Xuất khẩu gạo: Hi vọng từ sự khởi động đúng hướng

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH 29/03/2011 01:03 GMT+7

TTCT - Vào thời điểm hiện tại, dù với “số vốn giắt lưng” chắc chắn khiêm tốn hơn rất nhiều, có thể khó lặp lại “một năm vàng” cho xuất khẩu gạo VN như năm trước. Nhưng vẫn có thể hi vọng vào một năm tốt lành trong xuất khẩu mặt hàng nông sản chiến lược này, nếu...

Ngay trước khi bước vào năm 2010, nhờ những thành công liên tiếp trong bốn phiên đấu thầu nhập khẩu gạo của Philippines, các doanh nghiệp VN đã nắm trong tay tổng số gạo xuất khẩu trên 1,4 triệu tấn gạo 25% tấm với giá khá cao (trên 570 USD/tấn). Tổng khối lượng gạo xuất khẩu cho thị trường này trong năm qua đã đạt 1,476 triệu tấn với giá cao (642 USD/tấn).

“Người láng giềng” nhanh hơn ta

Năm nay, tuy thị trường gạo thế giới lại xôn xao bởi những cảnh báo của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) về nguy cơ khủng hoảng giá lương thực thế giới như năm 2008, nhưng Philippines - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới và cũng là thị trường lớn nhất của VN - vẫn “án binh bất động”. Theo lời một quan chức cấp cao Hiệp hội Lương thực VN (VFA), vì thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên cần theo dõi sát, chưa thể mạo hiểm ký hợp đồng lớn.

Thực tế tiến độ xuất khẩu gạo trong hai tháng đầu năm nay ngược lại so với cùng kỳ năm 2010. Các số liệu thống kê của VFA cho thấy đến hết tháng 2-2010, các doanh nghiệp VN mới xuất khẩu được trên 710.000 tấn gạo, giá bình quân chỉ đạt 477 USD/tấn. Còn trong hai tháng vừa qua, lượng gạo xuất khẩu đã xấp xỉ 1,1 triệu tấn, tức tăng 54,7%, với giá bình quân 490 USD/tấn.

Nếu nhìn sang “người láng giềng” Thái Lan, có thể thấy cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới này đã cấp tập đẩy hàng của họ ra thị trường thế giới. Số liệu thống kê của nước này vừa công bố cho thấy tính đến hết tháng 2, Thái Lan đã xuất khẩu 2,312 triệu tấn gạo trắng, tăng đại nhảy vọt 121,7% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó nếu như giá tháng 1 cao hơn nhưng khối lượng chỉ tăng 46,5% thì tháng 2 tăng “khủng” gấp gần 3 lần, mặc dù giá đã giảm nhẹ.

Ở đây cần đặc biệt lưu ý hai điều: trước hết là “rổ gạo xuất khẩu” của quốc gia này tuy lớn hơn rất nhiều so với nước ta, nhưng phần vượt trội đó là gạo Thai Hom Mali nổi tiếng với giá cao ngất ngưởng, còn phần gạo trắng đã hai năm gần đây bị nước ta vượt lên (6,053 triệu tấn so với 5,896 triệu tấn và 6,754 triệu tấn so với 6,648 triệu tấn). Mặt khác, trong hai tháng đầu năm 2010, trong khi Thái Lan đã xuất khẩu được 15,7% tổng khối lượng gạo trắng cả năm, thì con số này của các doanh nghiệp nước ta chỉ là 10,5%.

Có thể tăng gấp đôi gạo tạm trữ?

Những điều nói trên có nghĩa là tính đến thời điểm này, dù các doanh nghiệp VN không quá chậm chân nhưng các đồng nghiệp Thái Lan đã tăng tốc xuất khẩu gạo mạnh hơn rất nhiều. Những động thái này có thể bắt nguồn từ việc họ cho rằng cũng gần giống như năm 2010, những tháng sắp tới sẽ là thời đoạn giá gạo thế giới hạ nhiệt nên mới tăng tốc xuất khẩu mạnh đến như vậy?

Hiện có hai căn cứ chủ yếu sau đây để suy đoán theo hướng này: Thứ nhất, tuy cảnh báo của FAO về khủng hoảng giá lương thực thế giới là hoàn toàn có cơ sở, nhưng những nguyên nhân chủ yếu không bắt nguồn từ lúa gạo. Dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy do tổng sản lượng gạo thế giới niên vụ hiện nay sẽ tăng 10,6 triệu tấn (2,2%) so với niên vụ vừa qua, trong khi tổng tiêu dùng chỉ tăng gần 8,9 triệu tấn, nên dự trữ gạo thế giới cuối niên vụ này vẫn tăng 4,5 triệu tấn, tức cung sẽ phong phú hơn.

Trong khi đó, ngược lại, tổng sản lượng lúa mì thế giới giảm kỷ lục 35 triệu tấn, còn tổng tiêu dùng tăng 10,5 triệu tấn (1,6%), nên dự trữ giảm 15,4 triệu tấn.

Cán cân cung - cầu bắp thế giới còn xấu tới mức kỷ lục trong vòng ba thập niên trở lại đây. Tất cả những điều trên cho thấy tuy lúa gạo vẫn được mùa, nhưng cả lúa mì và bắp đều mất mùa nên tác động cộng hưởng, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng giá lương thực thế giới.

Dù vậy do giá gạo thế giới hiện đã được đẩy lên rất cao, mặt khác do dự trữ lúa mì thế giới cũng còn cách mức “đáy” rất xa, khó có thể xảy ra tình trạng sử dụng gạo thay thế hai loại lương thực này, đồng nghĩa với việc có thể loại trừ khả năng lặp lại cơn sốt giá gạo thế giới như năm 2008. Giá gạo thế giới sẽ tiếp tục dịu bớt, nhưng khả năng giảm sâu gần như có thể loại trừ.

Trong bối cảnh giá gạo thế giới nhiều khả năng sẽ như vậy, việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo ngay từ những tháng đầu năm - một động thái mới của các doanh nghiệp VN - dù là một sách lược khôn ngoan song vẫn còn rất chậm chân so với các đồng nghiệp Thái Lan. Nhưng việc chưa có được nhiều hợp đồng và nhất là chưa có được những hợp đồng lớn giống như cùng kỳ năm 2010 lại tạo ra sức ép giảm giá gạo xuất khẩu cũng như giá lúa gạo trong nước những tháng tới.

Trong điều kiện đó, mua dự trữ 1 triệu tấn gạo là một giải pháp đúng, bởi tạm trữ và khắc phục tình trạng tăng mạnh xuất khẩu đúng vào thời đoạn giá bèo như năm 2010 để chờ giá thế giới nhích dần lên chính là cách làm thiết thực nhất để có thể nâng giá xuất khẩu bình quân cả năm cao hơn. Đây cũng là cách thiết thực nhất để lượng lúa đang khá dồi dào trong dân được mua kịp thời với giá hợp lý.

Nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới dự báo chỉ giảm không đáng kể so với niên vụ trước (30,2 triệu tấn so với 31,1 triệu tấn), nên tình trạng “án binh bất động” hiện nay không có gì khác ngoài mục tiêu chờ VFA giảm mạnh giá là họ khởi động trở lại. Nếu các doanh nghiệp nước ta giữ giá hoặc chỉ giảm chút đỉnh thì họ cũng không thể không mua, vì giá trong hai tháng vừa qua vẫn còn thấp hơn 26 USD/tấn so với giá của “người khổng lồ” Thái Lan.

Vựa lúa lớn nhất nước ta đang ở vào thời điểm thu hoạch rộ, trong khi xuất khẩu chưa thể tăng mạnh do giá xuất khẩu vẫn tiếp tục giảm. Vì vậy để tránh việc giá lúa gạo trong nước giảm quá mức dự kiến, cần phải tính ngay đến giải pháp tăng mạnh khối lượng gạo tạm trữ, thậm chí tăng gấp đôi. Từ những bước khởi động thích hợp như vậy, có thể kỳ vọng khoảng cách về giá vẫn còn rất “mênh mông” trong năm qua (75 USD/tấn) sẽ được các doanh nghiệp nước ta thu hẹp đáng kể trong năm nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận