150 = con số tình bạn

CAM LY 14/11/2011 23:11 GMT+7

TTCT - Một ngày đẹp trời, tôi phát hiện ra không ở đâu cho tôi cảm giác kiểm soát được các quan hệ của mình hoàn hảo như mạng xã hội, cụ thể hơn là cái mạng mà tôi hay tham gia mang tên Facebook.

Hôm trước đó, buổi sáng tôi kết nạp thêm năm người mới vào danh sách bạn của mình. Buổi chiều, sau vài phút đắn đo, tôi loại bỏ 12 người khác. Xong, tôi “tái cấu trúc” số 234 bạn trên Facebook thành nhiều nhóm nhỏ - bạn mẫu giáo, bạn phổ thông, bạn đại học, bạn đồng nghiệp, “bạn” thầy cô (cũ), “bạn” gia đình (có cả mẹ chồng!), bạn bốn phương (tức là bạn mà trong một chặng “giang hồ” nào đấy tôi tình cờ gặp).

Rồi khi nhìn thấy vẫn còn chuỗi dài những bạn chưa được chia vào nhóm, tôi sáng tác ra một nhóm mới - nhóm “bạn gì nhỉ?”. Tổng kết lại, nhóm cuối cùng này là nhóm đông đảo nhất trong danh sách bạn bè mạng xã hội của tôi.

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Thế nhưng, cũng trong ngày đẹp trời ấy, khi có một sự kiện xảy ra làm tôi vừa phấn chấn vừa bất an, tôi ngồi thừ trước danh sách 234 cái tên thuộc tám nhóm ấy, và nhận ra mình không thể gửi cùng một thông điệp đến cho tất cả. Với Y., tôi muốn nói “thôi đời tao thế là tiêu” - nó sẽ hiểu. Với H., tôi muốn nói “đừng lo, sẽ đâu vào đấy cả” - anh cũng sẽ hiểu. Với A., tôi lại muốn nói “em nên làm gì đây?” - chị chắc chắn sẽ cho tôi vài lời khuyên đáng giá.

Ngồi một lúc nữa, tôi nhận ra với ít nhất 20 người bạn trong con số 234 kia, tôi sẽ dùng những câu khác nhau để truyền cùng một thông điệp mà tôi muốn nói. Đó là lúc mà tôi nhận ra cái thế giới dễ dàng kiểm soát kia thật ra chỉ là một trang máy tính gò bó, không giúp gì cho việc lưu thông các cảm xúc của mình. Tôi cũng nhận ra H. sẽ gọi điện cho tôi và nói “anh có lo gì đâu, mình đi cà phê nhé”, còn A. sẽ nhắn lại “em gọi điện cho chị đi, chị có nhiều điều cần nói”.

Và rồi có lẽ cách tốt nhất để sẻ chia tâm trạng là thoát khỏi con số 234 kia để dành nhiều thời gian cho một hoặc hai người gần gũi nhất.

Nếu bạn đã từng rơi vào tâm trạng này vào một ngày đẹp (hoặc xấu) trời nào đó như tôi, có lẽ bạn sẽ nhận ra tính hữu lý của một lý thuyết mang tên Con số của Dunbar (Dunbar's Number). Đi ngược lại trào lưu mở rộng không gian ảo cho việc giao lưu xuyên không gian và thời gian, lý thuyết này cho biết con người chỉ có khả năng duy trì khoảng 150 mối quan hệ lâu bền và gắn bó.

Robin Dunbar - nhà nhân chủng học Anh, người đưa ra lý thuyết này - lý giải rằng bộ nhớ của chúng ta có một ngưỡng giới hạn nhất định dành cho các quan hệ xã hội thật sự có ý nghĩa - vượt ra khỏi ngưỡng đó, các quan hệ trở nên lỏng lẻo và trôi nổi, đến và đi không ảnh hưởng gì mấy đến môi trường xã hội của chúng ta.

Lịch sử các cộng đồng cung cấp nhiều bằng chứng để hậu thuẫn cho lý thuyết này: các bộ lạc săn bắn ở các vùng rừng già châu Phi hay các bộ tộc da đỏ ngày xưa đều có khoảng 150 người, cộng đồng người Amish cho đến ngày nay cũng duy trì số lượng tương đương, thậm chí các đại đội cũng thế.

Nghiên cứu mới nhất (tháng 5-2011) của nhóm nghiên cứu công nghệ thông tin thuộc Đại học Indiana (Mỹ) cũng đã tìm được bằng chứng hậu thuẫn cho Con số của Dunbar: theo dõi 1,7 triệu người dùng mạng toàn cầu Twitter trong vòng sáu tháng, các nhà nghiên cứu kết luận người sử dụng mạng này chỉ duy trì được trong vòng 100-200 các quan hệ trong mạng.

Nhóm này kết luận: mạng xã hội tuy có thể tăng cường khả năng giao lưu và nối kết nhưng không thể cải thiện được năng lực giao lưu xã hội của con người. Nói nôm na, chúng ta chỉ có thể kham nổi chừng ấy (150) các mối giao hảo xã hội một cách có ý nghĩa mà không bị “tẩu hỏa nhập ma”.

Đến đây, tôi quyết định tắt máy tính, gọi điện thoại cho A. và đi tìm quán cà phê để ngồi cùng H.. Sau đấy, tôi sẽ gửi thư đến từng người trong số 150 bạn bè của mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận