TTCT - Toàn cầu hóa và thế giới phẳng đã mở ra nhiều cơ hội giao tiếp và du lịch cho giới trẻ. Nhưng đi như thế nào để vừa thỏa mãn đam mê du ký vừa bảo đảm an toàn dường như chưa được giới trẻ quan tâm đúng mức. letsgo.com/asia-pacific/blogsXã hội thay đổi tạo ra một thế hệ trẻ tương ứng. So với các thế hệ cha mẹ và ông bà, các bạn trẻ ngày nay có điều kiện hơn trong chuyện đi chơi giải trí. Khi không cần phải suy nghĩ toan tính cho những khoản chi tiêu vào ngày mai thì họ có thể thoải mái vui chơi đến cùng tận.“Xõa” là kiểu chơi như vậy, xả cho hết, bất chấp thiên hạ, chơi cho thiệt sướng. “Phượt” cũng là kiểu chơi tương tự, như cảm giác sung sướng khi trượt cầu tuột. Các bạn trẻ Việt Nam có thể kéo nhau đến một quán karaoke hay nhà hàng, sàn nhảy để “đập phá” cho sướng, hay phóng xe máy, dàn đội hình ôtô đi đến một nơi thật xa và hoang vu để “bay nhảy” đến rã rời, không quên chụp ảnh rồi khoe nhau trên mạng.Tuổi trẻ luôn cần những hành động vượt ngưỡng. Nhưng nếu đầu tư thêm một chút suy nghĩ vào những chuyến đi chơi thì ta vừa có thể sung sướng cho riêng mình, vừa làm được điều có ích cho cuộc sống. Đó là tiêu chí mà các sinh viên Đại học Harvard đưa ra khi xuất bản loạt sách du lịch Let’s Go. Lứa sinh viên khóa trước đi đến một nước, ghi lại những chỉ dẫn cần thiết cho những người đi sau khỏi bỡ ngỡ nơi xứ lạ. Lứa sinh viên khóa sau tiết kiệm thời gian và tiền bạc nhờ nội dung sách từ năm trước để lại, tiếp tục bổ sung những điểm đến thú vị và những câu chuyện cần biết. Cứ như vậy, các thế hệ sinh viên Đại học Harvard đã tạo ra một kho kiến thức khổng lồ về tất cả các nước trên thế giới, để ngay cả người Việt Nam đi đến một thành phố khác trên đất nước mình cũng phải dùng đến những chỉ dẫn của các sinh viên Mỹ đó. Nhiều người giật mình khi thấy các cô cậu thanh niên người nước ngoài không chỉ biết rõ giá một tô phở ở cái quán đó là bao nhiêu, mà còn biết đặt tờ tiền dưới cái tô chờ người tới dọn bàn. Những chỉ dẫn này khá thiếu vắng trên các trang “phượt” hay diễn đàn du lịch cho người Việt. Rất nhiều bài viết và hình ảnh về chuyện chủ nhân trang blog đã chơi thế nào, hưởng thụ ra sao, nhưng lại ít có những chỉ dẫn cụ thể cho người đến sau đi phương tiện nào cho rẻ, chọn tuyến đường nào cho ngắn, ăn ở đâu ngon và ngủ nơi nào an toàn...Thật ra đây không phải là điều đáng trách, mà đơn giản là hệ quả của hai nền giáo dục khác nhau, cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Sinh viên phương Tây phải tự lập khi đi điền dã, từ chọn điểm cho đến lên kế hoạch du hành, nên phải biết dựa vào sức nhau qua hệ thống sách hướng dẫn, tức là mạng lưu trữ thông tin hành trình. Sinh viên Việt Nam từ việc đi thực tập đến các khóa mùa hè xanh hầu như đã có người tiền trạm lo sẵn. Từ nhỏ các em bé phương Tây đã được bố mẹ cho đi chơi xa, đã quen với kỷ luật nhà trường khi đi cùng cả lớp đến bảo tàng hay địa điểm vui chơi, biết tính toán tự lên kế hoạch làm việc trong ngày. Các em bé Việt Nam thì quen được “bao cấp”, nếu không phải từ bố mẹ thì từ những người xung quanh. Không có mấy người đã đi chơi lại còn chịu khó ghi chép rồi viết lại thành sách du ký hay sách hướng dẫn du lịch cho người khác. Loại sách này hầu như thiếu vắng trong các hiệu sách, loại bài viết đó cũng không phổ biến lắm trên báo chí.Xã hội Việt Nam đã thay đổi rất nhiều từ ngày báo chí Đông Dương có những bài du ký như của Nguyễn Văn Vĩnh làm mục chính để kéo khách. Thế nhưng trong một thế giới đang toàn cầu hóa thì giới trẻ Việt Nam cũng cần tham khảo những kiểu chơi của bạn trẻ quốc tế. “Xõa”, “phượt” trên sàn nhảy hay đỉnh Phanxipăng cũng chỉ là một giây lát của một cuộc đời. Nhưng những quyển sách du ký đích thực bằng tiếng Việt như loạt sách Let’s Go của các bạn sinh viên Đại học Harvard đang thực hiện sẽ làm giàu rất nhiều cho ngành du lịch nội địa của Việt Nam và để lại cho các tác giả sự ngưỡng mộ và biết ơn từ nhiều thế hệ.____________________Trích Cuốn sách "It’s a living: work and life in Vietnam today (Đó là một lối sống: làm việc và sinh sống tại Việt Nam) "Việt Nam không phải là điểm đến cho những du khách chỉ thích có một chuyến đi êm đềm suôn sẻ, không gặp trở ngại gì. Những bạn đến đất nước này không phải để dạo phố trên những chiếc xe du lịch máy lạnh và sống trong khách sạn 5 sao. Bạn chọn đến Việt Nam vì đây là nơi để trải nghiệm cảm giác trên những con đường đông nghẹt ồn ào, vì những cảnh đẹp đến ngạt thở và lịch sử đầy biến động. Bạn chọn Việt Nam vì bạn muốn chi hết đến đồng xu cuối cùng cho các cửa hàng trên phố và dạo trên những con đường mà một bên là kiến trúc Pháp, còn bên kia là kiến trúc chùa. Bạn chọn Việt Nam vì cả những điều hứng thú mà đất nước này đem đến cho bạn lẫn những điều bực bội khi gặp.letsgo.com/asia-pacific/blogsVăn hóa MôtôỞ Hà Nội, giao thông không chỉ đơn thuần là chuyện đi lại... Những đứa trẻ trước khi mọc chiếc răng đầu tiên đã có khẩu trang chống khói và mũ bảo hiểm. [Trên đường] không lạ nếu thấy cảnh đứa bé tí hon 4 tuổi đứng phía trước xe, tay bám vào tay lái trông như tư lệnh một con tàu. Giao thông ở Hà Nội giống như trận chiến quyết liệt quyện giữa cũ và mới, giữa lũ gà kêu quác quác và những chiếc xe Nissan Pathfinder, giữa một bên là chở heo và một bên là những chiếc tivi màn hình phẳng. Nó là ví dụ cho những đối lập ở Việt Nam như ở từng con hẻm nhỏ và từng khu mua sắm xa xỉ.Giao thông ở Hà Nội vận hành hoàn toàn khác phương Tây. Luật lệ có là để mọi người phớt lờ, đèn đóm giao thông chỉ đơn thuần là để trang trí và luôn có những người vui vẻ [vượt đèn đỏ] bất chấp dòng xe cộ [đèn xanh] đang chạy tới. Ở mỗi nút giao thông, nếu bạn nằm trong số ít người dừng lại thì bạn sẽ thấy cảnh đàn Honda Wave và Nouvo vù vù phóng lao đi vài giây trước khi đèn xanh được bật... Những người phụ nữ đội nón quẩy gánh hàng thong dong như đang đi trên đường quê, đối đầu với những thanh niên trên những chiếc xe Air Blade...Những người mới thấy cảnh giao thông hỗn loạn kinh hoàng này, giống như tôi, đều thề sẽ không bao giờ tham gia. Nhưng khi họ nhận ra là sẽ chẳng thể đi đâu trong Hà Nội nếu không có xe máy thì họ đầu hàng và ngập ngừng lên xe xuống phố. Đó là kinh nghiệm của tôi khi cuối cùng quyết định thuê chiếc Honda Super Cub 81. Chỉ trong vài tuần đầu, tôi nhận ra mình đã tham gia sâu vào cái sự hỗn mang này đến thế nào khi bị ngã vài cú.Dân tình hầu như không bao giờ sốc hay hoảng sợ bởi tai nạn. Người đi đường chạy tới cứu, phủi bụi cho rồi bạn lại lên đường. Không có cảnh mặc cả về bảo hiểm hay trách nhiệm vì ai cũng có chốn phải đến và tốt hơn hết là đến đó trước giờ cao điểm.Những người nước ngoài mới đến hay dân Việt Nam lâu năm, các bạn đều thống nhất trong ý định muốn tới nơi nào đó và tới thật nhanh. Chỉ tính coi bao nhiêu tiếng mỗi ngày bạn gần gũi với những người láng giềng lái xe của mình như người tình, bạn sẽ cảm thấy một sự gắn bó... trong trời đông Hà Nội, bạn sặc và được sưởi ấm bởi khói từ những xe khác. Rồi bạn thấy mình tự hỏi về những người kia. Cụ bà dũng cảm với những thùng sữa sẽ đi về đâu? Liệu quý ông với tấm kính lớn vậy có về được tới nhà an toàn? Cô gái kia là ai, chuyện nhắn tin của cô ấy quan trọng thế nào mà cô ấy suýt làm bạn ngã khỏi cầu? Các bạn là những tay lái trong cơn bão, là đồng chí chung chiến trận. Bạn cảm thấy sự kết nối trong bản ballet môtô - bộc lộ rất nhiều về văn hóa Việt Nam. Hiếm có loại phương tiện nào lại quan trọng đến vậy với đời sống một thành phố.LÊ HẢI - ANH NGUYỄN trích giới thiệu“Bậc thầy trong lột tả nền kinh tế”Giao lưu văn hóa là mô hình mà nhiều trường ĐH các nước đã làm từ lâu. Mới đây, Gerard Sasges, người từng là giám đốc chương trình học ở nước ngoài của ĐH California tại Việt Nam giai đoạn 2002-2006 và 2008-2011, đã tập hợp một loạt bài phỏng vấn mà sinh viên của ông thực hiện được trong các chuyến sang học tại Việt Nam để ra cuốn sách It’s a living: work and life in Vietnam today (Đó là một lối sống: làm việc và sinh sống tại Việt Nam) do ĐH Quốc gia Singapore (NUS) phát hành. Trong cuốn sách này có khoảng 70 bài phỏng vấn các nhân vật khác nhau từ nông dân, người bán thịt, công nhân xây dựng, công nhân nhà máy điện tử, người gác đường ray, nhân viên bảo vệ, người thu vé xe buýt, y tá, giáo viên mẫu giáo, nhân viên KFC, tiếp tân ở khách sạn, chủ nhà hàng karaoke...Bài viết điểm sách trên tờ Straits Times ca ngợi các bài phỏng vấn mà sinh viên (cả Mỹ và Việt Nam) đã làm là “công việc bậc thầy trong việc lột tả nền kinh tế hằng ngày” ở Việt Nam. Bài báo nói “các chân dung của nền kinh tế “không chính thức” ở Việt Nam là điều đáng chú ý nhất” khi được lột tả qua chân dung những người thu lượm đồ ăn bỏ đi, người trông xe máy, nhân vật vẽ nhái tranh, người đánh số đề, người đi bắt chuột, thợ mài dao, người đánh giày, người nhổ tóc bạc thuê, chị cân đo hay người phu đào mộ để gia đình cải táng. Tags: Du lịchToàn cầu hóaPhượtXóaLet’s Go
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Hàng không, dịch vụ chạy đua vào sân bay Long Thành CÔNG TRUNG 23/11/2024 Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang chạy đua với thời gian để hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2026. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không và phi hàng không cũng gấp rút chuẩn bị cho cuộc đua mới tại sân bay Long Thành.
Khám chữa bệnh từ xa, tại nhà được bảo hiểm chi trả: Làm sao để hiệu quả cao nhất? THÀNH CHUNG 23/11/2024 Dự kiến cuối tháng 11 này, dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được Quốc hội thông qua, kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người tham gia BHYT mà người dân đang rất quan tâm.
Cô ơi, nhờ có cô con mới biết đến học bổng Tiếp sức đến trường NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG (GIÁO VIÊN) 23/11/2024 Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Phượng đã gửi đến Tuổi Trẻ lời cảm ơn của mình, sau khi cô nhận được lời cảm ơn của một học trò vừa nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2024.
Mỹ hé lộ lý do được Nga thông báo trước khi bắn tên lửa Oreshnik vào Ukraine DANH ĐỨC 23/11/2024 Từ đây cho tới ngày 20-1-2025, thời điểm ông Trump trở lại Nhà Trắng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine dự kiến sẽ có nhiều diễn biến khó lường.