Xứ kim chi và Trung Quốc cãi nhau về kim chi

HIẾU THẢO 07/01/2021 01:05 GMT+7

TTCT - Dân Hàn Quốc và Trung Quốc mới đây lại kèn cựa nhau quyền sở hữu một món ăn quốc hồn quốc túy tưởng chừng được cả thế giới công nhận là tài sản của “xứ sở kim chi”.

Nguồn cơn cớ sự

Cuộc chiến kim chi bắt đầu khi Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) có trụ sở tại Thụy Sĩ hồi tháng 11-2020 công bố các quy tắc mới về phát triển, vận chuyển và lưu trữ “pao cai” (bào thái), tên gọi tiếng Trung của một món ăn khá giống kim chi, được làm từ rau củ ngâm lên men và phổ biến ở tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây Trung Quốc.

ISO thường ban hành các hướng dẫn để đảm bảo rằng những sản phẩm và dịch vụ của một quốc gia có thể được sử dụng trong các quy trình công nghiệp của quốc gia khác. Các nhà chức trách ở tỉnh Tứ Xuyên, nơi phần lớn pao cai được sản xuất ở Trung Quốc, xem như đã vận động thành công để pao cai được chứng nhận ISO.

Ảnh: YouTube/YuanReport

Vấn đề là pao cai trong tiếng Trung vừa để chỉ món bào thái, vừa chỉ món kim chi gắn liền với Hàn Quốc. Nguồn cơn của tranh cãi đến từ việc Thời Báo Hoàn Cầu, tờ báo có tinh thần dân tộc mạnh mẽ của Trung Quốc, tuyên bố các quy định liên quan đến pao cai mà ISO vừa ban hành là “tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp kim chi, do Trung Quốc dẫn đầu”, bất chấp thực tế ISO có nói rõ rằng định nghĩa pao cai trong các tài liệu của họ “không áp dụng cho kim chi”.

Bài báo được nhiều người Hàn Quốc xem như tuyên bố “kim chi có nguồn gốc từ Trung Quốc”, và cáo buộc Thời Báo Hoàn Cầu “chiếm đoạt văn hóa”. “Tôi đọc thấy rằng Trung Quốc nói kim chi là của họ và họ đặt ra tiêu chuẩn quốc tế cho nó. Thật vớ vẩn” - The Guardian trích bình luận phẫn nộ của Kim Seol-ha, một cư dân Seoul.

Do nhu cầu trong nước cao, Hàn Quốc phải nhập khẩu một lượng lớn kim chi từ các nhà sản xuất ở Trung Quốc. Trong khi đó, kim chi Hàn Quốc xuất khẩu sang đại lục hầu như không tạo nên được tiếng vang đáng kể do các quy định nghiêm ngặt của Trung Quốc đối với hàng muối chua.

Sự kiện nhiều “chua cay” này phần nào chạm đến những điểm nhức nhối trong văn hóa Hàn Quốc. Theo The New York Times, gần 40% kim chi sản xuất công nghiệp được tiêu thụ ở Hàn hiện nay được nhập khẩu từ Trung Quốc, và truyền thống làm món ăn này tại các địa phương trong nước đang dần mai một khi các gia đình Hàn Quốc hiện đại chuộng ăn nhiều món ngoại lai hơn.

 “Phím chiến” Trung - Hàn

Người dùng Internet Trung Quốc cho biết họ có quyền tuyên bố món ăn này là của riêng mình vì ước tính khoảng 2 triệu tấn kim chi được tiêu thụ ở Hàn Quốc mỗi năm là đến từ Trung Quốc: “Chà, nếu quý vị không đạt tiêu chuẩn [ISO] thì kim chi không phải là của quý vị” - một người viết trên Weibo, phiên bản Twitter của Trung Quốc. Một người khác nói: “Ngay cả cách phát âm của kim chi cũng có nguồn gốc từ tiếng Trung Quốc, còn gì để nói nữa”.

Ở chiều ngược lại, nhiều cư dân mạng Hàn Quốc bày tỏ sự bực bội khi “người Trung Quốc nhận vơ quá nhiều di sản của chúng tôi”. “Nếu Trung Quốc “đạo” quy trình lên men kim chi trong tương lai thì văn hóa truyền thống của Hàn Quốc có thể biến mất” - một người dùng lo lắng viết trên Naver - nền tảng truyền thông xã hội phổ biến ở Hàn Quốc.

Một bộ phận người dùng mạng xã hội Trung Quốc lại có các bình luận dĩ hòa vi quý, cho rằng kim chi Hàn Quốc và “kim chi Tứ Xuyên” đều rất ngon; hoặc thậm chí “ngoại giao” hơn, rằng “pao cai của chúng tôi” không ngon bằng đối tác Hàn Quốc. Nhưng vẫn có một lực lượng hùng hậu khác chưa chịu bỏ cuộc trên Weibo, với các bình luận kiểu: “Kim chi của Tứ Xuyên mới là kim chi thực sự”, hay “Phiên bản kim chi của Hàn Quốc chỉ đơn thuần là dưa chua”.

Bằng chứng công nhận

Theo truyền thống, kim chi được làm bằng cách rửa sạch và ngâm muối các loại rau củ, sau đó cho thêm gia vị, tỏi, ớt và hải sản lên men rồi xếp vào các lọ đất sét thoáng khí đặt dưới lòng đất. Nghi thức muối kim chi (kimjang) của Hàn Quốc đã được UNESCO xếp vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2013.

Vào thời điểm đó, cơ quan này cho biết hoạt động muối kim chi đã “trở thành một phần thiết yếu phục vụ bữa ăn của người Hàn Quốc, vượt qua sự khác biệt về đẳng cấp và vùng miền. Việc tiến hành hoạt động kimjang tái khẳng định bản sắc Hàn Quốc và là cơ hội tuyệt vời để tăng cường sự gắn kết trong gia đình”.

Cuối tháng 11-2020, Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc tuyên bố tiêu chuẩn pao cai của ISO “hoàn toàn không liên quan đến kim chi” của Hàn Quốc, và nhấn mạnh thêm rằng Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) đã công bố định nghĩa về kim chi vào năm 2001. Do đó, “việc [Thời Báo Hoàn Cầu] đưa tin mà không phân biệt kim chi của chúng tôi với pao cai là không phù hợp”. 

Sandrine Tranchard, phát ngôn viên của ISO, cho biết tổ chức này thường phát triển các tiêu chuẩn dựa trên yêu cầu từ “ngành hoặc các bên liên quan khác” và các ủy ban kỹ thuật của tổ chức bao gồm nhiều chuyên gia từ ngành, nhóm người tiêu dùng, học viện, chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận. “Chúng tôi không thể bình luận về thực phẩm hoặc di sản văn hóa” - cô nói.

Bà Cho Jung-eun, giám đốc Viện Kim chi thế giới - một viện nghiên cứu được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, cho biết kim chi thuộc họ thực phẩm muối quốc tế bao gồm pao cai, dưa muối tsukemono (Nhật Bản) và dưa cải bắp muối sauerkraut (Đức). Bà nói rằng khi FAO công bố định nghĩa về kim chi vào năm 2001, “Trung Quốc hoàn toàn không quan tâm đến kim chi và kim chi không được sản xuất ở Trung Quốc vào thời điểm đó”. Chỉ sau khoảng năm 2003, người Hàn Quốc mới bắt đầu chuyển đến Trung Quốc để xây dựng các nhà máy sản xuất kim chi và sau đó thị trường địa phương cho món ăn này đã phát triển ở Trung Quốc.

Theo bà Cho, kim chi khác với các loại dưa muối cùng họ vì sự pha trộn đặc biệt của tỏi, gừng và bột ớt đỏ. Định nghĩa năm 2001 của FAO chỉ rõ kim chi bao gồm “cải thảo” và các loại rau khác được “tỉa, cắt, ngâm muối và tẩm gia vị trước khi lên men”.

Thực tế, việc công bố định nghĩa kim chi năm 2001 diễn ra sau một cuộc “tranh chấp” giữa Hàn Quốc với một nước láng giềng thích dưa chua khác là Nhật Bản. FAO cho biết việc các quốc gia chính thức chấp nhận những định nghĩa này là tự nguyện và cơ quan này không phân xử các tranh chấp về cách giải thích chúng. FAO cũng từ chối bình luận về cuộc chiến kim chi giữa các quốc gia Đông Á.■

Nhiều người Hàn lại nhìn nhận câu chuyện kim chi hay pao cai với thái độ điềm tĩnh hơn. Trả lời phỏng vấn Đài DW (Đức), Ahn Yinhay, giáo sư Đại học Hàn Quốc ở Seoul, cho biết đã bật cười khi nghe rằng người Trung Quốc đang cố gắng tuyên bố món ăn của họ là phiên bản hoàn hảo của kim chi.

“Tôi hiểu tại sao điều này có thể khiến một số người tức giận và khuyến khích họ lên mạng xã hội tranh cãi, nhưng sự thật là kim chi Hàn Quốc đã được quốc tế công nhận trong nhiều năm. Nó đồng nghĩa với giá trị Hàn Quốc và văn hóa của chúng tôi, chỉ đơn thuần khẳng định nó là của Trung Quốc thì cũng chẳng thay đổi được thực tế” - Ahn nói.

Là người thích tự muối kim chi tại nhà vào mỗi mùa thu, nữ giáo sư cho biết gia đình cô ăn kim chi mỗi ngày, đôi khi kim chi là món phụ trong mỗi bữa ăn. “Hai món ăn hoàn toàn khác nhau và quá trình tạo ra hai món cũng khác nhau. Tôi không rõ tờ báo Trung Quốc đã nghĩ gì, nhưng có lẽ chúng ta không nên ngạc nhiên vì đây là một ấn phẩm của nhà nước” - cô chia sẻ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận