Xâm hại tình dục trẻ em: Cần thay đổi quy trình tố tụng

TTCT - Thực trạng trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD) ở Việt Nam thời gian qua diễn ra hết sức phức tạp, khiến dư luận xã hội vô cùng bất an, tuy nhiên, còn nhiều vấn đề trong quy trình tố tụng khiến việc điều tra và xử lý các vụ việc này gặp khó khăn.

Ảnh: Ted.com
Ảnh: Ted.com

 Các bậc phụ huynh có con nhỏ lo lắng, mất ăn mất ngủ vì không biết môi trường học tập, sinh hoạt của con em mình có còn an toàn không khi những nơi được xem là an toàn cho trẻ lại là nơi bị xâm hại khá nhiều.

Tuy nhiên, quá trình điều tra, xác minh, tìm ra thủ phạm từ cơ quan chức năng trong một số vụ việc còn chậm, không ít vụ chậm được phát hiện. Có hai nguyên nhân chính:

Thứ nhất: Theo quy định của Bộ luật hình sự 1999 và Bộ luật hình sự hiện hành, nhóm tội phạm XHTD, trong đó có các tội danh XHTD trẻ em được cơ cấu trong nhóm tội “Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người”, về cơ bản có mức hình phạt tương đối nghiêm khắc.

Tuy nhiên, với tình hình tội phạm XHTD diễn biến phức tạp và có nhiều biến tướng như hiện nay, cơ cấu này cần phải thay đổi.

Các nhà lập pháp cần nghiên cứu xây dựng một chương riêng về nhóm tội XHTD, đồng thời mức hình phạt áp dụng cho loại tội phạm này cần nghiêm khắc hơn. Bộ luật hình sự hiện hành tuy có bổ sung thêm một vài tội phạm liên quan đến nhóm tội phạm XHTD, nhưng mức hình phạt chưa đủ sức răn đe.

Đơn cử như tội “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” (điều 145), mức hình phạt khởi điểm là 1 năm tù;

tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi” (điều 146), mức khởi điểm là 6 tháng tù; tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” (điều 147) cũng có mức khởi điểm là 6 tháng tù...

Cần nâng mức hình phạt đối với hành vi XHTD trẻ em, ít nhất là từ mức khởi điểm của loại tội phạm rất nghiêm trọng (theo điều 9 Bộ luật hình sự hiện hành là trên 7 đến 15 năm tù).

Thứ hai: Về quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác đối với nhóm tội XHTD còn bất cập, trong đó có “tư duy an toàn” của người tiến hành tố tụng. Thời gian qua cho thấy việc điều tra án XHTD trẻ em chậm, kéo dài có khi mấy năm, bởi án này hầu hết thuộc trường hợp truy xét, ít có trường hợp bị bắt quả tang hoặc có chứng cứ rõ ràng.

Do án truy xét nên cơ quan chức năng khi tiếp nhận thông tin từ người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại (người chưa thành niên) thường rất dè dặt, đôi khi thận trọng quá mức cần thiết.

Quy trình tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm và việc thu thập dấu vết tội phạm đối với loại án này phức tạp hơn so với các loại án khác. Việc thu thập tinh dịch, mẫu ADN dính trên người nạn nhân, giám định pháp y việc tổn thương do bị xâm hại... cần phải tiến hành nhanh chóng, chạy đua với thời gian.

Thế nhưng, theo quy trình thì phải trình báo cơ quan công an, sau đó cơ quan công an lấy lời khai ban đầu, xác minh, làm thủ tục giới thiệu đến cơ quan chuyên môn thăm khám, lấy mẫu, giám định... mất hết mấy ngày. Thời gian càng kéo dài thì việc thu thập dấu vết tội phạm càng khó.

Một khi việc thu thập chứng cứ, dấu vết tội phạm chậm trễ thì việc chứng minh và tìm ra thủ phạm càng khó khăn hơn. Nhiều vụ bị tắc do không thu thập được tinh dịch, dấu vết của tội phạm.

Tội phạm XHTD trẻ em ngày càng tinh vi, kẻ gây án cố tình xóa mọi dấu vết, kể cả việc đe dọa, khống chế nạn nhân. Đối với người bị hại là người chưa thành niên, nhận thức của các cháu còn rất non nớt, nhiều cháu bị khủng hoảng tâm lý, trầm cảm nặng sau khi bị xâm hại nên việc trình báo với cơ quan chức năng là việc hết sức khó khăn, chưa nói đến việc thu thập, lưu giữ dấu vết để giúp cơ quan chức năng truy bắt hung thủ.

Các cơ quan tố tụng đòi hỏi bị hại là trẻ em phải khai báo nhất quán là điều không thể. Mặt khác, nhiều trường hợp, các điều tra viên, kiểm sát viên là nam tiến hành xác minh, điều tra cũng ảnh hưởng đến tâm lý của người bị hại.

Vì vậy, để việc xử lý tội phạm XHTD hiệu quả, cần phải thay đổi quy trình, nhân sự tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm XHTD. ■

HOÀNG ĐIỆP ghi

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận