TTCT - Với một hệ thống mua bán quá nhiều tầng nấc, quan hệ chằng chịt và thiếu tổ chức, để cà phê được xuất khẩu, nông dân có thể bán rỉ rả từ vài chục ký, vài tạ hay cả tấn thông qua một đội quân lái buôn đếm không xuể trên khắp xóm thôn. Điều này giải thích phần nào sức đề kháng yếu trong cơn “lũ quét” giá cà phê hiện nay. Sơ chế cà phê xuất khẩu ở Đắc Nông Đã mấy tháng nay, giao dịch mua bán cà phê trong nước cũng như xuất khẩu yên ắng bất thường, lượng bán ra rất ít nhưng giá cứ giảm liên hồi. Xuất khẩu giảm, giá càng rớt Nhờ giá tăng trong những năm trước đây, nhiều nước đã mở rộng diện tích cà phê, tăng sản lượng. Tại Brazil, dù năm nay được cho là “mất mùa” theo chu kỳ sinh học của cây cà phê arabica cũng đạt 52-54 triệu bao. Colombia ước đạt trên 12 triệu bao từ mức 7,5 triệu bao sau đợt tái canh cách nay bốn năm. Diện tích và sản lượng của Indonesia cũng rục rịch tăng mạnh, khả năng đạt mức 12,5 triệu bao nay mai và họ đang tìm mọi cách bán ra... Trong khi ấy, hình như nhiều người trong ngành cà phê của ta vẫn mơ màng ngủ quên trên chiến thắng cũ. Theo Tổng cục Thống kê, trong niên vụ 2012-2013 (chấm dứt ngày 30-9-2013), tổng lượng xuất khẩu cà phê của nước ta ước đạt 1,42 triệu tấn, thu về 2,23 tỉ USD, so với cùng kỳ năm trước là 1,6 triệu tấn, giảm trên 11%. Trong tháng 10-2013, lượng xuất khẩu cà phê ước chỉ đạt 65.000 tấn so với tháng 10-2012 là 102.300 tấn. Lũy kế xuất khẩu cà phê trong mười tháng đầu năm 2013 giảm yếu thấy rõ: chỉ đạt 1,09 triệu tấn, so với cùng kỳ niên vụ trước là 1,42 triệu tấn. Lượng xuất đi nhỏ có thể được giải thích bằng nhiều yếu tố: năm qua mất mùa lớn, do găm hàng, dù vô tình hay chủ ý. Đáng ngại nhất là lượng xuất khẩu giảm mạnh, giá trên sàn kỳ hạn, tại thị trường nội địa và ngay cả giá xuất khẩu vẫn cứ rớt. Đấy là một hiện tượng khác lạ so với nhiều năm trước, vì trong quá khứ mỗi lần nghe tin lượng xuất khẩu từ nước ta giảm, giá trên thị trường ảnh hưởng tích cực trông thấy. Nay hoàn toàn ngược lại. Hầu như cứ sau mỗi tuần, giá cà phê lại bị “ngắt bớt” một ít. Nếu nhìn vào sàn kỳ hạn, giá đóng cửa trên cơ sở giao dịch tháng 11-2013, ngày 31-10 chốt mức 1.460 USD so với ngày đầu tháng là 1.636 USD/tấn, giảm 176 USD. Nhưng so với mức đóng cửa cao nhất trong tháng vào ngày 10-10 là 1.736 USD, giá hôm ấy mất đến 276 USD/tấn. Tại thị trường nội địa, giá chẳng khá hơn. Ngày 1-11, giá cà phê nhân xô tại các thị trấn, thị xã quanh mức 29.500 đồng/kg, so với mức cao trong tuần đầu niên vụ này là 36.500 đồng. Tuy nhiên, “giá thương lái đặt mua tại các vùng nông thôn chỉ chừng 28.000 đồng” - anh Phạm Văn Hòa, xã viên Hợp tác xã (HTX) Cà phê bền vững Lâm Viên, huyện Di Linh (Lâm Đồng), nói. Mất dần vị trí chủ đạo Là một nước xuất khẩu cà phê robusta hàng đầu thế giới, từ năm 2009 đến gần đây, cứ mỗi lần có tin xuất khẩu cà phê nước ta giảm hay chỉ cần nghe ta có kế hoạch tạm trữ cà phê... là giá có cơ may cất cánh. Cơ hội ấy đến nay xem như đã vuột khỏi tầm tay vì đối với thị trường hàng hóa, cam kết chào và cung ứng hàng đều đặn, liên tục là rất quan trọng đối với người mua hàng dù chỉ là một cam kết “bất thành văn”. Một nhà buôn hàng hóa không thể đối xử với khách hàng theo kiểu “thời tiết” nóng lạnh thất thường được. Thế mà suốt mấy tháng liền, nhiều đơn chào mua bị bỏ qua để khách hàng phải tìm mua chỗ khác. Thật ra cà phê là một mặt hàng rất dễ bị thay thế. Trong kinh doanh cà phê, người bán có thể chào một rổ hàng với nhiều xuất xứ khác nhau như robusta Việt Nam/Lào/Indonesia... Nếu vì lý do gì đó như thiên tai, chiến tranh... người bán không giao được hàng từ nước này, có thể giao hàng của xuất xứ khác trong rổ chào hàng. Huống chi hiện nay tình hình cạnh tranh giữa arabica và robusta hết sức căng thẳng. Trên thị trường hàng thực, arabica được mua bán với lượng chừng 2/3, còn lại là robusta. Đầu năm 2011, giá cà phê arabica trên sàn kỳ hạn New York đã tăng lên mức trên 300 cts/lb (*) (chừng 6.650-6.700 USD/tấn) do đầu cơ tài chính đã nhảy vào sàn này dùng tiền bơm giá lên. Giá cao hay thấp còn được dân kinh doanh chuyên nghiệp nhìn vào một thông số khác, tức là giá “cách biệt” giữa arabica với robusta. Nếu mức cách biệt càng cao, robusta được xem là rẻ; nếu nó càng thấp, robusta được xem là mắc. Có lúc giá cách biệt này đạt đến mức trên 4.000 USD/tấn. Giả sử giá mua 1 tấn robusta hiện nay là 1.500 USD/tấn, thì khi arabica mắc phải mua đến 5.500 USD/tấn. Arabica đang được chào bán chừng 2.300 USD/tấn, tức chỉ cách biệt với robusta chừng 800 USD, thậm chí mua hàng thực arabica còn được chào rẻ hơn, chỉ chừng 1.900-2.000 USD/tấn. Vì vậy, nhiều nơi rang xay đang chuyển sang sử dụng arabica thay cho robusta vốn đang khan hiếm thất thường và có giá không mấy cách biệt. Đây chính là cơ hội ngàn vàng cho Brazil và các nước xuất khẩu arabica giành lại thị phần đã bị robusta lấn lướt trong các năm trước. Xuất khẩu giảm còn có thể được giải thích do tình hình giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng chậm sau khi các cơ quan thuế phát hiện nhiều đại lý, công ty có dấu hiệu gian lận, trốn thuế. Không bột làm sao gột được hồ Tại Brazil - nước có sản lượng và kim ngạch cà phê xuất khẩu luôn dẫn đầu thế giới từ trước đến nay, nông dân chỉ cần tập trung chăm sóc và thu hái, những công đoạn quan trọng trong chuỗi cung ứng như chế biến và kinh doanh xuất khẩu được tin giao hoàn toàn cho các HTX với chi nhánh, cơ sở chế biến tại nhiều bang khác nhau. Nhờ vậy, cà phê được tập trung không chỉ về số lượng mà rất đồng đều về chất lượng. Chịu trách nhiệm thương mại của HTX là những người có kinh nghiệm giao dịch, vừa trên sàn kỳ hạn hàng hóa, vừa với các hãng kinh doanh cà phê quốc tế, đặc biệt là những nhà rang xay và hệ thống siêu thị các nước - những người tiêu thụ cuối cùng trong chuỗi cung ứng cà phê nhân. Hơn nữa, thông qua HTX, mọi xã viên đều được học hỏi về sàn kỳ hạn và rủi ro về giá cả vì cà phê là món hàng được giao dịch trên thị trường tài chính. Mọi quyết định “phức tạp” đều có ban chuyên môn trong HTX lo. Như Cooxupé, được thành lập từ năm 1932 nay vẫn tồn tại, chế biến và xuất khẩu trên 200.000 tấn/năm, trong đó 50% được chính HTX này xuất khẩu trực tiếp, 50% còn lại bán cho các hãng kinh doanh thế giới đặt văn phòng tại Brazil. Trong khi đó, hệ thống mua bán của chúng ta quá nhiều tầng nấc, quan hệ chằng chịt và thiếu tổ chức. Để có được cà phê xuất khẩu, nông dân có thể bán rỉ rả từ vài ba chục ký đến vài tạ hay cả tấn thông qua một đội quân lái buôn đếm không xuể trên khắp xóm thôn. Đội quân này đưa từng lô hàng nhỏ về bán cho các đại lý, đôi khi chỉ là một căn nhà vừa đủ chỗ để tồn kho chừng mươi tấn. Các đại lý này thông qua một doanh nghiệp lớn hơn có đủ uy tín để nhận tiền ứng từ các công ty xuất khẩu và nhập hàng trả tiền. Doanh nghiệp này cuối cùng mới chuyển hàng bán vào kho xuất khẩu, thường là hàng đã qua chế biến hay hàng nguyên liệu. “Chỉ cần mỗi nơi kiếm lời một ít là giá thành đội lên cao ngất làm nghẽn mạch xuất khẩu” - ông Lê Viết Vinh, giám đốc một công ty sản xuất cung ứng máy móc thiết bị chế biến cà phê tại Đắk Lắk, cho biết. Thống kê tháng 9-2013 của Bộ NN&PTNT nói giá xuất khẩu bình quân trong tám tháng đầu năm của cà phê nước ta đạt 2.146 USD/tấn FOB giao hàng tại cảng đi. Trong khi đó, giá bình quân tại sàn kỳ hạn Liffe NYSE theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) chỉ 1.973 USD/tấn trong cùng giai đoạn. Như vậy giá của nước ta cao hơn sàn robusta London 173 USD/tấn. Trong khi đó, giá loại 2 theo tiêu chuẩn do Liffe NYSE quy định chỉ bán mức trừ 30 USD/tấn C&F (giao hàng tại cảng đến) dưới giá niêm yết. Giá cao hơn giá niêm yết của sàn là một hãnh diện nhưng lại là cái “hào” ngăn hàng robusta của ta đến sàn kỳ hạn để được làm giá. Thử hỏi không tạo điều kiện cho khách mua có hàng để bán trên sàn, làm giá... làm sao đòi giá sàn phải tăng được? Đứng trước trận “lũ quét” trên thị trường cà phê, nông dân đang ngóng đợi một phương sách “cứu hộ” để hãm bớt đường rơi của giá cà phê. Giải pháp quen thuộc lại được đưa ra tại hội nghị của VICOFA mới đây, với đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện tạm trữ 300.000-500.000 tấn cà phê. Dù giá kỳ hạn đã tạm thời ngưng rớt trong vài ngày sau khi có đề nghị này, thì cũng cần thấy rằng toàn ngành đang cần một biến chuyển căn cơ thật sự và lâu dài, thay vì cứ mỗi lần giá xuống là yêu cầu tạm trữ. Vai trò ấy vẫn được mọi người mong đợi ở Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC). Nhưng từ cuối năm 2008 (khi thành lập) đến nay, BCEC chưa bao giờ đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ và ngành cà phê để “bước một bước là ra thị trường thế giới”, như một quan chức phát biểu nhân ngày khai mạc trung tâm này. Với cơ sở vật chất sẵn có và hệ thống giao dịch điện tử hiện đại, BCEC phải trở thành nơi giao dịch cà phê của cả nước, nhưng những năm vừa qua lại hầu như im hơi lặng tiếng. Ở một nước xuất khẩu hàng thực (physical), trung tâm này nên chú trọng nhiều hơn tới chuỗi cung ứng, lấy nông dân sản xuất nhỏ làm trung tâm và lấy rang xay làm điểm đến cuối cùng của hàng hóa. Sàn giao dịch cà phê của Buôn Ma Thuột không thể là sàn London hay New York, thiên về tài chính và nơi hoạt động của đầu cơ được. Nếu không lấy giao dịch cà phê thực làm trung tâm và không lấy xuất khẩu làm mục đích, sàn chỉ sống trên mây và không có tác dụng. (*): cents/pound. Tags: Cà phêXuất khẩuGiá cà phêLái buônNhiều tầng nấc
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Quyết định truy thu Thảo cầm viên Sài Gòn gần 800 tỉ được thanh tra kiến nghị từ năm 2022 ÁNH HỒNG 10/12/2024 Quyết định truy thu tiền thuê đất của Thảo cầm viên Sài Gòn là một câu chuyện dài, được Thanh tra TP.HCM kiến nghị từ năm 2022.
Trao thỏa thuận cấp chính phủ hợp tác với Trung Quốc xây 3 tuyến đường sắt DUY LINH 10/12/2024 Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc đã thỏa thuận hợp tác xây dựng ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn trong cuộc họp tại Bắc Kinh ngày 10-12.
Người đàn ông đánh cô gái ở quận 4: 'Các bạn trẻ đừng nóng nảy rồi phải trả giá như tôi' MINH HÒA 10/12/2024 Tại cơ quan công an, Bùi Thanh Khoa có lời hối tiếc 'các bạn trẻ đừng nên nóng nảy mà mất đi kiểm soát, để khi sự việc đi quá xa như tôi làm ra như ngày hôm nay, để rồi phải trả giá, đó là bài học tôi cần phải ghi nhớ'.
Gần 3.000 người bị Mr Pips, Mr. Hunter lừa đảo phải làm gì để lấy lại tiền? DANH TRỌNG 10/12/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra xác định có gần 3.000 người là bị hại bị TikToker Mr Pips - Phó Đức Nam và Mr. Hunter - Lê Khắc Ngọ cùng đồng phạm lừa đầu tư chứng khoán.