Xây cảng biển: tăng tốc

NGỌC ẨN 29/06/2007 00:06 GMT+7

TTCT - Dọc sông Nhà Bè, Đồng Nai, Lòng Tàu đến Cái Mép - Thị Vải đã có thể thấy “hình hài” của những thành phố cảng biển sầm uất tương lai. Nhiều tập đoàn cảng biển nổi tiếng của thế giới cũng đã “xông” vào VN.

Phóng to
Đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra về thực hiện qui hoạch cảng biển tại TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu
TTCT - Dọc sông Nhà Bè, Đồng Nai, Lòng Tàu đến Cái Mép - Thị Vải đã có thể thấy “hình hài” của những thành phố cảng biển sầm uất tương lai. Nhiều tập đoàn cảng biển nổi tiếng của thế giới cũng đã “xông” vào VN.

Khu Cát Lái, Hiệp Phước (Nhà Bè, TP.HCM) bây giờ đã có những cảng biển lớn thay cho cảnh hoang sơ cách đây vài năm. Nổi bật nhất là cảng Tân Cảng Cát Lái (từ nội thành TP dời về đây) với nhiều chiếc cẩu đang vươn cao “tay” bốc container (TEU) xếp vào bãi. Hàng nghìn TEU được sắp xếp hàng hàng lớp lớp tại đây. Năm nay, Tân Cảng sẽ xếp dỡ 1,7-1,8 triệu TEU, tương đương 24-25 triệu tấn hàng hóa (đứng đầu cả nước về số lượng hàng) khiến đường liên tỉnh 25B trở nên chật hẹp vì tấp nập dòng xe tải ngược xuôi.

Những thành phố cảng tương lai

Việc đầu tư phát triển cảng biển rất quan trọng để tăng trưởng kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt là tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng các khu công nghiệp nằm cạnh hệ thống cảng biển để hàng hóa lưu thông thuận lợi. TP.HCM chuyển dần hệ thống cảng biển từ nội thành ra gần biển cũng nhằm mục tiêu phát triển mạnh hơn. Thế nhưng, các nhà làm qui hoạch cảng biển đã không đủ tầm nhìn nên đã đưa ra dự báo vận chuyển hàng hóa thấp hơn thực tế.

Ông Lê Công Minh - giám đốc Cảng Sài Gòn - cho biết sẽ xây dựng bến cảng ở Hiệp Phước để tiếp nhận tàu 50.000 tấn vì trong tương lai luồng sông Soài Rạp sẽ được nạo vét. Còn cảng

container trung tâm Sài Gòn do liên doanh P&O (Anh) và Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận cũng đang thiết kế một bến cảng tiếp nhận tàu có trọng tải 50.000 tấn.

Giữa hàng chục cảng biển đang hoạt động - bám theo các khu công nghiệp Gò Dầu A, B, Mỹ Xuân, Phú Mỹ... của tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu - là hàng trăm xe tải, sà lan tấp nập chở cát san lấp mặt bằng chuẩn bị cho nhiều bến cảng mới ra đời. Kỹ sư và công nhân của Công ty thiết kế cảng Port Coast đang ngày đêm khảo sát địa chất cho nhiều dự án xây dựng cảng biển sẽ được khởi công vào cuối năm 2007 hoặc đầu năm 2008. Ông Trần Tấn Phúc - tổng giám đốc Port Coast - cho biết nhiều tập đoàn nổi tiếng trên thế giới ở Singapore, Mỹ, Nhật, Đan Mạch, Hong Kong, Hàn Quốc đã có mặt trong các dự án xây dựng cảng biển.

Đi khảo sát thực tế tình hình xây dựng cảng biển (nhóm 5) ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, đoàn công tác của Chính phủ đã không khỏi ngạc nhiên trước tình hình phát triển cảng biển quá nhanh và nhất là khối lượng hàng hóa xếp dỡ tăng vượt mức kế hoạch. Theo Cục Hàng hải VN, đến cuối năm 2006 vùng kinh tế này đã xếp dỡ được 79,3 triệu tấn hàng, cao hơn số lượng dự báo đến năm 2010 đạt 53 triệu tấn. Riêng cảng biển TP.HCM trong năm năm qua lượng hàng hóa tăng 11,21%, trong đó container tăng 25-28%.

Đồng bằng cũng mở cửa ra biển

Theo qui hoạch nhóm cảng biển ĐBSCL (đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt), phải vận chuyển khối lượng hàng hóa bằng đường biển dự kiến là 14,7-15,7 triệu tấn vào năm 2010 và 28-32 triệu tấn vào năm 2020. Tại thời điểm hiện nay, hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển của ĐBSCL khoảng 4,6-4,7 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu xuất nhập khẩu khoảng 10-11 triệu tấn/năm. Do vậy, phần lớn khối lượng hàng hóa phải chuyển tiếp qua TP.HCM.

Việc tiếp chuyển này làm tăng chi phí giao thông từ 4-10 USD cho một tấn hàng và khoảng 150 USD cho một container. Khối lượng lớn hàng hóa được vận chuyển về TP.HCM bằng đường bộ gây áp lực lớn vào hệ thống giao thông đường bộ. Chuyên gia Canada ước tính tổng số tiền tiết kiệm chi phí vận chuyển nếu được xuất nhập khẩu trực tiếp ở ĐBSCL là 78 triệu USD vào năm 2010 và 171 triệu USD vào năm 2020.

Tất nhiên, hàng hóa xuất nhập khẩu của ĐBSCL đòi hỏi phải vận chuyển bằng tàu biển trọng tải lớn mới kinh tế hoặc do các lý do khác như tính tập quán truyền thống trong giao dịch thương mại... vẫn sẽ phải tiếp chuyển qua các cảng đầu mối ở TP.HCM.

Việc mở luồng cho tàu biển lớn ra vào ĐBSCL trước tiên cần phải tận dụng tối đa các tiềm năng lợi thế về sông nước của sông Tiền, sông Hậu, tập trung khắc phục trở ngại chủ yếu ở cửa sông và xây dựng các cảng cho tàu biển ở ven sông.

Vấn đề cấp thiết hiện nay là tập trung giải quyết các khó khăn về thủ tục, nguồn lực để thực hiện càng sớm càng tốt việc xẻ kênh tránh cửa Định An cho tàu biển lớn vào sông Hậu theo phương án đã được Thủ tướng chấp thuận. Có thể xem đây là hạng mục công trình quan trọng để đảm bảo qui hoạch phát triển nhóm cảng biển ĐBSCL được khả thi.

Dự án quan trọng cấp thiết nhất hiện nay là mở luồng cho tàu biển 10.000-20.000 tấn vào sông Hậu ở ĐBSCL bằng việc đào kênh tắt vòng tránh trên đất Trà Vinh (kênh Quan Chánh Bố). Các cảng trong sông sẽ được xây dựng gồm cụm cảng Cái Cui - Cần Thơ (bao gồm cảng tổng hợp và các cảng chuyên dụng) cho tàu 20.000 tấn cập bến.

Thủ tướng duyệt tổng mức đầu tư của dự án xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu khoảng 200 triệu USD, từ nay đến năm 2010 là 150 triệu USD, giai đoạn sau 50 triệu USD. Nguồn vốn sẽ được huy động từ ngân sách hoặc từ các doanh nghiệp lớn trong nước mà chủ yếu là Tổng công ty Hàng hải VN.

Qui hoạch không theo kịp thực tế

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Ngọc Huệ - cục phó Cục Hàng Hải VN - cho rằng qui hoạch không theo kịp thực trạng kinh tế của nhóm cảng biển số 5. Theo dự báo lượng hàng tăng nhanh cho thấy vào năm 2020 toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ thiếu cảng để vận chuyển thêm khoảng 32,7 triệu tấn, đặc biệt lượng hàng container xuất nhập khẩu đang tăng nhanh sau khi VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Do đó, dù các nhà đầu tư triển khai tất cả dự án xây dựng cảng ở khu vực Cái Mép - Thị Vải cũng không thể đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nhanh. Vì vậy, đoàn công tác của Chính phủ đã thống nhất với các địa phương bổ sung qui hoạch cảng.

Ông Trần Minh Sanh - chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho rằng nếu các cảng không triển khai xây dựng kịp thì Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ không thể “chia lửa” với TP.HCM đang bị quá tải. Ông Sanh đề nghị Bộ GTVT lập một ban chỉ đạo để chỉ huy thống nhất công tác xây dựng cảng. Theo các nhà đầu tư cảng biển, trở ngại lớn nhất trong qui hoạch cảng biển là không qui hoạch xây dựng đường, hệ thống điện, nước đến cổng cảng. Vì vậy, một số doanh nghiệp vẫn chưa khởi động xây dựng cảng vì tốn rất nhiều kinh phí làm hạ tầng.

Không ít nhà đầu tư buồn lòng vì không còn chỗ chen chân khi tất cả các mặt bằng cảng biển trong qui hoạch đã bị “xí phần”. Thế nhưng, một số doanh nghiệp đã “xí phần” thì lại không chịu đầu tư xây dựng. Theo Cục Hàng hải VN, nguyên nhân chủ yếu là nhà đầu tư không có khả năng thật sự hoặc cố tình “xí phần” để giữ đất. Theo đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Trần Doãn Thọ - thứ trưởng Bộ GTVT - đồng ý cho các địa phương quyền loại bỏ những nhà đầu tư “giữ đất” để giao cho các nhà đầu tư có tâm huyết. Bởi vì yêu cầu xây dựng cảng biển rất cấp bách mới kịp đáp ứng yêu cầu tăng tốc của nền kinh tế.

Cần đường cao tốc và nạo vét luồng tàu

Hiện nay khu vực cảng biển TP Cần Thơ có 16 bến cảng, đa số chỉ có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải dưới 5.000 tấn và chỉ có một ít cầu cảng mới xây dựng có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 10.000 tấn.

“Cần phải mở rộng đường liên tỉnh 25 từ khu vực Cát Lái ra xa lộ Hà Nội, vì hiện nay đường quá chật hẹp và xuống cấp khi mỗi ngày có đến vài ngàn xe tải nặng và container ra vào cảng lấy hàng” - một lãnh đạo của Công ty Tân Cảng đã đề nghị với đoàn công tác của Chính phủ và UBND TP.HCM. Trong khi đó, các nhà đầu tư ở Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị mở rộng quốc lộ 51 từ bốn làn xe lên sáu làn xe vì tuyến đường này đang quá tải và cần xây dựng các nút giao thông (cầu vượt hoặc hầm chui) để giảm lượng tai nạn giao thông đang tăng cao.

Cũng bức bách về chuyện đường sá, lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Bộ GTVT sớm triển khai đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Vũng Tàu từ nay đến năm 2010 bởi tuyến đường này có vai trò hết sức quan trọng về vận chuyển hàng hóa trong những năm tới khi hệ thống cảng biển, các khu công nghiệp của tỉnh này đã được đầu tư phát triển toàn diện. Đồng thời, tuyến đường sắt tốc độ cao Biên Hòa - Vũng Tàu phải sớm được triển khai để kết nối hệ thống cảng biển với các khu công nghiệp trên hành lang quốc lộ 51, TP.HCM đi Phnom-Penh, về đồng bằng sông Cửu Long và đi Tây nguyên.

Ông Trần Doãn Thọ đồng ý sớm khởi công xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhằm thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương dựa vào qui hoạch tuyến đường cao tốc để làm đường kết nối với đường cao tốc. Việc TP.HCM thử nghiệm nạo vét luồng tàu sông Soài Rạp nhằm tạo thêm một luồng tàu biển về cảng TP.HCM là một hướng đi đúng vì đây là luồng tàu biển thứ hai rất thuận lợi cho tàu có trọng tải 50.000 tấn lưu thông về khu cảng Cát Lái, Nhà Bè - Hiệp Phước của TP.HCM.

Những cảng biển hiện tại và tương lai

Phóng to
Vị trí các cảng và hệ thống đường thủy khu vực phía Nam

TP.HCM

Hiện có 28 bến cảng đang hoạt động. Lượng hàng hóa ngày càng tăng, đặc biệt là container tăng 25-30%/năm. TP.HCM phát triển cảng chủ yếu là trên sông Đồng Nai, Nhà Bè và Soài Rạp, không xây dựng cảng biển trên sông Sài Gòn mà di dời ra khỏi nội thành. Trước năm 2010 phải di dời Tân Cảng, Nhà máy đóng tàu Ba Son và cảng Sài Gòn (khu xếp dỡ Nhà Rồng và Khánh Hội).

Đồng Nai

Có 15 bến cảng đang khai thác, lượng hàng quá bình quân tăng 16,5%/năm với công suất đạt gần 3 triệu tấn/năm. Đến năm 2020 tỉnh Đồng Nai xây dựng thêm 13 bến cảng mới. Hiện bốn cầu cảng ở khu vực Gò Dầu đã triển khai xây dựng. Cụm cảng ở Đồng Nai sẽ hỗ trợ và dần thay thế vai trò cảng cửa ngõ của hệ thống cảng biển TP.HCM. Một số cảng chuyên dùng sẽ được xây dựng có qui mô tiếp nhận tàu biển trọng tải 50.000-80.000 tấn.

Bà Rịa - Vũng Tàu

* Có 11 bến cảng đang hoạt động với công suất 24,6 triệu tấn, tăng khoảng 5%/năm. Theo qui hoạch, đến năm 2020 sẽ có thêm 25 dự án xây dựng bến cảng mới. Hiện có bốn dự án đang triển khai xây dựng, chín dự án đang chuẩn bị khởi động, sáu dự án đã có và đang lập dự án đầu tư và sáu dự án đang chuẩn bị đầu tư.

* Một số dự án lớn sẽ khởi công vào cuối năm 2007, dự kiến hoàn thành năm 2011 gồm:

- Dự án xây dựng cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải và nạo vét luồng tàu vào cảng Thị Vải, tổng vốn đầu tư 6.073 tỉ đồng, vay ODA Nhật.

- Dự án cảng quốc tế SP-PSA (liên doanh giữa cảng Sài Gòn và Tập đoàn PSA, Singapore), đầu tư giai đoạn 1 là 165 triệu USD, là cảng tổng hợp cho tàu 50.000-75.000 tấn, dự kiến đến năm 2010 hoàn thành, hiện đang chuẩn bị đấu thầu thiết kế, xây dựng.

- Dự án cảng container - cảng Sài Gòn và Tập đoàn SSA (Mỹ) đầu tư 160 triệu USD, dự kiến cuối năm 2007 khởi công và hoàn thành năm 2010. Cảng container - cảng Sài Gòn và Tập đoàn APMT (Đan Mạch) đầu tư 187 triệu USD - sẽ khởi công trong năm nay và hoàn thành vào năm 2010 cho tàu có trọng tải 80.000 tấn nhận hàng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận