TTCT - Tại TP.HCM, từ người có nệm cũ muốn vứt đi đến người thu gom và công ty xử lý rác đều cho rằng vẫn chưa có một quy trình "chính quy" và cụ thể về loại rác thải này. 1: Người dân phải tháo dỡ hoặc cắt nhỏ đệm mút thì nhân viên mới thu gom rác. Ảnh: LƯU DUYÊNNgười dân vẫn có cách để "tiễn" nệm cũ khỏi nhà, nhưng họ không biết "số phận" của những tấm nệm ấy ra sao, chúng đi về đâu. Bởi vì rất ít người liên hệ đơn vị xử lý, mà hầu hết tự thỏa thuận nhờ người đến lấy.Đôi bên đều khóBà Trịnh Thị Yến (quận Tân Bình, TP.HCM) kể mỗi lần nhà có rác cồng kềnh như tủ hay nệm mút, nhân viên vệ sinh sẽ không thu gom. Bà phải loay hoay cả buổi để tháo rời, chia nhỏ ra rồi bỏ chung với rác sinh hoạt.Gia đình chị Thu Hảo (ngụ quận 10) thì từng mang nguyên tấm nệm cũ ra để trước nhà, hy vọng người thu gom rác sẽ mang đi, nhưng hơn một tuần nó vẫn ở nguyên vị trí đó. Chị Hảo hỏi thăm mới hay người thu gom rác dân lập không thu gom nệm. Chị được hàng xóm giới thiệu "dịch vụ" ve chai, xe ba gác tới thu lượm hoặc chở rác cồng kềnh đi vứt với giá từ 200.000 đồng trở lên tùy kích thước. "Chỉ cần gọi mấy ông ba gác đến là họ nhận chở đi liền, xử lý vừa nhanh vừa gọn" - chị Hảo chia sẻ, nhưng thừa nhận "cũng không biết họ chở đi đâu".Một công nhân thu gom rác dân lập tại quận 10 giải thích lý do họ không nhận gom nệm cũ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần: vì kích cỡ quá lớn và phương tiện thu gom không đủ sức chứa. "Nhiều nhà không biết thường đem rác thải cồng kềnh như nệm mút, nệm lò xo… ra để trước nhà chờ chúng tôi thu gom. Mọi người phải tự tìm phương tiện hoặc công ty xử lý đến để đem đi thôi" - chị nói.Người này nói thêm, nếu người dân chia nhỏ hay tháo rời hàng cồng kềnh ra thì họ mới thu gom như rác sinh hoạt bình thường được, lý do là vì "xử lý mấy loại rác thải đó rất tốn nhiều sức và thời gian. Ngoài ra nếu để nguyên chiếc nệm mút lớn thì xe rác không thể cào rác vào được". Chị cũng khuyên, muốn nhanh thì "kêu mấy người mua ve chai tới, họ xử nhanh lắm".Vậy những người nhặt ve chai sẽ đưa nệm đi đâu để xử lý? Theo một công nhân thu gom rác dân lập ở Tân Bình: "Đợi đến tối hoặc tranh thủ giờ trưa vắng, họ sẽ lén đem đến những điểm tập kết rác cồng kềnh hay rác xây dựng tự phát để bỏ hoặc lén lút bỏ đâu đó chứ không đem vào các trạm rác để xử lý. Tất nhiên họ sẽ lấy hết những gì có thể bán được như lò xo, nẹp sắt…".Thực trạng như người thu gom rác trên vừa kể diễn ra rất phổ biến tại TP.HCM. Các bãi đất trống trở thành "điểm tập kết" rác ưa thích của những người xả bậy, lâu ngày hình thành các điểm đen rác thải mà chính quyền sau đó phải vất vả xử lý.Đệm ghế sofa bị vứt bừa bãi tại hẻm 940 Trường Chinh. Ảnh: LƯU DUYÊNTăng trách nhiệm Nhà sản xuất?"Theo tôi tìm hiểu thì ở một số nước họ quy trách nhiệm cho các nhà sản xuất. Các nhà sản xuất nệm, sofa mút xốp sẽ có một bộ phận đi thu gom khi người dân bỏ các đồ dùng này sau thời gian sử dụng. Người dân chỉ cần gọi đường dây nóng họ sẽ đến thu gom lại. Đây là cái mà chúng ta phải tiến tới thực hiện trong thời gian tới" - tiến sĩ Phạm Viết Thuận, viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường, nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.Nệm mút cũng như túi ni lông có độ phân hủy chậm, ảnh hưởng xấu cho môi trường, vì thế ông Thuận đề xuất giao cho lực lượng công ích quận huyện thu gom và Công ty TNHH Môi trường đô thị TP xử lý đốt riêng, không nên chôn lấp."Về lâu dài, chúng ta phải buộc các nhà sản xuất trong nước có trách nhiệm thu gom hoặc bắt họ chịu một chi phí trên đầu sản phẩm. Gắn chi phí bảo vệ môi trường trên từng sản phẩm xuất kho là để tăng cường quản lý cũng như bắt họ chịu trách nhiệm với xã hội. Không chỉ với nệm, mút mà tất cả các sản phẩm, đồ dùng có thể thải ra môi trường sau thời gian sử dụng đều phải tính toán tới câu chuyện này" - ông Thuận kiến nghị.Ông Ngô Như Hùng Việt, tổng giám đốc Công ty cổ phần Vietstar, một đơn vị xử lý rác tại TP.HCM, cho biết hệ thống máy móc trong nhà máy của công ty có thể xử lý được rác thải cồng kềnh nói chung và nệm, mút xốp nói riêng. Khi các loại rác này được thu gom, xe thu gom rác sẽ có máy ép làm nệm mút bị bể ra một phần. Khi đến các nhà máy xử lý rác, máy nghiền sẽ nghiền nệm mút thành các mẩu có kích thước chừng 30cm. Qua nhiều công đoạn phân loại những chất thải khác nhau, như kim loại sẽ tách ra riêng, nệm mút tách ra riêng để xử lý tiếp.Ông Việt cho rằng có thể triển khai đánh thuế một phần các doanh nghiệp sản xuất nệm, mút xốp để trích ra cho công tác xử lý môi trường, nhưng cần triển khai sao cho các doanh nghiệp cảm thấy công bằng. Chính phủ phải giải thích cho cả doanh nghiệp và người dân về các loại thuế, chi phí để xử lý rác thải nệm, mút xốp cũ. "Quan trọng nhất là phải giải thích rõ ràng cho doanh nghiệp và người dân những chi phí, thuế chi trả được sử dụng như thế nào" - ông Việt góp ý.■Chỉ cần rác cồng kềnh được "tiễn" ra khỏi nhà, nhiều gia đình không quan tâm chúng đi đâu về đâu. Đây là lý do hàng loạt bãi rác thải tự phát mọc lên như nấm sau mưa, chất đầy bàn ghế, giường tủ, sofa, nệm… do bị đổ trộm. Thậm chí nhiều bãi đất trống bị biến thành những bãi tập kết rác thải xây dựng, rác thải cồng kềnh. Những bãi rác vô chủ này vừa gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan lại gây cản trở giao thông. Phía Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cũng chia sẻ có nhận xử lý rác cồng kềnh nhưng thường là bàn ghế, tủ gỗ. Còn đối với nệm, mút xốp thì rất hiếm gặp. Đa số khi thải ra người ve chai sẽ lấy phần bán được, còn phần nệm, mút thường bị đốt ngoài môi trường. Tags: Nệm cũRác thảiMôi trường
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Nước sông rút nhanh, bắt đầu rà soát trục vớt, làm cầu phao ở cầu Phong Châu DƯƠNG LIỄU 14/09/2024 Sáng 14-9, lực lượng chức năng Phú Thọ chuẩn bị công tác trục vớt phần cầu Phong Châu bị sập và làm cầu phao tạm thay thế.
Khách Tây xuống đường phụ dọn dẹp cây đổ ở Hà Nội sau bão Yagi HỒNG QUANG 14/09/2024 Hàng chục người nước ngoài có mặt tại các vườn hoa, con đường ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sáng 14-9 cùng lực lượng chức năng dọn dẹp đường phố sau bão Yagi.
Diễn viên Nam Thư làm việc với Công an Đà Lạt vụ tố homestay làm lộ hình ảnh M.V 14/09/2024 Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho hay diễn viên Nam Thư đã đến Đà Lạt làm việc với cơ quan công an liên quan đến nội dung tố cáo trước đó.
Miền Nam chìm trong biển nước do mưa bão là tin đồn thất thiệt LÊ PHAN 14/09/2024 Trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn 'sắp tới miền Nam cũng có mưa bão, tất cả chìm trong biển nước' khiến nhiều người hoang mang.