Xung đột thương mại Hàn - Nhật: Từ góc nhìn công pháp quốc tế

FUSHIHARA HIROTA(*) 27/08/2019 04:08 GMT+7

TTCT - Một giải thích về cuộc chiến thương mại Hàn - Nhật, nhìn từ phía một người Nhật Bản.

Từ trái sang: Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung Hwa, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono ở Hội nghị bộ trưởng ngoại giao Đông Nam Á mở rộng tại Bangkok, 2019. Ảnh: AFP
Từ trái sang: Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung Hwa, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono ở Hội nghị bộ trưởng ngoại giao Đông Nam Á mở rộng tại Bangkok, 2019. Ảnh: AFP

Vừa qua, Chính phủ Nhật Bản thực hiện biện pháp tăng cường quản lý về ngoại thương, trong đó bao gồm một số thủ tục cấp phép xuất khẩu mới cho một số mặt hàng bao gồm cả chất bán dẫn xuất khẩu từ Nhật Bản sang Hàn Quốc.

Báo chí trên thế giới có đăng những bình luận, cho đây là việc Nhật Bản “cấm vận” hay hạn chế xuất khẩu với Hàn Quốc, thậm chí cho rằng biện pháp này trái với nguyên tắc thương mại tự do hoặc Nhật Bản thay đổi quy tắc một cách tùy tiện.

Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp hạn chế hay cấm xuất khẩu nhắm vào riêng Hàn Quốc. Từ năm 2004 trở đi, Chính phủ Nhật Bản áp dụng thủ tục giản đơn cho những mặt hàng xuất khẩu từ Nhật Bản sang Hàn Quốc với ưu đãi đặc biệt.

Theo đó, các doanh nghiệp Nhật Bản muốn xuất khẩu sang Hàn Quốc được phép xuất khẩu tất cả mặt hàng theo một thủ tục cấp phép tổng quát với thời gian hiệu lực là 3 năm.

Vấn đề thương mại

Biện pháp của Chính phủ Nhật Bản vừa qua là không áp dụng ưu đãi với Hàn Quốc nữa, mà áp dụng nguyên tắc cấp phép riêng lẻ theo từng hợp đồng, như Nhật Bản vẫn làm với hàng hóa xuất khẩu sang Hàn Quốc cho đến năm 2003.

Theo nguyên tắc quản lý xuất khẩu chung của thế giới, chính phủ các nước thường cấp phép riêng lẻ cho từng hợp đồng xuất khẩu, chỉ áp dụng thủ tục cấp phép tổng quát theo thủ tục giản đơn với các quốc gia đáng tin cậy.

Đây không phải là biện pháp hạn chế thương mại trái với nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bởi hiện nay, châu Âu cũng không áp dụng thủ tục ưu đãi với Hàn Quốc như Nhật Bản từng áp dụng, mà vẫn yêu cầu cấp phép theo từng hợp đồng.

Nhật Bản cũng đang áp dụng biện pháp tương tự với, lấy ví dụ, Indonesia. Nhưng phía Hàn Quốc thì cho rằng đây là biện pháp trả đũa chính trị đối với bản án ở Hàn Quốc liên quan đến vấn đề lịch sử chiếm đóng của Nhật Bản ở Hàn Quốc, do đó là trái với nguyên tắc tự do thương mại.

Hàn Quốc đã đề nghị Đại hội đồng của WTO xem xét vào cuối tháng 7 vừa qua, nhưng chưa có quốc gia nào khác ngoài Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia tranh luận. Cũng cần nói là tuy đã phản ứng gay gắt với biện pháp mới từ Nhật Bản, Hàn Quốc cũng thực hiện biện pháp giống như thế với hàng hóa xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Nhật Bản.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo nói trong chương trình thời sự của một đài truyền hình Nhật Bản: “Hàn Quốc nói họ tuân thủ chế tài của Liên Hiệp Quốc, tuân thủ quản lý ngoại thương chặt chẽ, nhưng qua vấn đề công nhân trưng dụng cho thấy Hàn Quốc không tuân thủ cam kết quốc tế, cho nên dĩ nhiên chúng ta có thể nghĩ rằng Hàn Quốc cũng không tuân thủ quản lý ngoại thương”.

Ông Abe cũng nói đây không phải là biện pháp trả đũa cho vấn đề công nhân trưng dụng, mà Chính phủ Nhật Bản thực hiện biện pháp này vì Nhật Bản không thể “tin tưởng chỉ lời nói của họ”.

Lý do Chính phủ Nhật Bản thay đổi thủ tục cấp phép áp dụng cho việc xuất khẩu sang Hàn Quốc được dẫn ra là để bảo đảm an ninh quốc gia, liên quan đến việc nghi ngờ một số mặt hàng chất bán dẫn được xuất khẩu từ Nhật Bản sang Hàn Quốc có thể lọt vào tay CHDCND Triều Tiên. Hiện Hội đồng Bảo an LHQ đang trừng phạt cấm buôn bán các mặt hàng này với Triều Tiên.

Ảnh: Nikkei Asian Review
Ảnh: Nikkei Asian Review

Vấn đề quá khứ

Để hiểu rõ hơn về những tranh luận trên, cần trở lại vấn đề người lao động Hàn Quốc được tuyển dụng hoặc “trưng dụng” trong thời kỳ Thế chiến II. Có những người lao động Hàn Quốc từng làm việc cho các doanh nghiệp Nhật Bản trong thời Thế chiến II cho rằng họ bị đối xử như nô lệ và khởi kiện ra tòa án Hàn Quốc để yêu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường.

Ngày 30-10-2018, Tòa án tối cao của Hàn Quốc đã ra phán quyết yêu cầu một công ty thép Nhật Bản bồi thường cho 4 bị cáo 100 triệu won (hơn 82.600 USD) mỗi người.

Đây là lần đầu tiên có một bản án với hiệu lực pháp luật tại Hàn Quốc liên quan đến vấn đề này. Hiện ở Hàn Quốc có hơn 70 công ty Nhật Bản đang bị khởi kiện tương tự. Như vậy, tài sản của các công ty Nhật tại Hàn Quốc có nguy cơ bị mang ra thi hành án.

Tuy nhiên, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có một hiệp định song phương để giải quyết những yêu sách giữa hai bên về những vấn đề quá khứ cho tới thời điểm ký hiệp định (1965).

Theo đó, hai nước đã xác định: Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho Hàn Quốc tương đương 300 triệu USD, cho vay ưu đãi 200 triệu USD nữa, đồng thời xác nhận hai bên đã giải quyết dứt điểm và cuối cùng về tất cả quyền yêu cầu giữa hai nước liên quan tới quyền, lợi ích và tài sản quá khứ cho đến thời điểm ngày 15-8-1945.

Vấn đề là sự diễn dịch của hiệp định đó. Phía Nhật Bản cho rằng theo hiệp định, quyền yêu cầu cá nhân của người dân Hàn Quốc đã được giải quyết “dứt điểm và cuối cùng”, nên việc tòa án Hàn Quốc đưa ra bản án như vừa qua là vi phạm hiệp định, khiến bản án vô hiệu theo luật quốc tế.

Còn phía Hàn Quốc chủ trương rằng dù hiệp định quy định ra sao thì Hàn Quốc vẫn là quốc gia áp dụng tam quyền phân lập, nên chính phủ không thể can thiệp việc của tòa án, và việc Nhật Bản lên án bản án là sự can thiệp vào chủ quyền quốc gia Hàn Quốc.

Đây là một vụ việc cần được xem xét trên khía cạnh công pháp quốc tế. Công ước Vienne 1969 về luật điều ước quốc tế mà Nhật Bản và Hàn Quốc đều là thành viên quy định tại điều 26 rằng tất cả điều ước có hiệu lực ràng buộc các nước đương sự và các nước đương sự phải thực hiện các điều ước đó, cũng như không được áp dụng luật quốc gia của mình làm căn cứ để chính đáng hóa việc không thực hiện điều ước.

Nên Chính phủ Hàn Quốc không thể chủ trương rằng quốc gia này không phải tuân thủ hiệp định này bởi chính phủ không can thiệp được tòa án vì lý do tam quyền phân lập.

Phía Nhật Bản có vẻ cho rằng hiệp định được hiểu là hai nhà nước sẽ không sử dụng quyền lực nhà nước để giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền yêu cầu của cá nhân, hạn chế quyền của công dân hai nước khởi kiện đòi quyền lợi cá nhân tại tòa án hai nước liên quan tới các vấn đề quá khứ.

Quyền yêu cầu cá nhân vẫn có hiệu lực pháp lý nhưng phải có cơ sở và dựa trên thương thảo. Tuy nhiên, Tòa án tối cao Hàn Quốc khẳng định trên bản án rằng quyền yêu cầu cá nhân không nằm trong phạm vi có hiệu lực của hiệp định 1965 (2/14 thẩm phán của Tòa tối cao Hàn Quốc bỏ phiếu chống cho rằng hiệp định 1965 có hiệu lực bao gồm cả quyền cá nhân).

Trên thực tế, trong quá trình đàm phán hiệp định, Hàn Quốc đã yêu cầu Chính phủ Nhật Bản bồi thường cả thiệt hại với những công nhân hay lao động Hàn Quốc làm việc cho các doanh nghiệp Nhật Bản trong thời Thế chiến II. Biên bản thảo luận ghi chép quá trình đàm phán này cho thấy hai bên xác nhận hiệp định bao gồm điều đó.

Tuy Nhật Bản đề xuất chi bồi thường cho từng cá nhân nhưng Hàn Quốc đáp lại rằng Nhà nước Hàn Quốc sẽ đại diện cho họ và thực hiện việc chi trả theo biện pháp hành chính trong nước. Hơn nữa, tháng 8-2008, Chính phủ Hàn Quốc từng công bố lập trường rằng số tiền viện trợ không hoàn lại 300 triệu USD đã bao gồm cả quỹ bồi thường cho người Hàn Quốc từng phải lao động khổ sai.

Về lịch sử, Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc từ năm 1910 đến năm 1945. Đó là một sự kiện bất hạnh của lịch sử, Nhật Bản phải nhận trách nhiệm lịch sử khi thống trị một dân tộc khác bằng sức mạnh vũ lực. Cũng không khó hiểu khi người dân Hàn Quốc vẫn còn mối ác cảm lớn với Nhật Bản bởi những đau khổ mà đất nước này phải gánh chịu trong quá khứ.

Người dân, chính phủ và quốc gia Nhật Bản cần ghi nhận điều này mãi mãi như một bài học đắt giá cho chính bản thân Nhật Bản trong quá trình nâng cao vị thế trên trường quốc tế theo hướng hòa bình và hợp tác trong khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, các chính khách Hàn Quốc cũng có hiện tượng sử dụng “lá bài Nhật Bản” để khơi gợi tinh thần yêu nước từ người dân và từ đó có được sự ủng hộ chính trị cho họ. Phong trào tẩy chay hàng Nhật Bản của người dân Hàn Quốc cũng cho thấy tâm lý chống Nhật Bản là một chỗ dựa quan trọng cho tinh thần dân tộc Hàn Quốc.

Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài sẽ bất lợi cho cả hai quốc gia, đặc biệt là khi hai nước đang có quan hệ giao thương với quy mô lớn và chia sẻ nhiều quan ngại chung, như vấn đề Triều Tiên, và các đe dọa khác với an ninh khu vực. Là một người dân Nhật Bản, tôi hi vọng chính phủ hai nước có những ứng xử mềm dẻo hơn và vạch ra hướng đi mang tính xây dựng hơn cho lợi ích của hai quốc gia và khu vực. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận