Ai hưởng lợi từ giá lúa gạo?

ĐỨC VỊNH 12/11/2013 23:11 GMT+7

TTCT - Trong những năm như 2008, 2011, 2012, khi giá lúa gạo ở mức cao nhất, các tính toán cụ thể cho thấy nông dân lại hưởng lợi ít nhất.

Phân tích của nhiều chuyên gia và điều tra thực tế của TTCT đăng tải trước đây đã liệt kê những gánh nặng thuế, phí, tình trạng đói vốn sản xuất triền miên của nông dân và sự loay hoay của chiến lược xuất khẩu gạo... 

Chuyên đề kỳ này là một cái nhìn cận cảnh hơn vào những chi phí đầu vào của sản xuất lúa gạo, sự hưởng lợi của khâu trung gian và việc thiếu vắng tiếng nói của nông dân trong quá trình ban hành chính sách liên quan.



Phát hiện lúa bị lem lét hạt, ông Trương Văn Thước, xã Định An, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) chạy vạy quanh xóm mượn tiền để mua thuốc. Đến đại lý vật tư nông nghiệp, ông hỏi mua mấy chai Amistar Top, mỗi chai giá 285.000 đồng. 

Dù người bán khuyên ruộng mới nhiễm bệnh thì chỉ nên dùng loại thuốc khác có giá mỗi chai 130.000 đồng cho đỡ tốn kém, bởi hai loại thuốc đều cùng thành phần, hàm lượng hóa học, nhưng giải thích thế nào ông Thước vẫn nhất quyết chọn mua Amistar Top. “Lâu nay cánh nông dân tụi tui quen xài nó rồi, loại thuốc khác chưa từng xài qua chưa biết thế nào” - ông Thước nói. 

Xài “hàng hiệu”

Tương tự, lúa bị bệnh đạo ôn dù được chỉ dẫn chỉ cần dùng thuốc Beam của Công ty TNHH Á Châu với giá 38.000 đồng/thẻ, nhưng bà Lê Thị Bích (xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) vẫn mua chục thẻ thuốc Beam của Công ty Dupont (Mỹ) giá tới 90.000 đồng/thẻ kèm vài thứ thuốc khác cùng phòng trị bệnh này. Bà bảo lúa nhiễm bệnh thì đằng nào cũng tốn tiền, thà xài “hàng hiệu” và kèm thêm vài thứ thuốc nữa cho chắc ăn. 

“Nông dân tụi tui thấy trên đài nói nhiều về lúa bị bệnh nào thì sử dụng thuốc gì nên cứ nghe theo đó mà mua thôi” - bà Bích chân chất giải thích.

Nhiều cán bộ khuyến nông cho biết hiện nay kinh nghiệm và kiến thức của nông dân đủ khả năng xác định đúng lúa đang bị nhiễm loại sâu bệnh nào, nhưng điều trị và cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thì vẫn rất mù mờ. Phần lớn bà con không để ý phân biệt thành phần hóa học trong sản phẩm, thường tự chọn mua sản phẩm nào quảng cáo nhiều trên các đài phát thanh, truyền hình hay được giới thiệu qua các tờ rơi, tài liệu quảng cáo. 

Vấn đề là các công ty lớn thì quảng bá sản phẩm thuốc BVTV của họ trên các phương tiện truyền thông ra rả hằng ngày, liên tục tổ chức hội thảo hướng dẫn sử dụng thuốc của đơn vị mình sản xuất, thậm chí còn đưa nhân viên xuống tận đồng ruộng tiếp thị bán hàng. 

Qua nhiều năm, thói quen xài “hàng hiệu” theo quảng cáo đã ăn sâu, dù “hàng ngoại” luôn có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm có cùng thành phần/chức năng của những công ty “thường thường bậc trung” trong nước sản xuất. 

Không nhiều đại lý vật tư nông nghiệp “có lòng” tư vấn thiệt thà như chủ đại lý mà ông Thước đến mua, tại nhiều đại lý thường thấy chuyện người bán mạnh tay “bốc” những thứ thuốc BVTV của những công ty lớn có tên tuổi. Ngay cả khi lúa mới nhiễm một loại bệnh thông thường, họ cũng nài bà con xài sản phẩm khá mắc tiền của mấy đơn vị này. 

Một số cán bộ nông nghiệp tiết lộ sở dĩ như vậy là vì ngoài tâm lý nông dân xài theo quảng cáo thì các đại lý cố gắng đẩy hàng ra cho đạt chỉ tiêu doanh số đã đăng ký với các công ty. 

“Tỉ lệ chiết khấu hoa hồng tùy theo doanh số, doanh số cao thì được hưởng chiết khấu cao hơn. Vì áp lực đó, lỡ đã ôm hàng vô, buộc đại lý phải cố bán cho hết, nên cách duy nhất là dụ bà con xài những loại thuốc mắc tiền” - ông Châu Văn Thi, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành (An Giang), giải thích.

Chỉ có những chủ đại lý vật tư nông nghiệp có trồng lúa diện tích lớn mới thấu hiểu chuyện này. Nhiều người cho hay trước kia thường bán và sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp tên tuổi, nhưng khi bán những sản phẩm của công ty “thường thường bậc trung” trong nước, họ đều sử dụng khảo nghiệm trên ruộng nhà. Thấy các loại thuốc này điều trị bệnh hiệu quả, chi phí thấp nên họ chỉ dẫn cho nông dân dùng. 

“Nếu nắm vững kỹ thuật, biết sử dụng thuốc có chất lượng do những công ty trong nước sản xuất sẽ giảm được 40% chi phí về thuốc BVTV, nhưng phần lớn nông dân chưa biết được điều này mà cứ thấy hàng nào quảng cáo nhiều trên tivi, đài là dùng” - ông Lê Văn Nghiêm, chủ đại lý ở Bình Mỹ, Châu Phú (An Giang), nói.

Phân phối lợi nhuận giữa các tác nhân của chuỗi giá trị xuất khẩu năm 2012:


Tác nhân

Tổng chi phí VND/kg

Chi phí gia tăng VND/kg (%)

Giá bán  VND/kg

Lợi nhuận  VND/kg (%)

Lượng trung bình (tấn)

Tổng lợi nhuận 000/VND

Nông dân

3.800

3.800

63%

4.850

1.050

55%

26

27.300

Thương lái

4.900

1.100

18%

5.500

600

32%

500

300.000

DN xuất khẩu

6.000

1.100

18%

6.250

250

13%

100.000

25.000.000




Mua thuốc, gánh luôn... chi phí quảng cáo


Trong những năm như 2008, 2011, 2012, khi giá lúa gạo ở mức cao nhất, các tính toán cụ thể cho thấy nông dân lại hưởng lợi ít nhất. Phân tích của nhiều chuyên gia và điều tra thực tế của TTCT đăng tải trước đây đã liệt kê những gánh nặng thuế, phí, tình trạng đói vốn sản xuất triền miên của nông dân và sự loay hoay của chiến lược xuất khẩu gạo... Chuyên đề kỳ này là một cái nhìn cận cảnh hơn vào những chi phí đầu vào của sản xuất lúa gạo, sự hưởng lợi của khâu trung gian và việc thiếu vắng tiếng nói của nông dân trong quá trình ban hành chính sách liên quan.


Nhiều nông dân kể cách đây bốn năm giá lúa thường trên 5.000 đồng/kg, giá phân bón trung bình ngoài 200.000 đồng/bao nên trồng lúa có lợi nhuận từ 3 triệu đồng mỗi công (1.000m2). 

Mấy năm gần đây, giá lúa nhiều lần xuống dưới 4.000 đồng/kg nhưng giá phân bón thường trên 500.000 đồng/bao, bên cạnh đó giá thuốc BVTV, dầu, điện đều tăng cao làm chi phí trong sản xuất, thu hoạch đều đội lên khiến thu nhập của họ giảm mạnh, nhiều vụ lúa rớt giá khiến nông dân gánh chịu thua lỗ. 

Theo TS Lê Văn Bảnh - viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, để đảm bảo an ninh lương thực và để có lượng lớn gạo phục vụ xuất khẩu, việc phát triển trồng lúa ở ĐBSCL tập trung theo hướng tăng năng suất, sản lượng nên cần phải sử dụng nhiều phân bón, thuốc BVTV. 

Gần đây do tăng vụ, gối vụ khiến cỏ dại và sâu bệnh có điều kiện phát triển, nông dân phải tăng lượng phân bón, thuốc đáng kể. Dùng càng nhiều phân bón, thuốc hóa học, càng kích thích sâu bệnh phát triển, dẫn tới càng phải dùng lượng thuốc BVTV nhiều hơn. 

“Trong đà tăng giá các loại vật tư nông nghiệp liên tục, nông dân kẹt cứng trong cái vòng luẩn quẩn ấy” - ông Bảnh nhận định.

Chính việc dùng nhiều thuốc BVTV không đúng chỉ định cũng làm tăng giá thành trong sản xuất lúa. Theo một số kỹ sư nông nghiệp, để phòng trị mỗi thứ bệnh, thị trường có rất nhiều sản phẩm thuốc BVTV của các công ty khác nhau với giá bán chênh lệch khá xa. Các sản phẩm ấy có cùng nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu, các công ty chỉ gia công sang chiết đóng gói, vô chai để làm ra từng loại thành phẩm có thành phần, hàm lượng hóa chất giống nhau nên chất lượng, công hiệu hơn kém nhau chẳng bao nhiêu. 

Những công ty trong nước nhập nguyên liệu trực tiếp để sản xuất rồi bán hàng thẳng xuống đại lý luôn có giá bán rẻ hơn, tuy nhiên do khâu quảng cáo tiếp thị hạn chế nên nông dân chưa sử dụng sản phẩm của họ rộng rãi. Trong khi đó những công ty tên tuổi luôn mạnh tay chi cho việc phát triển thị trường nên chiếm được thị phần lớn. 

“Có thể nói các doanh nghiệp tầm cỡ chi cho khâu quảng cáo, tiếp thị rất lớn và nông dân mình mua sản phẩm giá cao bởi gánh luôn khoản chi phí này”- ông Huỳnh Văn Gần, giám đốc Sở Công thương Kiên Giang, nhận định. 

Cả nước hiện có khoảng 300 công ty cung ứng, sản xuất, phân phối thuốc BVTV với trên 3.500 tên thuốc thương mại được lưu hành. Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), có tới 99% thuốc BVTV (gồm nguyên liệu và thành phẩm) sử dụng trong nước được nhập khẩu từ nước ngoài, mà phần lớn từ Trung Quốc. Chỉ riêng trong năm 2012, số lượng nhập khẩu hơn 103.000 tấn với giá trị khoảng 700 triệu USD. 

Thường doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu về để gia công sang chiết, đóng gói thành những chai gói nhỏ rồi gắn tên thương mại của đơn vị mình để đưa ra thị trường, bán cho nông dân sử dụng. Từ đó giá sản phẩm hoàn toàn do các công ty định đoạt, mặc sức thao túng, khó có thể kiểm soát.

Giá thuốc BVTV cao còn vì công ty lớn lấy lý do phải mua quyền phát minh sáng chế hoạt chất của nhà cung cấp nguyên liệu. Đơn cử, trước kia sản phẩm Chess trị rầy của Syngenta (do Công ty BVTV An Giang phân phối) đăng ký bảo hộ độc quyền năm năm nên lúc đầu đưa ra thị trường giá tới 36.000 đồng/thẻ. Lợi dụng việc “một mình một chợ” này, vào những lúc có dịch bệnh, nhà phân phối cung ứng hàng nhỏ giọt tạo ra những đợt hút hàng. 

Nhiều đại lý kể để mua được thuốc, họ bị ép phải mua kèm vài thứ thuốc khác, chẳng hạn mua năm thùng Chess phải mua kèm một thùng Cruiser (dùng ngâm lúa giống) và một thùng Sofit (trừ cỏ dại). Từ đó giá bán sản phẩm bị đẩy gấp đôi. Sau năm năm, các công ty khác cũng mua được hoạt chất này để làm ra nhiều sản phẩm tương tự, giá bán của Chess xuống còn 22.000 đồng/thẻ. 


Giá gạo xuất khẩu (FOB) so với giá cổng trại ở ĐBSCL (USD/tấn) - Nguồn: Agroviet - Đồ họa: L.T.



Nguồn: VHLSS 2006, 2008 và 2010


“Ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai”

Tại huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), thu hoạch xong lúa vụ thu đông, chờ mãi mà không thấy thương lái đến mua, nông dân đành phải thuê xe công nông chở lúa về nhà phơi rồi trữ lại, hơn nửa tháng sau mới bán được cho hàng xáo với giá lúa khô 4.400 đồng/kg. Mức giá này đã không có lãi, nếu trừ thêm các khoản hao hụt, chi phí chuyên chở về nhà thì hoàn toàn lỗ. 

Còn ở những cánh đồng vừa thu hoạch mới đây, nhằm lúc giá lúa tăng trở lại, nông dân may mắn kêu được bạn hàng xuống mua lúa tươi ngay tận ruộng lúc vừa gặt xong, được giá 4.500 đồng/kg. 

“Từ hồi nào đến giờ dân trồng lúa tụi tui bán lúa chỉ biết trông mỗi vào cánh thương lái thôi, giá cả bao nhiêu đều do họ đưa ra, giá thấp thua lỗ cũng phải bán. Mình làm ra hạt lúa nhưng mọi thứ đều do người khác định đoạt” - bà Bùi Thị Hoài, xã Đông Thạnh A, nói.

Lúa mua ở những cánh đồng trên địa bàn huyện Tân Hiệp, thương lái thường đưa về xay ở những nhà máy xay xát nằm dọc bờ kênh Cái Sắn, loại gạo xô thu được lại đem bán cho doanh nghiệp chế biến ở huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ). Tại đây, gạo xô qua công đoạn chà, lau bóng để thành gạo thành phẩm rồi phân loại, cho vô bao 50kg đem lưu kho một thời gian, sau đó chuyển lên sà lan giao cho đơn vị xuất khẩu gạo ở TP.HCM. 

“Những doanh nghiệp chế biến như chúng tôi chỉ làm trung gian, đảm nhận khâu gia công cho đầu mối xuất khẩu” - ông Lê Văn Thành, chủ doanh nghiệp chế biến lương thực ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, nói.

Cánh thương lái thì lại nói tuy họ mua lúa trực tiếp từ nông dân nhưng giá cả vẫn do các doanh nghiệp quyết định. Quy trình thu mua được họ khái quát như sau: sau khi có hợp đồng xuất khẩu, gần đến đợt giao hàng, đơn vị xuất khẩu hợp đồng với một số doanh nghiệp chế biến lương thực cung ứng gạo thành phẩm cho họ. 

Căn cứ số lượng và mức giá từ đơn vị xuất khẩu đưa ra, nhóm doanh nghiệp chế biến đặt hàng một số cơ sở xay xát cung cấp gạo xô (gạo nguyên liệu), sau đó những cơ sở này lại đặt hàng với thương lái. Cuối cùng, các hàng xáo rảo đi thu mua lúa khắp nơi đem về xay xát để giao gạo xô cho họ. Dựa vào mức giá gạo xô do cơ sở gia công đưa ra, sau khi trừ các khoản chi phí đi lại, vận chuyển, bốc vác..., hàng xáo đưa ra giá thu mua lúa của nông dân tại ruộng. 

Trong chuỗi thu mua ấy, mỗi công đoạn thu mua chế biến đều hưởng lợi một khoản đáng kể. Cụ thể lúc này tại đồng bằng sông Cửu Long, giá mỗi ký gạo thành phẩm chưa vô bao tại mạn loại 5% tấm là 7.950 đồng, loại 15% tấm là 7.600 đồng, loại 25% tấm là 7.400 đồng; còn giá gạo xô loại làm ra gạo 5% tấm là 7.150 đồng, loại làm gạo 25% tấm giá từ 6.900-7.000 đồng. 

Từ mức giá này nếu quy ra giá lúa khô sẽ từ 6.000 đồng/kg, nhưng thực tế giá thu mua lúa khô tại một số tỉnh trong vùng chỉ khoảng 5.000 đồng/kg, còn lúa tươi tại ruộng chỉ 4.400-4.500 đồng/kg. Như vậy, khâu trung gian đã hưởng trên mỗi ký lúa gần 1.000 đồng, trong khi cả một mùa vụ ròng rã hơn ba tháng làm lụng vất vả, nông dân chỉ lãi vài trăm đồng.

Mà “đó là nhằm lúc lúa được giá, lúc tiêu thụ khó khăn mức lãi của nông dân thấp hơn nhiều, thua lỗ cũng nhiều” - ông Nguyễn Minh Nghĩa, phó Phòng NN&PTNT huyện Tân Hiệp, Kiên Giang, cho hay.

“Trong chuỗi sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, phần được hưởng lợi nhiều nhất thuộc về những đơn vị cung ứng phân phối phân bón, thuốc BVTV, tiếp đến là đầu mối xuất khẩu gạo, sau đó là các doanh nghiệp thu mua chế biến và thương lái. Họ chỉ kinh doanh đã kiếm lời trên 70%, còn nông dân được hưởng lợi thường không tới 30%” - GS.TS Võ Tòng Xuân đúc kết. 


----------------------

Nông dân và chính sách

Nghiên cứu về chuỗi giá trị gạo xuất khẩu tại An Giang cho thấy những bất cập trong phân phối lợi nhuận. Nông dân phải bỏ ra tới 70% tổng chi phí sản xuất lúa nhưng vẫn đang “phấn đấu” để đạt được khoảng 30% lợi nhuận trong chuỗi giá trị, phần còn lại do các doanh nghiệp xuất khẩu và đầu mối trung gian hưởng. 


Nông dân Thường Phước 2, Hồng Ngự (Đồng Tháp) thu hoạch lúa - Ảnh: Đức Vịnh


Trong nhiều năm qua, năng suất lúa liên tục tăng phá vỡ nhiều kỷ lục. Sản lượng gạo xuất khẩu từ 1 triệu tấn năm 1991 đến năm 2012 đã tăng lên 7,72 triệu tấn. Giá trị kim ngạch cũng tăng từ chưa đầy 1 tỉ USD năm 1991 lên tới 3,5 tỉ USD năm 2012. 

Nếu chỉ nhìn vào đó mà suy luận sẽ dễ ngộ nhận rằng đời sống người trồng lúa theo thời gian cũng tăng tỉ lệ thuận với những con số khả quan này. Dù đời sống nông thôn đã có nhiều thay đổi tích cực, song trên thực tế lợi nhuận của người trồng lúa không hề có được những bước “nhảy vọt” ngoạn mục đó, thậm chí còn diễn biến ngược trong những năm gần đây. 


Cần có sự tham gia của nông dân khi xây dựng, thực thi và đánh giá tác động của chính sách. Trong tương lai gần, Việt Nam nên cải cách thể chế và khuyến khích lập ra hiệp hội người trồng lúa để thật sự đại diện và bảo vệ quyền lợi của chính nông dân.


Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm 2006-2010, giá lúa cổng trại tăng hơn gấp rưỡi, nhưng lợi nhuận trung bình người trồng lúa thu về lại “rớt” thê thảm từ trên 40% xuống trên 20%. Ngay tại đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa chính của cả nước - trung bình thu nhập nông dân chỉ là 535.000 đồng/tháng, bằng một nửa mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định và không nhỉnh hơn ngưỡng nghèo bao nhiêu. 

Cho đến thời điểm này, trồng lúa vẫn là nguồn sinh kế chủ yếu cho nhiều hộ nông dân, một phần cũng bởi chưa tìm ra được cây gì, con gì thay thế và việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp cũng không đơn giản. 

Ai được lợi từ giá gạo tăng? 

Kể từ khi hạt lúa Việt hội nhập, giá lúa trên thị trường quốc tế và giá lúa trong nước có sự tương đồng về độ tăng giảm. Chẳng hạn, khi gạo trên thị trường quốc tế lên đến mức cao nhất 1.000 USD/tấn (giữa năm 2008), giá lúa trong nước cũng tăng cao, những tưởng nông dân trồng lúa còn hơn được mùa. 

Nhưng những điều tra thực tế gần đây (*) của Oxfam hợp tác với Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) thực hiện lại cho thấy, chẳng hạn năm 2011 tại tỉnh An Giang, trong số ba tác nhân tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu (nông dân, thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu), nông dân phải bỏ mức chi phí cao nhất (63%, chưa tính công lao động của các thành viên gia đình họ). 

Trong khi đó, thương lái và các doanh nghiệp xuất khẩu chia đều 37% còn lại. Nếu tính tổng giá trị, mỗi hộ nông dân chỉ thu được 27,3 triệu đồng cho cả năm lao động vất vả, trong khi mỗi thương lái trung bình thu về 300 triệu đồng, và mỗi doanh nghiệp xuất khẩu thu lợi nhuận 25 tỉ đồng một năm. Chưa hết, phần lớn những đợt giá gạo xuất khẩu lên cao đều do tác động từ tăng mạnh giá xăng dầu, giá phân bón hay mất mùa. 

Song, việc thiếu kỹ năng thị trường và thiếu những tổ chức thật sự đại diện cho quyền lợi của mình, những người nông dân nhỏ lẻ thường khó có thể bán được lúa vào đúng thời điểm giá cao và có lãi nhất. 

Kết quả điều tra, phỏng vấn sâu của nhóm nghiên cứu với hai doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho thấy trong hai đợt gạo xuất khẩu tăng giá năm 2008 và 2010, giá gạo tăng đã giúp lợi nhuận của hai doanh nghiệp này tăng vọt: từ 7% năm 2007 lên 99% năm 2008 và 97% năm 2010, mặc dù mức tăng doanh thu của cả hai đều không đáng kể. 


Thu hoạch lúa xong nông dân mỏi mòn chờ thương lái mua - Ảnh: Đức Vịnh



Hạt lúa từ nông dân làm ra phải qua thương lái, qua nhiều doanh nghiệp trung gian mới đến đơn vị đầu mối xuất khẩu gạo - Ảnh: Đức Vịnh


Cuộc chơi của những ông lớn và những bất cập trong chính sách

Mặc dù có trên 200 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo, nhưng cuộc chơi này chủ yếu nằm trong tay một số “ông lớn” - thường là các doanh nghiệp nhà nước hoặc cổ phần. Ví dụ, số liệu của năm 2008 cho thấy mười doanh nghiệp nhà nước xuất gần 70% lượng gạo bán ra thị trường quốc tế. Riêng sản lượng của hai công ty Vinafood 1 và Vinafood 2 chiếm tới 50% lượng gạo xuất khẩu của năm đó. 

Chính phủ Việt Nam đã thông qua hàng loạt chính sách can thiệp duy trì sản xuất và bình ổn thị trường lúa gạo. Tính từ đầu năm 2008 đến giữa năm 2012 có khoảng 20 chính sách khác nhau. Trong cuộc khủng hoảng năm 2008 đã có năm chính sách được ban hành trong vòng sáu tháng, từ tháng 3 đến tháng 9, nhằm ổn định giá trong nước và hạn chế tác động của sự biến động giá thế giới. 

Nhiều chính sách được kỳ vọng đem lại thu nhập hợp lý cho nông dân, ví dụ nghị quyết 63 về đảm bảo 30% lợi nhuận cho nông dân trồng lúa; quy định giá sàn thu mua lúa; hỗ trợ 100% lãi suất cho doanh nghiệp vay mua tạm trữ lúa. Nhưng trên thực tế các chính sách thường thiên vị doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu mà nông dân hầu như không được hưởng lợi. 

Đơn cử chính sách thu mua tạm trữ. Thông qua việc hỗ trợ 100% lãi suất vay 3-4 tháng để mua trữ lúa, tránh tình trạng rớt giá khi được mùa cho nông dân lúc thu hoạch. Tuy nhiên, nông dân lại không được lợi, bởi họ ít bán trực tiếp cho doanh nghiệp mà chủ yếu bán cho thương lái ngay tại ruộng. Phần nữa, tranh thủ thời gian linh hoạt ba tháng, doanh nghiệp thường chỉ chọn mua khi giá thấp. 

Đồng thời, thời điểm thu hoạch và thời gian áp dụng chính sách thu mua tạm trữ có sự vênh nhau. Thời gian thu hoạch ở các tỉnh tương đối khác nhau nhưng thời gian cho chính sách thu mua tạm trữ lại cố định. Cơ chế này dù nhắm đến việc hỗ trợ nông dân nhưng trên thực tế các doanh nghiệp mới là người hưởng lợi. Còn người trồng lúa chỉ được “tiếng” mà không có “miếng”.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), mức hỗ trợ lãi suất của Chính phủ giúp doanh nghiệp tham gia tạm trữ vào khoảng 15 USD cho mỗi tấn gạo. Như vậy, riêng lãi suất hỗ trợ thu mua 1 triệu tấn gạo đã mất 15 triệu USD. Con số này tương đương 57% ngân sách nhà nước dành cho khuyến nông của cả năm 2012, phục vụ gần 10 triệu nông hộ trong cả nước.

Vì vậy, nếu thật sự muốn giảm rủi ro do rớt giá và có cơ hội cải thiện thu nhập cho nông dân, Chính phủ nên cân nhắc các khoản vay cho cả nông dân và doanh nghiệp ký hợp đồng mua bán trực tiếp với nông dân. 

Nông dân chờ được bàn chính sách

Mặc dù người sản xuất ra hạt gạo chính là nông dân, nhưng họ không có tiếng nói trong các quyết sách của Chính phủ liên quan đến sản xuất và xuất khẩu lúa. Trên thực tế, hội nông dân, cơ quan đại diện của người trồng lúa, không được tham vấn trong các chính sách trên, mà chỉ có VFA, đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tham gia. 

Thực tế cho thấy việc người trồng lúa có hưởng lợi từ xuất khẩu gạo hay không phụ thuộc nhiều vào mức giá bán lúa, vào hệ thống kho thực hiện tạm trữ để tránh tình trạng “trúng mùa, rớt giá” và cơ chế cho phép xác định mức giá thu mua lúa không quá thấp so với giá xuất khẩu.

Oxfam và IPSARD nêu ra nhiều kiến nghị quan trọng trong một báo cáo mới công bố mang tên “Ai hưởng lợi từ giá gạo tăng cao?” (tháng 10-2013), trong đó nhấn mạnh đề nghị: đối với mỗi chính sách liên quan đến lúa gạo, người nông dân cần được tham vấn. Việc tham gia quá trình lập chính sách, cơ chế này sẽ giúp các chính sách đi vào cuộc sống thực tế và tăng hiệu quả trong việc thực thi. 

Thứ hai, Chính phủ nên cân nhắc nâng cao mức hỗ trợ người trồng lúa về mặt công nghệ, liên kết tổ chức sản xuất để giúp họ tăng ưu thế và khả năng thương thảo. Thứ ba, thực hiện cơ chế đấu thầu đối với các hợp đồng G2G để đảm bảo các doanh nghiệp có sân chơi công bằng. Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng kho dự trữ lúa gạo để thu mua kịp thời, giúp nông dân tránh được tình trạng “trúng mùa, rớt giá”. 

Thứ năm, thống nhất mức giá sàn từ đầu vụ và tính đủ các chi phí thành phần trong sản xuất. Cuối cùng, và cũng hết sức quan trọng, là việc quy hoạch phân vùng giữa lúa sản xuất hàng hóa và lúa cho tiêu dùng cần được hoàn thành và đưa các gói chính sách riêng về sản xuất, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng tại từng vùng cho phù hợp với từng mục đích sản xuất lúa. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận