Watchmen - "bom tấn" đầu tiên của năm 2009

HIẾU TRUNG TỔNG HỢP 17/03/2009 17:03 GMT+7

TTCT - Đó là một thế giới khác. Năm 1985, chiến tranh lạnh tiếp tục kéo dài. Trong nhiệm kỳ của mình tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Richard Nixon âm mưu thực hiện một vụ tấn công nguyên tử nhắm vào Liên Xô. Ở nơi khác, một kẻ ác đe dọa hủy diệt nhiều thành phố lớn trên thế giới.

Không hề có sự cứu rỗi. Watchmen - những siêu anh hùng từng bảo vệ xã hội đã bị tẩy chay và bị Chính phủ Mỹ đặt ngoài vòng pháp luật. Vũ khí số một của Mỹ - một siêu nhân phóng xạ có biệt danh “Tiến sĩ Manhattan” - đã tự lưu đày bản thân trên sao Hỏa, thậm chí còn tự hỏi liệu loài người có đáng được cứu rỗi hay không!

Phóng to

Poster phim Watchmen - Ảnh: IMDB

Được DC Comics xuất bản trong hai năm 1986-1987, Watchmen là tiểu thuyết bằng tranh phản - siêu anh hùng với bối cảnh là một vũ trụ khác tràn ngập sự hỗn loạn, u ám và tuyệt vọng. Nó tạo ra cơn sốt tại Mỹ và được cả giới phê bình lẫn độc giả liệt vào hàng kinh điển. Được đạo diễn nổi tiếng Zack Snyder chuyển thể với kinh phí khoảng 120 triệu USD sau 20 năm chờ đợi, Watchmen trở thành bộ phim “bom tấn” đầu tiên của năm 2009 và cũng là một trong những tác phẩm điện ảnh được chờ đợi nhất trong năm. Cuối tuần qua, bộ phim đã ra mắt khán giả điện ảnh thế giới và đạt thành công vang dội. Ở thị trường Bắc Mỹ, Watchmen thu về 55,7 triệu USD sau bốn ngày công chiếu, doanh thu tuần đầu cao nhất kể từ đầu năm 2009. Bộ phim cũng thống trị thị trường thế giới với 27,5 triệu USD thu được tại 45 quốc gia.

Thành công của Watchmen tiếp tục đẩy Hollywood tiến bước mạnh mẽ trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Tính đến đầu tuần này, doanh thu của Hollywood năm 2009 đã lên đến 1,9 tỉ USD, vượt 16% so với cùng kỳ năm 2008. Lượng vé bán ra cũng tăng 14%. Tuy nhiên, Watchmen không đạt được ngưỡng 60 triệu USD như giới chuyên môn mong đợi và kém khá xa bộ phim sử thi 300 cũng của đạo diễn Zack Snyder hai năm trước. Giống như Watchmen, 300 cũng được chuyển thể từ truyện tranh và không có diễn viên ngôi sao, nhưng đã khiến cả Hollywood kinh ngạc khi kiếm được 71 triệu USD doanh thu tuần đầu.

Dù vậy, Hãng phát hành Warner Bros vẫn tỏ ra hết sức hài lòng và khẳng định bộ phim đáp ứng được kỳ vọng của hãng. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Dan Fellman, chủ tịch phát hành nội địa của Warner Bros, cho biết sẽ là bất công khi so sánh Watchmen với 300 bởi Watchmen kéo dài tới 2 giờ 45 phút, khiến tần suất chiếu phim trong ngày tại các rạp thấp hơn nhiều so với các bộ phim thông thường.

Hơn 20 năm trắc trở

Ra mắt vào năm 1986, tiểu thuyết bằng tranh Watchmen của tác giả Alan Moore và họa sĩ Dave Gibbons được giới phê bình tung hô là một kiệt tác. Tạp chí Time ca ngợi nó là “một kỳ công siêu việt của sự tưởng tượng, kết hợp giữa những yếu tố khoa học viễn tưởng và trào phúng chính trị”. Năm 1999, tạp chí The Comics Journal xếp Watchmen vào danh sách 100 truyện tranh tiếng Anh hay nhất của thế kỷ 20. Watchmen là truyện tranh duy nhất nằm trong danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ năm 1923 đến nay của Time vào năm 2005.

Từ tháng 8-1986, Hãng phim 20th Century Fox đã mua bản quyền chuyển thể phim Watchmen và đề nghị tác giả Alan Moore viết kịch bản cho bộ phim, nhưng ông Moore từ chối. Sau đó Warner Bros rồi Universal, Paramount Pictures nhảy vào nhưng dự án vẫn bị nằm liệt trong nhiều năm. Tháng 10-2005, nhà sản xuất Lawrence Gordon đàm phán lại với Warner Bros và hai tháng sau Warner Bros đã bật đèn xanh. Ấn tượng với sự thể hiện của đạo diễn Zack Snyder trong 300, Hãng Warner Bros đã đề nghị ông thực hiện bộ phim.

Cũng giống như cách thực hiện 300, đạo diễn Snyder sử dụng bộ truyện tranh làm “kịch bản hình vẽ” cho bộ phim và cũng áp dụng kỹ thuật quay phông xanh (diễn viên diễn các cảnh quay trên nền phông xanh, đến giai đoạn hậu kỳ cảnh nền xanh được thay bằng các cảnh quay khác và hình ảnh kỹ xảo vi tính). Đạo diễn Snyder lựa chọn cách trung thành với nguyên tác đến hết mức có thể.

Ông coi các “kịch bản hình vẽ” là hướng dẫn thật sự cho việc làm phim, trong khi kịch bản của hai nhà biên kịch David Hayter và Alex Tse chỉ là tài liệu tham khảo cho Hãng Warner Bros. Để tránh những sai sót ngớ ngẩn mà Hollywood thường gặp phải khi làm các bộ phim khoa học viễn tưởng, đạo diễn Snyder đã cẩn thận đến mức thuê ông James Kakalios, tác giả cuốn sách Vật lý học của các siêu anh hùng, làm nhà tư vấn khoa học. Việc quay phim kết thúc vào tháng 2-2008.

Tuy nhiên, Watchmen vẫn chưa vượt qua hết trắc trở. Tháng 2-2008, Hãng 20th Century Fox kiện Warner Bros tội xâm phạm bản quyền phim Watchmen. Hãng Fox cho rằng họ vẫn giữ được bản quyền sản xuất hoặc ít nhất là phát hành phim, do Watchmen đã qua tay rất nhiều hãng phim. Giới hâm mộ đã lo lắng Watchmen sẽ không thể xuất hiện trên màn ảnh lớn. Tuy nhiên, đến giữa tháng 1-2009 Fox và Warner Bros đã đạt được một thỏa thuận. Theo đó, Fox nhận được 10 triệu USD chi phí phát triển phim và phí kiện tụng, cùng với 5-8,5% từ doanh thu toàn cầu của Watchmen.

Phóng to

Các nhân vật trong Watchmen - Ảnh: IMDB

Phản anh hùng

Dù mang đủ đặc điểm truyền thống của các siêu anh hùng Hollywood như mặt nạ hay áo choàng, nhưng các thành viên Watchmen khác rất xa so với những siêu nhân hay người nhện. Tiến sĩ Manhattan - Jon Osterman - là một siêu nhân có quyền năng vô tận nhưng thờ ơ với số phận của loài người. Nite Owl - Daniel Dreiberg - bị cô lập khỏi cuộc đời vì sự đam mê công nghệ. Rorschach - Walter Kovacs - là kẻ căm ghét xã hội, còn Silk Spectre II - Laurie Juspeczyk - phải chịu đựng một thách thức quen thuộc với rất nhiều người bình thường: sống dưới cái bóng quá lớn của người mẹ. Họ không được tôn vinh như những siêu anh hùng, mà bị coi là những kẻ tiêu diệt tội phạm một cách bất hợp pháp, do đó bị xã hội tẩy chay.

Một khẩu hiệu của bộ phim là: “Ai canh phòng những người canh phòng (Watchmen)?”. Giới phê bình đánh giá bộ truyện dưới con mắt của xã hội đương đại và nhận định các nhân vật trong Watchmen của tác giả Alan Moore là “lời cảnh báo của Moore đối với những ai đặt niềm tin và nhiệm vụ bảo vệ số phận thế giới vào tay các anh hùng và nhà lãnh đạo”.

Nhà phê bình Bradford Wright cho rằng đặt niềm tin vào những biểu tượng này là đưa trách nhiệm cá nhân vào tay “những Reagan, Thatcher và các “người canh phòng” khác có nhiệm vụ giải cứu thế giới, những kẻ trong lúc hành động đã gây ra những tổn hại lớn lao đối với hành tinh này”. Năm 1986, bản thân tác giả Moore cũng cho biết ông viết truyện “không phải theo chủ nghĩa chống Mỹ, mà theo chủ nghĩa chống Reagan”. Nhà phê bình Iain Thomson ca ngợi Watchmen là cột mốc mà truyện tranh đạt đến sự trưởng thành và cho rằng Watchmen có được thành công này bằng việc “phát triển hình tượng anh hùng để phá hủy chính khái niệm anh hùng”.

Nhìn chung, giới phê bình tỏ ra khá hài lòng với chuyển thể của đạo diễn Zack Snyder. Trên trang web điện ảnh Rotten Tomatoes, bộ phim đạt tỉ lệ ủng hộ 65%. Nhà phê bình nổi tiếng Roger Ebert của báo Chicago Sun Times nhận định bộ phim với âm thanh, hình ảnh và nhân vật kết hợp lại đã tạo ra một trải nghiệm hình ảnh kỳ lạ, thể hiện được cảm xúc của truyện tranh.

Nhà phê bình Kyle Smith của báo New York Post thậm chí so sánh Watchmen với một số phim của đạo diễn lừng danh Stanley Kubrick. Nick Dent của Time Out Sydney ca ngợi Watchmen là một bộ phim hành động “táo bạo, thông minh”. Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình khác chỉ trích đạo diễn Snyder quá trung thành với nguyên tác mà không có sự tưởng tượng riêng, khiến những khán giả không đọc truyện tranh khó theo dõi và hiểu hết bộ phim.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận