10 năm người Việt thiết kế chip viễn thông

LÊ VĂN CHÍNH 11/01/2012 12:01 GMT+7

TTCT - Những con chip nhỏ chưa bằng móng tay đã cho thấy sức mạnh ghê gớm của các sản phẩm công nghệ cao. Ở một đất nước mà kinh tế nông nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng lớn như Việt Nam thì giấc mơ làm ra con chip trở thành niềm khao khát.

Read this on Tuoitrenews.vn

Một ngành chế tạo công nghệ cao như vậy đã manh nha hình thành ở Việt Nam, bắt đầu từ nhiều năm trước với những người gầy dựng nó từ con số 0, như ông Trịnh Xuân Lạc.

Phóng to
Chip điện tử của Công ty Arrive Technologies Vietnam được gắn trên bo mạch - Ảnh: Minh Đức

Chip tốc độ cao

Những ai sử dụng Internet đều quan tâm tốc độ truyền dẫn nhanh chậm khác nhau. Internet qua modem ADSL rất thông dụng tại Việt Nam, tốc độ truyền khoảng vài megabit đã là lý tưởng. Người sử dụng các thiết bị viễn thông như điện thoại di động thế hệ 4G với tốc độ truyền cả trăm megabit thường ít biết là đằng sau đó, các “cỗ máy viễn thông mẹ” phải truyền dẫn với nhau với tốc độ gấp trăm lần, lên đến vài chục gigabit.

Để đón đầu phát triển công nghệ, các kỹ sư của Công ty Arrive Technologies Vietnam (ATVN) - một công ty tại TP.HCM - đang đi những bước cuối cùng để tung ra thị trường dòng chip Calypso áp dụng chuyển mạch gói (packet switched network) dùng cho các trạm viễn thông gốc (BTS) có tốc độ lên đến 10 gigabit và 40 gigabit. Có thể tạm so sánh tốc độ này nhanh đến 10.000 lần so với tốc độ Internet ADSL. Điều đáng nói là trên thế giới có không quá năm công ty công nghệ cao (phần lớn ở Mỹ) đang đeo đuổi dự án chip cao cấp tương tự.

Cách đây năm năm, ATVN “trình làng” hai con chip tích hợp cao AT4848 và Europa với công nghệ 130 nanomet. Rất lặng lẽ và âm thầm, những con chip viễn thông băng rộng đã được nhiều nhà sản xuất đón nhận.

Phóng to
Ông Trịnh Xuân Lạc - Ảnh do Công ty ATVN cung cấp

Giấc mơ làm chip

Từ Mỹ trở về thăm nhà lần đầu tiên năm 1996, ông Trịnh Xuân Lạc đã nung nấu ước mơ đào tạo được một thế hệ kỹ sư người Việt thâm nhập địa hạt thiết kế chip viễn thông - một ngành công nghệ cao, triển vọng rất lớn. Và đó là một quyết định không mấy dễ dàng: trở về Việt Nam sinh sống, làm việc, mang theo tất cả sở học, kiến thức và cả vốn liếng để thành lập một công ty thiết kế chip viễn thông. “Ròng rã 10 năm, tôi đã bỏ ra gần 500 tỉ đồng để có thể thiết kế những con chip viễn thông hiện đại nhất” - ông Lạc nói về chặng đường vừa qua.

Vốn là sinh viên Trường đại học Kỹ thuật Phú Thọ (nay là ĐH Bách khoa TP.HCM), qua Mỹ ông Lạc đã trở thành một trong những người gốc Việt hiếm hoi nắm giữ trọng trách cao: phó tổng giám đốc phụ trách phát triển kỹ thuật cao của Công ty Next Level Communications (NLC). Đây là công ty thiết kế và sản xuất thiết bị viễn thông băng rộng có tên tuổi mà ông đồng thời là một trong ba sáng lập viên. NLC lên sàn chứng khoán Nasdaq vào năm 1999, từng đạt thị giá hàng tỉ USD. Bản thân ông Lạc đã có sáu bằng sáng chế trong lĩnh vực chip viễn thông tại Mỹ.

Trở về Việt Nam, ông Lạc lập ATVN. Nhóm tuyển dụng đã đi hết ba miền Nam - Trung - Bắc để thuyết trình, tuyển mộ những tài năng trẻ giàu nhiệt huyết, huấn luyện, đào tạo và triển khai họ cho các dự án thiết kế chế tạo chip viễn thông băng rộng. Gần 100 kỹ sư đã miệt mài nỗ lực làm việc bằng tất cả niềm đam mê, để rồi năm 2005 sản phẩm chip viễn thông băng rộng đầu tiên xuất xưởng theo phương thức không cần nhà máy (fabless).

Đối với một công ty không tên tuổi bấy giờ, trên một đất nước còn lạc hậu về công nghệ, những gì ông Trịnh Xuân Lạc và ATVN làm được xứng đáng được coi là một thành quả lớn. Bởi bỏ tiền đầu tư công nghệ cao ở Việt Nam nghĩa là phải chấp nhận chi ra rất nhiều cho việc tái đào tạo nguồn nhân lực từ các trường đại học.

Cách nhìn và sự chấp nhận mạo hiểm ấy đã giúp ông Lạc có được một đội ngũ kỹ sư - những người chân ướt chân ráo từ trường đại học thành những chuyên viên đầy kinh nghiệm với khả năng làm việc không thua kém bất kỳ một kỹ sư nước ngoài nào. Và điều đó có lẽ không thể tính bằng tiền.

Ý chí, đam mê ấy của Trịnh Xuân Lạc - một người Việt xa xứ - như ông bộc bạch, xuất phát từ những thôi thúc, thiết tha với quê hương, xứ sở. Rất ít người biết 34 năm trước, ông Lạc đã sáng chế cây đàn bầu điện tử ở Việt Nam. Có lẽ những âm giai da diết của tiếng đàn bầu hàng chục năm trước đã ngấm sâu vào tâm hồn, máu thịt, ẩn sâu trong tiềm thức, trở thành nguồn lực dẫn dắt ông thực hiện những giấc mơ lớn cho công nghệ cao ở quê nhà.

Nhưng dòng chảy cuộc đời không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Ông Lạc vừa tạm rời chức vụ tổng giám đốc ATVN vì lý do sức khỏe. Nhưng vẫn còn nguyên vẹn trong con người đó những hoài bão lớn cho công nghiệp điện tử Việt Nam, những dự án mới, những dòng sản phẩm bứt phá từ cảm hứng và trí tuệ. Tôi tin ông sẽ sớm trở lại ATVN, cùng đội ngũ kỹ sư trẻ của mình tiếp tục giấc mơ chip cho Việt Nam...

* Chuyên gia cao cấp tư vấn quản trị viễn thông, nguyên giám đốc Qualcomm Việt Nam và Đông Dương HOÀNG NGỌC DIỆP:

“ATVN, cũng như những công ty chuyên về nghiên cứu và phát triển chip có người gốc Việt lãnh đạo, tổ chức hoạt động rất bài bản. Vì vậy, việc họ nghiên cứu thành công những con chip có tính năng mới, tuân thủ các chuẩn kỹ thuật và công nghệ của thế giới là điều đáng hoan nghênh. Những con chip này thường được sử dụng như một phần của thành phẩm với những thương hiệu của các hãng khác nên tên tuổi của họ rất thầm lặng.

Tôi rất vui mừng khi thấy có những công ty từ nước ngoài đưa hệ thống nghiên cứu và phát triển về Việt Nam, điều này chứng tỏ những chuyên viên của Việt Nam đã có thể phần nào đáp ứng những nhu cầu chuyên sâu trong khâu R&D của họ.

Nếu một công ty sản xuất chip fabless có tổ chức bài bản, tuân thủ các tiêu chuẩn công nghệ và kỹ thuật cũng như có các tính năng vượt trội, chất lượng cao và giá thành cạnh tranh, thì việc cạnh tranh với thế giới không còn là chuyện quá khó khăn. Với các quy trình chuẩn, những công cụ nghiên cứu, phát triển, test... phù hợp, đào tạo chuyên sâu tốt, tôi nghĩ đội ngũ chuyên viên Việt Nam có rất nhiều khả năng đóng góp hiệu quả. Điều này đã được chứng tỏ tại các hãng chip khác ở Mỹ nhiều năm qua”.

Thiết kế vi mạch ở Việt Nam: Mới khơi mào

Tháng 11-2011, Bộ Khoa học - công nghệ đã phê duyệt dự án khoa học công nghệ “Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng” cho ĐHQG TP.HCM. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, đây là dự án có quy mô lớn nhất của Bộ Khoa học - công nghệ trong 50 năm qua với tổng vốn đầu tư gần 146 tỉ đồng.

Trước đó vào tháng 7-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 49/2010/QĐ-TTg phê duyệt danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư và khuyến khích phát triển. Công nghệ thiết kế, chế tạo vi mạch và các sản phẩm vi mạch đứng đầu cả hai danh mục này.

Ở Việt Nam, theo ThS Ngô Đức Hoàng - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch ĐHQG TP.HCM (ICDREC), sản xuất chip điện tử công nghệ nanomet vẫn chỉ là con số 0. Sau vài động tác khởi động ở Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (chủ trương xây dựng nhà máy sản xuất chip), Viettel rục rịch quan tâm, chưa có doanh nghiệp nhà nước nào có động thái gì với ngành công nghiệp này. Một số phòng thí nghiệm đặt ở Khu công nghệ cao TP.HCM làm được chip dạng thô vài micromet.

Trong lĩnh vực nghiên cứu thiết kế, ngoài các doanh nghiệp nước ngoài đặt trung tâm thiết kế ở Việt Nam như Renesas Designs, Applied Micro Corcuit Corporation (AMCC), Sigma Designs, NXP... hay những doanh nghiệp do kiều bào về thành lập như Vietnam Semiconductor Manufacturing Co (VSMC), Arrive Technologies Vietnam (ATVN), chỉ có vài trường ĐH nghiên cứu thiết kế thành công vi mạch như ICDREC với chip vi xử lý 32-bit RFID, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM với chip 16-bit xử lý tín hiệu âm thanh DSP, Học viện Kỹ thuật quân sự với chip cho rađa và vài trường ĐH khác đang ở giai đoạn khởi động.

Các doanh nghiệp này - hầu hết do Việt kiều lãnh đạo - đã giúp đỡ các trường ĐH, viện nghiên cứu Việt Nam rất nhiều về công tác nghiên cứu và đào tạo nhân lực, từ cung cấp thiết bị, tài liệu, phần mềm thiết kế vi mạch hỗ trợ giảng dạy, đến hướng dẫn sinh viên thực tập, hỗ trợ đào tạo...

Dù sự giúp đỡ này vẫn còn mang tính riêng lẻ, chưa có một đầu mối để tập hợp thành một trung tâm hỗ trợ ĐH nghiên cứu thiết kế chip như các nước phát triển đã làm, song chính nhờ họ đưa các trung tâm thiết kế về Việt Nam mà ngành thiết kế vi mạch được khơi dậy. Qua đó một nguồn nhân lực rất lớn về vi mạch của Việt Nam đã được đào tạo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận