ADN có nói dối?

NGUYỄN VŨ 24/03/2019 21:03 GMT+7

TTCT - Trong lịch sử điều tra hình sự của thế giới, nhiều trường hợp rơi vào bế tắc, không xác định được ai là thủ phạm chỉ vì kẻ tình nghi có thêm người anh em song sinh, cùng chia sẻ những đặc điểm di truyền trùng hợp đến nỗi xét nghiệm ADN cũng không phân biệt được.

Minh họa
 

Tờ New York Times kể một vụ điển hình như thế: Một buổi tối tháng 11-1999, một cô gái 26 tuổi bị cưỡng hiếp tại bãi đỗ xe. Cảnh sát điều tra, thu được mẫu tinh dịch của kẻ thủ ác nhưng xét nghiệm ADN không trùng hợp với những mẫu có trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát.

Vụ án đi vào ngõ cụt thì 5 năm sau, tình cờ một kẻ đang thụ án trong một vụ án khác nộp đơn xin giảm án, đơn có kèm mẫu ADN và mẫu này hoàn toàn trùng khớp với mẫu ADN thu giữ trong vụ án trước đó. Tưởng chừng như tóm cổ được thủ phạm thì nảy sinh một rắc rối: kẻ tình nghi lại có một người em sinh đôi, thử ADN cũng trùng khớp, không ai có thể xác định kẻ nào là tội phạm, người nào vô tội. Thế là bên công tố bó tay, không biết phải truy tố ai - vụ án vẫn còn để ngỏ trong gần 20 năm qua.

Trước hết phải nói qua về xét nghiệm ADN trong điều tra hình sự. Các nhà khoa học phát hiện họ chỉ cần một ít mẩu như da, tóc, máu có chứa gen của một người là có thể xác định mẩu đó thuộc về người này, chứ không phải của người kia.

Đó là bởi bộ gen người tập hợp chứa đựng toàn bộ thông tin di truyền của một người được mã hóa trong ADN, lại có các đoạn gọi là STR (short tandem repeats - các trình tự lặp lại ngắn) không ai giống ai. Bởi các đoạn STR không ai giống ai, nên chúng được dùng như kiểu một dấu vân tay ADN. Các nhà nghiên cứu xác định được 13 STR có thể dùng để phân biệt người này với người khác khi xét nghiệm ADN. Xác suất tất cả 13 STR này hoàn toàn giống nhau giữa hai người không liên quan là 1 phần 1.000 tỉ, tức là cực kỳ thấp.

Kể từ thập niên 1990, xét nghiệm ADN để truy tìm thủ phạm trở nên một loại vũ khí hữu hiệu của cơ quan công lực. Sau này, người ta dùng kỹ thuật đó để xác định cha con nữa. Nhưng với các cặp song sinh cùng trứng thì khoa học bó tay.

Chẳng hạn, báo New York Times kể năm 2004, một bà kiện đòi một ông cấp dưỡng cho một đứa bé mà bà này nói là con của ông kia. Khổ nỗi ông kia có thêm người anh song sinh, xét nghiệm ADN truy tìm cha con thì cả hai mẫu đều dương tính. Vị thẩm phán xét xử vụ này cho biết xét nghiệm máu cả hai anh em đều cho kết quả cả hai đều có thể đến 99,999% là cha đứa bé - vậy bắt ai phải cấp dưỡng đây?

Thế nhưng theo tờ New York Times, nay đã có những kỹ thuật phân biệt thật giả trong các ca này nhờ đột phá trong lãnh vực di truyền học. Anh em song sinh cùng trứng tách ra thành hai phôi thai vẫn có khả năng các tế bào sinh sản sau đó có những đột biến khác nhau.

Trước tiên, các nhà khoa học tại Đại học Hanover, Đức tự hỏi nếu bây giờ họ phân biệt hai anh em song sinh nhưng không chỉ dựa vào 13 đoạn STR, mà dùng cả ngàn đoạn STR thì sao. Thí nghiệm thất bại vì cả ngàn STR cũng không giúp phân biệt anh em song sinh dựa vào vân tay ADN. Nhờ chi phí giải trình tự ADN giảm xuống đáng kể, các nhà khoa học mới nghĩ đến khả năng so sánh toàn bộ bộ gen hai anh em sinh đôi xem sao.

Eurofins Scientific, một phòng thí nghiệm ở Bỉ, dùng các cặp tình nguyện để thử phân tích, kết quả họ xác định được chính xác con các cặp này. Cùng lúc này, tại Boston đang đau đầu vụ án Dwayne McNair. Tay này là kẻ tình nghi trong hai vụ cưỡng hiếp, ADN cũng xác nhận điều đó, nhưng kẹt một chỗ Dwayne có người em sinh đôi tên Dwight, xét nghiệm ADN cũng y chang anh mình. May là kẻ tình nghi thứ nhì thú tội, khai Dwayne là đồng phạm nhưng không có bằng chứng nào củng cố lời khai.

Dwayne McNair trong phiên tòa suýt nữa thì bế tắc vì kết quả xét nghiệm ADN trùng khớp hoàn toàn với người em sinh đôi của anh ta. (Ảnh: Boston Herald)

Đọc được thí nghiệm của Eurofins Scientific, công tố Boston quyết định bỏ ra 130.000 đôla chi phí nhờ nơi này xác định thủ phạm. Ba tháng sau, kết quả trả về cho thấy thủ phạm đúng là Dwayne nhưng khi tòa xét xử, luật sư bị cáo yêu cầu tòa không chấp nhận kết quả này vì kỹ thuật quá mới, chưa được thẩm định chắc chắn.

Cuối cùng, thẩm phán đành nghe theo vì chưa có phòng thí nghiệm nào khác lập lại được một cuộc xét nghiệm như thế. Quyết định này không chỉ làm công tố Boston thất vọng, công tố ở vụ án nói đầu bài lúc đầu định nhờ Eurofins Scientific sau cũng rút lại.

Rất may vụ án Boston cuối cùng cũng đem ra xử dựa vào lời khai của thủ phạm thứ hai, Dwayne bị kết án 16 năm tù giam vào tháng 1-2018. Kỹ thuật giải trình tự toàn bộ ADN của hai anh em sinh đôi để xác định thủ phạm, hay truy tìm cha con có lẽ phải chờ trong phòng thí nghiệm thêm một thời gian - dù sao các vụ như thế chiếm vài phần trăm các vụ dân sự xác định cha con, hình sự thì hiếm hơn; cộng lại cả hai mảng chừng 1% - cũng đáng nghiên cứu để phân biệt thật giả.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận