Xem cầu Hiền Lương trên đất Huế

NGUYỄN KHẮC PHÊ 26/04/2010 10:04 GMT+7

TTCT - Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải (Quảng Trị) - con sông từng chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước mấy chục năm, cớ sao lại hiện diện ở Huế?

Và đất nước thống nhất đã tròn 35 năm, nhiều người - nhất là lớp trẻ, có khi đã quên hoặc ít nghĩ đến cây cầu lịch sử và con sông nhỏ hẹp mà nhà thơ Thanh Hải từng viết hai câu thơ nổi tiếng từ non nửa thế kỷ trước: Xa nhau chỉ một mái chèo/ Mà đi trăm núi vạn đèo đến đây! Phải! Lịch sử đã sang trang.

Mấy năm qua, tâm trí bao người đã quen hướng đến các cây cầu kỷ lục đẹp như tranh vẽ vượt qua những con sông lớn của đất nước như cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ... rồi cầu Thanh Trì (Hà Nội); sông Hương của Huế, sau khi thông cầu Chợ Dinh cuối Thôn Vĩ, cũng vừa khởi công làm cầu đường bộ mới qua cồn Dã Viên, song song với cầu đường sắt Bạch Hổ...

Phóng to
Ảnh: N.K.P.

Vậy mà tôi vừa được “gặp lại” cầu Hiền Lương tại Huế. Thật ra, cây cầu lịch sử này chỉ hiện ra không đầy chục phút trên màn ảnh nhỏ của anh em song sinh Thanh - Hải (Lê Đức Hải - Lê Ngọc Thanh) tại New Space (Không Gian Mới) - một cơ sở sản xuất - trưng bày - giới thiệu mỹ thuật và văn hóa của hai họa sĩ trẻ được hình thành tròn hai năm trước ở một làng ngoại vi Huế.

Hơn một tháng trước, nghe chuyện anh em Thanh - Hải thuê người quay phim rủ nhau ra Bến Hải làm phim Cây cầu, tôi đã thấy lạ. Hai chàng trai quê Quảng Bình, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Huế, lập nghiệp tại Huế và hình như không phải giỏi giang gì về điện ảnh, lại sinh sau đẻ muộn, có dính chi đến “sông tuyến” Bến Hải với Quảng Trị một thời máu lửa mà đi làm phim về cầu Hiền Lương?...

Và bây giờ, cặp họa sĩ song sinh mình trần đen bóng đang trình diễn trên “cây cầu” thật - một cái “đòn kê” dài hơn 2m, to bản bằng gỗ chắc nịch - giữa tiếng trống giục và những điệu múa lân đẹp mắt. Hai anh em chung một bào thai, khi đối đầu nhau, khi tựa lưng vào nhau, khi nằm đè lên nhau, khi được cuốn chung trong những vòng dây đỏ thắm...

Trong phim Cây cầu thì hai anh em “trình diễn” ngay trên chiếc cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải (ảnh) đã được phục chế đúng nguyên trạng như thời nhà văn Nguyễn Tuân còn tỉ mẩn đếm có bao nhiêu tấm ván bên bờ Bắc... Những ý nghĩ có thể là thô thiển, nhưng nhìn cảnh hai anh em trườn bò sát mặt ván cầu, tôi lại liên tưởng đến những chiến sĩ ngày Bắc đêm Nam vượt sông tuyến năm nào; còn cảnh Thanh - Hải nằm xoài trên thảm hoa trải lên nền vải đỏ thắm dưới chân cầu lại gợi nghĩ đến bài thơ Máu và hoa của Tố Hữu...

Thì ra anh em Thanh - Hải “trình diễn” - đúng vào ngày sinh tháng 4 của mình - không chỉ để bày tỏ niềm vui và sự tri ân của mình với cha mẹ, với đất nước đã ban cho mình cuộc sống 35 năm trong hòa bình mà còn gửi đến công chúng những thông điệp nhiều ý nghĩa. Tác phẩm nghệ thuật đích thực bao giờ cũng đa nghĩa như vậy.

Sau buổi diễn và chiếu phim, Thanh - Hải tâm sự về những suy tư, những trăn trở có ý thức của người nghệ sĩ trước cuộc đời và lịch sử đất nước. Hai anh em là hai cá thể hay hai phần bị chia cắt oằn oại tìm nhau trên một chiếc ghế/nhịp cầu để hòa nhập nhau trong một bản thể thống nhất hân hoan.

Trên nền của nhịp trống múa lân - dấu ấn ký ức tuổi thơ như một viễn tượng truyền thống đẹp đẽ - hai nửa của một chỉnh thể sẽ nỗ lực tìm nhau trong thống khổ cho một cuộc đoàn viên hạnh đạt... Chiếc ghế đóng vai trò như một nhịp cầu, nối ký ức thơ dại của một tuổi hoa niên khốn khó với những cá nhân trưởng thành ở một thời khắc khác; nối những mất mát, dại ngộ với những trở trăn của cuộc sống nhọc nhằn mưu sinh; nối những vui buồn của đời người vào cuộc hành trình kiếm tìm bất tận của những kẻ trót mang nòi nghệ sĩ...

Đừng lo lớp trẻ mau quên quá khứ. Không ai xóa được lịch sử và lịch sử cũng như cầu Hiền Lương vẫn sống trong mỗi cuộc đời và không thôi nhắc nhở chúng ta..

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận