​36 năm sau

TRUYỆN NGẮN CỦA VÂN HẠ 12/12/2014 15:12 GMT+7

TTCT - Chuông điện thoại đột ngột reng lúc hơn năm giờ sáng, đúng vào khoảng thời gian yên tĩnh ngắn ngủi quý giá nhất trong ngày.

Màn hình hiện dãy số lạ. Lại nhầm số rồi. Người đàn bà hơi bực mình nhưng vẫn bấm nghe. “Alô”.

- Có phải Tâm không? Phải Tâm Hoa đấy không? 

Một giọng đàn ông đứng tuổi. Cách hỏi “có phải Tâm” lại không kèm theo cô hay chị làm bà nghĩ ngay đến một ông bạn học thuở nhỏ nào đó tới đây du lịch. 

- Đúng rồi Tâm đây. Ai vậy? 

- Còn ngủ à? Nghe giọng bây giờ hơi khàn rồi nhỉ, không còn trong trẻo như ngày xưa nữa. Có biết tại sao tôi có số điện thoại không? 

- Nhưng “tôi” là ai vậy? 

Người gọi phớt lờ câu bà hỏi, tiếp tục kể lể về hành trình gặp bạn cũ nào, có được số điện thoại của bà từ đâu. Tối qua đã gọi ngay nhưng bà tắt máy mãi... 

 Người đàn bà sốt ruột (vì loa truyền thanh sắp mở, khoảng thời gian yên tĩnh quý giá nhất trong ngày đang bị ngốn vào chuyện không đâu), bà cắt ngang:

 - Nhưng ai đang gọi tôi đây mới được chứ? Tôi đang phải hầu chuyện tên quái nào đây?

- Cứ bình tĩnh, từ từ. Sẽ biết ngay thôi (dừng một giây). Lê Huy Ích đây. 

- Ồ... Đang ở đâu? 

Đúng lúc đó loa truyền thanh trên cột điện rồ lên át hết mọi thứ tiếng.

- Ở đâu? Không nghe gì cả - bà vừa hỏi lại vừa vội vàng đóng chặt cửa bancông, đi giật lùi vào trong nhà.

- Bình Dương. Vẫn ở Bình Dương. Nghe được không? - giọng nói bên kia chợt trở nên xa xôi như từ ngoại quốc vọng về. 

- Bình Dương à? Vào Bình Dương từ bao giờ? 

- Lâu rồi. Gần hai chục năm rồi. Thôi chuyện ấy nói sau. Ba ngày nữa, tức thứ bảy tuần này, tôi sẽ đến Nha Trang. Nhớ nấu nước chè tươi nhá. Ở đấy có chè tươi không? 

- Có. Chợ có bán. 

- Bây giờ vẫn đang tháng giêng, ở đấy chắc cũng nắng lắm rồi nhỉ.

- Chưa, vẫn lạnh. Thường các năm trước giờ này đã nắng lắm rồi nhưng không hiểu sao năm nay vẫn lạnh. Trong đó bao nhiêu độ? 

- Nếu lạnh mà có mưa bụi nữa thì... Có hoa xoan không? 

- Ít. Ngày trước, lâu rồi cũng có một vài cây, cũng có hoa. Nhưng giờ hết rồi. Nó bị chặt đi để mở đường rồi. Hồi cái cây mới bị cưa sát gốc, nó vẫn nảy lên đám chồi non, lớn nhanh lắm, mỗi lần đi qua tôi lại đứng nhìn. Thời gian sau nó bị đào cả gốc rễ đi luôn. Chỗ đó giờ trồng lên cái cột điện.

Bên kia im lặng. Người đàn bà chợt nhận ra mình đang lạc đề. Hỏi “có hoa xoan không” không phải để nghe huyên thuyên về cái gốc xoan. Nhưng vì bà không muốn hỏi lại “vẫn nhớ hoa xoan à?” hay một câu đại để vậy. 

- Còn để tóc dài không hay cắt ngắn rồi? - bên kia lại hỏi.

- Cắt rồi.

- Cắt tém à? 

- Không, chỉ cắt ngắn đi thôi.

- Có uốn không? 

- Có sơ sơ.

- Ờ, miễn đừng cắt tém là được. Bây giờ chắc già lắm rồi nhỉ? 

- Ừ già rồi.

Người đàn bà đáp và cười. Một câu hỏi thăm rất thật thà. Bây giờ tuổi 60 người ta còn chưa chịu già. Các ông vẫn quần áo thể thao trắng giày trắng đỏm dáng như thanh niên. Các bà vẫn váy áo son phấn phóng xe ào ào. 

- Ngoài năm mươi cả rồi - tiếng đàn ông bên kia lại vang lên xa xôi.

- Ừ, ngoài năm mươi cả rồi - người đàn bà nhắc lại và lại cười - Có khỏe không?

- Không khỏe, nên mới phải nghỉ việc trước tuổi.

- Việc gì? À, làm gì ở Bình Dương?

- Làm thợ thôi. Công việc nặng lắm. Lúc trẻ làm được chứ yếu rồi là không làm nổi. Vừa rồi Nhà nước xét lại bốn năm đi K hồi xưa, cho bốn triệu chín. Hai đứa con nó bàn tính, đứa lớn nói bố nên đi Sài Gòn kiểm tra chữa bệnh. Đứa nhỏ nói hay bố đi biển chơi vài ngày trước khi về quê. Nó nói ở biển không khí tốt.

- Sao không đi chữa bệnh? 

- Thôi, chả đi. Tiền này nó cũng như lộc trên trời rơi xuống. Mình may còn lành lặn mà về, sống được đến giờ, cũng nên đi chơi một chuyến cho biết biển Nha Trang nó thế nào.

- Về quê là về chơi hay về luôn?

- Về luôn chứ. 

- Phu nhân có chịu về không? 

- Chịu ngay. Bà ấy vào sau, bị buộc phải theo vào để đoàn tụ gia đình, cũng được chục năm rồi nhưng cứ nhắc nhỏm muốn về, quen ở quê có họ hàng làng xóm. Ở đây khu công nghiệp...

- Đã bán nhà được chưa? 

- Có nhà đâu mà bán. Vẫn ở cái nhà thuê mười mấy mét vuông từ hồi mới vào tới giờ. 

- Còn cái nhà ở quê? 

- Vẫn đóng cửa để đấy.

- Đóng cửa để đấy hai mươi năm nay á?

- Có ông bác ở gần đấy, thỉnh thoảng bác sang mở cửa quét tước coi ngó cho. Vườn thì cho bác ấy trồng rau cỏ. Đang tính làm sổ hưu xong sẽ về đấy ở cho rộng rãi. Hồi ấy vì ở quê không có đất, không có ruộng, chẳng biết xoay xở vào đâu nên mới phải tính đường đi đấy chứ. Cũng làm đủ mọi nghề rồi. Khi nào về quê tới chơi nhá. Bình nó cũng ở gần đấy. 

Bình là bạn cùng lứa với họ hồi nhỏ. Sau đó hai người nhắc tới những bạn bè cũ. Người đàn bà kể cho người đàn ông nghe chuyện tháng trước ông bạn tên Bình của họ tới đây du lịch đã gọi cho bà. Sau mấy chục năm lăn lóc bôn ba, lo làm giàu, nay con cái trưởng thành, kinh tế ổn định, có điều kiện chu du đây đó mới nhớ tới bạn cũ. Hôm đó bà đã ngỡ ngàng nhìn người đàn ông ngồi trước mặt. Ông ta khác hoàn toàn với hình ảnh thằng bạn thuở nhỏ trong trí nhớ bà. Hẳn ông ta cũng thấy bà lạ hoắc đi như vậy, hoặc hơn. Ông ta đã hỏi một câu mở đầu rất buồn cười: “Tâm đây hả? Nhìn không giống ngày xưa nữa, nhỉ!”...

Người đàn bà vừa kể vừa cười. Người đàn ông bên kia cũng cười. Ông hỏi thăm về hiện tại của bà, sau đó kết thúc bằng câu “Gặp sau nhé”.

Cuộc gọi dài 30 phút. Người đàn bà tắt điện thoại, theo thói quen định ra mở cửa bancông nhưng chợt nghe tiếng loa vẫn đang phát một quảng cáo gì đó ồn ào như cãi nhau. Biết sao được, quảng cáo trên truyền hình có thể không cần nói nhiều nhưng quảng cáo trên truyền thanh không thể không nói. Vậy mà nãy giờ bà như quên lửng mọi âm thanh bên ngoài.

Cuộc điện thoại vừa rồi cho bà cảm giác như hắn và bà chưa từng im lặng suốt 36 năm qua. Lại có cảm giác như mấy chục năm nay hai người đã ở cách xa nhau đến nửa vòng trái đất chứ không phải chỉ mấy trăm kilômet. Bà không bao giờ nghĩ Ích lại gọi cho bà. Chỉ là bà nghĩ vậy, tin vậy thôi, không có nguyên do gì. 

Và Ích vẫn còn nhớ tất cả. Buổi chiều tháng giêng, sau tết, mưa xuân lạnh ướt át, ấm nước chè tươi ủ nóng và hoa xoan ngoài vườn. Bà ngạc nhiên thấy mình cũng chưa quên gì. “Hồi ấy vì ở quê không có đất, không biết xoay xở vào đâu nên mới phải tính đường đi đấy chứ”.

Nếu là người nào khác nghe câu này sẽ không thấy có gì trong đó, chỉ có bà biết người đàn ông đang phân bua, bào chữa cho quyết sách đã bỏ làng đi của hắn ta. Bây giờ mà vẫn còn tư tưởng đó, thật buồn cười. Bởi vì hồi ấy Ích đã từng thuyết phục bà “đừng đi đâu”. Và còn giận lẫy nói xóc khi bà (lúc đó 17 tuổi) cứ khăng khăng nói “sẽ đi, đi đâu cũng được, nếu có sống ở làng cũng phải sống như một người đã đi rồi quay về”.

Sau đó Ích còn tiếp tục nhắc lại bằng giọng gần như nài nỉ, ngay trong cái thư đầu tiên: “Đừng đi T ạ...”. Khi đó bà không hiểu tại sao và cũng chưa bao giờ hỏi Ích tại sao. Có lẽ vì cả gia đình Ích xưa nay gắn chặt với làng quê, với đồng đất. Ai cũng làm ruộng rất khỏe, rất giỏi và hình như không ai nghĩ đến chuyện đi đâu. 

Gì nữa nhỉ? À, cái tên Huy Ích. Không phải “Ích đây” mà “Lê Huy Ích đây”, như một cách gián tiếp nói với bà hắn ta đã chọn chữ đệm mà chính bà đã tìm cho. Chuyện này thì gần như bà đã quên mất. Cái tên tự xưng “Lê Huy Ích đây” làm bà nhớ lại có một thời ở làng người ta cải tên rất dễ.

Có lẽ đó là thời kỳ đổi tên dễ dàng tùy tiện nhất cho tới nay. Những đứa con gái từ nhỏ bị gọi là cái Gái, cái Tý, cái Tẹo khi lớn lên tha hồ tự đổi tên mình tùy thích. Bà cũng không thích lắm cái tên của mình, nó có vẻ điệu bộ xa cách với xung quanh, lại thêm gần nhà có hai đứa nữa cũng tên Hoa nên mọi người hay gọi ngược tên bà là Hoa Tâm để phân biệt. Rồi sau chỉ gọi là Tâm.

Bọn con trai thì có phong trào bỏ chữ văn, tìm một tên đệm khác có nghĩa hơn cho cái tên, như Nguyễn Tiết Kiệm, Nguyễn Chiến Thắng, Nguyễn Công Trình. Ích cũng theo trào lưu đổi Lê Văn Ích thành Lê Công Ích. Bà không thích chữ công này lắm, nghe cứ như đi lao động công ích. Một hôm bà đọc sách thấy có một người tên Đinh Huy Ích. Bà “à” lên như gặp được, vớ được một chữ ưng ý.

Thế là khi Ích chuẩn bị vào chiến trường bà đã mua một tấm bưu ảnh có in hình một bông hoa trắng (hoa trắng thường thơm). Mặt sau bà ghi dòng chữ: “Chúc Lê Huy Ích lên đường mạnh khỏe. Nhớ viết thư về cho bọn mình nhé”. Bà cứ tự tin, tự tiện ghi vậy, không cần biết Ích có thích tên đệm đó hay không. Năm đó bà 17 tuổi.

Cuộc điện thoại làm người đàn bà bị xáo động cả ngày hôm đó. Rồi tiếp theo ba đêm liền không ngủ được. Cũng không có gì rõ rệt. Bà chỉ không ngủ được. Bà không thể nào hình dung ra người đàn ông ngoài năm mươi là Ích bây giờ. Bây giờ, ngay cả trong ý nghĩ bà cũng không thể gọi Ích là ông.

Trong trí nhớ bà, Ích vẫn là thằng bạn ngày xưa. Anh chàng thanh niên nông dân 18 tuổi của buổi chiều ấy, cách đây 36 năm đến chào tạm biệt bà để đi vào chiến trận. Và bà, cô thôn nữ 17 tuổi đang cầm khăn nón chuẩn bị ra đồng. Cô đã rất vui vì Ích đến đúng lúc ấy, đúng vào lúc cô cầm khăn nón đứng bên gánh mạ như một thôn nữ thật sự.

Cả buổi chiều ấy hai người nói chuyện, châm chọc nhau như ngày thường, không hề lâm ly như bọn trẻ bây giờ chia tay nhau cuối khóa học. Thỉnh thoảng một trong hai lại nhìn ra vườn, chỗ trước cửa có cây xoan non đang nở bung những chùm hoa đầu tiên...

Nhưng khi Ích nghe thấy đứa em gọi về ăn cơm để chuẩn bị đi cùng bạn bè cho kịp giờ tàu, bữa cơm chắc phải đặc biệt hơn mọi ngày, cô gái bỗng thấy thảng thốt. Cảm giác vừa thảng thốt vừa ngùi ngùi và cả bi quan. Ngùi ngùi vì đây có thể sẽ là lần gặp cuối cùng. Biên giới phía Nam là nơi nào xa tít mù, chưa đứa nào biết gì về nơi đó. Thảng thốt vì bỗng chốc nhận ra đã tới lượt mình.

Cứ tưởng sau năm bảy lăm tưng bừng rộn rã cờ hoa ấy sẽ hòa bình từ nay vĩnh viễn. Cứ tưởng lứa tuổi mình lớn lên thì “chiến tranh đã qua, các cuộc cách mạng cũng đã thôi gào thét”, sẽ không bao giờ còn những cuộc chia tay để đi vào chiến trận như thời bố mình, anh chị mình nữa. 

Đấy là một đứa con gái khác, không phải bà.

Đúng rồi. Người đàn bà đã tìm ra cái gì làm bà bị xáo động đến không ngủ được. Không phải vì Ích, mà vì bà. Cuộc điện thoại đã làm bà nhớ lại toàn bộ buổi chiều ấy và hình ảnh của chính bà lúc đó. Đứa con gái 17 tuổi, rạng rỡ, tươi rói và cô quạnh. Nông nổi và mặc cảm. Ngốc nghếch và ưu tư. Đứa con gái biết có những cặp mắt trai làng nhìn theo khi nó đi qua.

Nhưng cũng biết có ánh mắt các bà mẹ của họ liếc nhìn tay chân đứa con gái đã 17 tuổi vẫn chưa biết việc cấy cày.

Buổi chiều đó không phải lần cuối cùng bà gặp Ích. Còn một lần nữa, cách năm năm sau, khi Ích mới từ chiến trường trở về và đây mới là lần gặp cuối cùng. Khi đó cả hai đều đã ngoài hai mươi và đã trải qua năm năm dài không mấy nhẹ nhàng. Nhưng bà không muốn nhớ về lần gặp sau cùng này. Ngoài hai mươi, lúc đó hai người đã định hình hai lối rẽ khác nhau. Sau lần đó bà chỉ lờ mờ cảm thấy hình như mình không hiểu gì về Ích cả. 

Bà có mong gặp người đàn ông trong điện thoại không? Đến ngày thứ ba thì câu trả lời có lẽ là không. Bà không muốn nhìn thấy Ích trong hình hài người đàn ông ngoài năm mươi “không khỏe”. Nó sẽ cạnh tranh gay gắt với hình ảnh chàng trai nông dân mười tám tuổi của ngày xưa. Phần còn lại bà cũng muốn gặp lại một lần, nói chuyện bình thản như những người bạn cũ ở tuổi này, có thể bà sẽ hiểu hơn về gì đó.

Nhưng, bà cũng biết trước hai người sẽ chẳng nói chuyện gì khác hơn những chuyện đã nói qua điện thoại vừa rồi. 36 năm trước đã không ai dám nhích thêm nửa bước để nói gì khác thì giờ mọi chuyện chỉ nhắc lại để cười vui. Khó chịu nhất là cảm giác bất lực vì bà không giúp gì được. Bà biết cảm giác bất lực làm người ta khó chịu thế nào.

Ba ngày nay bà luôn có ý nghĩ mình đã ngẫu nhiên được hưởng nhiều may mắn hơn. Nhưng thôi, quan trọng gì đâu mà phải nghĩ. Cứ để ngày thứ bảy đến rồi đi. 

Sáng thứ bảy, điện thoại reng lúc sáu giờ. Sớm vậy? Bà nghĩ và vui vẻ nói: “Tôi nghe đây. Tới chưa. Đang ở đâu?”.

- Vẫn đang ở Bình Dương. Lại không đi được rồi. Đúng là nói trước...

- Có chuyện gì à? 

- Không có chuyện gì. Nhưng mới xin được việc làm thêm ở cái công ty gần nhà. Họ cần người làm ngay. 

- Nhưng nhắm có làm được không?

- Được. Việc cũng nhẹ thôi, vừa sức mình, công ty tư nhân ấy mà, làm ngày nào ăn lương ngày ấy, chả có chế độ gì. Nhưng thôi gắng làm một thời gian nữa lo cho đứa nhỏ nó học xong rồi tính sau. Lấy vợ muộn nên cha đã già mà con còn học. 

- Không định về quê nữa hả?

- Về chứ, nhưng giờ thì chưa. Ở đây dù sao cũng còn có việc làm. Mấy hôm trước cứ bồn chồn sốt ruột, đứng ngồi không yên. Mình dân lao động quen làm việc rồi, nay tự nhiên về nghỉ, ngồi không, không chịu nổi. Thế là lùng hỏi số điện thoại của mọi người, gọi tứ tung.

- Nhưng còn bệnh cột sống thì sao, không đi chữa thật à? 

 - Bệnh nghề nghiệp ấy mà, chỉ cần không làm việc nặng thì nó ít đau. Ở đây có ông thầy lang chữa thuốc nam nghe nói hay lắm. 

- Ừ, thôi. Có việc làm thì mừng rồi. Ở đây cũng có một ông thầy thuốc nam nghe đồn cũng giỏi, để tôi hỏi xem sao. 

- Hôm trước tôi nói đùa đấy, tôi có biết biển rồi. Mấy năm trước công đoàn nhà máy có tổ chức cho đi Nha Trang một lần. Nhưng lúc ấy...

- Không có số điện thoại đúng không. Với lại đi theo đoàn thời gian chắc kín hết?

- Lúc ấy... nghĩ bạn bè nhiều đứa nó ở quê lại thành đạt, mình đi thì lại...

- Có một vài đứa thành đạt thôi, không phải nhiều. Thôi thì trời cho sao được vậy. “Bắt ở trần phải ở trần. Cho áo thun mới được phần áo thun” còn gì? 

- Ừ. (Bên kia người đàn ông cũng cười). Bắt ăn mì phải ăn mì. Cho cao lương mới được bì cao lương. Hồi ấy gọi là bo bo chứ nhỉ.

- Ừ, bo bo.

- Thôi đến giờ đi làm rồi, phải tắt máy đây. Chỗ này người ta không cho nghe điện thoại trong giờ làm việc. Gặp sau nhé. 

Người đàn bà bỗng thấy lặng hết mọi xao động. Như có một cơn gió đột ngột cuốn xoáy lá bụi lên mù mịt. Rồi gió đi qua, lá bụi rơi xuống trở lại nằm im trên mặt đất. Bà mở tủ lục tìm cuốn album cũ trong đó lưu giữ tấm ảnh từ mấy chục năm trước. Không có ảnh nào của Ích, nhưng có ảnh một thằng bạn cùng lứa của cả hai người. “Nó” cũng đi năm ấy và đã không trở về. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận