Ai đã trả lời chú mèo?

PHÙNG HI 21/11/2012 18:11 GMT+7

TTCT - Sáng sớm hay chiều hôm ở nông thôn thường bắt gặp hình ảnh ngộ nghĩnh, dễ thương: con mèo trèo lên cây cau.

Phóng to
Tranh: Lê Thiết Cương

Mèo ta trèo lên thân cau như cây cột đứng giữa trời, rồi tụt xuống đất với hai tay không, năm lần bảy lượt như thế nhưng ít khi bắt được chuột nên ngày xưa mới có “thi nông” ứng khẩu một bài ca dao rất hợp cảnh, hợp lòng:

Con mèo trèo lên cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.

Serie phim hoạt hình Tom & Jerry hàng trăm tập nhưng đến nay vẫn chưa có tập phim nào nói về câu chuyện Con mèo trèo lên cây cau. Có khi nên mời Hãng sản xuất Metro - Goldwyn - Mayer cho người sang Việt Nam một chuyến đặng làm tập phim mèo Tom trèo lên cây cau, bổ sung vô Tom & Jerry để thêm phần đa văn hóa, đa bản sắc, thắt chặt thêm tình hữu nghị rất nhân văn giữa mèo và chuột sau liên miên những trận tranh chiến bất phân thắng bại.

Xin quay lại bài ca dao. Mèo bắt chuột là để ăn thịt, không thể khác hơn. Nhưng với mấy câu ca dao trên thấy người nông dân Việt Nam thật khéo hài hước. Xem nào, mèo vờ ân cần hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà như hỏi thăm một bạn hữu lâu ngày không gặp, như ông anh tốt bụng hỏi thăm thằng em chuyện làm ăn độ nhật. Vấn đề đặt ra là ai đã trả lời cho mèo ta rằng:

Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.

Có mấy phương án sau:

Một, có thể chú chuột đã dán thông báo “Tôi đi chợ mua mắm, mua muối về giỗ cha anh đây”. Tôi coi cha anh cũng như cha tôi thôi, ân nghĩa tràn đầy, anh không thấy sao. Mèo xem thông báo, hả lòng hả dạ rồi rút êm. Quả là chuột đã rất khéo léo ăn ở với kẻ mạnh, sống an toàn bên kẻ mạnh. Nhưng liệu có thể phỉnh mèo mãi như thế được không? Được chứ, hết giỗ cha mèo đến giỗ mẹ mèo, ông nội mèo, đến ông cố ông cao mèo… Vấn đề là giỗ mà không mời.

Hai, có thể tác giả bài ca dao thấy mèo về tay không, cố ý chế giễu, chọc quê mèo: Chú chuột đi chợ đường xa / Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo. Tác giả theo lẽ thường tình nghiêng về kẻ yếu chống lại kẻ mạnh. Kiểu nói mua mắm, mua muối là theo nghĩa nhún nhường, khiêm tốn thường thấy ở người nông dân: “Ngày mai nhà tôi làm mâm cơm giỗ cha, mời anh tới chơi”. Nhưng trên thực tế là bữa giỗ linh đình, rượu thịt no say.

Ba, có thể gia đình nhà chuột thay mặt chú chuột vắng nhà, giả tảng đáp lại sự “ân cần hỏi han” của mèo để cầu một sự bình an, xóa nhòa ranh giới giữa kẻ mạnh và kẻ yếu. Mạnh dùng sức, yếu dùng chước là vậy.

Tư, sau cùng giả thiết vững nhất là mèo đã tự trả lời, tạo phép thắng lợi tinh thần khi hỏng ăn theo kiểu con cáo không hái được chùm nho đành tặc lưỡi nho còn xanh quá, rồi mèo ta tụt xuống đất. Ở đây mèo còn nâng phép thắng lợi tinh thần lên mức cao nhất: “Nó đi chợ về giỗ cha ta ấy mà!”. Ái chà, không chừng kẻ ở đền Thổ Cốc (*) phải bái mèo làm sư phụ chứ chẳng chơi. Nhiều người vẫn thích giả thiết này hơn, để bài ca dao mang hơi hướm văn chương bác học, hoặc cũng có thể vì cái thói ưa dùng phép thắng lợi tinh thần đã ăn sâu bén rễ quá rồi.

Nói vậy thôi, chứ ai trả lời mèo không quan trọng. Vấn đề là đến nay dẫu sóng gió chiến chinh thế nào giữa mèo và chuột, giữa Tom và Jerry thì mèo vẫn hoàn mèo và chuột cứ điềm nhiên tồn tại. Ở đời chả biết ai mạnh, ai yếu. Anh là anh, tôi là tôi. Thắng thua chỉ nhất thời.

____________

(*): Chốn cư ngụ của AQ - nhân vật trong truyện AQ chính truyện của văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận