"Wikileaks khiến chính phủ Mỹ thực hiện nhiệm vụ giải trình"

KHỔNG LOAN 07/12/2010 16:12 GMT+7

TTCT - Giới ngoại giao Mỹ và thế giới vừa chứng kiến “một vụ 11-9” khi Wikileaks cho công bố một số trong hơn 250.000 tài liệu mật về ngoại giao của Mỹ (*). Tuổi Trẻ Cuối Tuần đã có cuộc trao đổi với nhà báo kỳ cựu người Anh Paul Iredale về một góc nhìn của người làm báo có trách nhiệm xung quanh sự kiện này nhân dịp ông tới TP.HCM.

Phóng to
Ông Paul Iredale - Ảnh: T.T.D

Nhà báo Paul Iredale có hơn 30 năm làm báo tại Hãng thông tấn Reuters (Anh) và trải qua nhiều vị trí quản lý tại các văn phòng đại diện của hãng ở các khu vực trên thế giới. Từ khi nghỉ hưu cách đây 10 năm, ông là giám đốc các chương trình đào tạo báo chí tại Reuters và tham gia giảng dạy báo chí ở Đại học TP London (Anh).

* Thưa ông, ông có cho rằng các tài liệu chưa được giải mật mà Wikileaks công bố liên quan tới ngành ngoại giao sẽ phần nào thay đổi cách các nhà ngoại giao hoạt động và phát biểu, trong đó có các nhà ngoại giao Mỹ?

- Tôi cho rằng có. Wikileaks từng công bố tài liệu về cách Mỹ tiến hành chiến tranh tại Iraq, nhưng thay đổi cách quân đội vận hành cần rất nhiều thời gian vì quân đội Mỹ và NATO có cấu trúc rất vững chắc, và tài liệu “lộ mật” đó cũng không thay đổi được việc quân đội làm những gì họ phải làm. Tuy nhiên, các tài liệu liên quan tới công tác ngoại giao sẽ dễ khiến giới ngoại giao thay đổi hơn. Nếu quan chức ngoại giao hiểu rằng các thông tin này một lúc nào đó sẽ được công khai, có thể họ sẽ thay đổi cách họ đưa ra các bình luận, nhận xét.

* Lần này Wikileaks không hoạt động đơn lẻ mà có sự hợp tác “tổng lực” của năm tờ báo được xem có ảnh hưởng nhất ở Mỹ và châu Âu là New York Times (Mỹ), Der Spiegel (Đức), The Guardian (Anh), Le Monde (Pháp) và El Pais (Tây Ban Nha). Tất cả đều được Wikileaks gửi tài liệu trước và họ đều đăng tải, tất nhiên có những cách xử lý khác nhau. Ông bình luận thế nào về cách Wikileaks rò rỉ tài liệu lần này? Wikileaks sẽ không còn là nơi duy nhất bị chỉ trích nếu có gì sai, liệu các tờ báo lớn kia cũng sẽ “dính chùm”?

- Đưa ra lý do chắc chắn để giải thích hành động này thì hơi khó. Nhưng có thể đưa ra một giả thuyết: Một ai đó làm việc cho Wikileaks có nền tảng kiến thức rất tốt về báo chí. Họ đã lọc ra những nội dung mà họ biết chắc các báo sẽ quan tâm ngay và chọn các tờ báo để gửi.

Có điều gì chung giữa năm tờ báo này? Đó đều là các tờ báo có uy tín cao ở các nước đó. Với quan điểm xuyên suốt trong hoạt động như vậy, nhiều khả năng các tờ báo sẽ sử dụng ngay nội dung nhận được. Tôi không cho đó là một âm mưu giữa ban biên tập của các tờ báo. Tôi cho rằng có thể các tài liệu được gửi tới và họ nghĩ “À, chuyện này hay. Vậy sử dụng tài liệu để cung cấp tin cho bạn đọc ngay”.

* Giả sử ông là phóng viên hoặc tổng biên tập của Der Speigel, ông sẽ xử lý thông tin Wikileaks công bố như thế nào để tránh vướng vào những vấn đề pháp lý rắc rối, như chuyện tài liệu không chính xác hoặc như chính quyền (Mỹ) cho rằng Wikileaks là “tội phạm” vì đã có được tài liệu một cách bất hợp pháp, công bố các thông tin an ninh quốc gia nhạy cảm và để lộ bất hợp pháp tài liệu mật?

- Theo luật của Anh, việc xuất bản tài liệu của Wikileaks trao cho không vi phạm luật. Nhà chức trách không thể truy tố tờ báo đăng tải thông tin họ nhận được từ Wikileaks, dù họ có thể truy tố cá nhân gửi tài liệu đó. Tôi không biết về luật của Tây Ban Nha và Pháp, nhưng luật ở Mỹ cũng tương tự Anh. Nếu New York Times xuất bản thì Chính phủ Mỹ cũng không thể khởi tố tờ báo đó. Ngay cả khi tờ báo đó sử dụng thông tin mà nguồn tin lấy được một cách bất hợp pháp cũng vẫn được.

Tôi sẽ xử lý thế nào? Trước khi đưa bản tin lên báo, tôi sẽ hỏi: Liệu việc xuất bản này có ảnh hưởng tới các cá nhân không? Và tôi sẽ vẫn cho đăng tải vì đó là điều công chúng quan tâm. Công chúng muốn biết và có quyền biết các nhà ngoại giao đang thay mặt họ thực hiện công việc cho cộng đồng ra sao, họ nói năng ra sao. Những gì công chúng quan tâm chính là câu chuyện mà báo chí cần đăng tải. Ở Anh, việc thông tin có được một cách bất hợp pháp không có nghĩa nó không được xuất bản và đăng tải cho công chúng biết.

Tôi cho rằng Wikileaks đã khiến Chính phủ Mỹ phải thực hiện nhiệm vụ giải trình, giải thích nhiều hơn về công việc, các chính sách của họ với dân chúng. Tôi không chắc tôi ủng hộ hoàn toàn việc Wikileaks làm. Nhưng ở Anh, là một nhà báo, việc của tôi không phải là bảo vệ các chính trị gia trước những thông tin mà Wikileaks để rò rỉ.

Các chính trị gia phải tự bảo vệ họ, không phải việc của báo chí. Nếu giới chức Mỹ tin rằng Wikileaks đăng tải các thông tin mật gây nguy hiểm cho các cá nhân, các nhà ngoại giao, các mạng lưới thông tin của Mỹ thì họ cứ việc quyết định bắt giữ hay khởi tố Julian. Báo chí không phải là lực lượng khẳng định hay quyết định Julian có phải là tội phạm hay có phạm tội hay không. Đó là công việc của tòa án. Tòa án mới đưa ra phán xét. Nhà báo là người thông tin cho bạn đọc.

* Wikileaks có thể coi là một trường hợp của báo chí công dân và Julian có thể được coi là một nhà báo công dân (người không được đào tạo chuyên nghiệp nhưng có hoạt động cung cấp thông tin cho công chúng và không được trả lương nhờ công việc đó) hay không?

- Tôi không coi từ citizen journalist (nhà báo công dân) là nhà báo. Ai đó có thể là citizen journalist nếu họ vô tình ở nơi sự kiện xảy ra, sử dụng các phương tiện công nghệ họ có để đăng tải thông tin cho rất nhiều người biết nhờ Internet. Nhưng người đó không phải là các nhà báo, vì họ không phải tuân theo các nguyên tắc hoạt động hay đạo đức báo chí mà các tòa soạn báo đặt ra và bắt buộc phóng viên tuân thủ.

Đó là lý do đạo đức báo chí trở nên rất quan trọng và tạo ra sự khác biệt giữa nhà báo chuyên nghiệp và citizen journalist - những người quan sát hiện tượng và đăng tải lên Internet để nhiều người biết đến. Công chúng có xu hướng tin những gì báo chí đăng tải, vì báo chí theo đuổi các nguyên tắc đạo đức và đương nhiên báo chí ở vào vị trí “được công chúng tin cậy”.

Các tòa soạn hiểu vai trò của họ trong xã hội. Báo chí công dân không có vai trò tương tự, họ không hoạt động theo nguyên tắc và trong môi trường như báo chí truyền thống. Là nhà báo, tôi sẽ sử dụng các citizen journalist như một nguồn tin có thể trích dẫn như bất kỳ nguồn tin nào mà tôi vẫn sử dụng.

Wikileaks không phải là báo chí. Báo chí phải giải thích thông tin, đặt thông tin đó vào bối cảnh, giải thích vì sao các nhà ngoại giao nói như vậy. Wikileaks không làm việc đó. Trang web có được thông tin và tài liệu rồi xuất bản luôn. Vì vậy không nên áp dụng các quy tắc đánh giá báo chí vào trường hợp của Wikileaks vì đó không phải là báo chí.

* Ông nghĩ thế nào về quan điểm cho rằng mạng xã hội, các mô hình truyền thông mới đang thách thức các nhà báo chuyên nghiệp, các mô hình báo chí hiện tại?

- Nếu có thách thức thì chính là yêu cầu tạo ra mô hình kinh doanh mới, phù hợp với xu thế, có thể đem lại lợi nhuận, giúp tòa soạn trả tiền cho các nhà báo chuyên nghiệp để họ tạo ra các sản phẩm báo chí tốt nhất. Đó mới là vấn đề khi người ta ngày càng có nhiều cơ hội biết tin tức miễn phí. Tuy nhiên, nên nhớ có hàng triệu triệu blog trên thế giới nhưng có nhiều người đọc blog hay không? Thế giới chỉ có một tờ New York Times và để tồn tại và giữ vững uy tín với độc giả, tờ báo đó buộc phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt của họ trong tác nghiệp.

Với mức độ chấn động mà vụ Wikileaks rò rỉ thông tin ngoại giao của Mỹ mang lại, xin trích dẫn một số câu nói của những “người trong cuộc”.

“Rồi người ta sẽ phải nghĩ kỹ hơn về việc nói năng cởi mở tới đâu và với ai”

Dirk Niebel, bộ trưởng phát triển Đức, người bị các nhà ngoại giao Mỹ đánh giá là “một sự chọn lựa không mong muốn” cho chức vụ của ông và “không được coi là chuyên gia về trợ giúp phát triển”.

“Đâu phải một điều được nói ra có nghĩa là nó đúng”

Ngoại trưởng Đức Westerwelle, người bị các nhân viên ngoại giao Mỹ nhận định là “một nguồn thiếu tin cậy”.

“Tâm lý chiến của Mỹ”

Lời của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmedinejad. Thông tin Wikileaks rò rỉ nói Iran đã nhận của CHDCND Triều Tiên tên lửa có thể bắn tới các nước châu Âu. Các nhà ngoại giao Mỹ còn so sánh “Ahmedinejad giống Hitler”.

“Cần gì phải bình luận về những nhân vật hư cấu của Hollywood”

Bà Natalia Timakova, thư ký báo chí của Tổng thống Nga D. Medvedev, trả lời khi được yêu cầu bình luận về việc các nhà ngoại giao Mỹ so sánh bộ đôi lãnh đạo Nga giống cặp nhân vật Batman và Robin, trong đó Tổng thống D. Medvedev là “Robin của người dơi V.Putin”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận