TTCT - "Trong tâm trí chúng tôi lại hiện về đại lộ Rothschild cũ kỹ mà vàng son ở Tel Aviv, ánh nắng rực rỡ của đất nước chúng tôi phản chiếu một cách dễ chịu trong hàng ngàn đống rác đẹp lấp lánh". Minh họa: Kim DuẩnỞ Thụy Sĩ người ta nói ba thứ tiếng: những người Đức biết tiếng Pháp và tiếng Ý, người Pháp thì biết tiếng Pháp và những người Ý thì biết cách trồng trọt. Những người gốc Pháp thì coi thường người Đức, người Đức thì coi thường người Pháp, cả hai đều coi thường người Ý, và cả ba đều coi thường người nước ngoài.Trước khi ra ngoài làm chuyến cuốc bộ đầu tiên ở Zurich, chúng tôi đã có một cuộc chuyện trò khe khẽ với cậu khuân vác hành lý khách sạn: “Nghe nói ở Thụy Sĩ người ta còn chả thèm khóa xe đạp - tôi buột miệng với cậu nhân viên - mà cứ thế để ngoài phố. Có đúng thế không?”.“Đương nhiên rồi”.“Thế mà - mụ vợ tôi hỏi - không bị lấy cắp hả?”.“Đương nhiên là có rồi. Sao lại không! Cơ mà không khóa thì bị lấy cắp là đáng đời rồi. Thành phố bây giờ đã đầy rẫy người nước ngoài...”.Cứ năm người ở Thụy Sĩ thì lại có một người nước ngoài. Tôi là số 1.100.005, còn mụ vợ tôi là số 1.100.010.Nói thế chứ cũng có những người Thụy Sĩ di cư. Ngay cả Israel cũng có một vài công dân Thụy Sĩ chính gốc. Tại sao? Tôi không muốn nói trắng ra, nhưng tôi nghĩ đấy là vì sự sạch sẽ. Chẳng hạn nhé, một ngày nọ chúng tôi đến Sở thú Zurich lừng danh và dừng lại trước chuồng khỉ.Như đã biết, trò tiêu khiển yêu thích của tinh tinh mẹ là bới lông đàn con để tìm bọ chét. Ái chà, con tinh tinh mẹ này đã bới hơn nửa giờ liền mà chả thấy bất cứ loại côn trùng nào trên đầu thằng con bé bỏng của nó: nó gãi, nó chải, nó lục lọi trong tóc thằng con, rồi bỏ cuộc, một biểu hiện hoàn toàn chán đời trên mặt, rồi ngồi phịch xuống trầm ngâm.“Chúng tôi chả biết làm gì nữa - người giữ thú phàn nàn - Nhập khẩu bọ chét chúng tôi cũng đã làm rồi, cơ mà thấy sự vệ sinh của Thụy Sĩ là chúng chạy đi cả. Kết cục thế nào chứ?”.Tôi chẳng có lời khuyên nào cho gã. Tôi bảo người giữ thú là chả mấy nữa mà tôi lại về với Israel, và giảng cho gã một bài về đời sống phong phú, hưng thịnh của côn trùng đất nước tôi. Khi chúng tôi chia tay, gã rơm rớm nước mắt.Lần đầu chúng tôi đụng độ với sự sạch sẽ siêu nhiên của đất nước này là trên con phố Bahnhofstrasse nổi tiếng. Chúng tôi đã vào một cửa hàng bách hóa trên phố, đi thang cuốn lên tầng bốn và mua hai chiếc bánh su kem với kỹ nghệ tinh xảo, đặt trên đĩa giấy nhỏ rồi gói lại. Trên đường xuống, chúng tôi mở gói và đi bộ về khách sạn, nuốt lấy những chiếc bánh một cách tham lam. Bánh ngon hết sảy. Chúng tôi chưa bao giờ được ăn thứ bánh ngọt tuyệt vời như vậy, nếu không tính đến vụ ở Ý một ngày rưỡi trước. Nhưng chưa kịp nuốt miếng cuối cùng thì chúng tôi đã thấy một tiếng chào lớn và ai đó đang chạy theo chúng tôi: “’tschuldigung (*) - một anh chàng ăn vận chỉnh tề hớt hải - Ông bà làm mất những cái đĩa này”.Anh ta chìa ra những cái đĩa giấy dính sôcôla cùng giấy gói mà chúng tôi đã vô tư ném đi trong cơn sung sướng dâng trào.“’tschuldigung - tôi đáp lễ vị ân nhân của mình - Chúng tôi không “làm mất” cái này...”.“Thế thì?”.“Ý anh là gì, thế thì?”.“Thế thì sao tôi lại thấy nó trên vỉa hè?”.“Tanke schön”(**) - mụ vợ tôi nói nhanh, cầm lấy đống giấy dính trên tay anh chàng kia rồi lôi tôi đi.“Ông mất trí hả? - mụ đàn bà nhỏ bé rít lên - Nhìn quanh mà xem!”.Tôi nhìn xung quanh và xây xẩm choáng váng. Chỉ khi đó tôi mới nhận ra là chúng tôi đang ở thành phố sạch nhất của Thụy Sĩ và trong khu tiệt trùng nhất của thành phố. Trên vỉa hè không một mẩu rác thải, tệ lắm là có một vài vết ố nhợt nhạt chưa chà sạch. Ở đằng xa, một người quét rác ăn mặc hoàn hảo cứ mãi đuổi theo vài hạt bụi lăn tròn uể oải. Thế mà tôi lại cả gan làm ô nhiễm vỉa hè sạch không tì vết này bằng những tờ giấy bẩn của mình! Thật thất lễ!Tôi cẩn thận gấp những cái đĩa giấy sao cho mặt dính kem quay vào trong, rồi nhìn quanh, vô cùng bối rối.“Thôi được rồi - tôi nói - nhưng tôi không thể mang cái này đi mọi nơi được. Chúng ta cũng chỉ ở Thụy Sĩ hai tuần thôi...”.“Thôi nào - mụ nhỏ nhẹ trấn an tôi - Thể nào chả tìm được chỗ có thùng rác, rồi chúng ta có thể vất mấy cái đĩa này đi một cách hợp pháp”.Mụ tuyên bố thế vào lúc 11 giờ sáng, đến giờ là 2 giờ chiều mà tôi vẫn còn phải cầm cái thứ nhơm nhớp này. Nếu tìm được một mẩu giấy nhỏ, chúng tôi đã không ngại ngần gì mà ghép cặp cái gói giấy của mình cho nó, nhưng một mẩu pháo giấy con con thôi cũng không thấy. Cuối cùng, chúng tôi leo lên một chiếc xe điện, ngồi một góc cạnh cửa sổ mở và ở một khúc cua, đang mải mê trò chuyện, theo bản năng, với một cái ngoắc cổ tay bất cẩn...Kéttt!!!Người tài xế giậm phanh.“Tanke sehr!”(***). Tôi nhanh chóng nhảy xuống và nhặt lại của quý vừa làm mất của mình.“Anh thật là tử tế - tôi cảm ơn người thu vé khi xe đi tiếp - May mà không có chuyện gì với nó...”.Đến lúc đó chúng tôi đã sẵn sàng bấm nút hoảng loạn. Thu hết can đảm của kẻ tuyệt vọng, tôi lân la với một quý ông Thụy Sĩ lớn tuổi ngồi cạnh, hỏi ông sẽ làm gì nếu bị mắc kẹt, giả dụ thế, với một mẩu giấy bẩn và muốn thoát khỏi nó. Ông cụ suy nghĩ một hồi rồi bảo chuyện này nghe có vẻ chỉ là giả thuyết đến nỗi ông khó mà hình dung được một tình huống như thế, nhưng về mặt lý thuyết mà nói, ông cho là ông sẽ mang mẩu giấy về nhà và đợi đến chiều chủ nhật để đốt. Tôi tiết lộ với ông rằng cái gói giấy mà tôi đang sở hữu đủ tiêu chuẩn để làm rác, rồi ngay tắp lự quý ông Thụy Sĩ kia cho chúng tôi địa chỉ, mời chúng tôi đến đó vào lúc 3h45 hôm sau, rồi khi đến đó, chúng tôi có thể ở lại làm khách cho đến cuối năm - vợ ông sẽ rất vui mừng.Vợ tôi thấy rõ là muốn nhận lời, nhưng tôi lại có những nghi ngờ về sự chân thành của lời mời, nên trong khi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của chúng tôi, tôi bảo ông là tôi sẽ chỉ tận dụng lời đề nghị tử tế của ông trong trường hợp khẩn cấp, bởi tôi đã nghĩ ra một phương pháp đơn giản hơn để loại bỏ phiền toái: tôi sẽ bỏ nó vào phong bì và gửi nó về Israel.“Thế cũng được - quý ông lớn tuổi nói - nhưng họ sẽ làm gì với nó ở đó?”.“Họ sẽ quẳng nó xuống sông Jordan” - vợ tôi nói. Ông cụ gật đầu ra vẻ hiểu chuyện, rồi sau một cuộc chia tay sướt mướt, chúng tôi đi xuống vùng ngoại ô. Ý tưởng của tôi là chờ cho đêm buông xuống rồi chôn cái gói giấy dưới gốc cây. Tuy nhiên, chúng tôi thấy những cái cây tất thảy đều được rào bằng hàng rào sắt, để ngăn người ta chôn rác...Chúng tôi đi ngược về phía trung tâm thành phố và ở đó, trước sự vui mừng của mình, chúng tôi phát hiện ra một giỏ rác nhỏ dễ thương treo trên cột đèn với dòng chữ: “Giữ Zurich sạch sẽ, hãy bỏ rác vào đây!”. Vận hết sức lực, chúng tôi lê đến chỗ cái giỏ và với một nụ cười nhẹ nhõm, thả vào đó cái gánh nặng khét tiếng của mình...“’tschuldigung - một tay cảnh sát cất tiếng sau lưng chúng tôi - Vui lòng nhặt cái đó lại. Đây là cái giỏ hoàn toàn mới. Hãy giữ cho nó sạch sẽ!”.“Nhưng - tôi bối rối - nó ghi là hãy bỏ rác vào đây”.“Rác, hẳn thế. Nhưng đồ bỏ thì không!”.Tôi thọc tay vào tới tận khuỷu và lôi cái gói giấy nhỏ đó ra. Một sức nóng kỳ lạ làm má tôi đỏ ửng và răng bắt đầu va lập cập vào nhau.“Nghe đây - tôi cằn nhằn với mụ vợ - Tôi sẽ ăn cái thứ chết tiệt này!”.“Đừng có ngốc thế - mụ đàn bà thánh thiện trả lời - Ông đừng bỏ cái thứ bẩn thỉu ấy vào miệng”.“Được rồi - tôi lầm bầm - Tôi sẽ đem nấu nó lên”.Đúng lúc đó chúng tôi đi ngang một nhà hàng độc quyền, nên chúng tôi bước vào và chạy thẳng đến chỗ người tổ trưởng phục vụ. Anh ta chĩa mắt vào cái gói giấy nhỏ ngay lập tức.“Giấy rác? - người bồi bàn hỏi - Chúng tôi xin phép nấu nó nhé?”.“Vâng - tôi lầm bầm - Tốt lắm, làm ơn...”.“Như mọi khi”, người bồi bàn nói, rồi đặt cái đó lên một chiếc đĩa bạc và vội vã đi vào bếp. Lo sợ điều tồi tệ nhất sẽ đến, tôi ngồi thấp thỏm trên ghế, vì đồ ăn trong các nhà hàng Thụy Sĩ khá là vô vị. Mười phút sau, một người phục vụ mang gói giấy nhỏ ra: họ đã chiên nó lên, rồi rưới nước xốt thìa là. Tôi cắn một miếng rồi nhổ ra. “Nó cháy mất rồi - tôi hét lên - Kinh quá!”.Chúng tôi nhảy dựng lên rồi bỏ đi. Trong tâm trí chúng tôi lại hiện về đại lộ Rothschild cũ kỹ mà vàng son ở Tel Aviv, ánh nắng rực rỡ của đất nước chúng tôi phản chiếu một cách dễ chịu trong hàng ngàn đống rác đẹp lấp lánh.■(Nguyễn Huy Hoàng dịch từ bản tiếng Anh, do Yohanan Goldman dịch từ nguyên tác tiếng Hebrew)Chú thích:(*): Tiếng Đức: “Xin lỗi”.(**): Tiếng Đức: “Xin cảm ơn”.(***): Tiếng Đức: “Cảm ơn rất nhiều”.Ephraim Kishon là nhà văn người Israel. Sinh năm 1924 ở Hungary trong một gia đình Do Thái, ông đã bị giam giữ trong nhiều trại tập trung của Đức Quốc xã trước khi trốn thoát và cuối cùng định cư ở Israel năm 1949. Ông học tiếng Hebrew muộn nhưng sớm thuần thục và nhanh chóng nổi tiếng với các tác phẩm châm biếm và giễu nhại, với hơn 50 đầu sách và 43 triệu bản. Ông cũng là một đạo diễn phim thành danh, với hai đề cử Oscar và một giải Quả cầu vàng. Ông được trao giải nhà nước Israel cho thành tựu trọn đời năm 2002 và qua đời ở Thụy Sĩ năm 2005. Nhà văn Ephraim Kishon Tags: Nguyễn Huy HoàngEphraim KishonNhà văn IsraelXứ sở không bọ chét
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.