Ai cũng có thể trở thành bác sĩ

ĐÔN LAI 06/10/2013 10:10 GMT+7

TTCT - Trước tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện hiện nay, Hiệp hội các bác sĩ viết chữ đẹp không biên giới đã nhóm họp để đề ra các giải pháp nhằm cứu nguy nền y tế nước nhà.

Phóng to

Trong số các tham luận đọc tại hội nghị, gây tranh luận nhiều nhất là bài phát biểu của giáo sư Dương Tất Cương. Giáo sư Cương khẳng định cách duy nhất để giảm tải bệnh viện hiện nay là đào tạo bệnh nhân thành bác sĩ.

“Khắp nơi người ta đào tạo ngành y, có nơi chỉ lấy điểm đầu vào hơn trung bình một tí, thế thì tôi tin bệnh nhân cũng có thể đào tạo thành bác sĩ được - giáo sư ôn tồn - Vì không ai yêu thương bệnh nhân bằng chính bệnh nhân được”.

Ngay lập tức phía dưới đã có một số ý kiến phản đối.

Một đại biểu giật lấy micro đứng lên sùi bọt mép: “Tôi đề nghị giáo sư xem lại lời nói. Chúng tôi ở đây phần lớn là yêu thương bệnh nhân hơn chính bệnh nhân. Đơn thuốc nào tôi cũng kê loại đắt nhất, bổ sung ba loại thuốc bổ ngoại nhập, đau mắt hột hay đứt tay tôi cũng cho đi chụp cắt lớp, xét nghiệm nước mũi, siêu âm bàng quang kỹ lưỡng, nhất quyết không bỏ sót điều gì. Nhờ đó mà trong năm qua tôi đã phát hiện 52 bệnh nhân nghèo, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, giảm tải cho bệnh viện, nhận được tuyên dương của tập thể”.

Một đại diện của bảo hiểm xã hội tỉnh có mặt trong hội nghị cũng khẳng định ngành y từ trước tới nay vẫn yêu bệnh nhân hơn chính họ, vì mỗi người nghèo trong tỉnh ông đều được cấp tới hai thẻ bảo hiểm y tế giống hệt nhau.

Tuy nhiên, giáo sư Cương vẫn điềm tĩnh đọc tiếp tham luận. Theo giáo sư, lộ trình đào tạo bệnh nhân thành bác sĩ hiện nay rất đơn giản, gồm có ba bước:

1. Thi tuyển đầu vào: Căn cứ trên tiêu chí tuyển sinh các khoa đào tạo y/dược nhiều trường đại học trên cả nước, thì bệnh nhân trúng tuyển chỉ cần biết làm phép nhân và phép cộng là đủ.

“Năm vỉ Paracetamol có giá 25.000 đồng, mỗi gói Marlboro có giá ít hơn một vỉ Rovamicine 2.000 đồng. Hỏi hoa hồng mà bác sĩ nhận được khi kê 20 vỉ Penecilin là bao nhiêu tiền?” - giáo sư đưa ra ví dụ về đề thi toán. Ngay lập tức đã có một số ý kiến phản đối vì đề thi quá rộng, lại còn có cả phép trừ.

2. Đào tạo lâm sàng: Do bệnh nhân đã ở sẵn bệnh viện nên việc đào tạo nên đi ngay vào thực nghiệm. Mỗi bệnh nhân được chỉ đạo chữa cho một số lẻ các bệnh nhân khác, nếu tỉ lệ tử vong ở dưới mức 50% là đạt yêu cầu.

3. Tập viết tường trình: “Tôi đi dự các cuộc họp chuyên môn thấy các anh viết tường trình rất chán. Viết ngây ngô mà phức tạp như thế thì người nhà nạn nhân, à xin lỗi, người nhà bệnh nhân người ta không thể thông cảm được” - giáo sư Cương bức xúc.

Trong số các ý kiến tranh luận, đáng chú ý nhất có phần phản biện của ông Luo Guan Zhong, giám đốc một công ty du lịch lữ hành. Ông Luo không phải là bác sĩ nhưng có mặt tại hội nghị vì mỗi năm ông cung cấp cho hệ thống phòng khám tại các thành phố rất nhiều bác sĩ.

“Tôi chẳng hiểu sao phải tốn công đào tạo bác sĩ. Tôi chỉ đóng visa du lịch lên hộ chiếu của anh công nhân, chị cave ở nước ngoài đem về là họ bắt mạch kê đơn rất thuần thục, nhiều năm nay chưa thấy ai chết. Ấy thế mà thỉnh thoảng ta lại khiến họ phải trốn lên mái nhà ở, thật không phải”.

Trong khi đó, một đại biểu khẳng định rằng trước mắt để cải tổ ngành y tế thì cần đào tạo thêm nhân viên đánh máy chứ không phải bác sĩ. “Mỗi lần phát sinh vấn đề là chúng tôi phải đuổi việc một nhân viên đánh máy. Trong tháng vừa rồi chúng tôi có hai bệnh nhân nam bị ung thư cổ tử cung và hai bệnh nhân nữ viêm tinh hoàn, hiện đang thiếu nhân viên đánh máy trầm trọng”.

Cuộc hội thảo kết thúc mà vẫn chưa có kết luận cuối cùng nào được đưa ra. Giáo sư Cương tuyên bố ông chắc chắn sẽ trình đề án này lên Liên Hiệp Quốc để ai cũng có cơ hội được trở thành bác sĩ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận