáng 17-1, Bộ Ngoại giao Pakistan ra tuyên bố "lên án mạnh mẽ việc vi phạm một cách vô cớ không phận Pakistan".

Mục tiêu của Iran có là Pakistan?

Đọc kỹ thông cáo của Bộ Ngoại giao Iran, có thể thấy hành động quân sự của nước này nhằm hai mục tiêu: (1) điều mà Iran đề quyết là một trung tâm có liên kết với tình báo Mossad của Israel ở Erbil; và (2) điều mà Iran đề quyết là tổng hành dinh các phái khủng bố liên kết ở Idlib, vốn trong lãnh thổ Syria. 

Vấn đề là cả hai mục tiêu này đều không nằm trong lãnh thổ Pakistan: Erbil là thủ phủ của vùng người Kurd thuộc Iraq, nằm cách thủ đô Baghdad chừng 350km về phía bắc, còn Idlib là thành phố ở tây bắc Syria, cách Aleppo 59km về phía tây nam. 

Rõ ràng hai mục tiêu mà Iran loan báo đã tấn công nhằm "bảo vệ mạnh mẽ chủ quyền, an ninh quốc gia và chống khủng bố" không phải là trong lãnh thổ Pakistan.

Thông cáo ngày 16-1 của Iran cũng không đề cập gì tới Pakistan mà chỉ nói chung chung: 

"Trong khi kẻ thù phạm tội ác chống lại chính phủ và người dân Cộng hòa Hồi giáo Iran bằng những tính toán sai lầm, thì Cộng hòa Hồi giáo Iran, nhờ sức mạnh tình báo, đã xác định được trụ sở của bọn tội phạm và nhắm mục tiêu vào chúng bằng tên lửa có độ chính xác cao". 

"Hành động này là một phần trong phản ứng của Cộng hòa Hồi giáo Iran với những kẻ đe dọa an ninh quốc gia và an toàn của công dân Iran". 

Kết luận của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani về hành động quân sự nhằm vào Erbil và Idlib là: "Chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa toàn cầu lan rộng và Iran quyết tâm chống khủng bố trong khuôn khổ hợp tác chung khu vực và quốc tế".

ABC News nói đã được một nguồn tin an ninh Iraq cho biết một số chi tiết về vụ tấn công vào nơi mà Iran cho là "cơ sở gián điệp trong khu vực lãnh sự quán Mỹ tại Erbil". Theo nguồn tin này, nhiều vụ nổ đã được thông báo gần lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Erbil, Iraq, song không có lực lượng liên quân hay lực lượng Mỹ nào thiệt mạng. 

Tuy nhiên, cũng theo ABC News, Hội đồng An ninh khu vực người Kurd cho biết 4 người đã thiệt mạng và 6 người bị thương trong vụ tấn công, và Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran nhanh chóng nhận trách nhiệm.

Khu dinh thự trúng tên lửa Iran ở thành phố Erbil. Ảnh: DW

Khu dinh thự trúng tên lửa Iran ở thành phố Erbil. Ảnh: DW

Đụng độ Iran - Israel

Có thể hiểu thêm về hai vụ không kích của Iran qua bản tin của The Times of Israel: "Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran cho biết trong một tuyên bố hôm thứ ba rằng họ đã phóng 4 tên lửa Kheibar vào các vị trí của IS ở Idlib ở Syria và 11 tên lửa đạn đạo chính xác vào khu vực của người Kurd ở miền bắc Iraq, tấn công một trung tâm của Mossad, cơ quan tình báo Israel". 

Kheibar là tên lửa đạn đạo tầm trung thuộc thế hệ thứ tư của dòng tên lửa Khorramshahr do Iran sản xuất và ra mắt vào năm 2023, tầm bắn 2.000km và có thể mang đầu đạn nặng 1.500kg. Qua đó có thể thấy Iran nhắm mục đích gây thương vong cao. Còn 11 tên lửa đạn đạo chính xác thì The Times of Israel không cho biết thuộc loại nào.

The Times of Israel phủ nhận tuyên bố của Iran về việc bắn tên lửa trúng trung tâm của Mossad bằng cách dẫn lời Cố vấn An ninh quốc gia Iraq Qassem al-Araji phát biểu với Đài truyền hình K24 của người Kurd sau khi đến quan sát tòa nhà bị Iran tấn công: 

"Liên quan đến tòa nhà được cho là trụ sở Mossad, chúng tôi đã đến thăm ngôi nhà, kiểm tra mọi ngóc ngách, mọi thứ đều chỉ ra đó là nhà của gia đình một doanh nhân người Iraq". 

Căn cứ lời ông al-Araji, việc Iraq triệu hồi đại sứ ở Tehran và triệu tập đại biện lâm thời Iran ở Baghdad ngay hôm 17-1 để phản đối là tất yếu. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iraq nêu rõ cuộc tấn công của Iran là "vi phạm trắng trợn chủ quyền của Cộng hòa Iraq, đi ngược lại các nguyên tắc của tình láng giềng tốt đẹp và luật pháp quốc tế, đồng thời đe dọa an ninh khu vực".

Chuyện Iran và Israel "hầm hè" nhau là chuyện muôn thuở, và vụ căn cứ Mossad trúng tên lửa Iran ở Erbil không phải là không có căn cứ. Bằng chứng là mấy ngày sau, hôm 20-1, Israel đã trả đũa. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani đã lên án mạnh mẽ "vụ tấn công giết người hung hãn vào sáng thứ bảy của chủ nghĩa bành trướng Do Thái" nhằm vào khu dân cư Mazzeh ở thủ đô Damascus (Syria) khiến 4 cố vấn quân sự của Iran và một số lực lượng địa phương thiệt mạng. Iran cảnh cáo rằng Tehran có quyền hành động tương tự để đáp trả vụ này.

Tuy nhiên, dù động tay động chân, hai bên cũng đã có những nhẫn nhịn, nhưng sự kiềm chế của họ khiến "trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chịu": Iran tấn công Israel tận miền bắc Iraq, Israel trả đũa tuốt ở Syria, và nạn nhân chủ yếu là dân địa phương cùng chủ quyền các nước "khổ chủ".

Phía Israel còn tố cáo Iran đang tăng cường tấn công Nhà nước Israel qua các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Instagram và Telegram. 

Cơ quan An ninh Israel Shin Bet tiết lộ trong một tuyên bố tuần này rằng Tehran đang tuyển mộ người Israel gốc Iran làm gián điệp - giao cho họ thực hiện các nhiệm vụ như chụp ảnh nơi ở của các quan chức cơ quan an ninh và nhân vật nổi tiếng đã công khai chỉ trích Iran, truyền bá thông tin sai lệch gây chia rẽ bằng cách gửi hoa và tin nhắn đến một số gia đình của những người bị Hamas bắt làm con tin trong cuộc tấn công của Hamas vào miền nam Israel ngày 7-10, thúc giục các gia đình này biểu tình để gây rối ở Israel.

Có thể mở ngoặc: việc phe Houthi ở Yemen, được Iran hỗ trợ, tấn công tàu hàng một số nước "kẻ thù" đã trở thành mối đe dọa với tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch qua Biển Đỏ. Giá cước vận chuyển hàng hải từ châu Á tới Địa Trung Hải và Bắc Âu đã tăng gấp 4 lần khi khoảng 90% tàu container phải chuyển tuyến qua đường mũi Hảo Vọng.

Ảnh: BBC

Ảnh: BBC

Gương nứt lại lành

Phải nhìn nhận rằng sau khi vụ không kích vào lãnh thổ Pakistan xảy ra, Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Jalil Abbas Jilani đã phản ứng quyết liệt khi trả lời điện thoại từ Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian hôm 17-1. 

Ông Jilani nhấn mạnh cuộc tấn công vào lãnh thổ Pakistan vào ngày 16-1 không chỉ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Pakistan, mà còn vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và tinh thần của quan hệ song phương giữa Pakistan và Iran. 

Ông nói thêm Pakistan có quyền đáp trả hành động khiêu khích này. Trong thực tế, ngay hôm sau, 18-1, Pakistan phản pháo gây thương vong như đã nêu ở trên.

Song, chỉ một ngày sau vụ không kích của Pakistan, hai bên đã liên lạc với nhau. Bộ Ngoại giao Pakistan hôm 19-1 cho biết ông Jilani đã lại gọi điện cho ông Abdollahian và "nhấn mạnh mối quan hệ anh em chặt chẽ giữa Pakistan và Iran", đồng thời bày tỏ mong muốn "hợp tác với Iran dựa trên tinh thần tin cậy lẫn nhau, trên nền tảng tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau".

Hai bộ trưởng nhất trí rằng cần tăng cường hợp tác ở cấp độ công việc cụ thể và phối hợp chặt chẽ về chống khủng bố và các khía cạnh khác mà hai bên cùng quan tâm. 

Họ đồng ý giảm leo thang và đã thảo luận việc đưa đại sứ của hai nước trở lại nhiệm sở, điều đã diễn ra ngay vào ngày 26-1. Chưa hết, ông Abdollahian sẽ thăm Pakistan vào ngày 29-1 theo lời mời của ông Jilani. 

Quả là một sự cố ngoại giao bùng phát và kết thúc cực nhanh, chỉ từ ngày 17 tới 22-1, đặc biệt ở chỗ dàn xếp qua điện thoại mà thôi cho dù hai bên đã tấn công gây thương vong cho nhau! ■

Trong một góc nhìn khác, vụ tấn công vào khu người Kurd này cũng là tấn công vào Mỹ song gián tiếp, như có thể thấy khi VOA News 19-1 nêu vấn đề: "Người Kurd đặt câu hỏi về ý chí của Iraq và tính chung thủy của Mỹ sau khi Iran tấn công thủ đô của họ".

Còn về vụ tấn công của Iran, một quan chức Mỹ nói với ABC News: "Không có cơ sở nào của Mỹ bị ảnh hưởng. Chúng tôi không theo dõi thiệt hại về cơ sở hạ tầng hoặc thương tích vào thời điểm này".

Thủ tướng vùng người Kurd của Iraq Masrour Barzani đã kịch liệt phản kháng các vụ tấn công trong một bài đăng trên X: "Tôi lên án cuộc tấn công hèn nhát này nhằm vào người dân vùng Kurdistan bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất. Tôi kêu gọi chính phủ liên bang ở Baghdad có lập trường nguyên tắc chống lại hành vi vi phạm trắng trợn chủ quyền của Iraq và vùng Kurdistan".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận