TTCT - Hai chữ “phong bì” đã thành khái niệm mà không một người dân nào hiểu lầm khi vào bệnh viện. Gần đây, có ý kiến khác nhau về việc bác sĩ có nên nhận phong bì từ bệnh nhân hay thân nhân bệnh nhân. Chúng ta thử tham khảo quan điểm của giới y khoa nước ngoài về vấn đề này. Ở nước ngoài, bệnh nhân cho quà bác sĩ cũng khá phổ biến. Trong một cuộc điều tra ngẫu nhiên trên 378 bác sĩ ở Anh, có đến 20% cho biết họ từng nhận quà từ bệnh nhân trước đó ba tháng. Giá trị trung bình của món quà là 15 USD, thông thường nhất là rượu, kế đến là sôcôla và tiền mặt. Ba động cơ cho quà Cứu người là món quà quý báu nhất, không có món quà nào có thể sánh bằng. Có nhiều cách để nói lời cảm ơn bác sĩ, chẳng hạn một lá thư cảm ơn, ngay cả một bức ảnh cho thấy bệnh nhân đang hồi phục còn có nhiều ý nghĩa hơn là một món quà.Hành động bệnh nhân cho quà bác sĩ là chuyện cổ xưa như nghề thầy thuốc. Mối liên hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ là mối liên hệ mang tính ủy thác, trong đó bệnh nhân tùy thuộc vào lời khuyên và chuyên môn của bác sĩ. Nếu bệnh nhân đem quà cho bác sĩ một cách tự nguyện, bác sĩ có nên nhận quà hay không? Nếu bác sĩ nhận quà, liệu có vi phạm y đức không? Câu trả lời có lẽ tùy thuộc vào động cơ và hình thức cho quà. Thứ nhất, cho quà bác sĩ để gây ảnh hưởng, bao gồm được ưu tiên điều trị (không xếp hàng), được hưởng đặc lợi (như nằm phòng đặc biệt)… Đây là một hình thức hối lộ và bác sĩ nhận quà trong trường hợp này là tham nhũng, là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Bác sĩ có nghĩa vụ phải trung thành với bệnh nhân, kiếm lời từ việc điều trị bệnh nhân là một cách vi phạm lòng trung thành đó. Nhận quà cũng làm xói mòn mối liên hệ đặc biệt mang tính đạo lý giữa bác sĩ và bệnh nhân. Thứ hai, cho quà vì bệnh nhân muốn làm phước. Thật vậy, có không ít người do bản tính rộng rãi, họ cho quà bác sĩ giống như chúng ta cho quà thợ cắt tóc, thợ sửa xe… và cảm thấy vui khi làm việc đó. Trường hợp này không có vấn đề về y đức, nhưng có vấn đề về so sánh giữa người cho quà và người không cho quà. Những bệnh nhân khác có thể nghi ngờ người cho quà sẽ được ưu tiên trong điều trị, và họ cũng sẽ cố gắng “mua” bác sĩ bằng những món quà đắt tiền hơn. Thực tế đã có nhiều nghiên cứu cho thấy bác sĩ nhận quà của bệnh nhân (dù bệnh nhân giàu hay nghèo) có ảnh hưởng đến tâm lý và cách đối xử. Bác sĩ nhận quà thường dành nhiều thời gian hơn, ưu ái hơn với bệnh nhân cho họ quà. Do đó, ngay cả với động cơ thuần túy làm phúc, việc bác sĩ nhận quà cũng ảnh hưởng đến phán xét và ứng xử của họ. Thứ ba, có người cho quà như một cách nói lời cảm ơn. Ở đây, vấn đề có thể phức tạp hơn vì mối liên hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân. Nhiều người cho rằng sự liên đới giữa bệnh nhân và bác sĩ nên ở mức độ trung dung và khách quan, do đó việc bác sĩ nhận quà là không chấp nhận được vì sẽ làm tổn hại mối liên đới đó. Nhưng cũng có người cho rằng mối liên hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ là sự tin tưởng lẫn nhau và lòng trắc ẩn, một tình bạn đặc biệt. Và nếu là tình bạn thì việc cho quà nhau là điều rất bình thường, không có gì để gọi là vi phạm y đức. Song trên góc độ tâm lý, hành động cho quà cũng có thể hiểu như là một nỗ lực bình đẳng quyền thế. Mối liên hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ là mối liên hệ thiếu bình đẳng, vì trong đó bệnh nhân phụ thuộc vào kiến thức, kỹ năng của bác sĩ và làm theo lời khuyên của bác sĩ. Do đó, bệnh nhân cho quà để thể hiện quyền thế của mình, thật ra là cách giành lại vị thế bằng cách “ban phát ân huệ” cho bác sĩ. Vấn đề là rất khó biết chính xác động cơ của mỗi hành động cho quà. Và nếu không biết chính xác động cơ thì “an toàn” nhất là không nhận quà. Chính vì lý do này mà Hội đồng Y khoa Anh khuyến cáo bác sĩ nên cho bệnh nhân biết họ không nên cho quà cáp bác sĩ, và bác sĩ tuyệt đối không được gây áp lực gián tiếp hay trực tiếp để bệnh nhân phải cho quà. Y đức thật sự nằm ở đâu? Những lý giải về quà cáp trên có lẽ còn quá “nhẹ” so với tình hình ở Việt Nam. Một nghiên cứu do giáo sư Phạm Minh Đức thực hiện năm ngoái cho thấy gần 66% bác sĩ thú nhận họ thường xuyên vi phạm y đức. Đặc biệt, có đến 40% bác sĩ “gây khó khăn cho bệnh nhân để nhận tiền của bệnh nhân”. Tuần trước, kết quả khảo sát trên 6.000 độc giả một tờ báo cho thấy có gần 3/4 bệnh nhân đưa phong bì do bác sĩ hoặc y tá gợi ý. Lý do đưa thì có nhiều, nhưng tựu trung là nhằm gây ảnh hưởng đến cách ứng xử của bác sĩ và nhân viên y tế, như một bệnh nhân nói “muốn được việc và muốn nhanh, muốn đỡ đau”. Gợi ý để nhận tiền của bệnh nhân đã là một hành vi tham nhũng và vi phạm y đức ở hình thức tồi tệ nhất, đưa tay nhận tiền của bệnh nhân để đối xử với họ ưu ái hơn so với người không đưa phong bì cũng là vi phạm y đức. Chiếu theo quan điểm về y đức này, hành động nhận tiền và nhận quà, dù với bất cứ lý do nào, chỉ làm giảm phẩm cách của người bác sĩ. Tags: Bệnh nhânY đứcBác sĩPhong bìGiới y khoa
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
7 chiếc tiêm kích Su30-MK2 bay trên bầu trời Hà Nội NAM TRẦN 25/11/2024 Trưa 25-11, bảy chiếc tiêm kích Su30-MK2 cùng nhiều trực thăng Mi bay tập trên bầu trời quanh sân bay Gia Lâm, Long Biên, Hà Nội.
Đã tìm thấy hơn 400 bộ tiểu sành, hài cốt trên phố Tây Sơn, Hà Nội PHẠM TUẤN 25/11/2024 Cải tạo hệ thống thoát nước ở ngõ 167 Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện hơn 400 bộ tiểu sành dưới mặt đất.
Ông Trump sẽ dàn xếp chiến sự Ukraine, Israel ra sao? TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Để chứng minh mình là nhà lãnh đạo mong mỏi hòa bình và khác biệt chính quyền Biden, ông Trump đang tìm cách tạo ra một thế giới ổn định.