TTCT - Trong Những cô gái lao động tình dục, Dũng vẽ các cô gái mà người ta quen gọi là “gái điếm”, trong căn phòng của họ, nơi trú ẩn của họ, nơi duy nhất họ nhìn thẳng, không che giấu bản thân cùng những khao khát hoàn lương... Trong không khí sục sôi của nghệ thuật, từ hội chợ nghệ thuật DOMINO ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đến “Khi Chất thể chống lại Mơ mộng; Nhục thể chống lại Vô nhiễm; Ý thể chống lại Vật chất - Các khả năng mới của tranh vẽ” - một triển lãm chung của Nguyễn Văn Đủ và Trần Nguyễn Trung Tín ở Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory (Q.2, TP.HCM)... Lại được phả thêm sức nóng của Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật (Tác giả Sarah Thornton, NXB Văn học, dịch giả: Nguyễn Như Huy) tái bản chỉ sau không đầy hai tháng ra mắt, tôi lái xe xà quần giữa các loại đường lắt léo như ma trận ở một quận vùng ven thành phố... Tôi tìm đến một lối đi hẹp, qua một cầu thang nhỏ cũ kỹ bên một tiệm cầm đồ, tới không gian nghệ thuật của một nghệ sĩ đương đại. Căn phòng trọ chừng 6-7m2. Với những vật dụng tối thiểu để sống và vẽ. Trong khoảng không eo hẹp cho nghệ thuật này, Nguyễn Quốc Dũng đang thực hiện giấc mơ của mình. Bốn tháng trước, khi tham gia vào một dự án nghệ thuật khu vực, tôi gặp Dũng. Anh là nghệ sĩ trẻ được lựa chọn tham gia vào chương trình có tính tương tác cao với cộng đồng này, cùng với một nghệ sĩ khác đến từ Indonesia. Ký họa Trong buổi đầu tiên làm quen nhóm, Dũng và Moki, nghệ sĩ người Indonesia, cùng giới thiệu các tác phẩm của cả hai và chia sẻ những câu chuyện nghệ thuật của họ. Trái ngược với vẻ hiền hậu đến rụt rè của tác giả, các tác phẩm của Dũng khiến tôi và có thể nhiều người khác bị sốc trước cái hiện thực hiếm khi được bộc lộ, nay lại được thể hiện một cách trực diện, mạnh mẽ đến thế. Trong loạt tác phẩm có tên tạm đặt là Những cô gái lao động tình dục, Dũng vẽ các cô gái mà người ta quen gọi là “gái điếm”, trong căn phòng của họ, nơi trú ẩn của họ, nơi duy nhất họ nhìn thẳng, không che giấu bản thân cùng những khao khát hoàn lương đôi khi vô vọng. Trong một loạt tác phẩm khác, cũng là những cô gái trong căn phòng của họ, nhưng là những cô gái mang thân xác đàn ông. Và ở loạt câu chuyện thứ ba trong series những câu chuyện trong phòng trọ của Nguyễn Quốc Dũng, anh chưa kịp đặt tên, là đời sống tình dục của những gia đình nhập cư, trong căn phòng chỉ có một không gian chung cho mọi sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Ký họa Các tác phẩm được thực hiện trên toan khổ lớn, nhưng đều khép kín trong không gian chật hẹp của những phòng trọ nghèo, giống như căn phòng trọ của Dũng mà tôi đang ngồi. Các nhân vật trong mọi tư thế đều trần trụi không che đậy, với những đôi mắt nhìn thẳng nhiều tâm trạng - có chút gì đó thản nhiên, có chút gì đó như thách thức, có u buồn, nhưng cũng có những khát khao mãnh liệt. Bút pháp hiện thực thật sự đắc dụng, vì không có gì nói về hiện thực này đúng hơn là chính nó. Nhưng trên tất cả, tôi cảm nhận được một tình yêu thương lặng lẽ trong các tác phẩm... Dũng kể, anh đã bắt đầu câu chuyện đầu tiên khi còn là sinh viên khoa sơn dầu Đại học Mỹ thuật TP.HCM, sống trong những khu trọ nghèo, tiếp xúc nhiều loại người, nhiều cảnh ngộ, trong đó có những cô gái làm cái “nghề” bị cả xã hội khinh rẻ và lên án. “Ban đầu cũng ngại tiếp xúc, nhưng rồi thấy họ không đáng ngại như mình nghĩ. Họ thật ra rất cô đơn và gần như không có tiếng nói. Ngay cả những người đàn ông bỏ tiền ra mua vui trên thân xác họ cũng khinh rẻ, lên án họ. Ai trong họ cũng có ước mơ một gia đình bình thường, nhưng rất ít có thể có được điều ấy, phần lớn luẩn quẩn không thoát ra được, vì nhiều lý do...” Tranh Dũng kể về 2 năm theo đuổi câu chuyện của những cô gái “lao động tình dục”. Bi kịch hơn, trong số những cô gái ấy là những người vẫn còn mang thân xác đàn ông. Trước khi có giấc mơ một gia đình bình thường, với họ, là giấc mơ tìm lại chính mình. “Họ nghĩ cơ thể họ là một sai lầm của tự nhiên và họ phải sửa lại lỗi của tự nhiên đó. Khát khao của họ mãnh liệt vô cùng. Họ dám làm tất cả, bán kẹo kéo, diễn xiếc rong..., thậm chí cả lao động tình dục để dành tiền làm phẫu thuật. Ước mơ của tôi là vẽ được những ước mơ của họ”... Ước mơ nào thì cũng đẹp cả. Nhưng anh có nghĩ tới việc những tác phẩm kiểu này sẽ thật khó được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng, và nhất là sẽ rất khó, nếu không nói là không thể bán? - tôi hỏi. -“Tôi không quan tâm tới việc vẽ để bán”. -Vậy anh làm gì để sống, và để đầu tư cho dự án này? -“Hiện tại tôi làm thiết kế hoa văn cho một công ty thời trang”. Trước khi theo học Đại học Mỹ thuật, Dũng đã tốt nghiệp khoa thiết kế đồ họa Đại học Tôn Đức Thắng. Nhưng không thể từ bỏ niềm ham thích được vẽ từ khi còn bé, anh kiếm sống bằng nghề thiết kế để dành tiền theo học tiếp 5 năm chuyên ngành hội họa khoa sơn dầu. Và bây giờ cũng nghề thiết kế đang nuôi anh trong căn gác trọ ngổn ngang các ký họa và những tấm toan khổ lớn. Thế còn các tác phẩm này? Ký họa của Dzung “Tôi sẽ còn phải tiếp tục làm việc rất nhiều từ các ký họa và phác thảo. Sẽ sàng lọc lại để mọi thứ đơn giản hơn, cô đọng hơn. Cho tới lúc có thể chia sẻ nó với cộng đồng. Tôi muốn nói câu chuyện này với những người trí thức, những người ở tầng lớp, có thể nói, là thượng lưu”. Tuy chưa chia sẻ rộng rãi, nhưng các dự án của Dũng đã nhận được sự chú ý của cộng đồng những người làm nghệ thuật. “Qua tiếp cận và thảo luận với những người thuộc cộng đồng “bên lề”, anh trộn cho mình một tấm pa lét riêng để từ đó vẽ lại chuyện của họ, những người bị đô thị hóa và hội nhập chèn đẩy, bị phớt lờ hoặc khinh thường” Đánh giá của không gian nghệ thuật đương đại Sàn Art. Nguyễn Như Huy, giám tuyển nghệ thuật, nhận xét: “Dũng là một nghệ sĩ trẻ chứng minh được một nan đề rất quan trọng của nghệ thuật đương đại - đó là mối quan hệ giữa nó, trong vai trò một lối tư duy/thực hành phản biện cao độ, đối với quá khứ và truyền thống. Tác phẩm của Dũng không phải là sự hủy giải truyền thống theo nghĩa quẳng vào sọt rác tất cả những gì vướng víu. Trái lại, nghệ thuật của Dũng là một cái nhìn sâu sắc và rất mạnh mẽ, đậm tính phát hiện vào các chủ để nơi cuộc sống quanh ta. Ký họa Về mặt phương pháp quan sát, Dũng đi theo đúng lối cách được giảng dạy tại các nhà trường nghệ thuật Việt Nam lâu nay, tức một phương cách tiếp cận và quan sát có tính hiện thực cao độ, song về tư duy phản biện, Dũng lại cho thấy sự sâu sắc đáng ngạc nhiên ở tầm tuổi của anh. Khi nhờ đó anh đã phát hiện ra rất nhiều chủ đề mọi người thường bỏ qua trong đời sống, song đó lại là những chủ đề rất quan trọng qua đó giúp thấy được tình trạng thực sự nơi thế giới xã hội, văn hóa và đạo đức của chúng ta”. Khi tôi viết những dòng này thì Nguyễn Quốc Dũng vừa lên đường sang Indonesia, tiếp tục dự án nghệ thuật khu vực đầu tiên mà anh tham gia. Cùng với đồng nghiệp trẻ Moki, anh sẽ “kể” những câu chuyện Việt Nam trong không gian nghệ thuật đương đại đặc sắc mang tính quốc tế của thành phố Yogyakarta. Tất nhiên con đường từ gác trọ đến với thế giới nghệ thuật, nhất là cái thế giới nghệ thuật trong bảy ngày của Sarah Thornton, không đơn giản như đường bay của một hãng hàng không. Nhưng ở đâu cũng cần có những kẻ mộng mơ... Tags: Nguyễn Quốc DũngSarah ThorntonNhững cô gái lao động tình dụcTrên gác trọ có một kẻ mộng mơ
Đấu giá đất ngoại thành Hà Nội: Trả tới 30 tỉ/m² rồi xin rút vì 'sợ quá', công an vào cuộc PHẠM TUẤN 29/11/2024 Tại phiên đấu giá 58 thửa đất ngoại thành Hà Nội, có người trả giá 30 tỉ đồng/m2 sau đó xin rút vì 'sợ quá'. Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang vào cuộc xác minh.
Diện mạo ga ngầm Bến Thành lớn nhất metro số 1 sẵn sàng khai thác thương mại THU DUNG 29/11/2024 Sau nhiều năm xây dựng, ga ngầm Bến Thành - ga lớn nhất của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã hoàn thiện.
Black Friday chỉ thực sự sôi động buổi tối, người bán lo không đủ doanh số NHẬT XUÂN 29/11/2024 Dù hàng loạt cửa hàng tung ra chương trình khuyến mãi lớn dịp Black Friday nhưng nhu cầu mua sắm dịp này chủ yếu nhộn nhịp vào buổi tối. Với lượng khách thiếu cân đối, nhiều cửa hàng lo không đạt doanh số đề ra.
Tổng thống Pháp nói 'choáng ngợp' khi thăm nhà thờ Đức Bà Paris sau phục dựng NGỌC ĐỨC 29/11/2024 Tổng thống Pháp lần đầu đến thăm nhà thờ Đức Bà Paris sau phục dựng, chỉ một tuần trước khi di tích này mở cửa cho khách tham quan trở lại.