TTCT - Khi đặt chân đến sân bay Tel Aviv cách nay vài năm, điều đầu tiên tôi nghĩ là chưa có nơi nào trên thế giới mà người ta kiểm soát an ninh gắt gao đến thế. Và nếu an ninh đáng ngại như vậy, ai sẽ muốn đầu tư làm ăn ở đây? Phóng to Nhưng Israel đã cho tôi thấy một đất nước ổn định, hiện đại bên bức tường an ninh gây tranh cãi dài 700km, phân chia nơi sinh sống của người Israel và Palestine ở Bờ Tây. Lý do để có cuộc sống hiện đại của Israel được giải thích xuất sắc trong cuốn Start up nation - the story of Israel economic miracle (*). Một câu chuyện thú vị về con đường kiến tạo quốc gia Israel dưới góc độ kinh tế, với các câu chuyện chủ yếu xoay quanh sự hợp tác của các doanh nhân và hỗ trợ từ các nhà lãnh đạo đất nước. Dưới góc nhìn của hai nhà nghiên cứu, cây bút đều có dòng máu Do Thái là Dan Senor và Saul Singer, bạn đọc có được câu chuyện đầy những dữ liệu đáng kinh ngạc, đầy cảm hứng về các nhà sáng chế, đầu tư và doanh nhân Israel nói riêng và cộng đồng kinh doanh Israel nói chung. Quốc gia có nhiều công ty khởi nghiệp "Điều khiến thế giới ngả mũ là nhiều công ty khởi nghiệp Israel đều dựa trên các sáng kiến, phát minh của chính họ”. Một xã hội của tinh thần sáng tạo và tinh thần doanh nhân là lời giải thích cho thành công về kinh tế của Israel. Với GDP bình quân đầu người Israel là 32.200 USD năm 2012, Israel đang nằm trong tốp đầu thế giới khi nói tới quân sự, nông nghiệp, công nghệ, sinh học... Dù chỉ có 7,1 triệu dân (tương đương với TP.HCM), lịch sử ra đời chỉ 60 năm, không tài nguyên, xung quanh nhiều bất trắc và thường xuyên trong tình trạng sẵn sàng chiến tranh, Israel lại có nhiều công ty khởi nghiệp hơn các quốc gia lớn, an bình và ổn định khác như Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada và Anh. Điều khiến thế giới ngả mũ là những công ty khởi nghiệp đó đều dựa trên các sáng kiến, phát minh của chính họ. Israel thu hút lượng đầu tư mạo hiểm - mô hình đầu tư còn rất mới mẻ ở Việt Nam (Israel có 70 quỹ hiện hoạt động, tính trên đầu người cao gấp đôi Mỹ và gấp 30 lần so với châu Âu, Việt Nam mới có một số quỹ khá hạn chế). Mô hình này rót vốn vào những doanh nghiệp mới thành lập, chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán vì nhà đầu tư tin doanh nghiệp sẽ thành công và đem lại lợi nhuận lớn cho họ. Niềm tin đó ở đâu ra nếu không nhờ sáng kiến, tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh, các chính sách ổn định và hỗ trợ của nhà nước? Đọc sách, bạn có thể đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi đọc đến những tên nhà đầu tư, những doanh nghiệp, những doanh nhân, những nhà phát kiến được đề cập, và sẽ tự hỏi: “Liệu có doanh nghiệp lớn, vụ đầu tư lừng danh hay sáng kiến nào trên thế giới mà không có vai trò của người Israel?”. Bạn, có lẽ cũng giống tôi, sẽ không dễ tìm ra đâu. Cái hay của cuốn sách chính là những câu chuyện kể như giai thoại mà hai tác giả đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, phỏng vấn nhiều nguồn và dùng ngòi bút dựng lại sự kiện. Tinh thần khởi nghiệp Tất nhiên, quá trình tạo dựng nên sự thần kỳ của nền kinh tế Israel sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới vai trò của khoản viện trợ khổng lồ 118 tỉ USD từ Mỹ ngay sau Thế chiến 2 tới nay. Theo nghiên cứu năm 2013 của Jeremy M. Sharp, chuyên viên các vấn đề Trung Đông của Vụ Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, Israel là nước nhận viện trợ nước ngoài từ Mỹ lớn nhất kể từ khi chiến tranh kết thúc. Dù hiện đa số viện trợ dành cho quân sự nhưng trong quá khứ, viện trợ để phát triển kinh tế chiếm lượng lớn. Ngoài ra, chính sách di dân rất khôn ngoan cũng giúp Israel nâng cao sự tinh túy của dân số. Israel hiện có dân nhập cư từ 70 quốc gia, có số lượng kỹ sư và nhà khoa học tính trên đầu dân cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Sáng kiến từ đó mà ra. Khi ra mắt cuốn sách năm 2009, đúng thời điểm kinh tế thế giới bắt đầu rơi vào suy thoái, hai tác giả nhận định Mỹ và thế giới phải học nhiều từ Israel để không những phục hồi được kinh tế mà còn có thể duy trì sự phát triển bền vững. Không dễ học tinh thần của người Israel, nhưng bài học cần kíp nhất với những nước đang phát triển như Việt Nam chính là tinh thần khởi nghiệp và tinh thần tôn vinh doanh nghiệp trong xã hội. Tinh thần khởi nghiệp của người Israel được kể rằng: “Khi đàn ông Israel muốn hẹn hò với một cô gái, anh mời cô đi chơi tối. Khi doanh nhân Israel có ý tưởng kinh doanh, anh ấy bắt tay làm luôn trong một tuần”. Còn doanh nhân, có lẽ họ cần hơn cả là nền tảng luật pháp ổn định và các chính sách thông thoáng, cởi mở của chính phủ. Chúng ta cũng cần học tinh thần chutzpah (thái độ dũng cảm, táo bạo, lì lợm, dám làm) và bitzua (làm là phải làm cho xong, cho được) của người Israel. ___________ (*): Start up nation - the story of Israel economic miracle, Dan Senor và Saul Singer; bản tiếng Việt: Quốc gia khởi nghiệp - sự thần kỳ của nền kinh tế Israel, Trí Vương dịch, Alphabooks xuất bản tháng 5-2013. Tags: Khởi nghiệpĐọc sách cùng bạnHẠNH NGUYÊNTinh thần doanh nhân
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 23-11: Ông Putin tuyên bố sản xuất thêm tên lửa Oreshnik vì thấy hiệu quả BÌNH AN 23/11/2024 Mỹ hạn chế nhập khẩu thực phẩm, kim loại từ nhiều công ty Trung Quốc; Ukraine cầu cứu xin hệ thống phòng không tốt hơn.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
'Ông lớn' chứng khoán SSI bị cơ quan thuế truy thu, xử phạt hàng tỉ đồng BÔNG MAI 23/11/2024 Công ty cổ phần chứng khoán SSI vừa báo cáo với cơ quan lãnh đạo thị trường chứng khoán về quyết định liên quan đến Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).
Ông Medvedev: Phương Tây xác định mục tiêu và dẫn đường cho các tên lửa đánh Nga THANH BÌNH 23/11/2024 Ngày 22-11, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo bất kỳ kịch bản leo thang nào đều có thể xảy ra trong xung đột Nga - Ukraine vì những gì phương Tây đang làm.