​100 bước chân không thể vượt qua...

DUY VĂN 25/01/2015 04:01 GMT+7

TTCT - Có một cảm giác như áy náy khi ngồi xem Hành trình 100 bước chân (*) vào lúc nước Pháp vẫn đang bàng hoàng với vụ tắm máu tòa soạn tuần báo biếm Charlie Hebdo.

Từ trái sang: ông chủ Maison Mumbai (Om Puri đóng), Hassan (Manish Dayal) và bà chủ Mallory (Helen Mirren) trong Hành trình 100 bước chân - tbo.com

Một sự trùng hợp khi bộ phim được chiếu tại Việt Nam vào thời điểm ở Paris diễn ra vụ sát hại kinh hoàng. “Cú đấm vào lòng khoan dung” - một tờ báo nước ngoài đã bình luận như thế cho vụ tấn công ngày 7-1-2015, khi hai kẻ xả súng bắn chết 10 nhà báo và hai nhân viên cảnh sát ngay giữa Paris.

***

Áy náy do bởi bộ phim khá tươi tắn, kể về một gia đình Ấn Độ, nhà Kadam, trên đường tìm kế mưu sinh và hội nhập cuộc sống xứ Pháp. Họ xuất thân từ Mumbai, nơi nhà Kadam sở hữu một nhà hàng gia đình, nhưng cơ ngơi phút chốc sụp đổ do vô tình là nạn nhân một cuộc tấn công chính trị.

Vụ tấn công còn cướp đi bà mẹ của gia đình, người đang dốc sức truyền bí kíp bếp trưởng cho đứa con trai thứ hai Hassan (diễn viên Manish Dayal đóng).

Gia đình Kadam rong ruổi sang tận châu Âu. Trên đường, chiếc xe hỏng phanh ở thị trấn nhỏ miền nam nước Pháp Saint Antonin Nobel Val. Cô gái Pháp Marguerite (Charlotte Le Bon đóng) gặp trên đường đã giúp họ tìm thợ sửa xe và đãi họ một bữa ăn chiều.

Bữa ăn dân dã làng quê Pháp nhưng cực ngon: bánh mì tự nướng, phó mát từ sữa của bò nuôi trong làng và cà chua vườn nhà đã khiến ông bố quyết định dừng chân ở Saint Antonin. Ông mua lại một nhà hàng đóng cửa vì thua lỗ để mở nhà hàng Ấn, Maison Mumbai.

Khổ nỗi đối diện cơ ngơi của họ - chỉ cách 100 bước chân sang bên kia đường - là nhà hàng một sao Michelin Le Saule Pleureur. Khi biết thế độc tôn của Le Saule Pleureur trong bán kính 80km khắp vùng cùng tính cách lì lợm của bà chủ Pháp Mallory (Helen Mirren đóng), khán giả có thể hình dung những thách thức mà Maison Mumbai sắp đương đầu.

Và đúng thế. Một cuộc chiến ngầm nổ ra giữa hai nhà hàng, hai nền ẩm thực. Một tinh tế, thanh nhã của Pháp và một rực rỡ, sực nức hương vị của Ấn. Giữa những món ăn có lịch sử hơn 200 năm và bên kia là sự hấp dẫn của yếu tố ngoại lai.

Có lúc tưởng họ đã không thể chấp nhận nhau: mùi cà ri và âm nhạc Ấn ồn ào sao có thể dung hòa được với hương vị dịu dàng và thanh lịch Pháp? Cuộc chiến ngầm đã bùng lên thành bạo động. Viên bếp trưởng hẹp hòi của Le Saule Pleureur đang đêm lén phá hoại và phóng hỏa Maison Mumbai.

Đến lúc đó, không ai khác mà chính bà chủ Mallory đã kêu gọi sự khoan dung. Cao trào, nút thắt của phim được hóa giải trong cuộc gặp các nhân viên nấu bếp của bà Mallory. Bà nói quốc ca Pháp đã kêu gọi người dân “lập các binh đoàn” để “những dòng máu kẻ thù nhơ bẩn tắm những luống cày”, nhưng cũng chỉ ra chính những giá trị bình đẳng, bác ái mới tạo nên tính cách công dân Pháp.

Nhận chân điều này không dễ. Bà Mallory cũng phải vượt qua sự cao ngạo của chính mình. Một lần bà hỏi Hassan: “Vì sao phải thay đổi một món ăn đã có lịch sử 200 năm”, cậu đã trả lời: “Bà không thấy 200 năm là đủ rồi sao?”.

Mallory thức tỉnh, thừa nhận có đổi mới ẩm thực Pháp mới đa dạng và giàu có hơn.

Bức tranh gia đình Kadam trong phim khá tiêu biểu cho đời sống người nhập cư châu Á. Lao động chăm chỉ, cật lực, chi tiêu tằn tiện để trụ được ở xứ người là một lẽ. Bản thân họ cũng phải thay đổi để hội nhập. Việc gia đình Kadam đồng ý để con trai làm việc cho nhà hàng Pháp, giật đổ bảng hiệu lạc điệu của nhà hàng mình là những ẩn dụ về sự thích nghi này.

***

Bộ phim cảm động, đôi chỗ vang tiếng cười. Giữa cuộc thảm sát ở Charlie Hebdo, thông điệp khoan dung của phim càng có tính thời sự. Hình ảnh bà Mallory kiêu kỳ là thế, ngạo mạn là thế, lầm lũi đội mưa chà rửa hàng chữ nhân viên mình bôi bẩn tường nhà hàng Maison Mumbai, hay nhẫn nhịn ngồi suốt đêm trong gian bếp của đối thủ chỉ để chờ câu trả lời đồng ý của Hassan; nhắc người ta sự hào hiệp và khoan dung của châu Âu.

Đổi lại họ được gì? Nhà hàng của bà Mallory nhận thêm một sao Michelin. Gia đình Kadam nhận được cuộc sống ấm êm.

Nhưng không phải tất cả những ai đến từ một nền văn hóa khác đều học được cách hội nhập như gia đình Kadam. Và một khi không dung nạp được những giá trị tinh thần khác, có kẻ đã quay súng bắn vào nơi mình nương náu...

Nên có khi khoảng cách tưởng chỉ 100 bước chân, người ta có thể bước mãi mà chẳng bao giờ tới. Nếu không vượt qua được đầu óc bất tri.

 

(*): Đạo diễn Lasse Hallstrom, dựa trên tiểu thuyết cùng tên The hundred-foot journey của Richard C. Morais.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận