15 nhà thơ Mỹ thế kỷ 20

LAM ĐIỀN THỰC HIỆN 20/11/2004 22:11 GMT+7

TTCN - Nhà thơ - dịch giả Hoàng Hưng và ba cộng sự vừa hoàn tất tập thơ 15 nhà thơ Mỹ thế kỷ 20 do trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây và Nhà Xuất Bản Hội nhà văn xuất bản.

Phóng to
Dịch giả Hoàng Hưng (ngồi giữa)

Đây là một sự kiện vì lần đầu tiên phía Mỹ đã tài trợ toàn bộ việc xuất bản và giới thiệu một tác phẩm văn học. TTCN đã trao đổi với dịch giả Hoàng Hưng.

* Làm một tuyển tập thơ đương đại Mỹ để giới thiệu với bạn đọc VN, theo ông, liệu có tác động gì đến giới trẻ đọc thơ và làm thơ ở VN hiện nay?

- Xưa kia tôi học tiếng Pháp nên đọc nhiều thơ Pháp, đến khi tôi tự học tiếng Anh, mục đích cũng là để đọc thơ tiếng Anh, thấy rất thích thú với chân trời thơ mới này, nghĩ rằng nhiều người làm thơ chắc cũng muốn tìm tòi như mình.

Còn về tác động đến những người đọc thơ và làm thơ thì tôi chưa nghĩ đến, gần đây tôi thấy những người làm thơ ở VN hình như không quan tâm gì đến thơ thế giới. Và trong những nhà thơ trẻ, mới, ít nhiều chịu ảnh hưởng phong cách mới của thơ Âu, Mỹ thì lại hay rơi vào chỗ cực đoan, cứ nghĩ thơ hiện đại hay hậu hiện đại là phải quậy, phải phá phách, thậm chí phải sexy, nhưng qua tập thơ này có thể thấy thơ Mỹ cũng rất sâu lắng, trầm tư, cũng triết lý rất chứ không cực đoan và phiến diện đâu.

Phóng to
* Tại sao lại là con số 15?

- Thoạt tiên, như tôi đã trình bày ý định của công việc tuyển chọn này là vì sở thích cá nhân, tôi đọc thơ Mỹ thấy hay nên muốn dịch, sau đó có trao đổi với ba người bạn là Trịnh Lữ, Cù An Hưng và Phan Nhiên Hạo, tất cả đều rất khoái, muốn dịch những tác giả thơ Mỹ mà mình thích để thành một tập. Thế rồi cả bốn người cùng “lên danh sách” những tác giả thơ Mỹ sẽ dịch, tổng cộng 17 người, nhưng đến khi bắt tay vào xin tác quyền thì có hai người không thỏa thuận được tác quyền nên còn 15.

Tuy là tuyển chọn theo sở thích cá nhân nhưng 15 nhà thơ Mỹ này cũng rất quan trọng đối với nền thơ đương đại Mỹ, họ thuộc nhiều trường phái khác nhau, già trẻ khác nhau, và cũng phản ánh sự đa văn hóa bởi nhiều người xuất phát từ nhiều châu lục khác nhau...

Ông Đoàn Tử Huyến, chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây:

Đây là quyển sách dịch được hỗ trợ tác quyền mà trung tâm chúng tôi đã làm đầu tiên kể từ khi VN gia nhập công ước Berne. Phía Hoa Kỳ đã tài trợ việc xuất bản gồm tiền dịch thuật, tiền in ấn, tiền biên tập là 8.500 USD.

Còn số tiền tác quyền mà họ đã mua của 15 tác giả trong tập này là bao nhiêu thì chúng tôi không rõ.

* Xét về tư tưởng, những tác phẩm thơ Mỹ trong tập này có những nét riêng gì nổi bật đáng chú ý, theo ông?

- Thứ nhất, sức sống của con người trong thơ Mỹ rất mãnh liệt, đọc thơ thấy cả sức sống con người cứ hừng hực, chẳng như các chương trình thơ của ta nghe cứ buồn buồn, nhẹ nhẹ và không có sinh lực mãnh liệt.

Thứ hai, thơ Mỹ chứa đựng rất rõ chất đa văn hóa. Đọc thơ Mỹ thấy rõ họ tiếp nhận nhiều nguồn văn hóa khác nhau: có ảnh hưởng thơ châu Âu, có một ít phong vị Đường thi của Trung Quốc, có tinh thần Phật giáo và Do Thái giáo... Thơ Mỹ phóng khoáng chấp nhận chứ không cố chấp.

Nét thứ ba của thơ Mỹ là sự thể nghiệm rất cao, luôn luôn có cái mới, tồn tại song song rất nhiều trường phái khác nhau, và họ “chung sống vui vẻ” trong bối cảnh thể nghiệm đó.

Đặc biệt, có lẽ nước Mỹ là nơi duy nhất trên thế giới mà mỗi trường đại học đều có dạy bộ môn sáng tác, trong đó có thơ. Họ thường dạy sáng tác trong khoa tiếng Anh hoặc có một khoa riêng, chí ít họ cũng có một bộ môn sáng tác trong trường. Như vậy, những người làm thơ ở Mỹ không phải nghiệp dư, họ có học hành đàng hoàng.

* Trong lần ra mắt tập thơ này, có điều gì làm ông còn băn khoăn về công tác bản thảo?

- Thật ra điều chúng tôi băn khoăn là vấn đề chuyển ngữ. Nói vậy chứ dịch thơ là một việc rất khó, chúng tôi đã làm việc nghiêm túc, người biên tập trao đổi, tranh luận với người dịch trực tiếp những chỗ chưa đồng nhất về cách dịch, và biên tập đến ba lần. Đồng thời chúng tôi in song ngữ cũng là một cách giới thiệu với bạn đọc cả về cách dịch của chúng tôi. In thơ Mỹ song ngữ cũng nhằm giới thiệu một nét khác của văn hóa Mỹ, ngoài phim ảnh là món ăn quen thuộc, tràn ngập bấy lâu nay.

* Hình như ông đã nỗ lực rất nhiều để xin được tài trợ tác quyền tập thơ này mà khỏi phải mua?

- Đúng, tôi đã trình một dự án dịch giới thiệu thơ Mỹ ở VN cho Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM từ năm 2001. May mắn thay, dự án được đồng ý ngay từ đầu, phía tổng lãnh sự tài trợ cả về việc thương lượng, mua tác quyền, tài trợ cả tiền dịch thuật, nhuận bút, tiền in và họ đã qui định giá bìa. Bởi vậy quyển thơ rất qui mô, in đẹp nhưng bán giá 35.000 đồng.

Sở dĩ phải chờ đợi lâu là vì phía tổng lãnh sự đi thương lượng tác quyền đối với từng tác giả cũng rất lâu. Đến tháng 6 - 2004 này họ mới trả lời đã hoàn tất khâu thương lượng tác quyền. Từ đó, nhóm bốn anh em chúng tôi lao vào dịch cấp tập, cũng may là tôi và anh Cù An Hưng đã dịch một số thơ trước đây nên cũng kịp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận