World Cup 2022: Khi người đẹp lên sóng...

NGUYỄN VĂN HINH 20/11/2022 08:54 GMT+7

TTCT - Lần đầu tiên trong lịch sử World Cup nam, có ba trọng tài nữ tham gia điều hành. Điều này càng ý nghĩa khi World Cup 2022 diễn ra ở một quốc gia Hồi giáo: Qatar. Nhưng ở Việt Nam, sự hưởng ứng World Cup có vẻ đang ngược chiều, nhìn từ một chương trình của đài truyền hình quốc gia.

Sau khi có bản quyền truyền hình, đài truyền hình quốc gia rầm rộ tổ chức tuyển chọn 32 "hot girl" tham gia chương trình "Nóng cùng World Cup" với những lời rao, tít tựa xoáy vào sức nóng hình thể phụ nữ...

1. Các trang báo thể thao tuần rồi vừa công bố hình ảnh dàn người đẹp tới casting cho chương trình "Nóng cùng FIFA World Cup" - chương trình được VTV trao sứ mệnh đồng hành cùng các trận đấu World Cup 2022. 

Khán giả qua đó có thể hiểu rằng người đẹp là một chất dẫn có hấp lực mạnh mẽ để điều hướng tới mọi nội dung liên quan đến thể thao. Khi người đẹp xuất hiện trong các buổi bình luận trực tiếp của nhà đài, họ được kỳ vọng sẽ lan tỏa tình yêu bóng đá tới công chúng.

Nhưng sau một tuần, tuyệt đại đa số những bình luận tôi và bạn bè đọc được trên mạng xã hội, xoay quanh những bức ảnh hay video mỹ nữ không phải là về tình yêu bóng đá hay đội bóng mà người đẹp yêu thích. 

Rất nhiều dấu hỏi: Liệu những thiên sứ ấy có yêu thích và hiểu bóng đá, có kiến thức tốt hơn những người đẹp đã xuất hiện kỳ trước, kỳ trước nữa, trong chương trình hay không? Chuyện "Hồi nhỏ, những năm 2000-2002 em xem Pele đá!" có lặp lại không? 

Thậm chí có khán giả hỏi thẳng, sao không chiếu một World Cup "sạch" và chỉ dành sóng cho những người yêu bóng đá thực thụ?

2. Tôi thấy thật sự thiệt thòi cho những người đẹp sẽ không được lên sóng VTV mùa World Cup 2022. 

Bởi "Nóng cùng FIFA World Cup" chưa lên sóng, họ còn chưa kịp thể hiện năng lực bản thân, đã phải gánh chịu định kiến quá lớn về những "người đẹp bình bông" xuất hiện trong thế giới đàn ông, trước ống kính. Nhưng định kiến ấy, nói thẳng ra, là từ đâu?

Những người yêu thể thao chắc chắn biết cách phân biệt một người hâm mộ chân chính có kiến thức và chuyên môn về túc cầu phong phú sâu sắc, đủ sức nặng và uy tín, quan điểm độc đáo thú vị để ngồi bình luận trên sóng truyền hình, với những ai được đặt vào trước máy quay như một đạo cụ của tiết mục.

Người hâm mộ bóng đá không bao giờ định kiến với tình yêu bóng đá. Họ chỉ định kiến với những thứ bám níu tình yêu bóng đá.

3. Phụ nữ không đến với bóng đá bằng ngoại hình, càng không yêu bóng đá qua cuộc thi tuyển trạch được truyền thông thành cơ hội chọn người đẹp. 

Mấy tháng trước, tôi có cơ hội được ngồi trò chuyện cùng đội trưởng tuyển bóng đá nữ Việt Nam Huỳnh Như, vài tuần trước khi cô lên đường sang Bồ Đào Nha khoác áo CLB Lank Vilaverdense. 

Huỳnh Như chia sẻ, một trong những thiệt thòi của phụ nữ trong lĩnh vực thể thao, là tình yêu thể thao của phụ nữ thực sự khó được nhìn thấy và tạo điều kiện; nỗ lực thi đấu và cống hiến của họ ít khi được xã hội quan tâm. 

"Nóng cùng FIFA World Cup" là game show thuần túy giải trí được Đài truyền hình Việt Nam sản xuất "phái sinh" theo mỗi kỳ World Cup náo nhiệt, góp phần làm hài lòng nhà tài trợ và công chúng dễ tính.

Nên những khó khăn kinh tế, về bình đẳng cơ hội và những định kiến xã hội biến thành rào cản, cả hữu hình lẫn vô hình, từng khiến Như muốn bỏ cuộc, bỏ bóng đá, về làm ruộng cho rồi.

Định kiến giới là một nền tảng ngầm vẫn còn tồn tại thực sự trong xã hội, nhất là một xã hội giàu truyền thống như Việt Nam. 

Những chương trình truyền thông vô tình gán ngoại hình phụ nữ với những giá trị khác, như năng lực, tình yêu, đam mê, kiến thức..., thường chính là xúc tác mạnh mẽ, ngay cả có khi chỉ là vô tình, cho định kiến tiếp tục dai dẳng trong cộng đồng.

Tôi tin rằng nếu mời những nữ cầu thủ tới bàn bình luận, những phóng viên thể thao nữ đang sống chết với nghề, có thể chúng ta sẽ có một bữa tiệc bóng đá thực sự tôn trọng người hâm mộ hơn.

4. Tất nhiên, không ai có thể bắt nhà đài và truyền thông phải nâng cao vị thế nữ giới khi lượt người xem, gắn liền là doanh thu quảng cáo, phải là ưu tiên hàng đầu. 

Nhưng nếu một sản phẩm truyền thông tiếp tục nhìn nhận phụ nữ là đối tượng để "xem", và chỉ dùng thước đo "bắt mắt" để tiếp cận phụ nữ, thì vô hình trung, cũng là một cách giảm bớt sự trân trọng với công chúng.

Trong khi chúng ta có biết bao nhiêu người phụ nữ xuất sắc, đam mê, đoạt vé vào tham dự giải vô địch bóng đá thế giới, hay thậm chí yêu bóng đá nhưng không đá bóng, chỉ bay trên trời, vô địch thế giới Deca, hoặc miệt mài trong phòng gym và là huấn luyện viên đào tạo thể lực cho rất nhiều cầu thủ trẻ, thế hệ tương lai của bóng đá. 

Những phụ nữ ấy nếu được "lộ sáng" niềm đam mê cùng World Cup ắt sẽ lan tỏa nhiều thông điệp tích cực, không chỉ cho phụ nữ!■

Một chuyện ngoài lề: Năm 2018, Getty Images đã phải xóa bộ sưu tập "Những cổ động viên quyến rũ nhất World Cup" - vốn chỉ bao gồm các phụ nữ trẻ - ra khỏi kho ảnh. Hãng ảnh này bị công chúng chỉ trích rằng đó là những giá trị đã lỗi thời, thậm chí còn bị so sánh với hiện tượng babe-cam trong thể thao, khi những ống kính luôn dành tỉ lệ ưu ái cho các cô gái trẻ đẹp trên khán đài, vốn không thực sự đại diện cho toàn bộ người hâm mộ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận