Xem phim để quên... sầu

MẠNH KIM 06/09/2008 11:09 GMT+7

TTCT - Hollywood đã thắng đậm trong bối cảnh kinh tế Mỹ eo sèo bên bờ vực suy thoái. Dân Mỹ ùn ùn kéo nhau đi xem phim để... quên sầu?

Phóng to
Cảnh trong The Mummy: Tomb of the dragon emperor

Tính đến hạ tuần tháng 8-2008, khi đợt phim hè Hollywood chuẩn bị kết thúc, công nghiệp điện ảnh Mỹ cho thấy họ thắng đậm với doanh thu chắc chắn hơn 4 tỉ USD (ước tính khoảng 4,2 tỉ USD so với 4,18 tỉ USD năm 2007). Thành công nhất mùa phim hè năm nay là phim The dark knight (đạt hơn 470 triệu USD sau gần một tháng công chiếu ở thị trường Mỹ từ ngày 18-7-2008). Theo sau đó là Iron man (gần 320 triệu USD) rồi Indiana Jones and the kingdom of the crystal skull (phần 4) (hơn 315 triệu USD).

Doanh số phòng vé công nghiệp điện ảnh Mỹ thường phản ánh xu hướng xã hội và thậm chí sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. “Chỉ báo phòng vé” (box office indicator) là một trong những chỉ báo về mức độ trồi sụt của nền kinh tế Mỹ.

Trong lịch sử Hollywood, gần như khi nào tình hình kinh tế ảm đạm hoặc xảy ra biến cố nghiêm trọng, dân Mỹ ùn ùn rủ nhau xem phim. Chẳng hình thức giải trí nào bình dân và rẻ hơn xem phim (trung bình 10 USD) để người ta có thể “lánh nạn thời cuộc” và tạm quên những mối lo đang xảy đến.

Sự kiện đại khủng hoảng kinh tế (thập niên 1930), hiện tượng suy thoái đầu thập niên 1980, vụ khủng bố ngày 11-9-2001... đều là những thời điểm mà Hollywood hốt bạc. Paul Dergarabedian, chủ tịch công ty chuyên theo dõi thị trường điện ảnh Mỹ Media By Numbers, nhận xét: “Công chúng cần một lối thoát khi xảy ra hiện tượng kinh tế giảm tốc”. Đó là lý do tại sao vào thời kỳ đại khủng hoảng kinh tế, King Kong và Gone with the wind (phim đạt doanh thu cao nhất lịch sử Hollywood nếu tính tỉ lệ trượt giá) lôi vô số người Mỹ vào rạp.

Năm 1982, khi tỉ lệ thất nghiệp vọt lên 10,8%, bộ phim viễn tưởng E.T.: The extra-terrestrial của Steven Spielberg thu về 435 triệu USD tại thị trường nội địa (Spielberg bỏ túi nửa triệu USD mỗi ngày từ tỉ lệ ăn chia doanh thu phim). Đây là một con số khổng lồ bởi giá vé trung bình thời điểm đó chỉ 2,94 USD.

Phóng to
Phát hành toàn cầu cùng thời điểm với đợt khởi chiếu tại Mỹ là xu hướng tối đa hóa lợi nhuận của Hollywood (trong ảnh: phim Tropic thunder được trình chiếu khắp thế giới)

Tâm lý khủng hoảng cũng là lý do mà mùa phim hè 2002 (sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001) Hollywood đã đếm tiền “mỏi tay”, nhờ những tác phẩm thương mại như Spider-Man.

Trong bối cảnh kinh tế lảo đảo và tỉ lệ thất nghiệp vọt lên 6%, “người nhện” đã giúp Sony Pictures thu vào 407,7 triệu USD tại thị trường nội địa Mỹ và giúp bán được tổng cộng 1,63 tỉ vé phim trong năm 2002 - một kỷ lục Hollywood chưa từng đạt được kể từ thập niên 1950 và thậm chí chưa được tái lập trong 5 năm qua.

Năm 2005, doanh số vé tại thị trường Mỹ tiếp tục giảm năm thứ ba liên tiếp (tổng doanh số vé Hollywood mùa phim hè 2005 đạt 3,3 tỉ USD, giảm 8% so với 2004 và lượng khán giả giảm 11%).

Năm nay, khi kinh tế rối ren với tình hình nhà đất, cú sốc khủng hoảng tín dụng, giá xăng leo lên 4 USD/gallon cùng tình trạng thất nghiệp leo thang và thị trường chứng khoán u ám, dân Mỹ chẳng còn đường nào khác để “vơi nỗi sầu” bằng cách xếp hàng vào rạp chiếu bóng nhai bắp rang.

Đó trở thành một phần nguyên nhân giúp The dark knight đạt doanh thu nhiều và nhanh nhất lịch sử Hollywood. Sản phẩm thuần túy giải trí này (của Warner Brothers) thu vào 400 triệu USD chỉ trong 18 ngày (so với 43 ngày của Shrek 2 năm 2004).

Sự tìm kiếm một trạng thái cân bằng tâm lý thời khủng hoảng cũng thể hiện ở việc khán giả say mê những hình mẫu siêu anh hùng mà Hollywood tung ra năm nay, với việc xuất hiện người hùng Iron man khai diễn mùa phim hè vào tháng 5-2008 rồi tiếp đó là Hancock. Tổng quát, hầu hết trong mười phim đứng đầu doanh thu hiện nay (tính đến trung tuần tháng 8-2008) đều có liên quan đến người hùng.

Cần nói thêm doanh thu toàn cầu Hollywood hè năm nay chắc chắn nhiều hơn so với con số hơn 4 tỉ USD ở thị trường nội địa Mỹ, khi Hollywood bắt đầu chiến dịch phát hành toàn cầu cùng thời điểm với đợt công chiếu đầu tiên tại Mỹ.

Năm 1981, tập phim Indiana Jones đầu tiên (Raiders of the lost ark) chỉ được khởi chiếu tại 1.078 rạp ở Mỹ. Năm nay, Indiana Jones 4 được khởi chiếu tại 15.000 rạp khắp thế giới (châu Âu, Mỹ Latin, châu Á và cả Trung Đông) với 17 bản phụ đề trong đó có tiếng Nga, Thụy Điển, Ả Rập... Trước đó, Iron man cũng được phát hành toàn cầu (chiếu tại 7.588 rạp ở 56 thị trường từ Nga, Trung Quốc, Mexico, Nhật, Brazil, Philippines đến Malaysia... gom 200,71 triệu USD trong tuần đầu tiên). The dark knight hiện cũng được phát hành toàn cầu (tại 7.700 rạp ở 60 thị trường); tương tự The mummy: Tomb of the dragon emperor (6.853 rạp tại 56 thị trường, trong đó có Việt Nam).

Năm 2007, thị trường nước ngoài chiếm 64% doanh thu Hollywood; và trong quý 1-2008, doanh số vé nước ngoài chiếm đến 71% doanh thu Hollywood...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận