World Cup 2022: Giải vô địch không dành cho thế giới

HÀ QUANG MINH 20/11/2022 18:59 GMT+7

TTCT - World Cup - Giải vô địch bóng đá thế giới, một biểu tượng của túc cầu, của FIFA và là tài sản tinh thần không thể thiếu của người hâm mộ, đã ngày càng bộc lộ rõ bản chất hai mặt…

Ở phía của hào nhoáng, của cảm xúc sân cỏ, nó vẫn giữ được sự thiêng liêng vốn có. Còn ở hậu trường, nó không còn mang ý niệm thế giới nữa. World Cup 2022 ẩn chứa một thế giới khác, bất công và phi lý hơn.

World Cup 2022: Giải vô địch không dành cho thế giới - Ảnh 1.

World Cup 2022 ít ra là sẽ không dành cho những người mê rượu bia. Ảnh: Reuters

"Lột trần FIFA"

Những ngày tháng giãn cách xã hội vì Covid-19 đã khiến người Việt Nam xích lại gần hơn với Netflix, và khám phá ra rằng đó không chỉ là một nền tảng xem phim giải trí đơn thuần. Ở đó, họ tìm được rất nhiều phim tư liệu hay, mở mang thêm kiến thức.

Trước khi bóng lăn ở Qatar chục ngày, Netflix tung ra series FIFA Uncovered (Lột trần FIFA), trọng tâm là các lùm xùm hậu trường của cỗ máy bóng đá vĩ đại nhất toàn cầu, với tài sản lớn nhất là World Cup và trận chung kết luôn tăng giá sau mỗi 4 năm. 

Với những ai chưa từng tiếp cận các tài liệu về tổ chức này, xem FIFA Uncovered không khác gì dỏng tai nghe bom. Chấn động. Đó chính là nhận xét chung của không ít khán giả Việt Nam sau khi nghiền trọn 4 tập mùa 1 của series này.

Nhưng với những người từng cố công theo sát FIFA thời gian qua, họ không thấy sốc với FIFA Uncovered. Từ 2017, Nhà xuất bản Yellow Jersey Press đã tung ra cuốn The fall of the House of FIFA (Sự sụp đổ của "gia tộc" FIFA) với nhiều vụ bê bối đình đám nhất suốt vài thập niên. 

Nhưng không như cái tên của cuốn sách, "gia tộc" FIFA không hề sụp đổ, mà còn đang ăn nên làm ra.

Tại sao FIFA Uncovered lại được phát hành lúc này? Câu hỏi này có thể có nhiều đáp án. Có hay chăng việc Netflix, một nền tảng của Hoa Kỳ, quyết tung ra đòn đánh cuối cùng vào uy tín và danh dự của Qatar, quốc gia đăng cai World Cup 2022? 

Người Mỹ không xem bóng đá là môn thể thao hàng đầu, nhưng trong công cuộc duy trì vị thế của mình, họ dùng bóng đá như một công cụ, một quyền lực mềm để tiếp tục vai trò can thiệp. 

Việc họ để mất quyền đăng cai vào tay Qatar thực sự là một đòn cay đắng, nhưng cũng là cơ hội để họ chứng minh rằng họ đủ bản lĩnh, năng lực và sự phớt lờ để can dự vào bất kỳ vùng lãnh thổ nào.

Chắc hẳn những ai có thiện cảm với nước Mỹ đến mấy cũng khó có thể trả lời thẳng thắn câu hỏi "Việc FBI điều tra FIFA có phù hợp công pháp quốc tế hay không?".

Bóng đá vẫn bất biến

Nhưng hãy tạm gác chuyện đó qua một bên, để đọc lại chính những phát biểu của Sepp Blatter cách đây cũng chỉ chục ngày. 

Người từng hân hoan công bố cái tên Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022 hồi năm 2010 ấy đã "quay xe" bằng tuyên bố: "Giao Qatar đăng cai World Cup là sai lầm".

Blatter, cựu chủ tịch FIFA, lý giải rằng FIFA có ý định để Nga đăng cai 2018 và Mỹ đăng cai 2022 để lấy tính tiếp nối như một cử chỉ mang biểu tượng hòa bình. 

Blatter đổ lỗi cho Michel Platini, với quyết định của ông này khi còn là chủ tịch UEFA, sau một bữa trưa với tổng thống lúc bấy giờ Nicolas Sarkozy và quốc vương Qatar Al-Thani. Blatter nói thẳng, đại ý là World Cup nên được tổ chức ở các nước lớn và 4 phiếu của Platini đã thay đổi tất cả. 

Đúng là nếu Platini bỏ phiếu cho Mỹ, tỉ số ở vòng cuối sẽ là 12-10 nghiêng về Mỹ. Nhưng nếu nhìn lại ba vòng trước đó, số phiếu của Mỹ chỉ lần lượt là 3, 5 và 6, chúng ta sẽ thấy Mỹ cũng không nhận được sự ủng hộ thực chất của nhiều liên đoàn khác, chứ không chỉ UEFA.

Blatter và Platini lúc này đều đã ra đi vì những cáo buộc nhận hối lộ. Lật lại vấn đề, nếu các cáo buộc hối lộ ấy đã được chứng minh là liên quan chặt chẽ tới quy trình đăng cai World Cup, thì tại sao không có xử lý triệt để là tước quyền đăng cai, việc mà FIFA hoàn toàn có thể thực hiện từ 6 năm trước? 

Hay bản chất cuộc chơi khác hẳn với những gì đăng tải trên truyền thông? Một hành động tước quyền phi lý có thể gây ra những đổ vỡ thực sự của cả một tổ chức và do đó, FIFA phải thận trọng khi họ chưa nắm được cái lý chặt chẽ nhất trong bê bối đấu thầu này?

Màu sắc chính trị vẫn ám lấy World Cup, khi cho tới tận lúc này, ở số ra cuối cùng trước lúc bóng lăn, tạp chí World Soccer vẫn ra rả câu chuyện có tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Qatar trong thời gian xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup.

Nhưng ở chiều ngược lại, có một thông tin mà chúng ta ít được biết đến và nên biết. Đó là ở Qatar có các sân vận động "cơ động" tháo dỡ được để di dời lắp đặt ở một nơi khác. Nhà thầu cung cấp các kết cấu thép cho một sân như vậy ở Qatar, sân Lusail, là một công ty Việt Nam.

Gần đây, chúng ta nghe nhiều về chuyện các quyết định trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung vẫn bị dẫn dắt bởi các tham vọng và ý đồ chính trị. 

Nhưng có bao nhiêu chỉ trích và tranh cãi thì bóng vẫn cứ lăn, tín đồ túc cầu giáo vẫn mê say. Khi bóng lăn, không còn ai nói về súng đạn nữa.

Nhưng trong đầu óc những người sẵn mang thiên kiến, bóng đá nhuốm màu rất khác. Như tuyên bố của Blatter chẳng hạn. 

World Cup không dành cho nước nhỏ, sự kỳ thị ấy có xứng với những giá trị nhân bản mà bóng đá vẫn theo đuổi bấy lâu nay? Và một khi không có sự góp mặt của các nước nhỏ, World Cup có còn là giải đấu cho cả thế giới?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận