World Cup đến rồi!

VŨ CÔNG LẬP 16/06/2018 21:06 GMT+7

TTCT - Đấy đơn giản là ngày hội của toàn thế giới. World Cup là một cụm từ tiếng Anh, nhưng cứ đọc lên, cho dù mỗi người đọc một kiểu, có sai có đúng thì ai cũng hiểu, giống như bóng đá là thứ ngôn ngữ chung để cảm thông tất cả mọi người.

Ảnh: Getty Image
Ảnh: Getty Image

 

Nhưng World Cup mỗi kỳ mỗi khác. World Cup lần này thuộc nhóm World Cup mang đặc tính “đầu tiên”, như năm 2002 - lần đầu tiên ở châu Á, năm 2010 - lần đầu tiên ở châu Phi, năm 2018 này là lần đầu tiên ở Đông Âu. Mỗi World Cup cho ta cơ hội làm quen với một vùng đất mới, để ta yêu thêm cảnh sắc và con người ở đó.

Lần này là nước Nga, vốn thân thương và tình nghĩa với rất nhiều thế hệ Việt Nam. Vào lúc này, rất nhiều khán giả Việt Nam sang Nga trong chuyến đi “rất nhiều trong một”, để xem đá bóng, nhưng cũng là để thăm cảnh cũ người xưa, để thấy sự thay đổi toàn diện của mảnh đất này trong những năm qua, để cùng mừng vui và chia sẻ.

Hoài niệm quá khứ

Xem tivi, thấy Fan Fest mở hội trên khoảng đất mênh mông trước ngôi nhà uy nghi của Đại học Tổng hợp Lomonosov, lại nhớ đến không biết bao nhiêu nhà khoa học hàng đầu Việt Nam đã được đào tạo dưới mái trường này, nhớ đến một thời trai trẻ với không biết bao nhiêu ước mơ và khát vọng học hỏi.

Trên bức ảnh giới thiệu World Cup, ta cũng gặp lại thủ thành Lev Yashin đang tung người giữa không trung, như từ 60 năm nay vẫn vậy, phía trên là hình ảnh vệ tinh Sputnik lần đầu bay vào vũ trụ, với tín hiệu “pip... pip... pip...” đều đặn gửi về Trái đất, báo hiệu loài người đang bước vào một kỷ nguyên mới. Cứ như vậy, kỷ niệm về đất nước Nga và bóng đá Nga ùa về.

World Cup là để thưởng thức, để tận hưởng. Những ngày World Cup rất khác những ngày thường. Nhịp sống khác. Suy nghĩ và cảm xúc cũng khác. Thì vẫn phải làm lụng, sinh hoạt như mọi ngày, nhưng cộng thêm vào đó những trận đấu, những lúc mải miết cắm cúi đọc, lẽ đương nhiên là đọc cả trên báo và điện thoại, những bàn tán và bình luận liên miên, trong quán cà phê và cả trong công sở.

Một ngày World Cup như dài ra, dài hơn 24 giờ thông thường, và mỗi giờ đều đầy ắp sự kiện. Sẽ có những tức tối vì một quyết định nào đó của trọng tài không đúng lẽ công bằng, sẽ có những buồn phiền khi đội mình yêu quý thua trận, sẽ có những hồi hộp lo âu khi thắc thỏm ngồi chờ bóng lăn, nhưng trên hết vẫn là niềm vui, rất nhiều niềm vui, từ những trận đấu hay, những pha bóng đẹp, những bàn thắng không bao giờ quên, những lúc đội bóng hay cầu thủ mà mình yêu mến tỏa sáng rực rỡ.

Lại có niềm vui khi đọc hay nghe được những mẩu chuyện lý thú ngoài trận đấu, ngoài sân cỏ, cả có thật và tưởng tượng. Để rồi cuối cùng World Cup mãi đọng lại trong ta như một cột mốc thời gian. Sau này nghĩ lại, ta sẽ bảo: À nhớ rồi, chuyện ấy xảy ra vào cái thời World Cup ở Nga, nghĩa là từ tháng 6, tháng 7-2018 gì đó.

Hai dòng chảy

Mỗi World Cup như một lát cắt trong dòng chảy thời gian. Nhìn lại cả dòng chảy ấy, ta thấy những sự thay đổi rất lớn, lớn đến mức khó hình dung. Thay đổi từ quả bóng, khung thành, mặt cỏ, đến quần áo, giày, tất, ống quyển, cả đội hình và chiến thuật thi đấu, rồi các ứng dụng khoa học kỹ thuật, cách nghĩ, cách làm và tổ chức bóng đá... Thay đổi tất cả.

Và tốc độ của thay đổi càng dồn dập theo thời gian. Dồn dập đến mức một nhà tư tưởng của bóng đá như Karl-Heinz Rummenigge cũng phải nói rằng: “Thật khó hình dung bóng đá tương lai sẽ ra sao, có thể xây dựng triết lý bóng đá cho thời gian dài, nhưng kế hoạch thì có lẽ bạn cũng như tôi, ta hãy bàn về kế hoạch trong mùa bóng tới”.

Trong bóng đá hiện nay có hai dòng chảy chính: thương mại và nghề nghiệp. Có đấu tranh, tương tác và phát triển. Khi giá Neymar được đẩy lên đến 220 triệu euro, người ta đã phải nghĩ rất nhiều. Về thương mại, giá ấy sinh ra từ thị trường, nên đấy là thực tế được chấp nhận. Nhưng về bóng đá, người ta lo sợ sự mất ổn định, mất cân bằng, và khó nói về mặt hài hòa với đời sống xã hội, thậm chí đến mức “tiền bạc làm bóng đá mất đi chính linh hồn của nó”.

Cho nên tương lai cũng vẫn còn cả hai giải pháp: hoặc giá cầu thủ sẽ tăng nữa, do có cả người mua lẫn người bán, và người ta vẫn thấy lợi trong các thương vụ như thế; hoặc triết lý “hai cột trụ” mà Rummenigge đang theo đuổi.

Trụ cột thứ nhất được dựng lên từ các ngôi sao, như Manuel Neuer, Thomas Müller hiện nay và Leon Goretzka, Joshua Kimmich trong tương lai. Trụ cột thứ hai là những tài năng trẻ tự đào tạo. Rummenigge từng nói: “Nếu có 200 triệu, tôi sẽ không mua một cầu thủ, mà xây hẳn một trung tâm đào tạo”. Và người Đức nói là làm. Ông đã xây một trung tâm như thế, một học xá bề thế mà ông luôn giới thiệu với vẻ tự hào.

Trong thuyết “hai trụ cột”, Rummenigge cũng thấy rõ hai vấn đề then chốt của bóng đá: sức mạnh kinh tế và sự đồng nhất của CLB bóng đá với xã hội nơi nó tồn tại. “Khán giả của chúng tôi đặc biệt yêu mến những ngôi sao, được nuôi dưỡng và trưởng thành chính từ trong lòng CLB”. Một người như Lionel Messi ở Barcelona chăng?


Trong tập luyện, thi đấu và đặc biệt trong đào tạo trẻ, việc ứng dụng những thành quả của khoa học và công nghệ phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ một cách bất ngờ, như chính bóng đá luôn ẩn chứa bất ngờ vậy.

Thật khó hình dung bóng đá tương lai sẽ ra sao

Karl-Heinz Rummenigge

 

Trí tưởng tượng của tương lai

Đầu tháng 5-2018, như một sự kiện hướng tới và chuẩn bị cho World Cup, tại Düsseldorf (Đức), triển lãm SportsInnovation (cách tân trong thể thao) lần đầu tiên được tổ chức, cách tân đây là cách tân công nghệ. DFL, công ty tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Đức Bundesliga, là một trong hai nhà sáng lập chính của triển lãm.

Nét cơ bản: Bóng đá trở thành lĩnh vực cần dữ liệu và dựa trên dữ liệu, những thông tin được số hóa. Muốn vậy, phải có các phép đo và thiết bị đo. Nhờ các hệ thống cảm biến, áo, giày, bóng đều trở thành các thiết bị đo, rồi các thiết bị ghi hình - camera gắn quanh sân và gần đây là các flycam, đều là các máy thu thập dữ liệu, cộng với các phép đo y sinh vốn đã thực hiện từ trước trong phòng thí nghiệm và trên thực địa.

Thuần túy kỹ thuật, hiện người ta chia dữ liệu lớn này thành bốn nhóm chính liên quan đến một trận đấu: dữ liệu gốc (tên cầu thủ, HLV, trọng tài, CLB, sân vận động); dữ liệu liên quan đến trận đấu (giờ khai cuộc, lượng khán giả, thời tiết, đội hình); dữ liệu về các sự kiện xảy ra trong trận đấu (bàn thắng, số đường chuyền, đọ sức tay đôi, số cú sút, phạm lỗi...); và cuối cùng, dữ liệu về chuyển động trên sân, thu thập nhờ hình ảnh quang học trong những camera tốc độ cao (thường là 6 chiếc), với sự tác nghiệp của một nhóm chuyên gia được đào tạo riêng.

Chính nhờ nhóm dữ liệu thứ tư, chúng ta có thông tin về quãng chạy, số lần bắt nước rút và tốc độ nước rút, thời gian giữ bóng... Để chính xác khi sắp xếp dữ liệu, cần một “danh mục định nghĩa thống nhất các dữ liệu chính thống trong một trận đấu bóng đá” do DFL thông qua, với sự hợp tác của các CLB, các trường đại học và các chuyên gia về dữ liệu.

Chẳng hạn, người ta tính ra có 2.200 loại “cú sút” khác nhau, phân biệt bởi vị trí sút, sút bằng chân trái hay chân phải, má trong hay má ngoài, vị trí bóng khi tới khung thành... và tổ hợp của các yếu tố đó. Trung bình mỗi trận có 1.600 đề mục dữ liệu về các sự kiện xảy ra và hơn 65 triệu (!) đề mục dữ liệu về vị trí cầu thủ, trọng tài và bóng. Đấy là một vấn đề của dữ liệu lớn và quả thật không thể có gì “Đức” hơn!

Trong khi các nền bóng đá khác còn đang chạy theo học hỏi khâu đào tạo trẻ của Đức “mướt mồ hôi” thì họ đã chuyển sang một giai đoạn mới. Khẩu hiệu bây giờ là “chiến thắng bằng dữ liệu lớn”. DFL lập ra các công ty chuyên sâu để chuyên chú vào các thuật toán, phần mềm để xây dựng các mối quan hệ và các mẫu tương quan trong dữ liệu.

Có cả những phần dành cho truyền thông và khán giả, nhưng chủ yếu là dành cho công tác chuyên môn. Toàn bộ tài sản số hóa này được lưu giữ, quản trị và phân phối trong ngân hàng dữ liệu của LĐBĐ Đức - DFB.

Có 8 cổng chính để có thể nhận dữ liệu từ ngân hàng của DFB, trong đó hai cổng mang tính chuyên môn cao nhất là “Club Pro” và “Khoa học”, hai cổng dành cho Media, hai cổng dành cho đối tác... Mỗi khách hàng tự chọn những món ăn riêng, phù hợp với khẩu vị của mình. Chủ tịch DFB Christian Seifert tự tin khẳng định đây là ngân hàng dữ liệu bóng đá phong phú nhất hiện nay.

Kèm theo dữ liệu, các hệ thống tập luyện phục vụ cho huấn luyện cũng phát triển vũ bão, để không chỉ nâng cao thể lực, kỹ thuật, mà còn bắt đầu chú ý vào những phẩm chất trí não của con người. Sau khi phổ biến hệ thống “Footbonauten”, sản phẩm gần đây là “Helix”, các thiết bị thuộc nhóm “thể thao trí tuệ”, giúp VĐV nâng cao độ tập trung và khả năng phán đoán, đặc biệt giúp hậu vệ và thủ môn luôn “bắt chặt” các tiền đạo đối phương trong mọi tình huống phòng ngự, nhất là khi đá phạt. Lại một lần nữa, người Đức cho thấy họ nghĩ gì về may rủi trong bóng đá: Nếu bóng đá có may rủi thì người Đức sẽ tính toán để khiến vận số của họ là tối ưu!

Chúng ta đã nói một chút về bóng đá Đức, vì họ là đội bảo vệ danh hiệu vô địch thế giới ở World Cup 2018, và để biết cái giá phải trả cho một danh hiệu là như thế nào, để hiểu rằng, trong bóng đá, bên cạnh thưởng thức đôi khi cũng là học hỏi. Có người học chỉ để thưởng thức cho trọn vẹn và thâm thúy hơn, nhưng cũng có người học để làm bóng đá cho tốt hơn. World Cup, chính vì thế, thực sự là một trong hiếm hoi những điều dành cho tất cả mọi người trong thế giới này.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận