VUSTA: "Cần lập tổ chức quan trắc và giám sát độc lập"

VÕ VĂN THÀNH THỰC HIỆN 02/05/2009 10:05 GMT+7

TTCT - Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) là tổ chức đã được Bộ Công thương mời tham gia phản biện việc khai thác bôxit và sản xuất alumina tại Tây nguyên. Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngay sau khi Bộ Chính trị có kết luận “về quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bôxit giai đoạn 2007-2015, có xét đến 2025”, ông Hồ Uy Liêm (quyền chủ tịch VUSTA) nói:

Phóng to
ông Hồ Uy Liêm
TTCT - Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) là tổ chức đã được Bộ Công thương mời tham gia phản biện việc khai thác bôxit và sản xuất alumina tại Tây nguyên. Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngay sau khi Bộ Chính trị có kết luận “về quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bôxit giai đoạn 2007-2015, có xét đến 2025”, ông Hồ Uy Liêm (quyền chủ tịch VUSTA) nói:

- Trước hết cần nói rằng khi mời chúng tôi tham gia phản biện, hẳn Bộ Công thương, các địa phương nơi có dự án khai thác bôxit và nhà đầu tư (Tập đoàn Than và khoáng sản - TKV) biết VUSTA sẽ ít nhiều có ý kiến khác với họ, nhưng các ý kiến dù khác nhau đều cùng mục đích chung vì sự phát triển bền vững của đất nước.

* Trong kết luận về bôxit, Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường. Theo ông, các cơ quan chức năng và nhà đầu tư cần lưu ý những yếu tố nào trong quá trình thực hiện kết luận này?

- Thứ nhất, Luật bảo vệ môi trường và nghị định, thông tư hướng dẫn (có từ năm 2006) quy định đối với những dự án như khai thác bôxit ở Tây nguyên phải thực hiện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC). Tuy nhiên, TKV chưa thực hiện quy định này (quy hoạch bôxit đến cuối năm 2007 mới được Thủ tướng phê duyệt). Như vậy điều đầu tiên là phải thực hiện đúng quy định nêu trên.

Thứ hai, Bộ Chính trị có yêu cầu đánh giá tác động môi trường của từng dự án (dự án Tân Rai, Lâm Đồng và dự án Nhân Cơ, Đắc Nông). Việc đánh giá này phải thực hiện trên diện rộng bao gồm cả khai trường bôxit chứ không chỉ thực hiện bó hẹp ở khu vực chế biến alumina. Điều này càng cần thiết đối với dự án ở Nhân Cơ vì những đặc điểm của khai trường khu vực này.

Thứ ba, chúng tôi có băn khoăn về nguồn nước được sử dụng trong quá trình khai thác bôxit và chế biến alumina ở Tây nguyên. Chúng ta biết nước ngầm ở Tây nguyên không nhiều, khi mùa mưa đến thường có mưa lớn, dòng chảy mạnh sẽ mang theo bùn đất (chưa tính bùn đỏ thải ra từ sản xuất) làm đục sông, suối. Mặt khác cũng cần tính đến xung đột về sử dụng nước giữa khai thác bôxit và các hoạt động khác như thủy điện, nước sinh hoạt và phục vụ công nghiệp cho vùng trọng điểm kinh tế Đông Nam bộ.

Thứ tư, dư luận quan tâm nhiều đến việc xử lý bùn đỏ thải ra từ khai thác bôxit. Với suy nghĩ TKV sẽ có trách nhiệm và thực hiện nghiêm túc việc xây hồ chứa bùn đỏ thì cũng cần tính đến yếu tố mưa Tây nguyên như đã nói ở trên. Không thể chủ quan, vì ngay ở đồng bằng như Hà Nội thì trận mưa lớn như vừa qua cũng đã gây nhiều khó khăn. Các trận mưa ở Tây nguyên sẽ là mối nguy đối với các hồ chứa bùn đỏ. Đó là trong quá trình khai thác và chế biến, sau này khi xong dự án thì TKV rút đi nhưng hồ bùn đỏ vẫn ở lại. Nếu không được quan tâm đúng mức, các hồ bùn đỏ này có thể bị nứt nẻ, bùn đỏ tràn ra ngoài gây tác hại lớn.

* Trong kết luận, Bộ Chính trị cũng yêu cầu quá trình triển khai hai dự án cần thực hiện tốt việc hoàn thổ và trồng rừng ngay sau khi khai thác. Theo ông, việc này có dễ thực hiện không?

- Tôi được biết tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) có một mỏ bôxit nhỏ đã được khai thác hàng chục năm nay, sau khi khai thác việc hoàn thổ mới chiếm diện tích rất khiêm tốn (2ha/36ha đã khai thác). Trong những diện tích đã hoàn thổ, họ trồng hai loại cây bạch đàn và keo, nhưng các loại cây này phát triển còn kém.

* Như vậy để bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác thì các bên liên quan sẽ phải giải nhiều bài toán khó?

- Nhận diện các vấn đề môi trường có thể xảy ra sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tìm giải pháp, công nghệ và cải tiến công nghệ cho phù hợp. Đề cập các giải pháp cụ thể đòi hỏi kiến thức chuyên ngành rất sâu, cần nghiên cứu kỹ chứ không nên chủ quan đưa ra một giải pháp nào đó hoặc dựa hoàn toàn vào những giải pháp có sẵn. Đơn cử vấn đề xử lý bùn đỏ, rõ ràng hồ chứa bùn đỏ ở Trung Quốc khác hẳn Việt Nam, vì chúng tôi có đi nghiên cứu thì thấy hồ của họ nằm dưới thấp, còn chúng ta là ở trên cao nguyên.

Về nguồn nước cũng vậy, cao nguyên là nơi nước chỉ có đi chứ không có về, không cứ bùn đỏ mà bùn đất bình thường trôi xuống cũng sẽ có tác hại. Hay là việc trồng cây sau hoàn thổ, không ai ngay bây giờ có thể khẳng định loại cây nào là phù hợp. Để tìm kiếm loại cây trồng thích hợp rõ ràng phải nghiên cứu và có quá trình thí điểm. Các nhà khoa học của VUSTA luôn sẵn sàng nếu được mời tham gia nghiên cứu giải pháp.

* Để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường, ông có kiến nghị gì?

- Cần lập một tổ chức quan trắc và giám sát độc lập trong quá trình triển khai các dự án, đặc biệt với sự tham gia của hội bảo vệ môi trường. Ví dụ, khi nhà đầu tư xây dựng hồ chứa bùn đỏ thì đại diện tổ chức đó phải đến kiểm tra. Tổ chức này có thể trực thuộc Quốc hội hoặc cơ quan nào đó có trách nhiệm, không nên để cho nhà đầu tư tự đứng ra thực hiện việc giám sát. Chúng tôi không nói rằng nhà đầu tư sẽ không thực hiện nghiêm túc, nhưng về mặt lý thuyết thì “vừa đá bóng, vừa thổi còi” là không nên. Đặc biệt cần có chế tài đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm trong quá trình thực hiện vì đây là các dự án mà dư luận rất quan tâm.

* Nhiều ý kiến cho rằng cần tính toán đầy đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế khoáng sản, và cần nội bộ hóa chi phí môi trường vào giá thành alumina? Ông nghĩ sao?

- Bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, chế biến cũng như phục hồi môi trường sau đó là một công việc tốn kém, làm giảm lợi nhuận của nhà đầu tư, nhưng không thể vì thế mà không thực hiện nếu muốn phát triển bền vững. Bên cạnh đó, do nước ta đi sau trong khai thác bôxit nên cũng cần tính toán đến khả năng thị trường thế giới vốn lâu nay bị chi phối bởi nhiều “ông lớn” trong ngành này. Phía có khả năng ký hợp đồng tiêu thụ nguyên liệu cho chúng ta nhất là Trung Quốc, điều này cũng dễ hiểu, nhưng ngoài Trung Quốc chúng ta phải tính đến việc tiêu thụ nguyên liệu ở một số thị trường khác nữa.

Trong việc thực hiện các dự án bôxit ở Tây nguyên, vấn đề môi trường và bài toán hiệu quả kinh tế có mối liên hệ mật thiết với nhau. Chính vì vậy chúng tôi đồng tình với kết luận của Bộ Chính trị về dự án Nhân Cơ là “cần rà soát toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu thật sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường mới tiếp tục triển khai thực hiện”.

“Cần có chương trình điều tra cơ bản mới về kinh tế - xã hội, các điều kiện tự nhiên và thiên nhiên của Tây nguyên, lấy đó làm cơ sở để hoạch định các chiến lược phát triển, các quy hạch và kế hoạch dài hạn (trong đó có khai thác bôxit). Bởi vì Tây nguyên không chỉ có bôxit mà còn có cà phê, chè, cao su..., đây cũng là những mặt hàng xuất khẩu rất quan trọng”.

______________

Tin bài liên quan:

Tây nguyên: các dự án bôxit chuyển động
Khai thác bôxit, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: Không thể phát triển bằng mọi giá
Khai thác quặng bôxit ở Tây Nguyên: Nhiều nguy cơ, chưa có giải pháp
Tây nguyên sẽ “chết” vì... khai thác bôxit
Lao động phổ thông nước ngoài đổ vào Việt Nam
Bộ Chính trị kết luận vấn đề bôxit: Thực hiện nghiêm ngặt bảo vệ môi trường (*)
Vấn đề môi trường đã được quan tâm đúng mức
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Rà soát lại quy hoạch bôxit

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận