TTCT - Có nhiều lý do để kiếm quốc tịch thứ nhì. Các bài quảng bá chương trình nhập tịch bằng đầu tư mô tả những bãi biển thanh bình và hứa hẹn khả năng thông hành dễ dàng hơn. Hộ chiếu Antigua và Barbuda rất “đắt hàng” ở khu vực Caribê. Ảnh: passpro.co Kèm theo đó là nhiều triển vọng hấp dẫn khác như bảo vệ gia đình khỏi chiến tranh, bảo vệ tài sản (thường đồng nghĩa với tránh thuế thu nhập), tránh bị khủng bố (ví dụ với công dân Mỹ khi ra nước ngoài). Ngành mua bán hộ chiếu trên toàn cầu béo bở và đang tăng trưởng nhanh, kết nối người giàu có từ những nơi Trung Quốc, Nga và Trung Đông với những chương trình nhập tịch theo diện đầu tư khắp thế giới. Một trong những yếu tố hấp dẫn nhất với người muốn nhập tịch bằng đầu tư là các loại hộ chiếu đó được miễn thị thực hơn 100 nước, trong đó có các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Đáng nói hơn, điểm đến giờ không chỉ là các nước giàu, mạnh, phúc lợi tốt. Nhờ quá khứ thuộc địa, các đảo quốc vùng Caribê có hộ chiếu được miễn thị thực tới nhiều nước đang là mốt thời thượng mới. Các nước lớn cũng chưa cảm thấy cần hạn chế nhập cảnh với công dân của các nước khá nhỏ này và một tấm hộ chiếu ở đó trở thành mục tiêu cho nhiều công dân Trung Quốc hay Nga, vốn vẫn phải xin thị thực rườm rà nếu muốn đi Mỹ hay châu Âu bằng hộ chiếu “gốc” của họ. Ngành tăng trưởng nhanh Ở Canada nơi tôi sống từng có chương trình nhập cư diện kinh tế cấp liên bang, cho phép người có tài sản ròng ít nhất 1,6 triệu USD và đồng ý đầu tư 800.000 đôla ở Canada có thể trở thành thường trú nhân. Khi chấm dứt chương trình vào năm 2014 vì có quan ngại về gian lận, ngành này đã trở nên rất lớn ở Canada với nhiều chuyên viên tư vấn, bán hàng và cả giới công chức thành thạo thủ tục, có trong tay danh sách khách hàng lớn và một mạng lưới quan hệ khắp thế giới. Chính quyền lo ngại các chương trình bán quốc tịch dễ bị bọn tội phạm và khủng bố lợi dụng, bởi một số nước chưa quan tâm đúng mức về nguồn gốc tiền trước khi cấp tấm hộ chiếu giúp “đi khắp thế gian”. Hồi tháng 6-2017, những quan ngại đó từng khiến Chính phủ Canada bỏ chính sách miễn thị thực cho người mang hộ chiếu từ đảo quốc Antigua và Barbuda. Ba năm trước, Chính phủ Canada cũng làm tương tự với St. Kitts và Nevis, một đảo quốc khác ở vùng Caribê. Không chỉ có Canada phải lo lắng. Ngày 1-12-2017, một phái đoàn của Nghị viện châu Âu do bà Ana Gomes đứng đầu đã đưa ra cảnh báo về chương trình nhập tịch bằng đầu tư của Malta, một thành viên EU. Cảnh báo bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc bán hộ chiếu Malta cho người nước ngoài mà không tiết lộ danh tánh của người mua. Chương trình này rất được người Nga ưa chuộng. Bà Gomes nói: “Do hết sức mập mờ, hệ thống này có rủi ro nhập khẩu tội phạm và hoạt động rửa tiền vào cả EU”. Việc bán quốc tịch cũng gây tranh luận lớn và dai dẳng ở Mỹ. Phát biểu trước Ủy ban các lực lượng vũ trang của Thượng viện hồi tháng 3-2015, tướng John Kelly nói chương trình “bán hộ chiếu” là một trong những mối đe dọa an ninh với nước Mỹ, có thể bị bọn tội phạm, khủng bố hay các phần tử bất chính lợi dụng (ông Kelly hiện là chánh văn phòng của Tổng thống Donald Trump). Trong báo cáo chiến lược phòng chống ma túy quốc tế năm 2017, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu đích danh Chương trình nhập tịch bằng đầu tư (CIP) của Antigua, Barbuda và St. Kitts có thể bị lợi dụng cho hoạt động rửa tiền và các tội ác tài chính. Cần biết Antigua và St. Kitts chỉ là hai trong số nhiều nước trong ngành kinh doanh bán quốc tịch đang rất sôi nổi. Theo Christian Kälin - chủ tịch Hãng tư vấn Henley & Partners, khoảng 30-40 nước có các chương trình nhập tịch hoặc thường trú diện kinh tế đang được triển khai và 60 nước có điều khoản về chương trình như vậy trong luật. Armand Arton, tổng giám đốc Arton Capital - một trong những hãng tư vấn quốc tịch thứ hai lớn nhất thế giới, nói: “Nhu cầu bùng nổ chủ yếu do tình hình bất ổn chính trị khắp thế giới 10 năm qua”. Ông ước tính mỗi năm có 25.000 người mua quốc tịch thứ nhì và con số này sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới, do thêm nhiều nước tham gia và chi phí mua quốc tịch sẽ giảm. Các chương trình bán hộ chiếu có thể tiếp tay cho giới quan chức tham nhũng ở nhiều nước, tranh của Tenny Adamian.-Ảnh: envreport.com Phao cứu sinh và những tranh cãi Các chương trình này có thể là mỏ vàng cho các nước đang phát triển thiếu tiền, thậm chí trong một số trường hợp chiếm tỉ trọng lớn trong toàn bộ GDP của nền kinh tế. Sau khi bị châu Âu cắt trợ cấp làm điêu đứng ngành sản xuất đường cách đây hơn một thập niên, St. Kitts và Nevis đã tiên phong ngành “bán quốc tịch”. Kể từ đó, nước này đã bán hơn 10.000 hộ chiếu với giá ít nhất 250.000 USD một giao dịch, tạo ra nguồn thu đáng kể cho 2 hòn đảo chỉ có 55.000 dân và GDP 1 tỉ USD này. Nước láng giềng Dominica mỗi năm bán khoảng 2.000 hộ chiếu với giá “chỉ” 100.000 USD. Vince Henderson, đại sứ Dominica tại Liên Hiệp Quốc, thậm chí gọi chương trình này là “phao cứu sinh” với đất nước ông, sau khi đảo quốc Caribê bị bão nhiệt đới Erika tàn phá năm 2015. Năm 2017, 148/340 triệu đôla trong ngân sách Dominica là tiền thu từ chương trình nhập tịch đầu tư! Thủ tướng của Antigua từng nói nếu không có chương trình bán hộ chiếu, nước ông hẳn đã vỡ nợ. Peter Vincent, từng là cố vấn an ninh nội địa của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, nói Mỹ quan ngại về một nhóm nhỏ nhưng có thể gây tác hại lớn lợi dụng các chương trình nhập tịch bằng đầu tư: “Đó là các tội phạm và tổ chức khủng bố quốc tế muốn tránh né luật pháp, tránh bị truy tố tại nước mình hay các tòa án quốc tế”. Naomi Hirst, thuộc Tổ chức chống tham nhũng Nhân chứng toàn cầu, nói các chương trình nhập tịch bằng đầu tư là một phần nghiễm nhiên “trong bộ công cụ tham nhũng”. “Điều đầu tiên các quan chức biển thủ công sản nghĩ tới là tìm cách thoát khỏi đất nước họ. Sẽ vô ích nếu tham nhũng giỏi mà không hưởng thụ được” - Hirst phân tích. Những chương trình bán quốc tịch kiểu này từng gây nhiều ồn ào, thậm chí sự cố ngoại giao quốc tế, khi “có biến”. Chẳng hạn, cơ quan điều tra Mỹ nói Jho Low, nghi can trong vụ bê bối tham nhũng quy mô lớn liên quan tới quỹ đầu tư nhà nước 1MDB của Malaysia, có hộ chiếu St. Kitts và Nevis. Hay Francesco Corallo, doanh nhân Ý trong danh sách bị Interpol truy nã, đã mua một hộ chiếu ngoại giao của Dominica và đòi quyền miễn trừ ngoại giao với lý do là đại diện thường trực của đảo quốc này tại Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc. Corallo hiện bị giam giữ ở St. Maarten, một lãnh thổ bé nhỏ thuộc Hà Lan ở vùng Caribê, đợi dẫn độ về Ý với các cáo buộc trốn thuế và hối lộ. Hay năm 2016, ba công dân Trung Quốc đã mua quốc tịch Antigua gây ra một sự cố ngoại giao khi một người bị cáo buộc gian trá trong hồ sơ, còn hai người kia đang bị chính quyền Trung Quốc truy nã! Dù đã có nhiều sự cố xảy ra, nhưng giới chuyên môn nhận định các chương trình này sẽ đơn giản tiếp tục tăng tốc vì có cả cung lẫn cầu và về cơ bản, rất nhiều người muốn có một quốc tịch thứ hai vì nguyên nhân chính đáng (hoặc đơn giản vì họ có đủ tiền). Tuy nhiên, cả nhà chức trách lẫn giới môi giới quốc tịch đều muốn một môi trường minh bạch và những bộ công cụ hiệu quả hơn để tiện lợi cho cả việc làm ăn lẫn việc quản lý. Ông Arton nói vấn nạn của một số chương trình, như chương trình ở St. Kitts và Antigua, là chưa làm đủ để sàng lọc ứng viên. Những quan ngại dẫn tới các sáng kiến làm trong sạch hình ảnh của ngành “kinh doanh quốc tịch”, như việc lập các hiệp hội ngành và đưa ra một số khuyến nghị. Ví dụ, Arton đề xuất nên có một chương trình chung cho các nước vùng Caribê và một cơ sở dữ liệu về những ứng viên bị bác hồ sơ. St. Kitts và Nevis đang cố gắng khôi phục uy tín. Do áp lực quốc tế, chính phủ nước này đã thu hồi hàng ngàn hộ chiếu và cấp các hộ chiếu mới, chi tiết hơn để khó giấu danh tánh của người được cấp. Hành động dứt khoát này diễn ra sau khi Canada quyết định bãi bỏ quyền miễn thị thực cho công dân St. Kitts và Nevis. Để thể hiện quyết tâm thay đổi, St. Kitts và Nevis đã thuê một hãng quản lý rủi ro quốc tế để kiểm toán chương trình của mình. ■ So sánh các chương trình nhập tịch bằng đầu tư Antigua và Barbuda: 250.000 - 1,5 triệu USD, được miễn thị thực 132 nước. Saint Kitts và Nevis: 250.000 - 400.000 USD, được miễn thị thực 132 nước, không bắt buộc về thời gian thường trú. Dominica: 100.000 - 200.000 USD, được miễn thị thực 91 nước, giải quyết hồ sơ nhanh (3-6 tháng), không có thời gian thường trú bắt buộc, không phỏng vấn bắt buộc. Saint Lucia: 200.000 - 3,5 triệu USD, được miễn thị thực hơn 100 nước. Mỹ: 500.000 - 1 triệu USD (thị thực EB-5), thường trú, có khả năng được nhập tịch sau 5 năm, phải thường trú ở Mỹ, nhất là trong 2 năm đầu, việc thuế má và kê khai tài chính rất phức tạp. Quebec, Canada: 645.000 - 1,6 triệu USD, có thể được nhập tịch sau 4 năm, phải biết tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Úc: 587.000 - 1,2 triệu USD, có thể được nhập tịch sau 4 năm. Malta: 330.000 - 684.000 USD, được miễn thị thực tới 168 nước. Cyprus: 360.000 - 2,4 triệu USD, được miễn thị thực tới 159 nước, cho phép song tịch, nhưng hai năm phải tới Cyprus tối thiểu một lần. Anh: 2,7 - 13,5 triệu USD, có khả năng được nhập tịch, nhưng phải ở Anh ít nhất 50% thời gian. Bồ Đào Nha: 300.000 - 600.000 USD, có thể được nhập tịch sau 5 năm, chỉ cần thường trú 7 ngày trong năm đầu. Nguồn: Investment Migration Council, The Economist Tags: Hộ chiếuThị trường hộ chiếuMua bán quốc tịch
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Đề xuất vàng mã, túi nilông, thuốc diệt cỏ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt THÀNH CHUNG 22/11/2024 Bên cạnh đề xuất bổ sung một số mặt hàng vào diện chịu thuế thì một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị giãn áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Ban Hiệu suất Chính phủ Mỹ yêu cầu nhân viên liên bang quay lại làm việc toàn thời gian KHÁNH QUỲNH 22/11/2024 Ban Hiệu suất Chính phủ do hai tỉ phú Elon Musk và Vivek Ramaswamy lãnh đạo tuyên bố sẽ yêu cầu viên chức quay lại làm việc tại văn phòng 5 ngày/tuần như thời điểm trước đại dịch COVID-19.