'Vua xếp từ' và chuyện một chữ bẻ đôi...

TRÚC ANH 28/12/2024 02:49 GMT+7

TTCT - Khó có thể dùng cụm "một chữ bẻ đôi cũng không biết" để nói về Nigel Richards, người vừa giành chức vô địch thế giới trò xếp từ Scrabble bằng tiếng Tây Ban Nha.

Khó có thể dùng cụm "một chữ bẻ đôi cũng không biết" để nói về Nigel Richards, người vừa giành chức vô địch thế giới trò xếp từ Scrabble bằng tiếng Tây Ban Nha. Nhưng quả tình Richards không thể đọc sách báo hay gọi một tách cà phê bằng ngôn ngữ này.

"Ngôi sao Scrabble giành danh hiệu thế giới bằng tiếng Tây Ban Nha, dù không nói tiếng Tây Ban Nha" - tờ The Guardian giật tít hôm 10-12. Richards, một người chơi Scrabble chuyên nghiệp đến từ New Zealand, đã vượt qua hơn 150 đối thủ, trong đó có đương kim vô địch, để thắng trong cuộc thi diễn ra ở Granada hồi tháng 11. 

Người đàn ông 57 tuổi này chỉ thua một trận trong tổng số 24 trận, còn Benjamín Olaizola (Argentina) chỉ thắng 18 trận và thành cựu vương.

'Vua xếp từ' và chuyện một chữ bẻ đôi... - Ảnh 1.

Nigel Richards đã đánh bại các đối thủ đến từ nước nói tiếng Tây Ban Nha (Argentina, Colombia, Tây Ban Nha và Venezuela). Ảnh: AFP

Đây không phải lần đầu Richards giành chức vô địch Scrabble bằng một ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh (mà ông đã 5 lần vô địch thế giới). Richards đã thắng giải Scrabble tiếng Pháp năm 2015 và 2018, dù cũng không nói tiếng Pháp. 

Chiến thuật chung là học thuộc từ, không cần hiểu nghĩa. Richards bắt đầu học thuộc bộ từ để chơi Scrabble bằng tiếng Tây Ban Nha cách đây một năm, Liz Fagerlund, một quan chức Hiệp hội Scrabble New Zealand, tiết lộ với AP. Với tiếng Pháp, ông mất 9 tuần. 

"Cậu ấy không hiểu tại sao người khác không thể làm điều tương tự. Cậu ấy có thể nhìn vào một nhóm từ, ghi chúng vào não như một bức tranh, sau đó dễ dàng nhớ lại" - Fagerlund, người gặp Richards khi ông mới chơi Scrabble hồi 28 tuổi và thành bạn thân của ông, nói thêm.

Scrabble không yêu cầu người chơi biết nghĩa của các từ, mà chỉ cần biết các tổ hợp chữ cái được chấp nhận theo quy định của từng phiên bản ngôn ngữ. Richards đã luyện tập và chơi đúng luật, nhưng chiến thắng của ông khiến nhiều người không phục. Phóng viên đài Cadena Ser (Tây Ban Nha) mô tả đã rơi vào tình huống "bẽ bàng khó tin" khi không thể phỏng vấn Richards vì rào cản ngôn ngữ.

Dù trò này phổ biến ở nhiều nước (đặc biệt rất nổi ở Thái Lan), các cuộc thi đấu Scrabble vẫn thường bị chỉ trích. Trên The Wall Street Journal, biên tập viên và tác giả sách người Canada Jonathan Kay từng có một bài vỗ mặt: "Scrabble, nói thẳng ra, là một trò chơi dở tệ. Tôi yêu từ ngữ. Nhưng điều tôi yêu ở từ ngữ là ý nghĩa và nguồn gốc của chúng - thứ mà không một người chơi Scrabble thực thụ nào quan tâm tìm hiểu, bởi những chi tiết đó hoàn toàn vô nghĩa trong việc ghi điểm" - Kay viết.

Scrabble do kiến trúc sư người Mỹ Alfred Butts sáng tạo năm 1931. Ông gán cho mỗi chữ cái một số điểm khác nhau dựa trên tần suất xuất hiện của chúng (nguồn tham khảo là thống kê từ trang nhất tờ The New York Times) - chữ cái càng hiếm, điểm số càng cao (L, N, R, S và T chỉ có 1 điểm, trong khi Q và Z đến 10 điểm). 

Với luật chơi đó, theo Kay, Scrabble giống như một cuộc thi toán học, "nơi bạn được thưởng vì đọc thuộc lòng số pi đến chữ số thập phân thứ 1.000 nhưng không cần biết rằng nó thể hiện tỉ lệ giữa chu vi và đường kính của hình tròn". 

Chẳng hạn, chữ egregious (quá xá) với người chơi hệ "nhớ nhiều là được" thì cũng chỉ là một mớ chữ cái; ai hiểu được gốc gác của nó - xuất phát từ tiếng Latin ex gregis nghĩa là "tách ra khỏi bầy đàn" - thì mới thấy từ ấy đẹp thế nào. 

Kay công nhận những người chơi Scrabble giỏi nhất chắc chắn sở hữu trí tuệ sắc bén, không chỉ về khả năng ghi nhớ mà còn khả năng tính toán, sắp xếp các chữ cái để tối đa hóa điểm số. Chỉ có điều không hiểu sao họ lại thấy Scrabble - về cơ bản là một bài kiểm tra trí nhớ - thú vị.

'Vua xếp từ' và chuyện một chữ bẻ đôi... - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters

Trở lại chuyện ông vua trò xếp từ dù không biết tiếng. Được công nhận là người chơi Scrabble vĩ đại nhất mọi thời đại với sự nghiệp chinh chiến đã kéo dài tới 3 thập kỷ, chiến thắng bằng tiếng Tây Ban Nha của Richards được đánh giá là đáng nể, theo lời các tuyển thủ khác. 

Khi thi đấu ở giải Mỹ, ông phải tự "quên" 40.000 từ tiếng Anh - Anh và cập nhật từ Anh - Mỹ vào trí nhớ. Với tiếng Tây Ban Nha, ngoài việc phải nhớ giá trị mỗi chữ cái (khác bộ chữ tiếng Anh), Richards còn phải xử lý hàng ngàn từ gồm 7, 8 và 9 chữ cái trong tiếng Tây Ban Nha. Tất cả đòi hỏi đầu tư trí lực, có chiến lược hẳn hòi.

Mẹ Richards từng nói với một tờ báo New Zealand năm 2010 rằng ông không giỏi tiếng Anh ở trường, chưa bao giờ học đại học và tiếp cận trò chơi theo cách toán học hơn là ngôn ngữ. "Tôi không nghĩ nó từng đọc cuốn sách nào, ngoài từ điển" - bà nói. 

Tại cuộc thi tiếng Tây Ban Nha, đại diện nhà tổ chức đánh giá Richards "nhút nhát và khiêm tốn", nhưng vẫn vui vẻ chụp ảnh và trò chuyện với người hâm mộ, "dù tất nhiên là ông ấy nói bằng tiếng Anh".

Richards, hiện sống ở Malaysia, chưa bao giờ nói chuyện với báo chí. "Tôi nhận được rất nhiều yêu cầu từ các nhà báo muốn phỏng vấn Richards, nhưng ông ấy không quan tâm. Ông ấy không hiểu tại sao mọi người lại ồn ào như vậy" - Fagerlund nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận