TTCT - Sau khi đập Kakhovka trên sông Dnepr bị phá, hai phe Ukraine và Nga cùng tố cáo phe kia là thủ phạm. Dù Ukraine đã tuyên bố phản công, cục diện chiến trường vẫn còn chưa rõ ràng. Ảnh: The DriveThông báo đầu tiên hôm 6-6 trên tài khoản LinkedIn của ban lãnh đạo Công ty thủy điện PJSC Ukrhydroenergo của Ukraine: "Đêm qua lúc 2h50 sáng, những kẻ khủng bố Nga đã thực hiện một vụ nổ bên trong các cấu trúc của Nhà máy thủy điện Kakhovka". PJSC Ukrhydroenergo là doanh nghiệp nhà nước của Ukraine quản lý nhiều nhà máy thủy điện lớn dọc sông Dnipro, gồm Kakhovka. Đây là công ty sản xuất thủy điện chính của Ukraine. Bản tin mới nhất hôm 12-6 của PJSC Ukrhydroenergo cho biết hiện đang có 32 khu dân cư bên bờ phải sông Dnepr và 14 khu dân cư khác ở vùng "tạm chiếm" của Nga nằm trong vùng lũ lụt.Tố cáo ban đầuKhông phải ai trên thế giới cũng từng nghe nói tới Công ty PJSC Ukrhydroenergo cũng như đập và Nhà máy thủy điện Kakhovka. Thế cho nên, thông báo của công ty này hôm 6-6 cho biết quân đội Nga đã chiếm Nhà máy thủy điện Kakhovka từ năm 2022 và vào tháng 10-2022, công ty đã đệ đơn kiện Liên bang Nga lên Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) đòi bồi thường thiệt hại do "hành động xâm lược quân sự vô cớ" của Nga gây ra. Chi tiết này cho thấy một khía cạnh khác của cuộc chiến tranh: ngoài trả đũa tự vệ trên chiến trường của bên bị tấn chiếm, mà quyền tự vệ là đương nhiên và là nghĩa vụ đối với đất nước, còn có những cuộc chiến khác hoàn toàn dân sự, bằng những phương tiện khác, trong đó có cuộc chiến pháp lý.Thiệt hại ban đầu vụ vỡ đập được mô tả: "Do một phòng máy bị nổ tung từ bên trong nên Nhà máy thủy điện Kakhovka đã bị phá hủy hoàn toàn. Nhà máy không thể khôi phục được. Tính đến 9h ngày 6-6, mực nước trong hồ chứa Kakhovka đang giảm nhanh, việc sơ tán người dân khỏi các khu vực có nguy cơ lũ lụt tiềm tàng đã bắt đầu". Chính vì thế Công ty PJSC Ukrhydroenergo lên án: "Việc phá hủy nhà máy và con đập là hành động khủng bố của quân đội Nga... vi phạm Công ước Geneva do gây nguy hiểm cho cuộc sống của hàng trăm ngàn người".Chuyện gì xảy ra?Nhưng cũng hôm 6-6, sau khi đập Kakhova bị phá, Sputnik của Nga lên tiếng tố cáo: "Nhà máy thủy điện Kakhovka bị thiệt hại nặng nề vào sáng thứ ba, đập bị phá hủy và nước chảy không kiểm soát được ở hạ lưu, gây nguy cơ lũ lụt lớn, cắt điện và thiếu nước ở cả hai bên bờ sông Dnepr". Không chỉ tố rằng nhà máy bị phá, mà còn tố cả "truyền thông phương Tây nhanh chóng đổ lỗi cho Matxcơva về vụ tấn công. Nhưng liệu cáo buộc đó có ý nghĩa gì?". Những tố cáo cô đọng trong cùng một bài báo "Kiểm tra nhanh: Ai đã tấn công đập Novaya Kakhovka?" nhắc nhở rằng cuộc chiến tranh này ngay từ đầu đã là một cuộc chiến tổng hợp, bao gồm cả chiến tranh tuyên truyền mà có khi còn mạnh hơn cuộc chiến bằng vũ khí.Để trả lời bên nào là thủ phạm của việc phá hoại nhà máy thủy điện, trước hết phải hỏi xem khu vực Nova Kakhovka này ở trong tay bên nào? Do lẽ từ hồ chứa Kakhovka này, nước được cung cấp cho kênh Bắc Crimea, mà ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến, chính xác là vào ngày 24-4-2022, hồ chứa nước và đập là một trong những mục tiêu chiến lược đầu tiên của Nga - bị chiếm đóng cùng lúc với thành phố Nova Kakhovka.Sau khi chiếm đóng thành phố 45.000 dân này, quân đội Nga đã thay thế chính quyền Kakhovka và bổ nhiệm các lãnh đạo mới trong số những người "cộng tác". Theo tình báo Ukraine, Nga một mặt đã khai thác Nhà máy thủy điện Kakhovka ngay trong tháng 4-2022, mặt khác cũng đã gài mìn trên các âu thuyền và bệ đỡ của con đập; qua đến tháng 10, phía Nga đã cài thêm mìn vào các đường ống và trụ của đập.Chính trong thời gian đó đã nổ ra những báo động từ phía Nga rằng Ukraine sẽ phá con đập, rằng Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine kêu gọi sơ tán dân cư Novaya Kakhovka nhằm chuẩn bị cho việc quân đội Ukraine tấn công phá hủy con đập. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky buộc phải ra trước Hội đồng châu Âu vào ngày 20-10-2022 để thanh minh rằng chính Nga đang lên kế hoạch thực hiện "một cuộc tấn công khủng bố" và "cắm cờ giả" để đổ lỗi cho Ukraine. Ngoài ra các công nhân người Ukraine không còn được "lưu dung" làm việc trong nhà máy thủy điện nữa, thay vào đó là người Nga (vikna.tv 6-6-2023).Các thông tin trước đó cho biết con đập và nhà máy được bảo vệ bởi các lực lượng Nga thuộc Sư đoàn tấn công đường không số 7 và Quân đoàn 22 (Kyiv Independent 8-6). Nếu loại trừ khả năng người Ukraine phá hoại từ bên trong, thì từ đâu xảy ra vụ phá hoại? Theo Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Ukraine Oleksiy Danylov, vụ nổ được thực hiện bởi các binh sĩ thuộc Lữ đoàn súng trường cơ giới 205 của quân đội Nga, có thể với sự hỗ trợ của các kỹ sư công binh. Điều này phù hợp với tin cho biết các lực lượng Nga đang sơ tán ở bờ đông (trái) sông Dnepr do lũ lụt. Theo các nguồn tin Ukraine, Nga đã cố ý phá hủy con đập do lo cuộc phản công của phía Ukraine ở khu vực tỉnh Kherson.Ngược lại, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lại tuyên bố rằng Ukraine đã phá hoại con đập "vì không đạt được mục tiêu trong các hoạt động tấn công". Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng cho rằng Ukraine phá hủy con đập để làm gián đoạn việc lực lượng Nga đang làm suy yếu hệ thống phòng thủ Ukraine ở bờ tây (phải) tỉnh Kherson. Đánh giá tình hình chiến sự ngày 6-6 của Viện Nghiên cứu chiến tranh ISW đã phân tích các tuyên bố của hai bên, và nhấn mạnh rằng lực lượng Nga không gây ra mối đe dọa đáng kể nào với bờ tây (phải) của Ukraine.Tuy chưa thể khẳng định phe nào là thủ phạm, song có thể ghi nhận một thực tế mới: các bên "thấm mệt" muốn sớm kết thúc chiến tranh bằng cách này hay cách khác. Những vụ pháo kích nóng rát từ mấy tuần qua là dấu hiệu cho thấy sự thấm mệt đó bất chấp các tác hại ngoài ý muốn nơi dân thường. Vụ nổ đập, hồ chứa nước và Nhà máy thủy điện Kakhovka hôm 6-6 cũng diễn ra trong tâm trạng mỏi mệt đó.■ Tags: Truy tìm hung thủKẻ khủng bốNhà máy thủy điệnQuân đội NgaBồi thường thiệt hạiThiệt hại nặng nềQuân đội UkraineTấn công khủng bốLiên bang NgaSông DneprĐập Kakhovka
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả tại TP.HCM: Giải pháp thiết thực cho giai đoạn mới CẨM NƯƠNG 22/11/2024 TP.HCM tổ chức hội thảo trọng điểm, tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn bộ máy, hướng tới kỷ nguyên mới quản lý hiệu quả và phát triển bền vững.
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Những bị can bị lãng quên - Kỳ 3: 15 năm làm bị can, 2 lần đình chỉ ĐAN THUẦN 22/11/2024 Bị khởi tố về tội lừa đảo, trốn thuế từ năm 2004, sau 8 năm, ông Hồ Thanh Hải (71 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) bất ngờ được đình chỉ bị can do "hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự" và "hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội".