TTCT - World Cup 2022 có thể đi vào lịch sử với một kỷ lục đặc biệt - kỳ World Cup có nhiều quả 11m bị sút hỏng nhất. Tính đến trước thềm vòng bán kết, đã có 19/52 quả 11m (bao gồm cả phạt đền và luân lưu) ở World Cup 2022 bị đá hỏng, tương đương tỉ lệ sút hỏng 36,6%.Chuyên gia bắt phạt đền Livakovic đánh bại Rodrygo ở lượt sút luân lưu đầu tiên trận Croatia thắng Brazil. Ảnh: REUTERSLịch sử sút luân lưuĐó là tỉ lệ cực cao so với 29% của kỳ World Cup trước, đồng thời cũng cao hơn hẳn mức trung bình của lịch sử World Cup. Nếu chỉ tính riêng các loạt sút luân lưu, tỉ lệ sút hỏng ở World Cup 2022 là 39,4% - vượt xa mức trung bình 30% của lịch sử giải đấu, và càng cao hơn mức của những giải đầu tiên khi FIFA bắt đầu đưa vào thể thức sút "luân lưu" để phân định thắng bại.1982 là kỳ World Cup đầu tiên loạt sút luân lưu được sử dụng để phân thắng phụ chung cuộc, thay vì phải tiến hành đá lại như các giải trước. Tiền vệ Uli Stielike của Tây Đức trở thành cầu thủ đầu tiên sút hỏng luân lưu, trong trận bán kết giữa Đức và Pháp. Nhưng Stielike thoát mác tội đồ nhờ Didier Six của Pháp cũng sút hỏng trong lượt tiếp theo. Chung cuộc trận đấu đó, hậu vệ Maxime Bossis của "Gà trống" trở thành người đầu tiên đá hỏng luân lưu và khiến đội nhà bị loại trong lịch sử World Cup với cú hỏng ăn ở lượt sút thứ 6.Cảm giác tồi tệ của Bossis được nhiều người chia sẻ. Những đồng đội ở tuyển Pháp đã bảo vệ thay vì trách móc anh, vì tất cả đều hiểu áp lực mà hậu vệ này phải chịu khi đó. Alain Giresse, người sút thành công quả luân lưu đầu tiên của Pháp, kể lại: "HLV hỏi chúng tôi ai muốn sút quả đầu tiên, cả đội cởi giày ra và nói "Không phải tôi"".Trong những giải đấu ngày đấy, loạt sút luân lưu chưa trở nên quá quan trọng. Ở World Cup 1982, Đức sau khi vắt kiệt sức ở trận thắng tuyển Pháp đã dễ dàng bị Ý hạ đẹp trong trận chung kết. Đến World Cup 1986, Argentina trên đường vô địch cũng đánh bại Bỉ và Đức - những đội bóng phải vất vả vượt qua loạt sút luân lưu ở các trận trước đó.Đến World Cup 1994, Brazil trở thành đội đầu tiên trong lịch sử đoạt cúp vàng sau khi thắng luân lưu ở chung kết. Trong những kỳ World Cup tiếp theo, những cú 11m định mệnh trở thành hành trang không thể thiếu trên hành trình của các đội vô địch. Tại France 98, chủ nhà Pháp thắng Ý 4-3 ở luân lưu sau khi hòa 0-0 ở tứ kết. Đến năm 2006 trên đất Đức, Ý trả cả vốn lẫn lời khi hạ đẹp Pháp ngay trong loạt luân lưu của trận chung kết.Số lượng những loạt sút luân lưu cũng ngày càng tăng. Luật đã được FIFA định ra từ World Cup 1978, nhưng năm đó không có trận nào phải kéo đến lượt "đấu súng". Sau đó, World Cup 1982 có 1 lần, World Cup 1986 3 lần. Và đến ngày nay mỗi kỳ World Cup có trung bình 4 trận đấu phải giải quyết bằng những quả 11m, dù cũng có nguyên nhân khách quan là số đội tham gia World Cup tăng lên, các trận đấu, bao gồm những trận loại trực tiếp, do đó cũng nhiều hơn, khiến khả năng phải phân định thắng bại trên chấm 11m dễ xảy ra hơn.Messi sút penalty vào lưới Ba Lan. Ảnh: FourFourTwoThành bại tại luân lưuTầm quan trọng của những loạt sút luân lưu ngày nay là không cần phải bàn cãi. Trong thời đại mà trình độ bóng đá đỉnh cao chỉ xê xích trong gang tấc, việc một đội cửa dưới có thể cầm cự trước những đội mạnh rồi hạ đối thủ trên chấm luân lưu là hết sức bình thường. Tất cả các đội bóng mạnh nhất vì vậy giờ đây đều phải thủ sẵn bài đá phạt đền.Trước thềm vòng đấu loại trực tiếp, HLV Luis Enrique cho biết cầu thủ của ông đã phải tập luyện cả ngàn quả 11m để hướng đến World Cup 2022. Còn HLV Louis Van Gaal của Hà Lan đã tuyên bố tự tin sẽ thắng Argentina trên chấm luân lưu. 8 năm trước, chiến lược gia đại tài này từng khiến làng bóng đá phải ngả mũ bởi "độc chiêu" thay thủ môn trước khi thực hiện loạt sút - một bài đánh tâm lý lợi hại.Nhưng rồi cả Tây Ban Nha và Hà Lan đều phải nhận thất bại trên loạt sút luân lưu ở World Cup năm nay, khi đối thủ xem ra còn chuẩn bị kỹ lưỡng hơn họ. Hơn nữa, sút 11m không chỉ đơn giản là chuyện tập luyện.Trước thềm World Cup 2022, báo The Athletic thống kê tỉ lệ cứu phạt đền của các thủ môn. Đứng đầu danh sách là Elimiano Martinez của Argentina, người từng cứu được 10 quả 11m trong tổng số 33 lần anh phải đối mặt trong sự nghiệp (chưa bao gồm các lượt sút luân lưu) - tức tỉ lệ cản phá phạt đền hết sức ấn tượng 30,3%. Kế đến, Dominik Livakovic (Croatia) - 25,9% (14/54) và Yassine Bounou (Morocco) - 26% (13/50) đều là những thủ thành có tỉ lệ cản phá phạt đền đáng nể ngay từ trước khi họ tỏa sáng ở World Cup 2022.Đáng chú ý, HLV Zlatko Dalic của Croatia đã chọn Livakovic bắt chính thay vì Ivo Grbic, dù Grbic từng chơi cho những CLB danh tiếng hơn. Kỹ năng bắt phạt đền có lẽ là lý do quan trọng khiến Dalic đặt niềm tin vào Livakovic - người chỉ chơi bóng ở giải trong nước. Còn với Martinez, anh là người thừa kế một truyền thống bắt phạt đền siêu hạng của các thủ môn Argentina. Trong lịch sử World Cup, đội bóng xứ tango là đội giành được nhiều chiến thắng trên chấm luân lưu nhất (cả thảy 5 lần). Lionel Messi và Diego Maradona là những nhân tài nhiều thế hệ mới xuất hiện một lần, nhưng thủ môn bắt phạt đền hay thì Argentina đời nào cũng có.Các thủ môn có vẻ cũng đã trở nên ngày càng tài giỏi trong kỹ năng bắt phạt đền nói chung. Từ 1966 đến 2018, tỉ lệ cản phá phạt đền của thủ môn khoảng 17%, nhưng đến World Cup 2022 thì tỉ lệ này tăng vọt.Cựu thủ thành Mark Schwarzer của Úc lý giải: "Đơn giản là các thủ môn ngày càng được đầu tư hơn. Việc phân tích những quả 11m ngày nay nằm ở một cấp độ khác, và thủ môn là người có lợi. Áp lực luôn dồn lên chân sút, và nếu thủ môn làm đúng mọi chuyện, tuân theo những kết quả nghiên cứu về hướng sút, lực sút, thói quen… thì tỉ lệ cứu thua của họ cũng sẽ tăng lên". Sự thật là trong khi các kỹ năng đá phạt đền sau hàng thập niên không thay đổi, FIFA giờ đây đang phải đặt thêm nhiều giới hạn cho thủ môn để họ không quá chiếm lợi thế khi đối đầu những chân sút đối phương trong loạt đấu cân não nữa.Rodrygo sút hỏng penalty khiến Brazil bị loại. Ảnh: ReutersĐừng tin người trẻ, cẩn thận loạt sút thứ 4Theo khảo sát của Gracenote, loạt sút thứ 4, tức những cú sút luân lưu thứ 7 và 8 của các đội bóng, có tỉ lệ bị cản phá cao nhất lên đến 39%. Người hâm mộ thường có cảm giác quả phạt đền đầu tiên là nhiều áp lực nhất, nhưng cũng vì vậy những cầu thủ cự phách nhất thường được giao đá quả đầu tiên, giúp tỉ lệ thành công của loạt sút này lên đến khoảng 72 - 73%.Một nghiên cứu khác của InStat cho thấy các cầu thủ 32 - 33 tuổi có tỉ lệ thực hiện thành công 11m cao nhất - 77,1%, còn những chú nhóc dưới 20 tuổi có tỉ lệ thấp nhất - 74%. Brazil là đội bóng phải trả giá cho sự cẩu thả khi xếp người đá luân lưu ở World Cup 2022: họ để tiền đạo 20 tuổi Rodrygo thực hiện cú sút đầu tiên. Kết quả là anh bị Livakovic đánh bại.Có một sự thật hiển nhiên tồn tại trong loạt sút luân lưu mà FIFA và các nhà làm luật bóng đá cũng đành bó tay: đội đá trước luôn chiếm lợi thế. Tỉ lệ thực hiện thành công lượt đá thứ nhất nếu được cho đá trước là 73%, trong khi nếu đá sau chỉ là 69%. Các nhà nghiên cứu khẳng định thứ tự trước sau này tạo ra lợi thế tới khoảng 20%. Tags: World Cup 2022Luân lưuPenaltyPhạt đền
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.